Thứ Sáu

Những danh nhân tuổi Thân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Blog Cảm Xúc trân trọng giới thiệu tới độc giả một số danh nhân tuổi Thân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước, phát triển văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.

Nguyễn Trãi, tuổi Canh Thân

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây cũ). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần.

Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất.
Nguyễn Trãi, tuổi Canh Thân
Lên 6 tuổi, mất mẹ, lên 10 tuổi, ông ngoại qua đời, ông về ở Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em đi theo chăm sóc. Nghe lời cha khuyên, ông trở về, nhưng bị quân Minh bắt giữ. Sau đó, ông tìm theo Lê Lợi. Suốt 10 năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Ông còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị. "Quân trung từ mệnh tập" là những thư từ gửi cho các tướng giặc và những giấy tờ giao thiệp với triều đình nhà Minh, nhằm thực hiện kế "đánh vào lòng", ngày nay gọi là địch vận. "Bình Ngô đại cáo" lấy lời Lê Lợi tổng kết 10 năm chống giặc, tuyên bố trước nhân dân về chính nghĩa quốc gia, dân tộc, về quá trình chiến đấu gian nan để đi đến chiến thắng vĩ đại cuối cùng giành lại hòa bình cho đất nước. "Lam Sơn thực lục" là cuốn sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. "Dư địa chí" viết về địa lý lịch sử nước ta. "Chí Linh sơn phú" nói về cuộc chiến đấu chống giặc Minh gian khổ và anh hùng. Các tác phẩm ấy đều là văn bằng chữ Hán.

Về thơ, có hai tập: "Ức trai thi tập" bằng chữ Hán, "Quốc âm thi tập" bằng chữ Nôm, tức chữ Việt. Đó là thơ cả một đời, từ lúc trẻ đến tuổi già, nhiều nhất là khoảng 10 năm tìm đường và thời gian về nghỉ ở Côn Sơn. Nội dung thấy rõ trong đó là tâm tình đối với quê hương, gia đình, với nước, với dân, với bao éo le trong cuộc đời...

Nguyễn Tri Phương, tuổi Canh Thân

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên, quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên
.
Ông xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên công nghiệp lớn. Năm Quý Mùi (1823), ra làm quan cho triều Nguyễn. Ông từng giữ các vị trí quan trọng trong triều đình và được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế). Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Nguyễn Tri Phương đôn đốc quân chống giặc Pháp đang tấn công thành
Năm 1873, đô đốc Dupré của Pháp phái đại uý Francis Garnier mang một toán gồm 171 binh sĩ tinh nhuệ và hai pháo thuyền ra Bắc thực hiện ý đồ chiếm thành Hà Nội. Để khỏi hao đạn, tốn người và đỡ mang tiếng xấu, ban đầu, Garnier đưa ra nhiều yêu sách với mục đích khiến quan trấn thành Nguyễn Tri Phương và quân sĩ nhụt chí chiến đấu mà bỏ thành.
Tuy nhiên các yêu sách đó đều thất bại, rạng sáng ngày 20/ 11/1873, Garnier bất ngờ đánh úp Hà thành. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và rơi vào tay giặc. Bắt được Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, quân Pháp tìm cách chạy chữa hòng mua chuộc ông. Nguyễn Tri Phương từ chối thẳng thừng yêu cầu đắp thuốc chữa trị vết thương của chúng, tuyệt thực tuẫn tiết để khẳng định tinh thần bất khuất của người Việt Nam trước giặc ngoại xâm. Lời đáp trả đanh thép của ông trước quân giặc càng thổi bùng lên tinh thần “vì việc nghĩa” ở khắp nước Nam: “Bây giờ nếu ta chỉ lăy lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.

Dương Bá Trạc, tuổi Giáp Thân

Dương Bá Trạc (1884 -1944), hiệu là Tuyết Huy, quê làng Phú Thị, huyện Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà cách mạng, nhà báo, nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc. Theo Vũ Ngọc Phan, trong các nhà văn đi tiên phong ở nửa đầu thế kỷ 20, ông được kể là một người lỗi lạc.

Vốn có tư chất thông minh, lại được cha rèn dạy (cha ông là Dương Trọng Phổ - một nhà nhà Nho có tư tưởng tiến bộ), năm 16 tuổi Dương Bá Trạc thi đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900). Năm Giáp Thìn (1904), ông cùng Phan Chu Trinh vào mật khu Yên Thế bàn việc nước với lãnh tụ Hoàng Hoa Thám.
Dương Bá Trạc
Nhận thấy cái học cử nghiệp từ chương đã lỗi thời, cuối năm Bính Ngọ (1906), ông cùng với Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Lương Văn Can lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Dương Bá Trạc đảm nhiệm việc dạy học, diễn thuyết, bình văn và biên soạn các tập sách mới, soạn dịch những thơ văn về địa lý, sử ký dễ hiểu dễ nhớ và dễ truyền bá. Vì còn trẻ tuổi lại hoạt động rất tích cực, Dương Bá Trạc được các bạn đồng chí lớn tuổi hơn gọi là “Dương thiếu niên”.

Năm 1910, Dương Bá Trạc bị an trí ở Long Xuyên. Mặc dù bị thực dân quản thúc, Dương Bá Trạc đã sớm bắt liên lạc với Nguyễn Thượng Khách (còn gọi là Biện Khách), Dương Bá Trạc cùng với Nguyễn Thượng Khách đã hình thành nên một nhóm hoạt động tích cực ở Long Xuyên. Tại Long Xuyên, Dương Bá Trạc lấy nghề dạy học, bốc thuốc làm kế sinh nhai. Cũng giống như thời kỳ hoạt động ở Đông Kinh Nghĩa Thục, Dương Bá Trạc đã khéo léo đem tinh thần yêu nước truyền sang các học trò.

Tháng 1/1917, Dương Bá Trạc được Toàn quyền Albert Sarraut ký nghị định ân xá, cho về Hà Nội. Sau hơn sáu năm hoạt động ở Long Xuyên, Dương Bá Trạc đã để lại dấu ấn nhất định đối với phong trào yêu nước. Các hoạt động kinh tài của nhóm Dương Bá Trạc, Nguyễn Thượng Khách ở Long Xuyên đã hỗ trợ tích cực cho các cuộc vận động yêu nước.

Hoàng Ngọc Phách, tuổi Bính Thân

Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) là tác giả tiểu thuyết Tố Tâm, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm đã được giáo sư Michele Sullivan và Emmanuel Lê Ốc Mạch dịch sang tiếng Pháp.

Hoàng Ngọc Phách ra đời vào giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ, giai đoạn mà xã hội Việt Nam đòi hỏi những bước chuyển mình từ cái cũ sang cái mới. Đó là giai đoạn mà những tinh hoa của nền văn học Phương Tây, tiêu biểu là văn học Pháp tác động mạnh mẽ và tạo nên những biến đổi về chất trong văn học Việt Nam và thấm dần vào các tầng lớp trí thức tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ trong ý thức của họ. Lịch sử văn học Việt Nam đã chọn Hoàng Ngọc Phách làm người thể hiện những bước chuyển về chất ấy - người mở cánh cửa đầu tiên cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Tác phẩm “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách đã tạo nên một cuộc cách tân lớn trong nghệ thuật, ông trở thành người đi tiên phong mở đường cho cả phong trào tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn sau này.

Hoàng Ngọc Phách không chỉ là một nhà văn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học và sự trưởng thành của khoa học xã hội, mà ông còn là một nhà giáo thế hệ của những người khai sinh ra nền giáo dục của chế độ mới.

Đào Duy Từ, tuổi Nhâm Thân

Đào Duy Từ (1572-1639) là nhà chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, bậc công thần số một của triều Nguyễn. Sự nghiệp của ông là đặc biệt to lớn đối với dân tộc và thời đại mà ông đã sống. Ông bắt đầu thi thố tài năng từ năm 53 tuổi đến năm 62 tuổi thì mất. Chỉ trong 9 năm ngắn ngủi (1625-1634), Đào Duy Từ đã kịp làm nên kỳ tích phi thường: Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chống cự thành công với họ Trịnh ở phía Bắc; mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh; đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn, sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao.
Đền thờ Đào Duy Từ
Đào Duy Từ mang tâm nguyện và chí hướng lớn lao như vua Trần Thái Tông: “Nếu chỉ để lời nói suông cho đời sau, sao bằng đem thân mình đảm nhận trọng trách cho thiên hạ trước đã”. Di sản của ông không chỉ là trước tác mà là triều đại. Ông là nhà thực tiễn sáng suốt có tầm nhìn sâu rộng lạ thường. Ngay trong trước tác của ông cũng rất trọng gắn lý luận với thực tiễn. Binh thư “Hổ trướng khu cơ” gắn với những danh tướng cầm quân lỗi lạc một thời Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến. Vũ khúc, tuồng cổ Sơn Hậu gắn với di sản văn hóa Huế lưu dấu mãi cho đến tận ngày nay. Việc sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao gắn với hệ thống chính trị tiến bộ hợp lòng dân. Ông thật xứng danh là bậc kỳ tài muôn thuở với những di sản còn mãi với non sông.

Phan Châu Trinh, tuổi Nhâm Thân

Phan Châu Trinh (1872-1926) là nhà thơ, nhà văn, và là chí sĩ thời cận đại trong lịch sử Việt Nam và người chủ trì vận động Duy Tân dân chủ.

Phan Châu Trinh còn được gọi Phan Chu Trinh, tự là Tử Cán, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam.

Năm 28 tuổi, Phan Châu Trinh đỗ Cử nhân (1900), 29 tuổi đỗ Phó bảng (1901). Năm 1902, Phan Châu Trinh được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện (một chức quan nhỏ) Bộ Lễ và đến năm 1904 cụ xin từ quan.
Phan Châu Trinh, tuổi Nhâm Thân
Phan Châu Trinh dành nhiều thời gian cho việc sáng tác văn thơ và kết giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế… đọc “tân thư”, tiếp thu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây, tìm hiểu cuộc Duy tân ở Nhật Bản. Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Tại Pháp, Phan Châu Trinh viết “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt kí”, nói về cuộc dân biến ở Trung Kỳ năm 1908; “Đông Dương chính trị luận”, phê phán chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương. Năm 1912, cùng với Phan Văn Trường thành lập “Hội đồng bào thân ái”. Năm 1920, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền hình thành nhóm “Ngũ Long” (nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp).

Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, nhân dân Sài Gòn - nhất là học sinh -nồng nhiệt chào đón cụ. Khi Phan Bội Châu bị Hội đồng đề hình Pháp xử mức án “khổ sai chung thân”, Phan Châu Trinh gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương đề nghị ân xá cho Phan Bội Châu. Tháng 11/1925, Phan Châu Trinh diễn thuyết tại nhà Hội thanh niên Sài Gòn về “Đạo đức luân lý Đông - Tây”; “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.

Sau hai lần tù tội, 14 năm lao động vất vả nơi xứ người, Phan Châu Trinh gầy yếu và bệnh nặng. Ngày 24/3/1926, nhà cách mạng ái quốc Phan Châu Trinh trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 55 tuổi. Một Hội đồng trị sự được thành lập ngay đêm đó để lo việc an táng cho cụ, ngày 4/4/1926 khắp từ Nam chí Bắc đều tự động làm lễ bãi khóa và lễ quốc táng nhà chí sĩ Phan Châu Trinh rất trọng thể để chứng tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và mến tiếc nhà cách mạng đã suốt đời vì dân vì nước.

Thu Hà/danh nhân lịch sử