Chúng ta không tử tế chỉ vì không muốn giữ sự tử tế như một rào cản cuối để sống và làm người.
Mấy bữa nay, facebook lẫn báo chí xôn xao về câu chuyện bảo vệ Bệnh viện nhi Trung ương không cho xe cấp cứu đưa bệnh nhân hấp hối ra về. Dư luận phẫn nộ về phóng sự Phó Giám đốc bệnh viện trả lời nhà báo đầy né tránh.Thêm một lần nữa, những người thày thuốc lại bị đưa ra trước búa rìu dư luận.
Là người trong ngạch báo, tôi bắt buộc phải xem clip. Tôi bắt buộc phải nghĩ về câu chuyện này dù thực lòng không muốn. Tôi thử đặt mình vào đủ mọi vị trí của người trong cuộc để hiểu, thử mọi lý lẽ và logic tâm lý khác nhau để biết vì sao người ta làm thế.
Bảo vệ chặn xe cấp cứu, sự tử tế nào cho chúng ta? |
Rồi tôi thử vào vai của anh “cò” xe cấp cứu đã được giao nhiệm vụ dụ dỗ hoặc ép buộc các gia đình bệnh nhân phải dùng xe của chủ anh. Một chuyến xe ngoài luồng, mất một khách, mất hoa hồng, có khi đói một ngày.
Tôi thử tiếp vai của Phó Giám đốc bệnh viện khi trả lời báo chí. Bệnh viện đã quy định khi cho xe vào phải xuất trình giấy tờ để tránh tình trạng lộn xộn. Xe phải đảm bảo yêu cầu về phương tiện cấp cứu để tránh tình trạng gia đình bệnh nhân quy trách nhiệm cho bệnh viện về chữa bệnh. Phải đảm bảo những yêu cầu trên thì mới cho chuyển bệnh nhân.
Tôi thử đủ vai, nhưng tôi không thể tự thuyết phục mình rằng những điều mà tôi nhìn thấy trong clip là hợp lý, rằng lẽ phải thuộc về những người thi hành công vụ.
Có một thực tế hiển nhiên rằng khi bệnh nhân bị trả về, không còn hy vọng chạy chữa, vậy thì đi xe gì thì cũng không còn hy vọng sống. Bệnh viện không chịu trách nhiệm về quá trình vận chuyển bệnh nhân, vậy không thể có một cuộc kiện cáo nào có thể xảy ra khiến ban giám đốc bệnh viện phải có quy định chặt chẽ về phương tiện di chuyện, phải là xe này chứ không là xe khác.
Vai trò của bệnh viện đã chấm dứt từ khi em bé được bác sĩ ký vào giấy tờ trả về, và cha mẹ đau lòng ký vào giấy tờ đón em.Tôi có thể hình dung sự thất vọng của anh “cò”, sự bực mình của bảo vệ. Tôi tiên liệu được những cơn nóng giận bản năng, nhưng không hình dung được hình ảnh em bé nằm thoi thóp chờ được về nhà để chết, không khiến họ động lòng.
Không có lý lẽ nào để biện minh. Chỉ là khi tình người đã cạn. Chỉ là khi người ta nhìn cái chết của kẻ khác như một cơ hội để kiếm ăn, lạnh lùng và hoang dã.
Anh cò có thể càm ràm anh bảo vệ đã để xe vào. Anh bảo vệ có thể cáu bực, xử phạt rồi cho đi, Phó Giám đốc có thể xin lỗi và hứa sẽ chấn chỉnh... Có nhiều tình huống giả tưởng có thể xảy ra nhưng chắc chắn không thể là những gì như tất cả chúng ta đã thấy.
Mỗi một năm chúng ta phải đọc bao nhiêu bài báo, bao nhiêu câu chuyện tương tự? Chúng ta phải chứng kiến bao chuyện đau lòng? Công an đạp truỵ thai sản phụ, thày giáo mua dâm học trò, quản đốc đánh công nhân, cô giáo khiến trẻ nhỏ tử vong...
Và mỗi một năm chúng ta lại nghe bao lời biện minh từ những người thi hành công vụ, những lời biện minh mà dù bao biện nhất, cũng khó có thể thuyết phục.
Tại sao lại thế?
Lý lẽ gì để làm những việc đó?
Chúng ta hay đổ lỗi cho đồng tiền. Dư luận đổ lỗi cho ban giám đốc bệnh viện ăn cánh với chủ xe. Dư luận kết tội bảo vệ chia chác với cò xe. Chúng ta nghĩ tiền đã khiến người ta mờ mắt.Người ta ác vì tiền, bao che vì tiền.
Tôi không tin tiền mạnh đến thế. Tôi không nghĩ bảo vệ được chia rất nhiều trong những thương vụ như thế này. Tôi không nghĩ “cò” xe sẽ chết đói nếu mất đi một khách. Tôi chắc chắn ban lãnh đạo bệnh viện không sống dựa vào những chiếc xe chở người về quê trong tuyệt vọng, ăn tiền trên những bệnh nhân chờ chết.
Tôi xem đi xem lại bài trả lời phỏng vấn của Phó Giám đốc bệnh viện nhi, tôi lục trên mạng, tôi hy vọng sẽ được nghe một lời chia buồn, nhưng không hề có. Tôi hy vọng cái mong ước cho con được chết tại nhà mà không thực hiện được của bà mẹ đau khổ sẽ làm ai đó áy náy, nhưng tôi không thấy. Dư luận phẫn nộ lên án, người trong cuộc mải miết biện minh. Chỉ có thế.
Trong rất nhiều những trường hợp tương tự khác cũng vậy. Đa số chúng ta nghe, xem, đọc được những lời biện minh vì người có trách nhiệm không muốn bị dư luận buộc tội, thành người có lỗi hay dung túng cho cái xấu, nhưng hình như có một thứ mà chúng ta ít thấy là nỗi xấu hổ vì đã không tử tế.
Trong trường hợp cụ thể ở trên, là đã không ứng xử tử tế ở một môi trường lẽ ra phải có - là bệnh viện.
Sự tử tế đang ở đâu trong xã hội mà chúng ta đang sống? Có phải sử tử tế đã bị đồng tiền làm khuất phục? Tôi không tin vào điều này. Tôi chỉ tin, rằng chúng ta không tử tế vì không muốn giữ sự tử tế như một rào cản cuối để sống và làm người.
Tôi đọc trên mạng, mấy ngày nay cũng đầy rẫy những lời giận dữ, thậm chí thoá mạ ngành y. Tôi biết nhiều bác sĩ có lương tâm đang hàng ngày làm việc đầy áp lực tại bệnh viện, chắc chắn họ thấy bị tổn thương vì điều này.
Nhưng đáng tiếc, bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, cái ác sẽ tiếp tục sinh ra cái ác. Phản ứng dây chuyền của sự ghét bỏ sinh ra từ chính sự thiếu nhân văn, như một hệ quả.
Nếu có sự tử tế, chắc chắn sẽ không có cuộc giằng co để giữ xe bất chấp một sinh linh bé nhỏ sắp trút hơi thở cuối, sẽ không có bài trả lời phỏng vấn vô cảm. Sẽ không có nước mắt của bà mẹ, và cả những dòng giận dữ nhắm vào các bác sĩ và ngành y.
Sẽ chẳng tốn giấy mực của báo chí, xáo trộn tâm thế của nhiều người, tạo nên một bức tranh u buồn cho xã hội. Chỉ cần tử tế một chút, thật thế, chỉ cần tử tế thôi.
Nhưng sự tử tế đang ở đâu?
Theo Dân Việt