Thứ Sáu

Phú Thọ điêu đứng vì cò chạy công chức

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn có không ít người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc chạy công chức khiến nhiều gia đình bị thiệt hại về kinh tế, lâm vào cảnh điêu đứng vì vướng nợ...

Bà Hoàng Thị Mão với các loại đơn từ gửi các cơ quan chức năng. 

Từ một vụ án

Theo đơn trình bày của bà Hoàng Thị Mão, ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ: Đầu năm 2012, một người đàn ông tên Dương Quốc Hòa (xưng là giáo viên Trường THCS Hà Lộc, thị xã Phú Thọ) nói với bà có "mối quan hệ", nên chỉ cần xét chứ không phải thi tuyển công chức. Tin lời, bà Mão đã nhận hồ sơ, gom tiền của 5 gia đình và trực tiếp đưa cho Hòa thông qua hình thức viết giấy vay nợ 7 lần với tổng số tiền là 430 triệu đồng để nhờ xét tuyển công chức vào ngành giáo dục của tỉnh Phú Thọ. Sau nhiều lần hứa hẹn, cuối cùng Hòa hẹn bà Mão đi ra một quán nước để... lấy quyết định. Tại đây, Hòa đã bắt một người phụ nữ tên Hà viết giấy nhận nợ rồi bảo bà Mão và Hà ký vào tờ giấy này. Biết mình có khả năng bị lừa, bà Mão không ký và định làm to chuyện thì bị một số đối tượng lạ đi cùng Hòa đe dọa “sẽ cho người đánh chết...”. Vì quá sợ hãi, bà Mão và Hà đành ký vào tờ giấy nhận nợ, chứ trên thực tế hai người không hề có việc giao dịch trao đổi tiền mặt.

Quá bức xúc, bà Mão đã làm đơn trình báo đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ, đồng thời khởi kiện ra tòa.

Ngày 17-6-2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Hoàng Thị Hà (sinh năm 1976, trú tại tổ 46, phường Quang Trung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hà 18 năm tù, buộc bồi thường hơn 2 tỷ đồng cho các bị hại.
Giấy vay tiền đứng tên Dương Quốc Hòa. 
Tuy nhiên, tại Bản án số 22/2016/HSST ngày 17-6-2016 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ lại xác định “...anh Hòa không có sự bàn bạc và không biết bị cáo Hà xin việc như thế nào, không có sự thống nhất nào trong việc lừa dối những người đi xin việc hay chuyển công tác... để chiếm đoạt tiền. Do đó, không có căn cứ nào để xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi thu tiền và hồ sơ của anh Hòa rồi giao cho bị cáo Hà được”.

HĐXX cũng xác định hình phạt bổ sung, nhưng bị cáo Hà chưa có tiền trả cho các bị hại, nên không phạt tiền. Trong khi đó, số tiền 430 triệu đồng giao cho Dương Quốc Hòa, do không có khả năng để trả, nên hằng ngày bà Mão vẫn liên tục bị các gia đình thúc nợ khiến cho cuộc sống bị đảo lộn.

Cho rằng cơ quan điều tra đã bỏ sót các tình tiết quan trọng trong quá trình điều tra, xác minh, bà Mão và bị cáo Hoàng Thị Hà đã đồng loạt làm đơn kháng cáo, tố cáo hành vi nhận tiền, ép viết giấy nhận nợ khống của Dương Quốc Hòa và đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Hồi chuông cảnh báo

Theo cơ quan điều tra, để có thể làm được “miếng bánh vẽ” hoàn hảo, các đối tượng lừa đảo đều không tiếc lời quảng bá về sự giàu có của mình và các mối quan hệ... hòng tạo lòng tin của các nạn nhân. Cơ quan điều tra cũng xác định, toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng đều sử dụng để tiêu xài cá nhân, hoặc chi trả cho hệ thống “chân rết” trong đường dây lừa đảo.

Do nhẹ dạ, nhiều người đã tin tưởng đứng ra gom hồ sơ từ người thân và con em mình rồi chuyển tiền cho các đối tượng mà không hề biết mình đang “sập bẫy”. Chỉ sau khi sự việc vỡ lở, nhiều người đã phải bán cả nhà cửa, đất đai cùng các tài sản khác để trả các khoản vay khiến cho nhiều nạn nhân lâm vào tình trạng "khuynh gia bại sản".


Ông Vũ Tiến Dũng, ở xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, vì quá tin tưởng người quen, nên cũng vô tình trở thành nạn nhân của Hà với số tiền nợ lên đến cả trăm triệu đồng. Mong cho hai con có việc làm ổn định, nên khi nghe bà Mão nói có người quen trên tỉnh, có thể chạy được vào biên chế... bà Phan Thị Tám, ở xóm Minh Tâm, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn đã bán cả đồi chè và đất. Giờ không còn tài sản, gia đình chỉ biết trông đợi sự can thiệp của cơ quan chức năng để có thể lấy lại được phần nào số tiền để trả nợ và trang trải cuộc sống.

Ông Đinh Văn Chờ, Trưởng khu hành chính xóm Bình, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, khẳng định: “Việc bà Mão giao tiền cho anh Dương Quốc Hòa, có sự chứng kiến của tôi và hai công an xã. Trước khi nhận tiền, Hòa còn hứa cuối tháng nếu không được việc sẽ trả lại rồi viết giấy, bảo mọi người ký tên và cất đi luôn. Sau khi sự việc vỡ lở, anh Nguyễn Xuân Hiếu, cán bộ điều tra của Công an tỉnh Phú Thọ xuống làm việc và thu lại các bản gốc giấy vay nợ có chữ ký của Hòa rồi bảo các hộ dân đã nộp tiền cho Hòa ký tên vào một số tờ giấy trắng...”.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được nhiều người dân bày tỏ nỗi bức xúc, hoài nghi và đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vai trò của người có tên Dương Quốc Hòa vì hầu hết các giấy vay nợ trong quá trình giao dịch với bà Mão đều do người này ký tên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Như Khoa, Chánh Văn phòng UBND huyện Tân Sơn, khẳng định: “Chính quyền địa phương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ quy định về tuyển chọn công chức, viên chức. Tuy nhiên, vì "nhẹ dạ cả tin", nên vẫn còn không ít người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo để tránh những thiệt hại không đáng có. Bên cạnh đó, người dân cũng nên tự tìm hiểu nâng cao nhận thức về pháp luật nhằm tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo tương tự như các vụ việc đáng tiếc vừa qua”.

Việc các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến ngày càng phức tạp. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ những nghi vấn của người dân để không bỏ sót người, lọt tội. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Bài và ảnh: PHẠM HÀ
Trước đó, ở Phú Thọ cũng đã xảy ra một số sự việc tương tự. Ngày 25-6-2015, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đoàn Thị Hồng Bích (sinh năm 1962, trú tại phường Tiên Cát, TP Việt Trì-nhân viên một hãng bảo hiểm) cùng đồng phạm Nguyễn Thị Na (sinh năm 1985, tạm trú tại phường Thọ Sơn, TP Việt Trì - từng là giáo viên giảng dạy tại một số trung tâm ngoại ngữ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng với chiêu thức đã nêu trên. Tính đến thời điểm bị bắt giữ, số tiền mà hai đối tượng chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới hơn 1 tỷ đồng. Vụ thứ hai là Bùi Thị Hoàng Yến (sinh năm 1969, trú tại khu 6, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) với cái mác là cán bộ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, chồng là cán bộ tại tỉnh Vĩnh Phúc, Yến đã lừa đảo gần 100 người tại Phú Thọ và các tỉnh lân cận cũng với trò "nộp tiền-xin việc". CQĐT xác định, chỉ trong thời gian ngắn, Yến đã chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng và đây là vụ lừa đảo lớn nhất từ trước tới nay xảy ra tại địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Theo Quân Đội Nhân Dân