Khi tôi viết status “Sapa – đường xa diệu vợi”, một người bạn rất thân của tôi inbox trò chuyện. Bạn bảo, “Mười lăm năm nay, năm nào tôi cũng đi Sapa. Có năm, đi hơn hai lần. Dĩ nhiên, tôi vẫn chọn được cho mình một chỗ riêng ở Sapa. Nhưng điều đáng buồn nhất Sapa đã không còn thân thuộc như xưa nữa, Sapa đã không còn là của riêng mỗi người nữa”.
Bạn lại nói, chính bạn cũng hiểu Sapa cần gì để người dân vẫn đảm bảo cuộc sống mà Sapa vẫn là Sapa, như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm… Tôi góp chuyện, “Một ngày Tết Dương lịch, Sapa thu hút 20 nghìn người. Một hôm Giỗ Tổ, Sapa đón gần 24 nghìn du khách”. Bạn reply bằng cái icon cười buồn.
Sapa – Một hơi thở dài! |
Tôi vẫn giữ quan điểm, xuyên suốt trong câu chuyện phát triển du lịch và giữ lại nét đặc trưng thì yếu tố cơ bản nhất bắt buộc phải xuất phát từ nhà quản lý. Doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi nhuận, bạn không thể nào nuôi hàng nghìn con người mà chỉ chăm chăm phụng sự xã hội. Và tầm nhìn quản lý sẽ điều chỉnh cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp, địa phương và người dân trên nền tảng cùng sinh lợi, cùng phát triển.
Dĩ nhiên, với một tỉnh như Lào Cai thì rất khó để từ chối những dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế. Bốc Sapa ra khỏi Lào Cai thì cũng như bốc Nha Trang ra khỏi Khánh Hòa, Mũi Né ra khỏi Bình Thuận vậy. Con gà đẻ trứng vàng lao vào quỹ đạo sinh lợi với tần suất dầy đặc.
Năm 2002, thu nhập bình quân đầu người của Lào Cai đạt 2,33 triệu đồng/năm. Đến năm 2015 đạt 39,4 triệu đồng/ người gấp 2,4 lần năm 2010.
Riêng về du lịch, năm 2015 tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai ước đạt khoảng 4.675,3 tỷ đồng. Dĩ nhiên, số tiền này không chỉ tập trung từ Sapa, còn có nguồn thu từ một vài nơi khác, như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, khám phá, mạo hiểm gắn với tiểu vùng Fansipan, sông Chảy, du lịch văn hóa, cộng đồng; du lịch tâm linh; du lịch mua sắm... Đặc biệt, thời gian qua, hàng loạt khu vui chơi, giải trí đã và đang được xây dựng đã góp phần quan trọng trong tăng lượng khách du lịch đến với Lào Cai. Điển hình là khu du lịch sinh thái Thanh Kim, Hàm Rồng, Cát Cát ở Sa Pa, khu Hồ Na Cồ ở Bắc Hà…
Câu chuyện ở Sapa hiện tại, tôi nghĩ chính là ngưng cấp phép các dự án mới, rà sát các dự án đã cấp phép nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện hoặc không đủ năng lực thực hiện để thu hồi. Giám sát các dự án đang xây dựng để tránh thêm một vệt dài đổ vỡ trong quy hoạch.
Còn giữ được chút nào thì cố giữ, có lẽ đó là giải pháp chính chứ không phải là cứ phản đối rồi lãng quên và khi nhớ thì tiếp tục lại phản đối.
Nguồn: FB Ngô Nguyệt Hữu