Thứ Năm

Đừng tước hết quyền giáo dục học sinh của thầy cô

Bên cạnh gia đình thì trường học là mái nhà thứ hai nuôi dưỡng trí tuệ, nhân cách cho con trẻ. Nhưng lắm lúc tôi nghĩ chúng ta đã đặt một gánh nặng quá lớn lên nhà trường khi vừa phải thực hiện song song nhiệm vụ dạy học và giáo dục. Và cứ chăm chăm vào đó mà bắt lỗi, kiện tụng.

Khi một đứa trẻ thiếu hụt kiến thức, người ta lập tức đổ lỗi cho giáo dục. Khi một đứa trẻ lệch lạc về nhân cách, người ta sẵn sàng trách cứ thầy cô đã dạy dỗ kiểu gì mà nên nỗi như thế. Nhưng gia đình và xã hội đã quên mất một điều quan trọng: Sản phẩm của giáo dục là con người với tính cá thể hóa rất cao.

Đến trường, các em sẽ được học thế giới tri thức bao la. Và quan trọng hơn là các em sẽ được rèn, giũa về lối sống, nhân cách, ứng xử để trở thành một đội viên tốt, đoàn viên tốt làm cơ sở cho một người công dân tốt. Tuy nhiên, mọi đối tượng của giáo dục không phải đều hoàn toàn giống nhau. Có em học giỏi thì cũng có em học yếu. Có em hiền ngoan thì cũng có em quậy phá, nghịch ngợm.

Đừng tước hết quyền giáo dục học sinh của thầy cô
Không thể lúc nào chúng ta cũng dùng tình yêu thương để cảm hóa được học sinh. Có những lúc mọi lời nói đều trở nên bất lực. Một vài hình thức xử phạt hợp lí là điều thật sự cần thiết để mọi thứ đi vào nề nếp, khuôn khổ, nhất là môi trường học đường.

Chính vì vậy, để tạo ra một môi trường học tập có kỉ luật, có nề nếp, cần phải có nội qui nhà trường, nội qui lớp học. Giống như xã hội cần phải có pháp luật để giữ vững an ninh trật tự. Và người vi phạm tất nhiên phải bị xử phạt. Nhưng có vẻ như chúng ta đang tước dần quyền giáo dục của nhà trường.

Tất nhiên chúng ta không cổ súy những hình thức xử phạt phản giáo dục như: đánh đòn các cháu tiểu học đến mức thâm tím mông, bắt học sinh nằm ngửa đổ xà phòng vào miệng hay bắt các em đứng phơi mình giữa cái nắng chói chang… Và cả những phát ngôn miệt thị nhân cách học sinh nữa… Tất cả các cách xử phạt ấy thật sự đã bạo hành về tinh thần và thể chất của học sinh.

Nhưng tôi thấy gần đây dư luận đang quá khe khắt với giáo viên khi các thầy cô áp dụng một số hình thức xử phạt con em mình. Học sinh nhuộm tóc đến lớp, nhà trường yêu cầu phụ huynh đến chở con em mình về nhuộm lại màu tóc và trong lúc chờ đợi thì “phạt” nhẹ các em đi tưới cây. Thế mà đã có nhiều ý kiến về chuyện không cho các em vào lớp và hình thức xử phạt ấy. Tôi nghĩ nhà trường đã hoàn toàn đúng khi yêu cầu các em chấp hành nội qui. Còn chuyện tưới cây, chỉ là một hình thức lao động chẳng nặng nhọc gì. Các hình thức xử phạt xuất phát từ tình yêu thương và tấm lòng thầy cô mong muốn các em sửa chữa nên người thì rất cần được cổ vũ.

Đó là còn chưa kể đến việc giáo viên chỉ đánh roi vào tay hoặc mông các cháu là phụ huynh đã làm to mọi chuyện lên, dọa cho giáo viên mất việc. Dần dần, nhà trường bỗng thấy “sợ” phụ huynh và giáo viên bắt đầu né tránh việc dạy dỗ học sinh. Điều đó là hiển nhiên, bởi chẳng ai dại gì đụng vào các em để rồi gánh lấy phiền phức, tai tiếng và thậm chí là bị kỉ luật và mất việc.

Nhưng nhà trường mà chỉ còn nhiệm vụ dạy học và mất đi vai trò giáo dục thì liệu con trẻ có nên người được hay không? Môi trường học đường không thể nào là chỉ truyền thụ tri thức và hoàn toàn thờ ơ với tâm hồn, nhân cách học sinh.

Muốn vậy, phải chăng phụ huynh và dư luận cần hạn chế bớt việc tước quyền giáo dục học sinh của giáo viên?

Thùy Mai/ Dân Trí