Thứ Bảy

Thanh Hóa thành "Chúa Chổm" vì nợ đọng gần 1.000 tỷ đồng xây dựng NTM

 Theo kết quả kiểm toán chưa đầy đủ, tổng số tiền nợ đọng xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương trên cả nước đến thời điểm này khoảng 16.000 tỷ đồng, trong đó riêng tỉnh Thanh Hóa nợ hơn 991 tỷ đồng.

Trụ sở làm việc xã Định Liên, Yên Định (Thanh Hóa) được xây dựng khang trang. Ảnh: H.Đ
Để giải quyết số nợ này, tỉnh Thanh Hóa đã phải áp dụng các biện pháp “khắc khổ” như cấm xây dựng công trình mới nếu nợ trên 1 tỷ đồng…

45 xã đạt chuẩn, chỉ 6 xã không nợ

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Thanh Hóa (VP NTM), để xây dựng NTM, Thanh Hóa đã huy động tổng nguồn vốn giai đoạn 2011 - 2015 hơn 1.183 tỷ đồng. Thời gian qua, tỉnh cũng đã tăng cường công tác quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng.

Cũng theo lý giải của VP NTM Thanh Hóa, là địa phương có xuất phát điểm về kinh tế thấp, có trên 80% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi nên tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, điều kiện ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được nguồn cho xây dựng NTM. Vì vậy,  tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản NTM đang ở mức rất cao.

Mong được T.Ư “giúp” trả nợ

Ông Nguyễn Đức Quyền cho biết, là tỉnh còn nhiều khó khăn, Thanh Hóa luôn mong muốn được T.Ư quan tâm, hỗ trợ giúp tỉnh tìm nguồn kinh phí để xử lý hiệu quả, dứt điểm tình trạng nợ đọng. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo và quán triệt các địa phương tập trung phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân... tạo dựng mô hình NTM phát triển bền vững; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về kiểm soát đầu tư công, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản… Tuyệt đối không được bắt buộc dân đóng góp và huy động quá sức dân, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu thực hiện sai quy định.
Cổng vào trụ sở xã Yên Lâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh: H.Đ
Tính đến hết tháng 10.2015, trong số 45 xã đạt chuẩn NTM, chỉ có 6 xã không nợ đồng nào, hoặc nợ một vài trăm triệu; nhưng tính bình quân thì mỗi xã nợ 5 – 6 tỷ đồng, cá biệt một số xã hiện đang trở thành “Chúa Chổm”, với số nợ khổng lồ, như: Quý Lộc, Định Tân (Yên Định) nợ gần 20 tỷ đồng/xã; Định Hòa (Yên Định) nợ 13 tỷ đồng; Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) gần 20 tỷ đồng; Nga An (Nga Sơn) gần 20 tỷ đồng; Đông Văn (Đông Sơn) hơn 10 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: “Huyện Yên Định đang có nhiều xã mắc nợ xây dựng cơ bản NTM. Dù là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng vấn đề nợ đọng NTM của các xã và huyện vẫn còn khá lớn. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã ban hành công văn xuống các xã, thị trấn yêu cầu không được khởi công xây dựng công trình mới nếu địa phương đó đang còn mắc nợ trên 1 tỷ đồng.

“Từ nay đến hết năm 2017, địa phương chúng tôi cố gắng giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng NTM. Huyện cũng đang thực hiện theo chủ trương của tỉnh cho phép các địa phương được sử dụng nguồn kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để xây dựng NTM”- ông Bình cho hay.

Không “huy động” sức dân để trả nợ?

Để tháo gỡ những khó khăn trong tồn đọng nợ xây dựng cơ bản NTM, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các địa phương; HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 149, cho phép các địa phương sử dụng nguồn thu từ đất để ưu tiên cân đối thanh toán nợ. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM, bằng cách đầu tư triển khai các mô hình sản xuất có giá trị nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Theo đó, từ nay đến hết năm 2016, Thanh Hóa đã có kế hoạch thanh toán dứt điểm 499 tỷ đồng (đạt 50,41% tổng nợ).

Ông Mai Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Nga Sơn cho biết: “Tại địa phương vẫn còn một số xã đã đạt chuẩn NTM đang nợ đọng xây dựng cơ bản. Riêng xã Nga An, hồi năm 2013 khi đạt chuẩn NTM thì xã này có lúc nợ đọng lên tới 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tỉnh và huyện có cơ chế cho các xã được giữ lại 70% tổng số tiền thu từ quỹ đất để trả nợ NTM, xã Nga An đã giải quyết gần ổn định.

“Chúng tôi kiên quyết không để bất cứ một thôn, làng hay xã nào lạm thu của người dân trong việc xây dựng NTM. Huyện cũng đã ban hành công văn quán triệt đến các xã, thị trấn yêu cầu không khởi công công trình mới, nếu địa phương đang còn nợ đọng. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng đó, thì Bí thư và Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm trước huyện” - ông Hải nói.

Còn ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Vấn đề nợ đọng trong xây dựng NTM tại Thanh Hóa chủ yếu là nợ các doanh nghiệp. Vì vậy, các địa phương sẽ giải quyết bằng cách tạo nguồn từ sử dụng đất và các nguồn khác chứ không huy động nhân dân đóng góp để trả nợ’”.

Nợ “được” và nợ “lo”

Khi nhìn vào con số nợ NTM lên tới 16.000 tỷ đồng, dư luận đã tỏ ra rất bức xúc và lo lắng, bởi số nợ quá lớn. Tuy nhiên, chúng ta có thực sự phải lo lắng về “món nợ” này?

Trước khi triển khai Chương trình xây dựng NTM (năm 2010), từ Chính phủ đến các bộ, ngành đều quán triệt tinh thần, đây là một chương trình lâu dài, phục vụ cho nông dân và người dân sống ở nông thôn là chính, chứ không phải là dự án. Cũng bởi vậy, tinh thần của chương trình là huy động toàn dân cùng tham gia xây dựng NTM, chứ Nhà nước không bỏ tiền ra để làm NTM.

Tinh thần là như vậy, song khi thực hiện đã có rất nhiều địa phương vẫn bị “bệnh thành tích” đè nặng, muốn có càng nhiều “xã điểm”, “huyện điểm” càng tốt để “báo công” với T.Ư. Mà muốn sớm về đích, không có gì nhanh hơn là cứ đổ tiền tập trung xây dựng các công trình hoành tráng để “đạt tiêu chí”.

Cũng là nợ, nhưng hiện chúng ta cần phân loại ra các đối tượng nợ và bản chất của nợ. Chẳng hạn cũng là nợ, nhưng ở Thái Bình chủ yếu là tỉnh nợ tiền xi măng của doanh nghiệp. Mấy năm trước, do thị trường bất động sản trầm lắng, hàng loạt nhà máy xi măng bị tồn kho. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Thái Bình đã có chủ trương hỗ trợ xi măng cho các xã làm đường giao thông và làm việc với các doanh nghiệp xi măng để cung cấp lượng xi măng tồn kho này. Đây là việc có lợi cho cả 2 bên. Đây cũng được tính là nợ, song thực chất là “nợ được” vì người dân có đường mới để đi; các doanh nghiệp cũng giải tỏa được hàng và chỉ đợi tỉnh trả tiền là xong.

Cùng là nợ, nhưng nợ của Thanh Hóa lại chủ yếu rơi vào các công trình trụ sở làm việc, nhà văn hóa, thi đấu thể thao ít được sử dụng. Có thể nói đây là cái nợ “lo”, bởi trụ sở làm việc của xã dù to đẹp đến mấy cũng không thể giúp người dân phát triển kinh tế bằng việc có con đường mới, có kênh mương mới để sản xuất, lưu thông.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh lại vấn đề nợ này. Trong đó, việc đổ tiền vào xây dựng các công trình, trụ sở gây lãng phí phải được chấm dứt.

Ngọc Lê/ Dân Việt