Phải đến thời điểm này, người ta mới giật mình vì không ngờ đời sống của người lính thời bình lại khó khăn đến vậy.
Người lính đầu tiên lấy vợ năm 2015, vợ chưa kịp được việc làm. Người lính thì biết loay hoay thế nào với cuộc sống ngoài chuyện nhận lương về đưa cho vợ. Vợ có thai, người lính khoe với thủ trưởng, cháu đang nuôi một con heo đất để dành tiền cho vợ sinh con. Thủ trưởng thương lính, hứa sẽ cho một cái tủ lạnh và máy giặt làm quà mừng. Hóa ra, đến thiết bị điện tử thông thường ấy người lính cũng không có.
Những người lính trên chiếc máy bay CASA 212 đã mãi mãi không trở về. |
Bây giờ thì người lính không để dành thêm tiền được nữa rồi, bây giờ thì bé bỏng của người lính không thể nhìn thấy mặt cha trên cõi đời này nữa rồi, bây giờ thì vợ của người lính phải “đi biển mồ côi một mình” thật rồi.
Người lính không về nữa, người lính gửi thân mình vào biển xanh, người lính gửi niềm hy vọng về bé bỏng sắp chào đời vào hết đôi tay người vợ trẻ. Người lính hy sinh trên chiếc máy bay khi đi tìm đồng đội của mình.
Người lính thứ hai có hai cậu con trai, con trai lớn bốn tuổi, con trai nhỏ vừa 21 tháng. Tuần trước, người lính thứ hai vừa cắt tóc cho hai cậu con trai của mình. Mẹ hỏi người lính: “Sao không để cuối tuần như mọi khi”. Người lính thưa: “Dạ, có thể cuối tuần con bận”. Trong cõi đời này, những rủi may và điềm báo là điều chúng ta không am tường hết được.
Người lính ở nhà thuê mấy năm rồi, mẹ thương người lính nên rời quê lên ở cùng trong căn nhà thuê ấy để chăm con cho vợ chồng người lính an tâm công tác. Người lính vừa mua cho mẹ cái tivi xong, người lính biết mẹ thích nghe nhạc. Người lính tính là vài tháng nữa sẽ để dành được tiền để đổi cái xe gắn máy, chứ cái xe gắn máy hiện tại đã cũ quá rồi.
Bây giờ thì người lính không về nữa, bây giờ thì người lính không thể cắt tóc cho con được nữa, bây giờ thì buồn vui cõi tạm này người lính đã gửi vào hư không. Người lính hy sinh trong chuyến bay đi tìm đồng đội.
Người lính thứ ba có bố ốm liệt gường đã sáu năm nay, bố là thương binh 2/4. Bố tự hào về người lính lắm vì trong nhà chỉ có mỗi người lính là theo đường binh nghiệp như bố. Bố nằm trên giường, vẫn mong được người lính xoa bóp cơ thể cho đỡ mỏi mỏi khi tranh thủ về phép. Mẹ già rồi, mẹ chẳng có niềm vui nào khác là được nhìn thấy người lính mỗi lúc đoàn viên.
Vậy mà, người lính đâu có xoa bóp cơ thể cho bố đỡ mỏi được nữa đâu. Vậy mà, người lính đâu có được thấy mẹ mỉm cười nữa đâu. Vậy mà, người lính có trở lại căn nhà ấy bằng xương bằng thịt được nữa đâu. Người lính đã hy sinh trong chuyến bay tìm đồng đội.
Những người lính yêu thương mà tôi kể trên, là ba người lính trong số những người lính đã hy sinh khi làm nhiệm vụ khi điều khiển máy bay Su – 30 MK2, là những người lính đã hy sinh khi điều kiển máy bay CASA – 212 bay trên đầu con sóng để tìm đồng đội.
Người lính thời bình thì có khác người lính thời chiến đâu, vẫn đặt cái chung lên trên lợi ích của mình, vẫn đặt nhiệm vụ lên trên tình riêng, vẫn đặt tình nghĩa động đội trên những điều khác. Những người lính thời bình có một mẫu số chung, đều nghèo khó như nhau.
Tại sao thế nhỉ?
Tôi không có câu trả lời, càng cố tìm câu trả lời tôi chỉ càng cảm thấy buồn bã thôi.
Ngân sách thời bình trong mấy tháng đầu năm 2016 bội chi mấy mươi nghìn tỷ, nợ công không ngừng tăng lên. Nếu năm 2006, mỗi người Việt Nam chỉ gánh 279 USD nợ công thì nay đã tăng gần 4 lần, lên mức 1.039 USD, theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist.
Sẽ thật vô lý nếu so sánh thu nhập của người lính thời bình và ngân sách thời bình, tôi không có ý gì cả.
Tôi chỉ muốn những người có quyền quyết định chi ngân sách, những người có quyền sử dụng ngân sách, mỗi lần tính thực hiện điều gì đó thì hãy nhớ cho những hoàn cảnh đang khốn khó khác.
Đó không chỉ là người lính thời bình, mà đó là giáo viên, là quân nhân chuyên nghiệp, là cả những người dân đang phải chi trả nợ công – món nợ rất khó lý giải vì sao số tiền ngày càng nhiều hơn như vậy.
Theo Dân Việt