Thứ Năm

Phú Thọ: 'Trùm sò' đa cấp Liên minh tiêu dùng Việt Nam Chi nhánh Phú Thọ bị bắt

Trong khi những sai phạm của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) vẫn chưa được Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố kết quả xử lý thì doanh nghiệp này tiếp tục dính “bê bối” khi những “trùm sò” tại chi nhánh Phú Thọ của Vietnet bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi lập ra trang web www.Gold889.com hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp bằng hình thức cho – nhận tiền.

Đối tượng cầm đầu Trần Văn Hạnh. Ảnh ANTV
Theo thông tin từ Phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an tỉnh Phú Thọ, cầm đầu đường dây lừa đảo Gold889.com là Trần Văn Hạnh, sinh năm 1988, quê quán: Chu Hóa – Việt Trì – Phú Thọ hiện đang ở tại Phường Gia Cẩm – Việt Trì – Phú Thọ; Phạm Văn Trường, SN: 1987, ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là người viết phần mềm trang web http://Gold889.com và Trần Thị Đoan, SN: 1984, quê quán: Trung Giáp – Phù Ninh – Phú Thọ hiện đang sống cùng với Hạnh ở Gia Cẩm – Việt Trì là đối tượng giúp Hạnh phát triển hệ thống người chơi.

Trước khi bị bắt ngay tại trụ sở Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam chi nhánh Phú Thọ, cả 2 đối tượng Hạnh và Đoan đều là những người đứng đầu trong hệ thống đa cấp Liên minh tiêu dùng  VN Chi nhánh Phú Thọ.

Như Congluan.vn đã thông tin, để được tham gia vào thành viên của trang web, người chơi phải được người chơi trước giới thiệu và phải mua mã PIN với giá 150.000đ/1 PIN. Sau khi có mã PIN, hệ thống Gold889 sẽ yêu cầu người chơi phải chuyển tiền đến những người chơi khác (tham gia trước đó) với tổng số tiền là 2.600.000đ. Toàn bộ thông tin về tên và số tài khoản của người được nhận đều do hệ thống Gold889 cung cấp cho người chơi và được chia làm 4 khoản tiền: 2.000.000đ tiền trả trực tiếp cho người tham gia trước, 300.000đ tiền hoa hồng trực tiếp cho người giới thiệu, 200.000đ tiền hoa hồng gián tiếp cấp trên người giới thiệu, 100.000đ tiền hoa hồng gián tiếp tầng trên cùng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cho đi 2.600.000đ, người chơi chờ từ 01 đến 09 ngày để được nhận về số tiền 4.000.000đ. Số tiền 4.000.000đ này cũng là tiền của người chơi sau sẽ chuyển vào theo yêu cầu của hệ thống Gold889.

Ngày 18/8/2016, thông qua công tác nắm tình hình trên mạng Internet, Đội an ninh Bưu chính – Viễn thông – Internet phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện trên một số group Mạng xã hội (Facebook, Zalo) có thông tin về hoạt động sàn cho – nhận tiền trong đó một vài thông tin người chơi tham gia có địa chỉ tại Phú Thọ.
Trần Thị Đoan là một trong những “trùm sò” Liên minh tiêu dùng Việt Nam chi nhánh Phú Thọ
Nhận thấy hiện tượng lạ đó là có rất nhiều người dân đến ngân hàng Vietcombank mở tài khoản giao dịch và đăng ký dịch vụ Internet Banking của ngân hàng. Đáng chú ý trong đó có những người trên 50 tuổi. Tiếp cận người dân nắm bắt thông tin, cán bộ phòng ANKT được biết về một sàn giao dịch cho – nhận tiền với nội dung người dân trao đổi “đóng góp vào hệ thống 2 triệu 6 và chờ 9 ngày sẽ được trả lại 4 triệu, chỉ cần vào địa chỉ gold889.com và làm theo là được, hệ thống này hoạt động nhiều năm nay rồi, rất uy tín và có người bảo lãnh đảm bảo ở Phú Thọ”

Ngày 25/8/2016, Trung tá Lâm Văn Vinh – Trưởng phòng ANKT đã chỉ đạo thành lập 1 tổ công tác bí mật nắm tình hình, thu thập tài liệu về hoạt động sàn cho nhận trên, đánh giá có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không? và giao Thượng uý Nguyễn Trung Đức – Đội trưởng đội Bưu chính – Viễn thông – Internet làm tổ trưởng, Thượng uý Đỗ Văn Kiên – Phó Đội trưởng cùng tham gia.

Qua điều tra, Tổ công tác nhận thấy sàn cho – nhận tiền Gold889 hoạt động theo mô hình đa cấp, có chia thưởng cho các tầng và sinh lãi cao trong thời gian rất ngắn. Nghi vấn về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong sàn cho – nhận Gold889, tổ công tác đã báo cáo lãnh đạo phòng ANKT xin ý kiến chỉ đạo. Lãnh đạo phòng ANKT đánh giá đây là mô hình lừa đảo mới, chưa có tiền lệ nên đã xin ý kiến Ban Giám đốc trao đổi với Cục C50 – Bộ Công an và được biết C50 cũng đang tiến hành điều tra 02 vụ tương tự, đang trong quá trình củng cố chứng cứ trên máy chủ.

Trước tình hình trên, yêu cầu cần phải có ngay dữ liệu máy chủ làm căn cứ để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng cầm đầu hệ thống sàn cho – nhận Gold889, Trung tá Lâm Văn Vinh đã đề xuất Thượng tá Nguyễn Ngọc Vân – Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ bí mật cử 02 đồng chí là Thượng uý Nguyễn Trung Đức – Đội trưởng và Thượng uý Đỗ Văn Kiên – Phó Đội trưởng phòng An ninh kinh tế bay ngay vào Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp cận công ty được thuê đặt máy chủ, xác định tên đăng ký hợp đồng mua tên miền Gold889.com.

Từ ngày 13/9/2016 đến này 23/9/2016, với sự nỗ lực cố gắng của CBCS phòng ANKT và sự phối hợp của Phòng 4 – Cục C50 trong quá trình phân tích dữ liệu, Phòng An ninh kinh tế phát hiện một số tài khoản ngân hàng Vietcombank có dấu hiệu chuyển nhận tiền rất nhiều, xác định đây có thể là những đối tượng cầm đầu cần tập trung khai thác.
Hàng nghìn người bị lừa vào đường dây lừa đảo
Nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm này đã được xác định: Cầm đầu là Trần Văn Hạnh, sinh năm 1988, quê quán: Chu Hóa – Việt Trì – Phú Thọ hiện đang ở tại Phường Gia Cẩm – Việt Trì – Phú Thọ; Phạm Văn Trường, SN: 1987, ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là người viết phần mềm trang web http://Gold889.com ; và Trần Thị Đoan, SN: 1984, quê quán: Trung Giáp – Phù Ninh – Phú Thọ hiện đang sống cùng với Hạnh ở Gia Cẩm – Việt Trì là đối tượng giúp Hạnh phát triển hệ thống người chơi.

Đối tượng Hạnh và Đoan mượn thông tin cá nhân của người thân tạo ra các tài khoản khác để tham gia hệ thống sàn cho – nhận Gold889, thực hiện việc giao dịch cho đi ảo, nhưng nhận tiền thật từ người tham gia sau (không cho 2.600.000đ mà nhận về 4.000.000đ).

Kết hợp cả tài liệu ngân hàng với phân tích dữ liệu máy chủ trang web www.Gold889.com , Phòng ANKT xác định có căn cứ chứng minh hành vi của Trần Văn Hạnh và một số đối tượng liên quan có dấu hiệu của tội“Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặt thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b-BLHS.

Tuy nhiên, do đây là loại tội phạm mới, các đối tượng có trình độ cao về công nghệ thông tin nên nếu chỉ áp dụng các biện pháp điều tra thông thường sẽ không đạt hiệu quả cao. Vì vậy, ngày 27/9/2016, Phòng ANKT đã đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án để đấu tranh với nhóm đối tượng “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”trên trang web www.Gold889.com do Trần Văn Hạnh cầm đầu.

Ban chuyên án do đồng chí Nguyễn Ngọc Vân – Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra làm trưởng Ban chuyên án, các thành viên gồm Phòng Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ và Cục C50 – Tổng cục Cảnh sát, trong đó Phòng An ninh kinh tế là nòng cốt.

Quá trình đấu tranh chuyên án, Ban chuyên án nhận thấy đã đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ chuyên án, đến 10 giờ 45 phút, sau khi đã xác định được tất cả các đối tượng, Thượng tá Nguyễn Ngọc Vân – Trưởng ban chuyên án ra lệnh đồng loạt triển khai kế hoạch phá án, bắt giữ, triệu tập các đối tượng. Đúng 10 giờ 50 phút, tổ 2 tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Trần Văn Hạnh và triệu tập Trần Thị Đoan. Tổ 3 tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Phạm Văn Trường, đồng thời lúc đó tổ 1 tiến hành niêm phong máy chủ, bảo toàn dữ liệu. Đến 11 giờ 15 phút, tổ 4 tiến hành triệu tập đối với Trần Hữu Đức và Trần Thị Thanh Hiền.

Thành Vinh/ Báo Công Luận