Thứ Sáu

Hiệu trưởng thi 'Ai là triệu phú' thành nạn nhân trên mạng

Việc tham gia cuộc thi "Ai là triệu phú" khiến cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên bỗng dưng nổi tiếng. Vì những lời chỉ trích, nữ hiệu trưởng đã khóc và thức trắng nhiều đêm.
Mới đây, sự việc hiệu trưởng dự thi Ai là triệu phú ngày 14/6 nhận được nhiều bình luận chỉ trích từ phía cộng đồng mạng. Người chơi là cô Nguyễn Thị Kim Liên - hiệu trưởng trường tiểu học Phù Ninh, Phú Thọ.

Dân mạng nhận xét cô Liên: "Thiếu hụt kiến thức", "Không xứng đáng là hiệu trưởng", “Khoe mẽ”. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, cô Liên là sự "thất bại" của nền giáo dục.

Hiệu trưởng lúng túng khi thi 'Ai là triệu phú': Hiệu trưởng trường Tiểu học Phù Ninh (Phú Thọ) 
Câu chuyện xuất phát từ lúc nữ hiệu trưởng giới thiệu về bản thân: "Mình rất có duyên với thi cử, đa số là nhất. Vài lần về nhì trong các cuộc thi chuyên môn và quản lý".

Nhưng khi tham gia chương trình, một số câu hỏi lại khiến cô Liên lúng túng như "Nghĩa trang Hàng Dương nằm ở tỉnh nào?”, “Bài hát Còn tuổi nào cho em là sáng tác của ai?”…

Hiệu trưởng không phải là người "biết tuốt"

Chia sẻ với chúng tôi, một độc giả cho rằng, hiệu trưởng chỉ là người đứng đầu trường học, mang chức danh quản lý. Một người quản lý giỏi chưa chắc kiến thức chuyên môn đã giỏi. Ví dụ như một giám đốc có thể quản lý hàng nghìn nhân viên nhưng chưa chắc chuyên môn giỏi như trưởng phòng.

Ý kiến này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cũng “nhắc nhở” cô giáo Kim Liên nên có cách cư xử khéo léo trước đám đông. Bởi chính sự tự tin khi giới thiệu của cô đã thúc đẩy thêm sự lên án nặng nề từ dư luận.

Dũng Thương cho biết: “Tôi không chỉ trích hay chê kiến thức của cô giáo còn non kém. Tôi thấy không hay khi ngay mở đầu cô đã giới thiệu nhiều về thành tích của mình. Là một hiệu trưởng, cô nên biết khiêm tốn”.

Nguyễn Cường chia sẻ: "Người xưa từng dạy 'Nói trước bước không qua'. Hy vọng đây sẽ là bài học cho cô giáo về sự khiêm tốn. Bởi biển kiến thức là mênh mông, rộng lớn".

Nhiều dân mạng hiện tranh cãi về việc: Một hiệu trưởng tiểu học không biết nghĩa trang Hàng Dương ở đâu? Có ý kiến cho rằng, đó là điều dễ hiểu, số còn lại nói đáng trách. Phần lớn mặc định thông tin “Nghĩa trang Hàng Dương” nằm ở đâu rất quan trọng, nhất là người giáo viên, đặc biệt hiệu trưởng cần phải nhớ.

Chia sẻ về “vùng” kiến thức này, TS Vũ Thu Hương bày tỏ: “Cô giáo không nhớ nghĩa trang Hàng Dương ở đâu cũng là điều hơi lạ”.

Tuy nhiên, chắc chắn 100% sẽ luôn nhớ và thuộc kiến thức ở mảng nào. Có những thứ rất quen thuộc nhưng đôi khi lãng đi, ta lại không nhớ đến. Vì vậy, ai đó bỗng quên một điều gì đột xuất hoàn toàn dễ hiểu.

Bản thân TS Hương là người làm việc nhiều trong lĩnh vực giáo dục thoát hiểm cho trẻ. Song rất nhiều khi bà lẫn lộn giữa số điện thoại cấp cứu và cứu hỏa.

Đặt trong cương vị một hiệu trưởng, có thể lần chơi này đã khiến cô Kim Liên quá xúc động khi ngồi trên ghế nóng. Vì vậy, cô đã không nhớ chính xác mọi thứ.

Chỉ trích người khác là thú vui?

Thắng Quang - một người từng tham gia chơi Ai là triệu phú - chia sẻ: “Lên sâu khấu Ai là triệu phú mới biết đầu óc mụ mị thế nào. Đọc những chia sẻ phê phán cô hiệu trưởng mà buồn. Chúng ta hãy sống với nhau nhân văn hơn. Các bạn thử lên đó ngồi xem chắc gì mình đã hay, cái gì mình cũng biết”.

Lê Đào thông cảm khi cho rằng, cô giáo là nạn nhân của đám đông thích phán xét.

“Ngay từ đầu chương trình, cô giáo cũng chia sẻ: Đây là lần đầu cô tham gia trò chơi trên truyền hình và tự nhận 'kiến thức thực tế còn hơi kém'. Vì vậy, việc cô bị chỉ trích là không đáng”, Lê Đào nói.

TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Đây là việc đáng lo ngại khi mọi người coi sự lên án, chỉ trích người khác là một thú vui.

“Tôi thấy gần đây, dường như tìm đề tài để ném đá là việc rất được quan tâm. Người ném đá hầu như không quan tâm xem hành động của mình, hay việc nhận định có đúng khoa học hay sai, có hợp lý hay không, có để lại hậu quả gì không?

Họ chỉ nói cho thỏa cơn của mình. Thậm chí, có nhiều người còn sử dụng từ ngữ rất thô tục để xúc phạm người khác trong khi hoàn toàn không biết ngọn ngành câu chuyện”, TS Hương nêu.

Nghề giáo nhiều áp lực

Theo nhiều độc giả, hình ảnh hiệu trưởng, cùng sự tham gia của hai cô giáo đi cùng với vai trò “trợ giúp sếp” đã gia tăng phần tò mò và đặt kỳ vọng của khán giả. Tuy nhiên, phần thi mang lại nhiều thất vọng khiến cộng đồng mạng chỉ trích chức danh hiệu trưởng.

Vậy nếu không phải người đứng đầu quản lý một trường học, liệu cô Kim Liên có phải chịu nhiều "miệng lưỡi thế gian?".

TS Vũ Thu Hương bày tỏ: Nghề giáo nhiều áp lực là điều quá rõ ràng.

“Tôi vẫn hay nói đùa với các giáo viên, nghề giáo là nghề đặc biệt khi một sản phẩm có đến 2 hoặc 3, 4, 5 khách hàng. Sản phẩm ở đây là sự tiến bộ của trẻ nhưng nó được đánh giá bởi trẻ em, phụ huynh và cả xã hội.

Vì thế, cái nhìn của xã hội dành cho giáo viên bao giờ cũng cực kỳ khắt khe”, TS Hương chia sẻ.

Hơn nữa, người chơi Ai là triệu phú là hiệu trưởng, quản lý trong một cơ quan giáo dục cũng là lý do khiến cô giáo bị ném đá nhiều hơn.

Theo đánh giá của TS Hương, điều này rất thiếu công bằng với những người làm giáo dục và thể hiện một môi trường khốc liệt, đầy áp lực cho giáo viên.

Sâu xa hơn, đây là những nguy hiểm tiềm tàng bởi chính những người làm việc với trẻ phải chịu áp lực nhiều hơn nghề nghiệp khác, có thể dẫn đến việc họ ức chế, bực bội và gặp vấn đề về tâm lý. Giáo viên có vấn đề tâm lý, trẻ em sẽ phải chịu hậu quả.

Như vậy, việc đánh giá quá khắt khe dành cho giáo viên sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp cho trẻ, mà còn có thể làm hại chúng.

Theo trí thức trẻ