Thứ Sáu

Người Việt mở miệng là 'chém', là chê là chứng tỏ bản thân hơn người!

Thời buổi mạng xã hội lên ngôi, người ta cho mình cái quyền được “nói như dao chém đá” dù chưa biết thực hư thế nào, đúng sai ra sao

Ông bà ta dạy rằng sống ở đời phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói: “Lời nói, đọi máu”. Ngẫm lại mới thấy lời nói ghê gớm, quan trọng biết chừng nào.

“Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời”. Một lời nói đáng giá có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Nếu đơm đặt, dựng chuyện nhằm sai lệch bản chất sự việc, nào khác gì “lời nói tựa nhát dao”. Do tầm quan trọng của lời ăn tiếng nói nên một khi lời đã thốt ra khỏi miệng thì hối cũng không kịp.

Người Việt mở miệng là 'chém', là chê là chứng tỏ bản thân hơn người!
Người Việt còn có thành ngữ: “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”. Muốn được như thế, ắt phải “nói có sách, mách có chứng”, chứ không thể “nói điêu nói ngoa”, “nói ngược nói xuôi”... Chỉ cần nói đúng sự thật, tự nó đã là một giá trị, một sức mạnh hùng hồn, cần gì phải thêm mắm thêm muối, “nói lếu nói láo”. Bằng không, “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”.

Khổ nỗi, thời buổi này, trong giao tế hằng ngày, ai ai cũng cho mình cái quyền “được ăn, được nói”. Cũng tốt thôi! Duy đáng tiếc ở chỗ là chỉ mới nghe loáng thoáng, chưa kiểm chứng sự việc đúng/sai thế nào, có người đã quả quyết chắc nịch như thể mình là người trong cuộc, tận mắt chứng kiến sự việc.

Mới đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama có đến thăm chùa Ngọc Hoàng. Một hãng tin nước ngoài đưa tin “giật gân”, đại loại có nhà sư gợi ý với ông Obama về việc cầu nguyện để có con trai (!).

Dù chưa kiểm chứng, chỉ mới nghe thông tin một chiều nhưng dư luận đã mắng sa sả nhà sư đó. Về hành động thô lậu này, người Việt gọi là “ăn theo nói leo”, “ăn càn nói bậy”, “ăn ốc nói mò”, “ăn tục nói phét”... Mà sự thật thế nào? Giáo sư tôn giáo học Dương Ngọc Dũng - người có mặt, hướng dẫn Tổng thống Mỹ tham quan chùa - cho biết sư trụ trì Thích Minh Thông không nói câu nào với ngài tổng thống và chính ông (Dũng) mới là người giải thích về việc người dân hay đến chùa này cầu con trai...

Đành rằng vì tâm lý “nói cho sướng miệng” nên cứ “nói như két” nhưng rồi ai là người thấu hiểu nỗi lòng đau khổ, muộn phiền, ấm ức của người bị mắng oan? Ông bà ta bảo: “Lời nói gió bay” nhưng một khi nói sai lệch, đặt điều về ai đó, thử hỏi khác gì “ngậm máu phun người”!

Khi ca sĩ Mỹ Linh hát Quốc ca trong dịp chào mừng Tổng thống Obama tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), có nhiều dư luận khác nhau về cách cảm thụ âm nhạc. Điều này rất bình thường, mỗi người có “gu” thưởng thức âm nhạc tùy theo nhận thức, cảm xúc... Thế nhưng, do không thích nên không ít người “ném đá” một cách quá tay. Họ nghĩ rằng ý kiến của mình là trúng và đúng, là “chuẩn không cần chỉnh” nên cứ việc mắng bằng thích.

Hỡi ôi! Trình bày quan điểm của cá nhân không có nghĩa được quyền đối với người khác bằng cách “nói cạnh, nói khóe”, “nói như móc họng”, “nói như đấm vào tai”. Trong tranh luận văn hóa, chẳng ai chấp nhận thái độ khệnh khạng, trịch thượng đó - mà nghĩ cho cùng cũng chỉ là nhận thức của “ếch ngồi đáy giếng”.

Thói xấu đó đã trở thành căn bệnh của người Việt rồi chăng? Thì cứ ngẫm nghĩ và quan sát sẽ nhận ra ngay. Chẳng hạn, chứng kiến sự thành công của thiên hạ, ta có ưu ái dành cho lời khen, rồi tự ý thức phải cố gắng, nỗ lực được như họ? Hay ta lại “vạch lá tìm sâu” cho bằng được khiếm khuyết dù nhỏ nhất để cười cợt hả hê, phê bình họ cho bõ ghét?

Hiện nay, có tâm lý phổ biến ở nhiều nơi nhiều chốn: Không ít người hễ mở miệng ra, bất kỳ sự việc gì cũng... chê! Dù “ăn chưa nên đọi, nói chưa nên lời” nhưng gặp việc gì cũng “nói như thánh, như tướng”, chê tất tần tật, phủ nhận sạch trơn. Cái sự “chê ỏng chê eo” đó đáng tiếc là nó không xuất phát từ chính kiến, nhận thức mà bằng thái độ hùa theo. Dù chẳng biết rõ hư thực nhưng thấy người ta chê/khen lại nháo nhào “té nước theo mưa”, chẳng khác gì “theo voi ăn bã mía”.

Bàn chuyện “ăn theo nói leo” thì vô cùng, chi bằng, xin mượn lời dặn dò của ông bà để tự răn: “Ăn có nhai, nói có nghĩ”.

Đừng chê bai để chứng tỏ bản thân!

Khi lên tiếng phê bình hay than phiền về một điều gì đó, chúng ta muốn chứng tỏ với người khác và bản thân rằng ta không thờ ơ, vô cảm mà vẫn còn quan tâm, lo lắng. Ta thấy hình ảnh của mình được nâng lên trước việc thể hiện thái độ bức xúc. Từ đó, ta đâm nghiện việc chê bai, “ném đá”. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khi giơ một ngón tay để chỉ trích một ai đó thì có đến ít nhất 3 ngón tay trên bàn tay đó của chính mình đang chỉ ngược lại về phía ta. “Trao yêu thương sẽ nhận yêu thương” là nguyên tắc bất biến trong giao tiếp và ứng xử mà những người có hiểu biết thực hiện hằng ngày.

Người Lao Động