Chủ Nhật

Bao giờ loài người diệt vong?

Nếu không hành động ngay, loài người sẽ tuyệt chủng trong vòng 100 năm nữa!

Bất kì loài sinh vật nào, dù to lớn như khủng long hay nhỏ bé như vi khuẩn, cuối cùng đều tuyệt chủng. Chỉ là sớm hay muộn. Và con người cũng không là ngoại lệ. Nhưng loài người còn tồn tại được bao lâu, và chúng ta sẽ "ra đi" như thế nào là một câu hỏi không dễ trả lời.

Nếu không hành động ngay, loài người sẽ tuyệt chủng trong vòng 100 năm nữa!
Theo lý thuyết, khoảng 1 tỉ năm nữa, đại dương sẽ cạn và trước đó thì nhiệt độ và khí quyển cũng không còn phù hợp cho sự sống. Tuy nhiên, chắc là loài người không "đợi" được đến lúc đó mới tuyệt chủng. Có nhiều rủi ro rình rập trên hành trình của loài người: các chùm tia gamma trong vũ trụ, các thiên thạch lớn va vào trái đất; kỉ băng hà quay lại theo chu kì; đại hồng thủy; siêu núi lửa; đổi cực từ trường trái đất; nền văn minh ngoài trái đất "thôn tính" loài người, hoặc thậm chí vũ trụ thay đổi một cách không lường trước kéo theo sự chấm hết của mọi thứ. Tuy vậy, các thảm họa tự nhiên này có xác suất cực kì thấp và hầu như không dự đoán trước được.

Bệnh dịch chết chóc cũng là một nguy cơ tiềm tàng. Nhìn lại đợt dịch hạch đã giết 30~60% người Châu Âu, các đợt dịch cúm hay gần đây là Ebola, nhiều người hẳn sẽ rùng mình. Nếu có loài virus mà khả năng lây lan và độ nguy hiểm được nâng lên một tầm cao hơn nữa, loài người không biết sẽ về đâu?

Trong thế giới đầy rẫy xung đột của loài người, không loại trừ nguy cơ chiến tranh hạt nhân, sinh học, hoặc các loại vũ khí nguy hiểm khác. Các tai nạn khi thử nghiệm khoa học, đặc biệt ở các lĩnh vực năng lượng cao, công nghệ nano, và công nghệ sinh học cũng có thể khiến con người trả giá bằng cả sự tồn tại của mình.

Tuy nhiên, hơn tất cả, có 2 nguy cơ rõ ràng nhất, mà nếu không hành động mạnh mẽ và kịp thời, loài người sẽ bị xóa sổ trong vòng 100 năm. Tôi không viết nhầm đâu, mà đúng là 100 năm!

Đầu tiên là nguy cơ trí tuệ nhân tạo phát triển đến trình độ cao và vượt ngoài vòng kiểm soát của con người. Chủ đề này được thảo luận trong bài Mối họa mang tên Trí tuệ nhân tạo.

Thứ 2 là sự phát triển dân số, công nghệ, và kinh tế đang đẩy môi trường trái đất tới gần những giới hạn nguy hiểm. Có những bằng chứng cho thấy một cuộc đại tuyệt chủng các loài sinh vật, trong đó có thể bao gồm cả con người, đang bắt đầu. Phần tiếp của bài viết này sẽ tập trung đánh giá nguy cơ thứ 2 này.

1. Cuộc đại tuyệt chủng mới

Điều gì có thể khiến loài người hiện đại vốn đã tồn tại trên trái đất hàng chục nghìn năm có thể biến mất trong vòng 100 năm? Loài người bắt đầu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái từ khi biết làm nông nghiệp (săn bắn quá mức, phá rừng lấy củi, làm rẫy, vv). Các tác động tiêu cực này tăng nhảy vọt từ cuộc cách mạng công nghiệp ở Phương Tây mấy trăm năm trước, và ngày càng nặng nề hơn trong thời đại bùng nổ dân số, tiêu dùng, và công nghệ ngày nay. Hãy tưởng tượng giống như pháo hoa, khi lên đến đỉnh và bùng cháy, chính là lúc sắp tàn lụi. Khi đạt tới ngưỡng (điểm bùng phát), mọi thứ sẽ bùng nổ theo cấp số nhân và không cưỡng lại nổi.

Các nhà khoa học tại Stockholm Resilience Center đã đưa ra 9 ranh giới cho sự an toàn của trái đất. Việc một chỉ số vượt ngưỡng không có nghĩa là thảm họa ngay tức khắc. Nó giống như các đồng hồ trên xe ô-tô, khi kim chỉ mức đỏ mà bạn cứ để thế không xử lý, sớm muộn điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra.

Các chỉ số trên có liên quan chặt chẽ với nhau, chỉ số này xấu đi kéo theo chỉ số kia. Trong đó, có một chỉ số đang ở mức cực kì nghiêm trọng: sự đa dạng sinh học. Hầu hết các nhà sinh học đều đồng ý về điểm này.
Mỗi ngày, ước tính có tới cả trăm loài bị tuyệt diệt. Tỉ lệ này không thể là bình thường!
Để hiểu được điều này, trước tiên chúng ta cần hiểu rằng tại bất kì thời điểm nào cũng có các loài sinh vật bị tuyệt chủng đồng thời các loài mới được sinh ra. Tuy nhiên, có những thời điểm mà tỉ lệ tuyệt chủng (số loài bị tuyệt chủng trên một đơn vị thời gian) trở nên cao bất thường - chúng ta goi đó là các vụ tuyệt chủng lớn. Trong số hàng chục vụ tuyệt chủng lớn trong lịch sử hàng tỉ năm của sinh vật, có 5 vụ rất lớn - gọi là 5 vụ đại tuyệt chủng. Mỗi vụ đại tuyệt chủng xóa sổ một số lượng lớn số loài trên trái đất (có vụ tới hơn 90% số loài). Điểm đáng chú ý là: trong thời gian gần đây, tỉ lệ tuyệt chủng đang tăng cao một cách đáng ngại - gấp khoảng 1000~10000 lần trước đây. Mỗi ngày, ước tính có tới cả trăm loài bị tuyệt diệt [1]! Tỉ lệ này không thể là bình thường!
Loài cóc vàng tuyệt chủng năm 1989
Theo một thống kê gần đây, 25% động vật có vú, 12.5% chim, 33% động vật lưỡng cư, 33% cây hạt trần, 51% bò sát, 52% côn trùng, 73% thực vật có hoa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng [1] (con số có thể khác nhau một chút tùy theo công trình nghiên cứu). Lấy động vật lưỡng cư (ếch, nhái, vv) làm ví dụ. Chúng đã sống hơn 300 triệu năm, vượt qua cả đợt tuyệt chủng đã tiêu diệt loài khủng long. Vậy mà chỉ hai thập kỉ gần đây, rất nhiều loài động vật lưỡng cư đã tuyệt chủng hoặc bên bờ của sự tuyệt chủng.

Liệu có phải vụ đại tuyệt chủng thứ 6 đang bắt đầu?

Những vấn đề ô nhiễm và biến đổi khí hậu chưa đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của loài người. Nhưng nó đã và đang đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của vô số loài sinh vật khác. Tốc độ mất đi của các loài đang ngang với các vụ tuyệt chủng lớn trước đây. Việc này là chỉ báo cho thấy những gì chúng ta đang gây ra đủ nghiêm trọng. Trong hệ sinh thái, các loài sinh vật có liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự tuyệt chủng bất thường của một loài sẽ phá vỡ sự cân bằng, làm đứt đoạn chuỗi cung ứng thức ăn, dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khác. Việc nhiều loài bị tuyệt chủng cũng tạo ra áp lực về nguồn thức ăn, nước uống, đất đai, khí quyển vv, làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng, đẩy các điều kiện trên trái đất đến chỗ ngày càng tệ hại. Điều này đến lượt nó trở thành chất xúc tác cho việc tuyệt chủng diễn ra hanh hơn. Khi đạt đến ngưỡng, phản ứng dây chuyền sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt, và không loại trừ việc sẽ kéo theo loài người.

2. Mọi việc sẽ xảy ra như thế nào?

Dĩ nhiên là mọi việc đi đến đâu tùy thuộc nhiều vào hành động của chúng ta. Tuy nhiên, giờ đã là rất muộn rồi, và nếu loài người vẫn tiếp tục bị chi phối quá lớn bởi các lợi ích ngắn hạn, phản ứng hời hợt, chậm chạp, và yếu ớt như hiện tại thì một viễn cảnh đen tối là điều hoàn toàn có thể tưởng tượng được.

Kịch bản tưởng tượng về ngày ấy

Trong 40 năm nữa: Lợi ích trước mắt sẽ khiến chúng ta tiếp tục làm tình hình tồi tệ hơn.

30 năm tiếp theo: Các dấu hiệu của thảm họa ngày càng rõ ràng. Con người bắt đầu đoàn kết với nhau cùng bảo vệ sự tồn tại của mình. Các cam kết được các quốc gia kí kết và tôn trọng. Nguồn lực lớn đổ vào nghiên cứu các nguồn năng lượng thân thiện môi trường và các công nghệ đảo ngược sự xuống cấp của môi trường sinh thái, vv... Dân số giảm một cách tự nhiên để giảm sự quá tải lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

20 năm tiếp theo: Dù đã nỗ lực, con người chỉ làm chậm lại việc xuống cấp chứ không thể cứu vãn sinh quyển. Chúng ta đã bắt đầu quá muộn và không còn kịp. Song song với những nỗ lực cải thiện môi trường, con người bắt đầu xây dựng các "an toàn khu" khép kín trên trái đất để ẩn náu, đồng thời nỗ lực tìm một hành tinh mới để sống. Người nghèo ở các khu vực kém phát triển không được tiếp cận với các an toàn khu nên tuổi thọ giảm. Dân số giảm nhanh.

10 năm cuối: Nỗi sợ hãi thúc đẩy bản năng sinh tồn. Người già, người bệnh, và các cộng đồng người bị cho là "ngu muội" hơn bị buộc phải chết để giảm tải. Nhiều người tình nguyện hoặc bị ép buộc sang các hành tinh khác để sống thử nghiệm. Một vài nỗ lực tuyệt vọng được đưa ra để cứu vãn nhưng ko có tác dụng lâu dài.
Và thế là định mệnh không thể đảo ngược. Chúng ta ra đi, và trái đất bắt đầu một kỷ nguyên mới...
Cho dù hơi giống phim Hollywood, hãy tin tôi! Nếu bạn sống ở châu Phi ngay tại nơi dịch Ebola đang hoành hành, bạn sẽ thấy thế giới như đang sụp đổ. Một thảm họa ở quy mô toàn cầu cũng sẽ như vậy: rất nhanh và cuốn đi rất nhiều thứ để lại nỗi sợ hãi và hoảng loạn.

3. Có cách nào để sống sót?
Cách tốt nhất để cứu thế giới sinh vật là loài người hãy tuyệt chủng đi.
Cách tốt nhất để cứu thế giới sinh vật đương nhiên là loài người hãy tuyệt chủng đi (hay ít ra là giảm số lượng một cách đáng kể). Và cần làm điều đó một cách tự nguyện. Tuy nhiên, điều này không khả thi lắm, dù cũng có những phong trào vận động cho điều đó bằng cách không sinh sản.

Hoặc ta cứ chẳng làm gì, để mặc cho môi trường và hệ sinh thái bị tàn phá, đến gần cuối biết đâu chúng ta lại vẫn kịp tìm ra cách sống sót, chẳng hạn:

Tìm ra các công nghệ đột phá giúp đảo ngược hiện trạng của sinh quyển
Tạo ra được những "ốc đảo" bền vững trên trái đất và sống trong đó
Tìm được một hành tinh khác phù hợp và một nhóm người chuyển lên đó sống

Loài người không bị xóa sổ hoàn toàn. Một số nhỏ sống sót trên trái đất, tiến hóa, và dần hồi phục
Thế chẳng lẽ chúng ta chỉ biết trông chờ vào thần may mắn? Lý do chúng ta vẫn thủng thỉnh vì "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ". Hệ sinh thái toàn cầu đang ở trong tình trạng tương tự một người bệnh ung thư chưa biết mình bị bệnh và không thèm để ý đến các "triệu chứng nhỏ". Và rồi chỉ một thời gian sau, ung thư di căn, khi đó có dùng đủ các biện pháp hóa trị liệu cũng không cứu vãn được. Ung thư cũng là một ví dụ tuyệt vời cho thấy một cơ quan cơ thể hỏng làm hỏng cả một hệ thống, do mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Chỉ có một cách là phải hành động, và hành động ngay! Nghị định thư Montreal đã ngăn chặn sự mở rộng và làm phục hồi một phần lỗ thủng tầng Ozone. Nó cho thấy nếu các nước hợp tác và có niềm tin với nhau thì các vấn đề toàn cầu sẽ dần dần được giải quyết. Vấn đề là con người chỉ buộc phải hành động khi các nguy cơ được nhìn thấy, đo đạc, và hình dung rõ ràng - như lỗ hổng tầng Ozone chẳng hạn. Thế nên, nhiệm vụ của giới khoa học là đưa ra được các các minh chứng rõ ràng, có tính thuyết phục với cộng đồng và có khả năng tác động lên các chính sách. Các chính phủ cần thông qua và tôn trọng các cam kết quốc tế, đưa ra chính sách phát triển bền vững, đẩy mạnh nghiên cứu các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, các công nghệ cải tạo hệ sinh thái toàn cầu. Các tổ chức, cộng đồng chung tay thúc đẩy các phong trào hành động và truyền thông. Mỗi cá nhân có thể góp sức bằng cách điều chỉnh sinh hoạt của mình, chẳng hạn hãy lựa chọn những sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Hoặc đơn giản bạn hãy lan truyền thông điệp để cùng thay đổi nhận thức mọi người.

Chỉ mấy trăm năm trước, trái đất vẫn còn quá to lớn đối với con người, rừng vàng biển bạc tưởng chừng không giới hạn. Giờ đây, trái đất nhỏ bé cần sự khoan dung và gìn giữ của con người. Cho chính con cháu chúng ta

Theo Mangcut.vn