Thứ Sáu

Bầu cử tổng thống Mỹ: Lại một lần nữa NGƯỜI MỸ chứng tỏ mình là những tay làm MARKETING đại tài!

KỸ NĂNG MARKETING : BIẾN  CHÍNH TRỊ KHÔ KHAN THÀNH GAME SHOW LÔI CUỐN CẢ THẾ GIỚI 

Người Mỹ lại một lần nữa chứng tỏ mình là những tay làm marketing đại tài. Chính trị khô khan đến vậy mà họ cũng biến thành một game đầy sức hút cho toàn thế giới giải trí, theo dõi hồi hộp như một trận bóng đá siêu kinh điển. Cũng tường thuật trực tiếp, cũng bám đuổi tỷ số, cũng bình luận của các chuyên gia, cũng ngạc nhiên khi thế cờ lật ngược và cũng có các tỷ lệ của các kèo dự đoán, cá cược.

Và một lần nữa cho chúng ta thấy bài học: đừng tin vào những kết quả thăm dò, sự thực có thể khác hoàn toàn những gì ta dự đoán. Trước khi cuộc bầu cử chính thức được diễn ra, hầu hết mọi cuộc thăm dò và dự đoán đều nghiêng về Hillary Clinton, thậm chí cả 5 vị cựu tổng thống đang sống cũng ủng hộ Clinton, có những lúc tỷ lệ ủng hộ Clinton lên đến trên 80%. Vậy mà kết quả lại thuộc về một tay mơ về chính trị và quân sự - Donal Trump.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Lại một lần nữa NGƯỜI MỸ chứng tỏ mình là những tay làm MARKETING đại tài!
Mặt khác, kết quả cho thấy dân Mỹ thật tỉnh táo, không bị truyền thông tác động, dẫn dắt khi mà hầu hết các tờ báo lớn đều ném đá Trump, ủng hộ Clinton.

Xin chúc mừng nước Mỹ đã có vị tổng thống mới - một tổng thống khác biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hãy cũng chờ đợi những bất ngờ có thể tích cực hay tiêu cực của vị tổng thống đặc biệt này.

SÁCH LƯỢC THẦN THÁNH CỦA TRUMP: B1 : CHỈ TRÍCH NƯỚC MỸ QUÈ QUẶT . B2 : LÀM THẾ NÀO ĐỂ NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI LẦN NỮA?

Vậy là cuối cùng Trump đã chiến thắng. Một chiến thắng là mới hôm qua thôi, hiếm ai có thể nghĩ tới. Một chiến thắng mà tôi tin chắc là hầu hết công dân Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới lo lắng, sợ hãi, giận dữ hơn là vui mừng và chúc mừng. Một chiến thắng của sự sợ hãi. Điều này khiến tôi nhớ đến cảnh cuối trong tập kết thúc của phần 4 “House of Cards” vừa rồi, Frank Underwood và người vợ, cánh tay phải mưu lược của mình lại chuẩn bị cho một ván cờ chính trị lớn, đó là đánh vào nỗi sợ hãi của dân chúng. “Tôi chán việc phải quyến rũ trái tim của người khác lắm rồi. Chúng ta sẽ tấn công thẳng vào trái tim họ bằng nỗi sợ và sự hỗn loạn” – Claire Underwood, vị phu nhân tổng thống nói. Và Frank, như thường lệ, nhìn thẳng vào ống kính và nói tiếp, “Đúng vậy. Chúng ta không đầu hàng bọn khủng bố. Chúng ta tạo ra bọn khủng bố”.

Tại sao Trump chiến thắng khi hầu như tất cả các cuộc thăm dò trước đó đều cho rằng ông ta thất bại? Cá nhân tôi nghĩ rằng, dù số đông người Mỹ cho rằng ông ta là một tay tỷ phú lố bịch, kệch cỡm, thô lỗ và ngạo mạn, nhưng trong âm thầm, họ thèm muốn một kẻ như thế lãnh đạo như thế để thay đổi hình ảnh nước Mỹ trong nhiều năm qua: đánh mất vị thế vĩ đại của mình trên trường quốc tế. (Một kẻ lố bịch có khả năng vẫn tốt hơn những tay chính khách chỉ biết hứa suông). Và tôi cũng tin ông ta chiến thắng vì chiến dịch tranh cử thật mạnh mẽ đánh vào sự khao khát của họ: “Làm sao để nước Mỹ vĩ đại trở lại!”

Trong loạt phim truyền hình về đề tài báo chí mà tôi rất thích “The Newsroom” (Phòng tin tức) của kênh HBO, ngay trong pilot (tập mở đầu) của serie này mùa đầu tiên, có một đoạn phim dài khoảng 8’, sau đó được cắt dựng thành một clip độc lập và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội vài năm trước. Trong một cuộc đối thoại bàn tròn trước cử tọa, đa số là sinh viên đại học, một cô sinh viên năm hai hỏi: “Quý vị có thể nói cho tôi biết, một câu ngắn gọn thôi, tại sao nước Mỹ là quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới không?

Diễn giả thứ nhất trả lời, ngắn gọn: “Sự đa dạng và các cơ hội”
Diễn giả thứ hai ngắn hơn: “Tự do và tự do”

MC quay sang diễn giả thứ 3 chờ đợi một câu trả lời. Ông ta trả lời bằng một câu bông đùa, như lần trước. Tay MC quyết không tha và bắt ông ta phải trả lời nghiêm túc. Cuối cùng, Will McAvoy (Jeff Daniel đóng), người điều hành kiêm dẫn chương trình một kênh truyền hình tin tức đã tuôn ra một loạt các câu trả lời choáng váng, khiến tất cả cự tọa phải lặng cả người, còn cô sinh viên trẻ thì kinh ngạc.

“Mỹ có phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có tự do không à? Không. Anh có tự do, Pháp có tự do, Nhật, Úc, Canada, Bỉ… có tự do. 207 quốc gia trên thế giới, thì khoảng 180 quốc gia có tự do. Nước ta đứng thứ 7 về tỷ lệ biết chữ, đứng thứ 27 về toán học. Đứng thứ 22 về khoa học, thứ 49 về tuổi thọ, thứ 178 về tỷ lệ sơ sinh sống sót, thứ 3 về thu nhập bình quân trên hộ gia đình, thứ 4 về lực lượng lao động và thứ 4 về xuất khẩu. Chúng ta chỉ đứng đầu thế giới trong ba hạng mục: lượng phạm nhân bị giam giữ trên bình quân đầu người; lượng người trưởng thành tin là thiên thần có thật; và chi tiêu quốc phòng, nhiều hơn 26 quốc gia ở vị trí tiếp theo cộng lại, 25 trong số đó là đồng minh của ta.”

Trước sự ngỡ ngàng của cả đám đông, ông ta bồi tiếp: “Các bạn sinh viên, các bạn là thành viên của một thế hệ tồi tệ nhất từ trước tới giờ. Nên khi cô hỏi chúng ta có phải là quốc gia tuyệt vời nhất trên thế giới, tôi không biết là cô đang định hỏi cái quái gì. Chúng ta đã từng như vậy, chúng ta đã từng đứng lên vì lẽ phải. Chúng ta từng chiến đấu vì đạo đức. Chúng ta từng chống lại nghèo đói chứ không phải người nghèo. Chúng ta không vỗ ngực huênh hoang. Chúng ta xây dựng những công trình vĩ đại, đạt được thành tựu khoa học thần kỳ; tiến lên vũ trụ; đẩy lùi bệnh tật. Chúng ta đã vun đắp những nghệ sĩ xuất sắc nhất của thế giới cũng như nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng ta đã vươn tới những vì sao. Hành xử như những quý ông. Chúng ta đã khát khao tri thức chứ không hạ thấp nó. Chúng ta đã không phải định nghĩa bản thân qua người mà chúng ta chọn trong cuộc bầu cử. Và ta đã không sợ hãi một cách dễ dàng. Ta đã làm được những điều này và có được những điều này vì ta được giáo dục bởi những người vĩ đại, những người ta tôn kính. Nước Mỹ đã không còn là quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới.”

Tôi đồ là Trump phải xem series này, dù Trump là một người thù truyền thông nước Mỹ ra mặt (rồi đây không biết bọn truyền thông từng nhạo báng ông ta sẽ ra sao đây?). Trong cuốn sách tung ra trước mùa bầu cử: “Crippled America: How to make America Great Again”, Trump đã day đi day lại hình ảnh “crippled America” (nước Mỹ què quặt). Ông ta chỉ ra hàng đống những bất ổn của nước Mỹ hiện tại, tấn công trực diện vào bộ máy điều hành nước Mỹ ở Washington. Trump viết: “Các chính trị gia vận động tranh cử hoành tráng rồi cư xử như những kẻ thua cuộc hoàn toàn khi nắm quyền. Những kẻ vận động hành lang và các nhóm lợi ích đang thò tay vào túi của ta nhân danh thân chủ của chúng. Giới truyền thông lạc xa đến mức khi cần phải công bằng, họ không còn khái niệm gì về sự khác nhau giữa sự thật và tư kiến…”. Trump không ngại ngần nói, vị lãnh đạo vĩ đại cuối cùng của nước Mỹ là Ronald Reagan, còn lại chỉ là chính trị gia bất tài và cơ hội, làm cho nước Mỹ ngày càng xuống dốc. Trump thẳng cánh chê bai sự bất tài của Obama, chỉ trích chính sách Obamacare. Trump phê phán sự tệ hại của cơ sở hạ tầng nước Mỹ. Ông ta cho rằng các tổng thống Mỹ đổ tiền ra nước ngoài cho những điều vô nghĩa và để cơ sở hạ tầng trong nước quá tệ hại. New York tắc đường thảm họa và đầy ổ gà, cầu cống sắp sập đến nơi trong khi các nước đang lên đầu tư lớn để xây dựng các cơ sở hạ tầng của họ. Trump nói nếu bịt mắt một người nào đó của nước ngoài và đưa vào một sân bay ở Hongkong rồi mở mắt họ ra, đa phần họ nghĩ đó là sân bay Mỹ, trong khi làm điều đó tương tự với một sân bay ở Mỹ, như sân bay La Guardia ở New York chẳng hạn, họ sẽ nghĩ đó là sân bay của một nước thứ 3.”

Về truyền thông Mỹ, Trump đòi dạy dỗ lại giới truyền thông về lý lẽ và tiền. Trump trích dẫn nguyên văn lời nhạo báng của một nhà báo kèm lời bình luận của mình. Ông viết: “Tay Jonah Goldberg thật sự ghê tởm của tờ National Review vẫn bất tài như thường lệ khi viết: ‘Tranh cãi với Trump cũng giống như việc mặc cho một đứa trẻ đáng yêu mới biết đi trang phục cướp biển của Viking và lắng nghe nó dọa rằng nó sẽ vây ráp ngôi làng của tôi và tàn sát mọi kẻ ngáng đường. Rất dễ thương. Rất vui nhộn. Thậm chí có thể hơi khó chịu nếu đứa trẻ đó diễn trò quá lâu… Nhưng với những lời huênh hoang sáo rỗng của Trump, điều duy nhất bạn không bao giờ xem trọng là những lời nói đó”.

Đọc đến đây tôi cười ha hả. Tôi không biết giờ đây “tay nhà báo Jonah Goldberg thật sự ghê tởm của tờ National Review vẫn bất tài như thường lệ” nghĩ gì về chiến thắng của Trump?

Sau khi chỉ trích và chê bai hết thảy về một “nước Mỹ què quặt”, Trump bắt đầu vế hai của chiến dịch, cũng là phần quan trọng nhất của ông ta trong giấc mơ ngồi vào Nhà Trắng: “Làm sao để nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Trong chương “May mắn được làm người Mỹ”, Trump viết: “Tôi biết mình đã may mắn đến nhường nào. Vào ngày tôi được sinh ra, tôi đã trúng giải độc đắc của chương trình xổ số vĩ đại nhất trái đất.”

Trump không ngừng tự hào về giấc mơ Mỹ và các giá trị Mỹ. Trump là một người khá truyền thống khi đề cao các giá trị gia đình, đức tin tôn giáo và sự chăm chỉ làm việc. Trump viết, nghe có vẻ rất khác con người thực dụng của ông ta, khiến tôi tưởng nó được viết ra bởi một con người thông tuệ như Henry David Thoreau: “Phần lớn mọi người tin rằng khi giàu lên, họ sẽ tự động hạnh phúc. Tôi sẽ không giả vờ nói rằng giàu có đem lại rất nhiều cơ hội tuyệt vời, song nó không nhất thiết phải khiến bạn hạnh phúc. Tôi học được rằng tài sản và hạnh phúc là hai điều hoàn toàn khác nhau.”

Tôi không biết Trump có tìm được hạnh phúc trong cuộc đời ông ta không, nhưng tài sản của ông ta là một danh sách đăng kín 13 trang, dài dằng dặc các kỷ lục và các con số. Và Trump không ngừng tự hào, thậm chí rất phô trương khi nói về chúng. Khi sở hữu một lâu đài lớn ở Palm Beach, Florida, một tòa lâu đài được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia, một tòa lâu đài đẹp nhất từng được xây dựng và khu bất động sản được cho là có giá trị nhất bang Florida, Trump đã cho dựng một lá cờ Mỹ siêu lớn, cao khoảng 24m, để thể hiện sự tự hào của nước Mỹ. Điều này khá trái mắt và thành phố Palm Beach yêu cầu Trump thu nhỏ cờ hoặc tháo xuống nhưng Trump vẫn ngoan cố giữ nguyên. Thành phố Palm Beach sau đó xử phạt 250 đô/ ngày cho đến khi Trump tháo cờ xuống, khiến Trump kiện ngược lại thành phố, đòi bồi thường 25 triệu đô vì xâm hại các quyền trong Tu chính án… Trump là một doanh nhân có tầm nhìn của một nhà chính trị, không dễ bắt nạt và đầy các lý lẽ để bảo vệ các giá trị của mình.

Trump không ngừng khoe khoang khối tài sản bất động sản khổng lồ của mình khắp nước Mỹ và thế giới. Trump cho phục hồi và xây dựng lại những công trình bị bỏ hoang hoặc xuống cấp thành những tòa nhà đẹp nhất, ngay tại thành phố New York và hái ra tiền và luôn cho thuê 100%. Trump khoe những tòa building chọc trời ở Manhattan, từ Đại lộ số 5 đến Đại lộ Công viên, từ khu Soho đến khu phố Wall, từ bờ sông Hudson hoang vắng đến một khu đô thị sầm uất hái ra tiền khi Trump đầu tư vào đó. Trump tiếp tục khoe những tòa cao ốc khác ở Chicago, San Francisco, Las Vegas và hệ thống sân golf cao cấp ở Queens, Bronx và rất nhiều sân golf khác ở Scotland…

Sau khi khoe xong tài sản, Trump bắt đầu hứa hẹn và lên các kế hoạch cải tổ nước Mỹ nếu ông ta được nắm quyền. Những điều hứa hẹn đó, ông ta đã ra rả trong suốt gần một năm vừa qua, tôi nghĩ không cần phải nhắc lại nữa. Trong các chiến dịch vận động, Trump luôn đả kích giới chính trị gia chỉ biết nói suông, hoặc nói nhưng không bao giờ làm, điều đó trá ngược hoàn toàn với con người ông ta. Trong chương “Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”, Trump viết lời hiệu triệu: “Chúng ta đang ở một giai đoạn bước ngoặt quan trọng của lịch sử đất nước, không chỉ cho bạn, cho tôi mà còn cho con cái chúng ta. Nước Mỹ có thể phải vật lộn, có thể què quặt, nhưng chúng ta có thể trỗi dậy trở lại. Thời của chúng ta chưa hết, nó vẫn ở đây, và tiềm năng thật phi thường.“

Khi Trump lên làm tổng thống Mỹ, tôi không biết điều gì sẽ diễn ra cho công dân nước này và cho thế giới? Tôi không biết những lời thề độc của các nghệ sĩ có thành hiện thực? Cher có từ bỏ công dân Mỹ sang nước khác sống? Samuel L.Jackson cũng thế? Robert DeNiro có còn đòi đấm vào mặt Trump? Meryl Streep sẽ sang nhà ôm bà Hilary khóc như thế nào? Tôi không biết truyền thông Mỹ rồi sẽ ra sao? Những nhà báo suốt ngày nhạo báng Trump có bỏ nghề hay bẻ cong ngòi bút? Tôi không biết thân phận những người nhập cư sẽ ra sao? Và tầng lớp trung lưu nước Mỹ sẽ được hưởng lợi những gì?

Nhưng có một điều chắc chắn, Trump là một kẻ hành động, một kẻ lao động miệt mài suốt cả cuộc đời mình để xây dựng nên khối tài sản khổng lồ. Nhưng sự giàu có cộng với quyền lực, lại là quyền lực của một kẻ đứng đầu nước Mỹ và ảnh hưởng lên cả thế giới, không biết điều gì sẽ diễn ra?

Trong “Công dân Kane”, Kane đã từng một tay xây dựng nên đế chế vĩ đại của mình và rồi cuối cùng tự chôn vùi mình trong đó. Ông ta từng nói rằng, “nếu tôi không quá giàu có, có thể tôi sẽ trở thành một người vĩ đại.”

Còn Trump, liệu ông ta có thể vừa giàu có vừa đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại không, trong nhiệm kỳ 4 năm lãnh đạo sắp tới, như lời hứa chắc như đinh đóng cột của chiến dịch vận động vang như chuông đồng trong suốt năm qua? Hay đó chỉ là những lời hứa hẹn hoa mỹ đã kết thúc ngay sau khi ông ta vừa được tin chiến thắng tại tòa tháp Trump giữa trung tâm New York trong hôm nay?

Còn tôi, lúc này, chợt nghĩ từ “Rosebud” trong kiệt tác “Công dân Kane” và câu quote của Claire Underwood trong “House of Cards”:
“Tôi chán việc phải quyến rũ trái tim của người khác lắm rồi. Chúng ta sẽ tấn công thẳng vào trái tim họ bằng nỗi sợ và sự hỗn loạn”.

Hãy chờ xem.

DÂN MỸ KO CÒN TIN TRUYỀN THÔNG MỸ

Điều tôi cảm nhận mạnh nhất sau cuộc bầu cử này chính là sự kết thúc của độc tôn chân lý của truyền thông Mỹ. Chúng ta hãy nhớ lại đúng 25 năm trước đây khi LX sụp đổ, Mỹ trở thành độc tôn lãnh đạo thế giới và truyền thông Mỹ đã trở thành độc tôn chân lý từ đó. Bất kỳ điều gì truyền thông Mỹ nói ra toàn thế giới phải nghe theo, coi đó nghiễm nhiên đúng mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục truyền bá rất nhiều thông tin không chính xác, thậm chí xuyên tạc lịch sử theo hướng có lợi cho Mỹ. Mãi đến tận hôm qua, rất rất nhiều người vẫn còn nghĩ rằng H. Clinton sẽ phải thắng vì bà là tượng trưng cho nền dân chủ Mỹ, còn D.Trump chỉ là 1 tên độc tài, không phù hợp với nước Mỹ. Như vậy chính nước Mỹ đã nói không với truyền thông Mỹ.

GIỮA MỘT BÊN KO ĐÁNG TIN VÀ MỘT BÊN ĐẦY MẠO HIỂM, DÂN MỸ ĐÃ QUYẾT ĐỊNH MẠO HIỂM ĐỂ THAY ĐỔI

Mình không nói đến các chính sách chính trị hứa hẹn của 2 ứng viên trong tương lai, vì thực ra cho đến giờ cũng chưa thực sự có bất cứ chính sách chính trị nào rõ ràng ngoài những phát ngôn chung chung, nên mình sẽ tập trung phân tích quyết định của người dân Mỹ nói chung. Tại sao Trump lại chiến thắng?

Xu hướng chủ nghĩa dân tộc tăng cao (đã xảy ra với Brexit). Người dân Mỹ đã mệt mỏi với việc chính phủ tập trung vào lợi ích nhóm và các chính sách ngoại giao tiêu tốn hàng tỷ đô la. Họ muốn một chính quyền mới đặt trọng tâm vào dân tộc, vào lợi ích của chính công dân - là những giá trị truyền thống dân tộc. Hãy tưởng tượng một ứng viên tại VN đứng lên tuyên bố đã quá mệt mỏi với việc bị phụ thuộc vào TQ và muốn tập trung phát triển nội lực kinh tế đất nước, muốn quay lại những giá trị cốt lõi của dân tộc để thoát khỏi sự phụ thuộc đó, thì liệu bạn có bầu cho người đó không.
Hãy tập trung vào thông điệp mà Trump liên tục nhắc đến và hứa hẹn. “Make America great again”. Tại sao rất nhiều người đồng ý với thông điệp này? Có phải bởi chính họ cũng tin rằng nước Mĩ hiện nay đang là một mớ hỗn độn được tạo ra từ những chính quyền trước kia và cần phải có một sự “thay đổi"? Hillary mang đến cảm giác của một chính quyền Obama thứ hai không hơn không kém - Một chính quyền thất bại trong việc tạo ra việc làm và một nền kinh tế ổn định.

Xuất thân và phong cách quyết liệt của Trump: Donald Trump xuất thân là một người làm kinh doanh chứ không phải người làm chính trị, vì vậy những giá trị cốt lõi mà ông hứa hẹn, ví dụ như tạo ra việc làm, là hoàn toàn có thể tin được. Cộng với một bối cảnh người dân đã mệt mỏi với những lời hứa suông từ các chính trị gia nhiều năm qua, Trump cùng với thông điệp “hướng đến giá trị truyền thống" đã đánh đúng tâm lý đám đông, và phong thái quyết liệt “có vẻ thẳng thắn hơn” không giống ai đã giúp ông ghi điểm. Người dân muốn THAY ĐỔI và họ đặt cược vào người nào quyết liệt hơn trong hành động. Và Trump hiện lên là một ứng viên hoàn hảo đem lại cảm giác của một sự THAY ĐỔI

Đối thủ của ông, Hillary Clinton, có một danh sách các scandal từ thời chồng bà làm tổng thống cho đến tận bây giờ (Ai muốn biết thêm có thể google). Vì thế hình ảnh của bà trong mắt hơn 70% người dân Mỹ luôn rất mập mờ không đáng tin. Điều này thể hiện hoàn toàn rõ ràng khi bà chỉ chiến thắng những bang Dân Chủ lâu đời như California, New York, etc). Còn những bang Swing Vote mà nhiệm kì trước ủng hộ Obama (như Florida, Ohio, North Carolina, Pennsylvania) đều quay lưng với bà. Rất nhiều người ủng hộ đảng Dân Chủ lâu năm cũng bỏ phiếu cho Trump vì lí do trên. Điều này không có nghĩa là Trump tốt hơn, mà nó có nghĩa rằng giữa Trump và Hillary thì Trump xấu ít hơn.

Đối với mình, dựa trên chiến dịch bầu cử của Hillary và Trump, thì có thể coi đây là cuộc bầu cử tổng thống kém chất lượng nhất trong lịch sử. Một bên là một lựa chọn không đáng tin, còn một bên là một lựa chọn đầy mạo hiểm. Tuy nhiên người Mỹ đã đưa ra quyết định, và họ lựa chọn sẽ mạo hiểm với Trump để đổi lấy một sự THAY ĐỔI, mong rằng, tốt đẹp hơn.
Đây là một bài học chính trị to lớn đối với những nước dân chủ rằng, người dân mới thực sự là người nắm quyền lực. Hãy lắng nghe và đáp ứng những gì nhân dân mong muốn.
Anyways, congrats Donald Trump, the 45th US President! Let’s make America great again, as you’ve promised.

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU DONALD TRUMP NGAY SAU KHI GIÀNH THẮNG LỢI

“Tôi vừa nhận được điện thoại từ bà Clinton. Bà ấy chúc mừng chúng ta về chiến thắng của mình. Tôi cũng chúc mừng bà và gia đình vì chiến dịch tranh cử hết sức khó khăn mà họ đã trải qua. Bà ấy đã làm rất tốt. Hillary đã làm việc rất chăm chỉ và nghiêm túc trong suốt một thời gian dài. Chúng ta nợ bà ấy lòng biết ơn vì những gì bà ấy đã làm cho nước Mỹ.

Giờ là lúc để hàn gắn những vết thương (mà chiến dịch tranh cử đã để lại). Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là lúc để chúng ta đoàn kết lại với nhau như một dân tộc thống nhất. Tôi cam kết với mọi công dân rằng tôi sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ. Điều này rất quan trọng với tôi.

Với những người đã không chọn tôi, tôi sẽ tiếp cận họ để nhận những lời góp ý và hỗ trợ để chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một đất nước đoàn kết vĩ đại.

Làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ bắt đầu nhiệm vụ cấp bách là xây dựng lại đất nước. Tôi từng biết một nước Mỹ rất tốt với những tiềm năng to lớn và mỗi người Mỹ đề nhận ra tiềm năng của chính mình. Chúng ta sẽ sửa những thành phố từ bên trong. Chúng ta xây dựng lại cơ sở hạ tầng và tạo ra hàng triệu việc làm. Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ chăm sóc những cựu binh vĩ đại của nước Mỹ.”

OBAMA THÌ QUÁ THÁNH THIỆN VÀ KO BIẾT NƯỚC MỸ MẠNH Ở ĐÂU. CÒN CLINTON THÌ GIẢ DỐI. NÊN TRUMP LÀ SỰ LỰA CHỌN TỐT HƠN

Vậy là mọi chuyện đã ngã ngũ. Nước Mỹ vẫn sáng suốt. Đó là điều vĩ đại của đất nước này.

Mình quý Trump vì ông trần tục từ trong ra ngoài. Không như vợ chồng Clinton, trần tục bên trong mà bên ngoài tỏ ra thánh thiện (Chính Huy Đức là người cho mình biết điều này và làm mình thay đổi quan điểm về nhà Clinton. Và vụ hút xì gà thì là Namster cập nhật gần đây, he he). Còn Obama thì thánh thiện từ trong ra ngoài, nên đã làm nước Mỹ bay lơ lửng trong những năm qua, và trở nên yếu ớt trong vỏ bọc một siêu cường của dĩ vãng.

Nước Mỹ đã luôn vĩ đại vì sự trần tục của nó. (Albert Camus đã luôn đau khổ vì điều này khi tâm sự với Sartre khổ thân.) Đó không phải là Đế quốc La Mã thần thánh. Nó cũng đã bỏ tù không thương xót những ai muốn đưa Mỹ lên thiên đường cộng sản. Và nó đã thề không là một Châu Âu lục địa lần thứ hai.

***

Lần đầu tiên mình nhận ra sự chống đối quyết liệt sự thánh thiện hão huyền của Obama là khi ăn trưa với một giáo sư già đáng kính ở Đại học Pittsburg vào cuối tháng 4/2015. Ông già thâm trầm khiêm tốn bỗng trở nên giận dữ mỗi khi nhắc tới Obama: “Đó là một học giả. Một nhà tư tưởng. Không phải một chính trị gia. Không biết gì về việc hành chính. Chưa bao giờ điều hành thậm chí một tiểu bang!”

Tôi chỉ biết trố mắt nhìn ông giáo sư. Một người tôi hâm mộ. Và tôi còn hâm mộ Obama hơn thế.

“Tôi đã theo dõi mọi diễn văn của ông ta. Ông ta là một nhà hùng biện. Nhưng ông ta không biết sức mạnh Mỹ ở đâu. Ông ta thường kết thúc bài diễn văn một cách hùng hồn: Chúng ta tự hào là công dân của một siêu cường với hệ thống dân chủ tốt nhất thế giới! Hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới! Hệ thống an sinh tốt nhất thế giới! Hệ thống quân đội hùng mạnh nhất thế giới!…”

“Tôi luôn đợi ông ta nói thêm câu này: "Và có một hệ thống doanh nghiệp tốt nhất thế giới!” Nhưng không bao giờ ông ta thốt ra câu đó. Chưa bao giờ! Tôi đã theo dõi nhiều bài phát biểu của ông ta. Và đó là điều làm tôi hiểu rằng ông ta không biết sức mạnh thực sự của nước Mỹ. Ông ta chỉ là một học giả mà thôi. Một thinker mà thôi! Ông ta thù ghét giới doanh nghiệp. Thù ghét các nhà đại tư sản! Và ông ta không biết sức mạnh của nước Mỹ ở đâu.“

Rồi cụ giận dữ đưa miếng bít tết vào miệng.

***
CUỐI CÙNG, tôi ngờ rằng Trump đã thắng vì có nhiều cử tri Mỹ có thái độ giống như tôi. Họ không bày tỏ sự ủng hộ Trump một cách lộ liễu hay cuồng nhiệt trả lời trên các polls thăm dò, vì họ ko muốn bị đám đông la ó, bị hàng xóm cười chê, bị đồng nghiệp nhìn với ánh mắt thương cảm. Nhưng ở trong phòng bỏ phiếu, họ bỏ phiếu cho Trump.

DIỄN VĂN CHÚC MỪNG TÂN TÔNG THỐNG CỦA HILARY

Cảm ơn các bạn. Một đám đông rất hồ hởi. Cảm ơn tất cả các bạn.

Cảm ơn rất nhiều vì đã ở đây. Tôi cũng yêu tất cả các bạn. Đêm qua tôi đã chúc mừng Donald Trump và đề nghị làm việc cùng ông ấy vì lợi ích của đất nước.

Tôi hy vọng rằng ông ấy sẽ là một tổng thống thành công của tất cả người Mỹ. Đây không phải là kết quả chúng ta muốn hay đã nỗ lực phấn đấu. Tôi xin lỗi vì chúng tôi không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này với những giá trị chúng tôi chia sẻ và tầm nhìn chúng tôi đặt ra cho đất nước.

Nhưng tôi cảm thấy tự hào và biết ơn về chiến dịch tuyệt vời mà chúng tôi xây dựng với nhau. Một chiến dịch bao quát, đa dạng, sáng tạo, ngoan cường và tràn đầy sinh lực. Các bạn là những người đại diện tốt nhất cho nước Mỹ, và được là ứng viên của các bạn là một trong những vinh dự lớn nhất của cuộc đời tôi.

Tôi biết các bạn thấy thất vọng như thế nào, bởi vì tôi cũng cảm thấy như vậy, và hàng chục triệu người Mỹ đã đặt hy vọng và ước mơ vào nỗ lực này cũng thế. Nỗi đau này sẽ còn kéo dài.

Nhưng tôi muốn các bạn ghi nhớ điều này. Chiến dịch của chúng tôi không bao giờ chỉ xoay quanh một người hay một cuộc bầu cử. Chúng tôi hướng về đất nước chúng ta yêu thương và xây dựng một nước Mỹ đầy hy vọng, rộng mở với mọi người và hào hiệp. Chúng tôi đã thấy đất nước bị chia rẽ sâu sắc hơn chúng tôi nghĩ. Nhưng tôi vẫn tin vào nước Mỹ, và tôi sẽ luôn như vậy.

Và nếu các bạn cũng thế, thì chúng ta phải chấp nhận kết quả này và hướng về tương lai. Donald Trump sẽ trở thành tổng thống của chúng ta. Chúng ta nên mở lòng và cho ông ấy cơ hội lãnh đạo. Nền dân chủ của chúng ta coi trọng việc chuyển giao quyền lực hòa bình.

Chúng ta không chỉ tôn trọng mà còn trân trọng điều đó. Việc làm nổi bật sự tôn trọng pháp trị; nguyên tắc mọi người đều bình đẳng về quyền lợi và vị thế; tự do sùng bái và bày tỏ ý kiến. Chúng ta tôn trọng và trân trọng những giá trị này và chúng ta phải bảo vệ chúng.

Tôi muốn nói thêm rằng nền dân chủ của chúng ta đòi hỏi sự tham gia của các bạn, không chỉ mỗi 4 năm, mà là toàn bộ thời gian. Vì vậy, hãy làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy những mục tiêu và giá trị mà tất cả chúng ta trân trọng, đồng thời bảo vệ đất nước và hành tinh. Hãy khiến nền kinh tế có lợi cho tất cả mọi người, không chỉ những người ở tầng lớp thượng lưu.

Hãy phá vỡ rào cản kìm chân bất kể người Mỹ nào vươn tới ước mơ của họ. Chúng tôi đã dành một năm rưỡi để kết nối hàng triệu người từ khắp mọi nơi trên đất nước để cùng cất tiếng nói: chúng tôi tin giấc mơ Mỹ là đủ lớn cho tất cả mọi người, từ mọi chủng tộc và tôn giáo, đối với cả nam giới và phụ nữ, với những người nhập cư, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) và người khuyết tật. Cho tất cả mọi người.

Tôi rất vinh hạnh khi được đứng đây với tất cả các bạn. Tôi muốn cảm ơn Tim Kaine và Anne Holton - đối tác của tôi trong hành trình này.

Tôi rất vui khi thân thiết hơn với họ và điều cho tôi hy vọng lớn cùng niềm an ủi là ông Tim vẫn đứng vững trên tiền tuyến đảng Dân chủ của chúng ta, đại diện cho bang Virginia tại thượng viện.

Tôi muốn gửi lời đến Barack và Michelle Obama rằng đất nước nợ hai người lòng biết ơn. Chúng tôi cảm ơn hai người vì sự lãnh đạo khéo léo và kiên định đã có ý nghĩa đối với rất nhiều người Mỹ và người dân trên toàn thế giới. Và với Bill và Chelsea, Mark, Charlotte, Aidan, những người anh em và toàn thể gia đình, tôi yêu mọi người nhiều hơn tôi có thể bày tỏ.

Mọi người đã đi lại khắp đất nước, thậm chí cả bé Aidan 4 tháng tuổi cũng đồng hành với mẹ trong các chuyến đi. Tôi sẽ luôn biết ơn những người tài năng và tận tụy tại trụ sở của chúng tôi ở Brooklyn và trên khắp đất nước.

Các bạn đã đổ tâm huyết vào chiến dịch này. Một số người trong các bạn là những người kỳ cựu, đã từng tham gia các chiến dịch khác. Còn đối với một số người, đây là chiến dịch đầu tiên. Tôi muốn tất cả các bạn biết rằng các bạn là đội ngũ tốt nhất một người có thể mong đợi.

Và gửi đến hàng triệu tình nguyện viên, các nhà lãnh đạo cộng đồng, nhà hoạt động và các tổ chức công đoàn, những người đã đến từng nhà gõ cửa, trò chuyện với hàng xóm, đăng trên Facebook - thậm chí cả các trang Facebook cá nhân bí mật để ủng hộ tôi, tôi muốn tất cả mọi người bước ra phía trước và đảm bảo rằng tiếng nói của các bạn được nghe thấy.

Với những người đã đóng góp, thậm chí là khoản nhỏ như 5 USD, đó là động lực giúp chúng tôi vận hành chiến dịch, cảm ơn các bạn. Với tất cả chúng ta và người trẻ nói riêng, tôi hy vọng các bạn sẽ nghe điều này – như Tim đã nói, tôi dành toàn bộ cuộc đời để đấu tranh cho những gì tôi tin tưởng.

Tôi đã gặp thành công và cả thất bại, đôi khi rất đau đớn. Nhiều người trong số các bạn đang trong giai đoạn chập chững trong nghề nghiệp hay sự nghiệp chính trị - các bạn cũng sẽ gặp thành công và thất bại.

Việc thất bại rất đau đớn, nhưng đừng bao giờ từ bỏ niềm tin vào việc chiến đấu cho lẽ phải, vì việc đó đáng để làm.

Vì vậy chúng tôi cần các bạn tiếp tục chiến đấu, hiện giờ và cả suốt cuộc sống sau này. Tôi muốn nhắn nhủ với những người phụ nữ, đặc biệt là những cô gái trẻ - những người đã đặt niềm tin vào chiến dịch này và tôi: Tôi muốn các bạn biết rằng không có gì khiến tôi tự hào hơn là được làm người che chở cho các bạn.

Giờ đây, tôi biết chúng ta vẫn chưa phá vỡ "trần kính” cao nhất và khó khăn nhất, nhưng một ngày nào đó một người nào đó sẽ làm được, và hy vọng việc đó xảy ra sớm hơn chúng ta nghĩ.

Và hỡi những cô bé, đừng bao giờ nghĩ rằng các cháu không đủ quan trọng, mạnh mẽ và xứng đáng với tất cả cơ hội trên thế giới để theo đuổi và đạt được ước mơ của chính mình.

Cuối cùng, tôi rất biết ơn đất nước và những gì đất nước đã trao cho tôi.

Tôi luôn tự hào rằng tôi là người Mỹ, và tôi vẫn tin tưởng sâu sắc rằng nếu chúng ta đứng cùng với nhau, làm việc cùng nhau khi tôn trọng khác biệt của nhau, củng cố niềm tin và tình yêu đối với đất nước này, tương lai tươi đẹp sẽ luôn ở phía trước.

Bởi vì, các bạn biết đấy, tôi tin rằng chúng ta mạnh mẽ khi ở bên nhau và chúng ta sẽ cùng nhau tiến lên phía trước. Và các bạn đừng bao giờ hối hận vì đã đấu tranh cho điều đó. Kinh Thánh đã nói rằng chúng ta sẽ gặt hái thành công nếu kiên trì. Các bạn của tôi ơi, đừng chán chường và mất nhiệt huyết, vì sẽ còn nhiều “mùa vụ” đến và có nhiều việc phải làm.

Tôi vô cùng vinh dự và biết ơn vì đã có cơ hội đại diện cho tất cả các bạn trong cuộc bầu cử này. Mong Thượng đế ban phước lành cho các bạn và nước Mỹ.

VÌ SAO MỸ SỬ DỤNG HỆ THỐNG ĐẠI CỬ TRI ĐOÀN BẦU RA TỔNG THỐNG?

Ông Trump đã thắng bà Hillary Clinton với 279 phiếu đại cử tri; bà Clinton chỉ giành được 218 phiếu. Tuy nhiên, mặc dù bà Clinton đã để tuột mất chức Tổng thống, song bà lại chiếm được đa số phiếu phổ thông. Theo cập nhật của Guardian, tính đến 19h20 ngày 9/11 theo giờ Việt Nam, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã đạt được 59.059.121 lá phiếu phổ thông trên toàn quốc, trong khi đó ông Trump đat được 58.935.231 lá phiếu.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, đây là Tổng thống dân cử, tại sao lá phiếu phổ thông của những người dân Mỹ lại không phải yếu tố quyết định cuối cùng để lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Vậy lá phiếu Đại cử tri là gì, tại sao nó quyền lực đến vậy?

Theo Wikipedia, Đại cử tri đoàn của Hoa Kỳ là một thuật từ dùng để chỉ 538 đại cử tri tổng thống cứ bốn năm một lần họp lại để bầu lên Tổng thống và Phó tổng thống Hoa Kỳ. Các đại cử tri tổng thống được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào ngày được gọi theo truyền thống là “ngày bầu cử”.

Các đại cử tri tổng thống họp tại các tòa nhà quốc hội tiểu bang nhà của mình (hay tại Đặc khu Columbia) vào ngày thứ hai đầu tiên sau ngày thư tư lần thứ hai trong tháng 12 và vì thế không phải là một cuộc họp toàn quốc. Tại 51 cuộc họp (50 tiểu bang cộng Đặc khu Columbia), được tổ chức cùng ngày, các đại cử tri cùng bỏ phiếu.

Chính vì có sự tập hợp kết quả bầu cử của 51 nhóm nên mới có định nghĩa kỹ thuật là đại cử tri đoàn mặc dù 51 nhóm này thực sự không có tập hợp về chung một nơi để bầu cử. Hệ thống đại cử tri đoàn, giống như một đại hội toàn quốc, là một nhân tố gián tiếp trong tiến trình bầu lên tổng thống.

BUỔI THUYẾT TRÌNH 70.000 người nghe Với THÙ LAO lên đến 1,5 triệu USD

(bài viết 7 tháng trước khi Trump thắng cử)

Bạn đã bao giờ tưởng tượng một buổi thuyết trình có số lượng người nghe lên đến 10 nghìn, 20 nghìn, 30 nghìn, thậm chí 70 nghìn người nghe chưa? Và ai là diễn giả mà thu hút được số lượng người nghe lớn đến vậy?

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2005, khi ấy Bill Zanker, ông chủ của Learning Annex, công ty đang tổ chức hội thảo với qui mô khoảng 500-700 người nghe, với thù lao cho diễn giả là 5.000 USD và lợi nhuận ở mức 5 triệu USD/năm.

Khi Bill Zanker đề nghị mời Donald Trump là diễn giả với mức thù lao 10.000$, Donald Trump đã thẳng thừng từ chối. Phải mất một tuần sau Bill Zanker lấy hết cam đảm nâng mức thù lao lên 100.000$, Donald Trump vẫn thẳng thừng từ chối. Sau 1 tháng suy nghĩ, hạ quyết tâm hoặc PHÁ SẢN hoặc NÂNG TẦM CÔNG TY, không chấp nhận làm ăn làng nhàng như cũ, Bill Zanker đã nâng mức thù lao cho Donald Trump lên 1 triệu USD (thù lao cho Bill Clinton là 200 nghìn, George Bush là 150 nghìn), tưởng rằng với mức thù lao này Donald Trump sẽ đồng ý, nhưng Donald Trump lại đưa ra một yêu cầu mới là phải có tối thiểu 10 nghìn người nghe. Cuối cùng, với danh tiếng của Donald Trump, buổi hội thảo đã thu hút 31.500 người nghe với vé giá vé từ 200-500$/người.

Tiếp nối thành công, Bill Zanker và Learning Annex đã ký hợp đồng với Donald Trump làm diễn giả thuyết trình các buổi hội thảo vòng quanh nước Mỹ với mức thù lao từ 1 triệu đến 1.5 triệu USD/buổi. Trong năm 2006-2007 với hơn 20 buổi hội thảo, mỗi cuộc hội thảo có 60 nghìn đến 70 nghìn người nghe, Learning Annex đã đạt lợi nhuận trên 100 triệu USD/năm (tăng gấp hơn 20 lần).

Như vậy về lĩnh vực diễn giả, Donald Trump đã vượt cả cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Tổng thống George Bush, tỷ phú Bill Gates, tỷ phú Warren Buffett…

Thú vị nhất là sau này Donald Trump mang hết số tiền thù lao hơn 20 triệu USD, cùng Bill Zanker đi làm từ thiện và tiết lộ cho Bill Zanker rằng mục đích của Donald Trump là dậy cho Bill Zanker phải NGHĨ LỚN và LÀM LỚN, chứ không phải Donald Trump muốn lấy tiền.

Cá nhân tôi đã dự một buổi thuyết trình có 5.000 người nghe, diễn giả là Steve Ballmer, TGĐ Microsoft ở Venetian Conference Center - Las Vegas cách đây khoảng 10 năm. Tất nhiên tôi dự buổi này với lệ phí bằng 0 USD, chưa kể tiền khách sạn 5* được miễn phí.

Nguồn cuongdc.co