Thứ Năm

Nghiện 'chụp ảnh tự sướng' là dấu hiệu của bệnh tâm thần...

Kể từ khi selfie (hay còn gọi là “chụp hình tự sướng”) trở nên phổ biến, nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu hiện tượng này. Kết quả cho thấy trào lưu selfie có mối liên hệ mật thiết với các rối loạn tâm lý của con người.

Chuyên gia tâm thần học David Veal khẳng định cứ 3 người mắc hội chứng mặc cảm về ngoại hình của bản thân mà ông từng tiếp xúc thì có tới 2 người trong số đó luôn cảm thấy cần phải chụp ảnh “tự sướng” và đăng lên mạng xã hội.


Theo chuyên gia này, chụp ảnh tự sướng quá nhiều dễ khiến bạn mắc chứng bệnh tâm thần.

Theo một kết quả nghiên cứu gần đây của trường đại học bang Ohio nước Mỹ, những người nào thường đăng ảnh bản thân mình lên mạng có biểu hiện của chứng tự mê bản thân và của bệnh tâm thần.
Khoa học chứng minh: Nghiện “chụp ảnh tự sướng” là dấu hiệu của bệnh tâm thần
Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 800 người trong độ tuổi từ 18 tới 40 điền vào một bảng câu hỏi trực tuyến hỏi về thói quen đăng ảnh lên mạng xã hội. Kết quả khảo sát bao gồm các câu hỏi về việc họ thường đăng ảnh bản thân lên mạng xã hội thường xuyên ra sao, và liệu họ có chỉnh sửa ảnh trước khi đăng hay không. Những người này còn được yêu cầu điền và các bảng câu hỏi chuẩn để đo lường các hành vi phản xã hội và các biểu hiện quá chú tâm vào vẻ bề ngoài của bản thân.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đăng càng nhiều ảnh chứng tỏ người đó càng tự yêu bản thân và càng có khuynh hướng của bệnh tâm thần. Tuy nhiên hành vi chỉnh sửa ảnh chỉ liên quan đến chứng tự yêu bản thân chứ không liên quan đến bệnh thần kinh.

Danny Bowman được cho là người nghiện selfie đầu tiên ở Anh. Danny khi ấy 19 tuổi, bỏ học, không bước chân ra khỏi nhà suốt nửa năm trời và sút khoảng 14kg. Mỗi ngày của cậu bắt đầu bằng việc chụp khoảng 10 tấm hình tự sướng trước khi rời khỏi giường. Tình trạng của Danny lúc đó nghiêm trọng tới mức cậu đã cố gắng tự sát chỉ vì không thể chụp được những bức ảnh tự sướng hoàn hảo, thậm chí mỗi ngày, cậu bỏ ra 10 giờ đồng hồ cho việc này.

May thay, mẹ Danny đã kịp thời phát hiện và giữ được mạng sống của cậu. Sau đó, Danny được gửi tới bệnh viên Maudsley tại London để điều trị theo liệu pháp riêng. Các bài tập được thiết kế dựa trên chính sở thích của bệnh nhân. Với Danny, người ta không cho cậu sử dụng điện thoại trong 10 phút, mỗi ngày nhiều lần như vậy và thời gian thì tăng dần lên 30-60 phút. Mặc dù khó khăn, nhưng Danny hiểu cậu phải vượt qua được nếu muốn tiếp tục cuộc sống bình thường. Và sau một thời gian, tình trạng của Danny đã khá lên rõ rệt.

Có thể thấy, với tác động ngày càng lớn của các mạng xã hội tới cuộc sống của con người, ngày càng nhiều người cần tới sự giúp đỡ cũng như các phương pháp điều trị đặc biệt để chống lại cơn nghiện selfie của mình. Pamela Rutledge cho rằng selfie là hệ quả của mong muốn được mọi người chú ý và là biểu hiện của tự mãn hoặc ngược lại – của thiếu tự tin. Đôi khi tự mãn thái quá cũng chính là biểu hiện cho thấy người đó đang cố gắng che giấu sự tự ti của bản thân. Điều đáng nói ở đây là chúng ta đang dần hướng tới những giá trị ảo thông qua việc sử dụng công nghệ hơn là làm việc chăm chỉ để gặt hái thành quả thực.

Bác sĩ Panpimol Wipulakorn nói rằng chừng nào còn nhiều người quan tâm tới việc ai quan tâm tới những dòng trạng thái, những bức ảnh… của họ trên mạng xã hội, hy vọng có được càng nhiều “like” càng tốt, thì chừng đó kỉ nguyên số sẽ còn tiếp tục tác động xấu tới cuộc sống của con người.

Hải Hà tổng hợp/ DKN