Chủ Nhật

Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn

Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh ấy: những con gấu bông, những chú thỏ, những bức tranh nguệch ngoạc đúng nét vẽ của bọn trẻ, những món đồ chơi cũ, rất nhiều nến và hoa tươi cùng những cái tên được viết trên mặt đất, trên những chiếc áo, những tấm bìa carton.
Và cả những tấm chân dung. Trên đó, tất cả đều cười. Những người phụ nữ, những người đàn ông, những đứa trẻ. Họ chết trong ngày Quốc khánh Pháp 2016 trên đại lộ lớn nhất và dài nhất của Nice, Promenade des Anglais, là nạn nhân của một vụ khủng bố bằng xe tải. Kẻ giết người đã lao chiếc xe ấy vào đám đông đang trong cuộc vui.

Nhưng có một cảnh tôi cũng không thể quên được khi có mặt ở Nice vài ngày sau đó: cuộc sống vẫn tiếp diễn. Ngay phía biển, cách không xa nơi đã xảy ra thảm kịch, người ta vẫn vui vẻ tắm nắng và nô đùa với sóng. Trên quảng trường phía trước mặt, người ta vẫn hát, các đôi thanh niên vẫn hôn nhau, các quán cà phê vỉa hè vẫn đông người như không có chuyện gì tồi tệ vừa mới xảy ra. Châu Âu là thế. Không nỗi đe doạ nào có thể ngăn cản cuộc sống, cuộc vui, những bữa tiệc tại đây diễn ra.

Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn
Một người Pháp nói với tôi rằng, điều mà bọn khủng bố mong muốn là nỗi sợ hãi sẽ biến cuộc sống của họ thành địa ngục, buộc họ phải thay đổi lối sống. “Chúng căm ghét cuộc sống văn minh”, ông nói. “Chúng sợ hãi ánh sáng và tìm cách nhân lên cả sự hận thù bằng việc mượn xung đột tôn giáo. Chúng không doạ được chúng tôi đâu”.

Thế nên tôi tin, ở Berlin, người ta cũng nghĩ thế sau vụ tấn công bằng xe tải lao vào chợ Giáng Sinh ở thủ đô nước Đức đêm 19/12.

Một người bạn Đức sống ở Berlin trả lời email của tôi về việc anh nghĩ thế nào trước những gì đã xảy ra. “Tôi may mắn không có mặt ở chợ Giáng Sinh vào thời điểm ấy”, anh viết. “Nhưng sau những gì đã xảy ra, không có gì thay đổi trong những kế hoạch đi chơi Giáng Sinh và Năm mới của gia đình tôi”. Nhưng liệu anh có sợ hãi sẽ xảy ra những điều tệ hại tiếp không? “Không” - anh nói, dù thừa nhận rằng chúng ta không thể lường trước các nguy cơ.

Những nguy cơ đã hiện hữu từ lâu. Các vụ tấn công đã xảy ra liên tục ở châu Âu kể từ vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo tháng 1/2015. Pháp bị khủng bố. Rất nhiều người đã chết. Bỉ cũng vậy. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu nằm trong vòng xoáy của những xung đột ở Syria và vấn đề người Kurd. Nước Đức từng rúng động vì những vụ tấn công vào phụ nữ trong đêm Giao thừa 2016 ở Cologne. Và bây giờ, đến lượt Berlin, ở chợ Giáng Sinh, một không gian truyền thống và đẹp đẽ, đầy màu sắc và âm thanh. Tấn công vào chợ Giáng Sinh - không chỉ gửi một thông điệp tôn giáo như mọi khi - chúng còn muốn làm thay đổi thói quen sống của hàng trăm triệu người châu Âu sắp đón Giáng Sinh, buộc họ ở nhà, tránh xa các khu chợ truyền thống, các siêu thị, các nhà thờ, phủ một bóng đen đầy khiếp hãi lên họ.

Anh bạn ở Berlin bảo rằng, những nguy cơ khủng bố ở châu Âu giờ đang lớn hơn, và nước Đức cần phải cảnh giác hơn. Người ta cũng thừa hiểu rằng, càng thất bại trên các chiến trường dẫn đến mất lãnh thổ chiếm được, IS càng khát khao trả thù phương Tây. Nhưng rồi anh viết, “thế nhưng trong cuộc sống này, chúng tôi còn nhiều nỗi lo khác lớn hơn là khủng bố, như thất nghiệp, cuộc sống đầy bấp bênh...”.

Quan điểm ấy có thể được một người bồi bàn tôi đã gặp ở Paris chia sẻ. Anh phục vụ bàn ở một quán cà phê gần nhà hát Bataclan, nơi đã bị IS tấn công vào đêm 13/11/2015 làm 130 người thiệt mạng. Anh không có mặt đêm đó ở quán, vì đã làm ca sáng. “Sau tất cả những gì xảy ra, tôi chợt nhận thấy cuộc sống này thật có ý nghĩa và phải cố gắng không để nó trôi đi mà không đọng lại điều gì” - anh nói với tôi - “Tự dưng tôi thèm có một người phụ nữ để ôm nàng và ái ân hàng đêm, thèm có một căn nhà của riêng mình để bày bừa ra rồi dọn, thèm có những chuyến đi đâu đó đến tận cùng thế giới. Tôi có tham quá không?”.

Những vụ khủng bố hóa ra lại khiến những người châu Âu tôi đã gặp nghĩ nhiều hơn đến những niềm vui sống bé bỏng hàng ngày, chứ không phải bức tranh chính trị vĩ mô. Và tất nhiên, họ không hề tham lam.

Sau những vụ khủng bố tại châu Âu, tôi chia sẻ trên Facebook cá nhân những suy nghĩ về niềm vui sống. Trước hàng loạt sinh mạng bỗng nhiên bị tước đoạt đi dễ dàng và vô lý ở đâu đó trên hành tinh, tôi tự hỏi rằng chúng ta đã biết trân trọng cuộc sống yên lành hiện tại chưa? Hay chúng ta đang thờ ơ?

Một kẻ phi xe lạng lách trên đường hoặc đi ngược chiều có thể đâm vào ta và người thân của chúng ta. Một kẻ bán thực phẩm vô lương tâm trộn lẫn các chất bẩn độc hại trong đồ ăn của chúng ta. Một kẻ ta không biết mặt có thể lăng nhục và xỉa xói chúng ta bằng những lời lẽ vô văn hoá cực độ chỉ vì ta và người đó không cùng quan điểm.

Có người sẽ nói rằng tôi nghĩ xa xôi, nhưng lời bộc bạch của người bồi bàn đã thoát chết ở Paris, khiến tôi không thể không nghĩ đến sự dửng dưng với quyền vui sống, mà mình vẫn gặp hàng ngày trên phố.

Trương Anh Ngọc/VNE