Thứ Năm

'Văn là Người', nhưng không phải là tất cả...

"Trên đường thành công không có vết chân của những kẻ lười biếng!" - Lỗ Tấn
(ai đó bảo, bởi chúng thuê xe chở đi hết cả rồi.)

Sự thật, hồi còn đi học, tôi cực ghét môn văn. Thế hệ chúng tôi, văn chương là thứ phù phiếm, xa xôi, như chỉ dành cho lũ mộng du, yếu đuối, dở hơi...

Mãi đến năm vào cấp 3, tôi mới bắt đầu học văn một cách thích thú. Nguyên nhân, bắt đầu từ ông thầy Thuỷ. Thầy sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Học xong 10+3, Thầy đi dạy học. Trong kí ức của tôi, Thầy Thuỷ to cao, đẹp trai, mái tóc hất ngược, mắt sáng. Nhớ nhất là nụ cười tươi với cái miệng rất rộng, cởi mở của Thầy. Thầy chơi bóng chuyền, bóng rổ rất hay.

'Văn là Người', nhưng không phải tất cả, bố tặng con gái, sau cú sốc bị điểm kém môn văn đầu tiên
Giờ văn, Thầy thường chỉ kể chuyện. Những câu chuyện cuốn hút một cách kì lạ. Điểm 8 văn đầu tiên tôi nhận được là một bài văn Thầy chấm. Nó như một liều thuốc kích thích, khiến tôi tự tin hơn vào môn học, lâu nay vẫn chỉ được điểm trung bình.

Giáo viên dạy văn, rất quan trọng. Vẫn là tôi, đang chán ghét giờ văn. Vậy mà lại mong đến giờ văn lúc nào không biết. Năm 74, tôi học lớp 10, Thầy đi bộ đội. Hết nghĩa vụ, Thầy chuyển về bộ giáo dục, làm vụ phó hay vụ trưởng một vụ lớn của Bộ.

Thầy mất trong một chuyến đi thăm quan ở Lào Cai. Một đứa trẻ vô ý, trượt chân xuống thác nước. Thầy lao xuống cứu nó. Dòng nước xiết cuốn Thầy đi...Nghe tin Thầy mất, cực kì bàng hoàng.
Chả hiểu có bao nhiêu người sẵn sàng lao xuống dòng nước xiết, cứu một đứa trẻ không phải máu mủ? Cô Bảo - vợ Thầy, nghẹn ngào kể lại câu chuyện thương tâm trong nước mắt...
Xã hội thay đổi, càng ngày càng nhiều người vô cảm. Chuyện Thầy Thuỷ cứu đứa trẻ, nếu chỉ nghe kể, tưởng như một sáng tác, nửa thực, nửa hư.

Chuyện đang đâu lại thích học văn, còn nguyên nhân nữa, giờ mới mới khai. Có con bé cùng lớp, trắng trẻo, xinh và tròn. Nó học giỏi văn. Thích nó, nên tôi cũng chú tâm hơn đến môn văn. Tôi là một thằng hiếu thắng, không chịu được ánh mắt của nó nhìn mình, mỗi khi Thầy trả bài.
Trong suốt những năm học cấp 3, tôi luôn đứng đầu toàn trường về thành tích học tập cũng như thành tích nghịch ngợm.

Không chấp nhận bị thua điểm nó; mê thầy Thuỷ giảng văn và hơi bị thích nó, tôi bắt đầu để ý học văn. Năm lớp 10, chả hiểu loạng quạng thế nào, tôi bất ngờ được giải văn cấp tỉnh trong một cuộc thi tôi tham gia chỉ vì thiếu người. Sau đó, tôi vào đội tuyển thi văn miền Bắc...
Vào đại học kiến trúc, tôi học khá đều. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi sự sáng tạo. Tốt nghiệp loại giỏi, tôi vẫn cảm thấy mình thiếu khiếu sáng tác.

Công chức nhà nước những năm 80, nghèo kinh khủng. Tôi bắt đầu quẫy đạp tìm đường, bỏ mặc lời hứa của ông bộ trưởng, nếu ở lại, sẽ cho tôi đi nghiên cứu sinh, đào tạo cán bộ nguồn...
Khó và cũng không muốn nói lại, là tôi đã đúng hay sai.
Dẫu sao thì tôi đã tự chọn cho mình một lối đi. Lỗ Tấn bảo, "...kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi." Hihi.

...Cuộc đời tôi sẽ đi theo một ngả khác, nếu tôi học văn. Thành cái gì không nói trước được, nhưng biết đâu lại theo nghề Thầy Thuỷ. Tôi vẫn kiên định thi khối A, từ Bách khoa chuyển sang học Kiến trúc. Ra trường thành một kiến trúc sư làng nhàng, chả có tác phẩm nào đáng kể. Tham gia qui hoạch chỗ nọ chỗ kia. Phá một vài đô thị lớn ví dụ, Nha Trang, Sài Gòn và Hà Nội...
Năm 92, tôi chuyển làm doanh nghiệp.

Không tiêu biểu, không sao vàng đất Việt, không có bất cứ danh hiệu nào.

Tôi làm nghề. Có lẽ là tụ tập một nhóm làm nghề thì đúng hơn. Doanh nghiệp còi còi, chả tên tuổi gì. Được cái có quan hệ tốt nên việc khá đều. Anh em gắn bó nên làm ăn nhì nhằng, đủ sống. Hình như tôi mang sẵn trong mình máu mạo hiểm. Quyết định làm liên doanh đầu tiên với nước ngoài về tư vấn và làm cái vũ trường Queenbee to nhất Hà Nội những năm 90 là một ví dụ.
Không ân hận. Không nuối tiếc. Theo nghề, biết đâu giờ dính vào 8B Lê Trực. Con cái, gia đình bị thiên hạ chửi. Mà họ đang chửi đúng mới nhục.

...Con gái tôi, học khá. Riêng môn toán, không ổn. Với tôi, chả quan trọng. Tôi không tin, ai học giỏi toán cũng thành Ngô Bảo Châu. Tôi hướng nó học những môn nó thích. Hình như nó có chút năng khiếu viết lách, lý sự.

Hôm rồi, bị điểm kém môn văn lần đầu, Nó rất buồn. Tôi coi là chuyện bình thường.

Giáo viên dạy văn khó hơn bất kì giáo viên dạy môn nào khác. Dạy văn, ngoài yêu cầu lôi cuốn, hấp dẫn học sinh, còn phải dạy làm Người. Điều này đòi hỏi thế hệ giáo viên đại trà hiện nay, là một sự không tưởng. Những cái máy dạy, sẽ cho những sản phẩm khô khan, nghèo nàn về cảm xúc.
Đây là chuyện lớn hơn. Chuyện của ngành giáo dục. Chuyện đào tạo, chuyện cải cách, chuyện làm sách giáo khoa, chuyện mua bán bằng cấp, học vị, chuyện lương thưởng, đãi ngộ...
Không chỉ học sinh giờ lười đọc, người lớn cũng vậy. Liếc thấy dài dài là không muốn đọc. Văn hoá đọc sách, đang bị các phương tiện truyền thông đặc biệt là truyền hình giết dần, chết mòn.

Tôi bảo nó, hãy tự học, hãy tìm sách mà đọc. Với tôi, Lỗ Tấn là một trong những nhà văn đáng đọc nhất. Sách giáo khoa, khi giới thiệu về Lỗ Tấn, chỉ nói về AQ. Thực ra, Lỗ Tấn đâu chỉ viết mỗi AQ.
Lỗ Tấn (1881-1936) quê phủ Thiệu Hưng, tỉnh Triết giang. Sinh trưởng trong một gia đình lớn ở đô thị, từ bé chịu giáo huấn của sách vở và thầy đồ, nên xem đại chúng cần lao như bức tranh hoa điểu. Dù cảm thấy cái giả dối và thối nát của xã hội thượng lưu, song LT vẫn hâm mộ cái yên vui của nó. Quê ngoại LT là một vùng quê nghèo khổ, khiến ông thỉnh thoảng gần gũi nông dân, dần biết họ suốt đời bị áp bức, chịu bao đau khổ, chứ đâu có được như bức tranh hoa điểu.

Trở thành người viết văn, Lỗ Tấn dùng truyện ngắn lần lượt viết ra sự phù phiếm, vô cảm và trụy lạc của cái gọi là xã hội thượng lưu và nỗi bất hạnh của tầng lớp dưới.
Xin trích ở đây một đoạn văn của Lỗ Tấn trong truyện ngắn "Cố hương", khi ông về quê Mẹ, chuẩn bị vĩnh biệt ngôi nhà tuổi thơ, rời bỏ quê hương đến nơi làm ăn mới. Gặp lại Nhuận Thổ, người bạn thuở thiếu thời.

"...Bẩm vất vả lắm. Cháu thứ 6 cũng đã giúp được việc, nhưng nhà vẫn không đủ ăn, lại có được sống yên ổn đâu! Chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả. Mùa lại mất. Trồng được gì là gánh đi bán tất. Chỉ đóng thuế chợ là đã cụt vốn rồi. Không đem bán thì lại thối mục hết.
Anh cứ lắc đầu. Những nếp răn khắc sâu trên mặt anh tuyệt nhiên không động đậy. Trông anh phảng phất như một pho tượng đá. Có lẽ anh chỉ cảm thấy khổ nhưng không nói ra được hết, ngồi trầm ngâm một lúc, rồi cầm lấy dọc tẩu, lặng lẽ hút thuốc.

...Tôi đang mơ màng, thì trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển; trên vòm trời xanh đậm, treo lửng lơ một vừng trăng tròn vàng thắm. Tôi nghĩ bụng: đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi..."!
Tôi nhớ Thầy Thuỷ dạy văn 2 năm cấp 3 của tôi. Và tôi cũng nhớ luôn con bé xinh xắn, trắng trẻo học cùng lớp...

Nguy hiểm nhất, dạo này tự cảm thấy mình bắt đầu lười.

P/S. Bảo "Văn là Người.", nhưng không phải tất cả. Giờ, một bài thơ rất dở, một bài viết không quá xuất sắc, vẫn cãi nhau, không biết ai đạo của ai và ai là tác giả?
Ngay trong cái nghề cao quí này, có những nhà văn đã từng là Người, bị tha hoá bởi danh vọng, tiền tài, quyền lực, chuyển loài.

(tặng con gái, sau cú sốc bị điểm kém môn văn đầu tiên).
Hà Nội 12.10.2015.

Nguồn: Bui Huy Hoi Bui/blogcamxuc.net