Chủ Nhật

Những điều đặc biệt quan trọng bạn phải làm trước khi quyết định nghỉ việc

Thế giới ngày nay khiến mọi người dễ dàng thay đổi công việc. Có thể hôm nay bạn chưa hề có ý định thay đổi, nhưng ở một vài thời điểm, bạn sẽ muốn bắt đầu một công việc mới.
Dù cho là bạn đang tính toán từ chức hay bán công ty, thì bước đầu tiên luôn là bước khó khăn nhất. Vậy trước khi đưa ra bất cứ quyết định vội vàng nào thì bạn cũng nên có một kế hoạch khi chuyển sang vai trò mới.

Dưới đây là 3 điều bạn có thể làm trước khi quyết định nghỉ việc :

1. Đánh giá những rủi ro và cơ hội

Có rất nhiều lý do dẫn đến nghỉ việc hay bán công ty. Ngoài kia đang có nhiều cơ hội khác đang chờ bạn theo đuổi. Có thể bạn đang mệt mỏi với vai trò hiện tại của mình. Hoặc chỉ là bạn đang cần “thay đổi không khí”.

Những điều đặc biệt quan trọng bạn phải làm trước khi quyết định nghỉ việc
Khi bạn bắt đầu xem xét lựa chọn của mình, hãy chắc chắn rằng mình đã đánh giá cả những cơ hội và rủi ro. Đừng quên rằng công việc là công việc. Dù cho bạn có vị trí mới là gì thì công việc mới cũng mang đến cho bạn cả niềm vui lẫn nỗi buồn, niềm hạnh phúc cũng như sự khổ đau.

Xét về rủi ro, bạn có đang tiết kiệm tiền không? Bạn đã có một khoản tiền dự phòng cho những ngày khó khăn chưa? Chuyển công việc với một vai trò mới khá khó khăn và thậm chí là tốn kém. Thế giới này chẳng có gì là đảm bảo. Có thể lúc này chưa phải là thời gian phù hợp cho bạn theo đuổi công việc mong muốn. Nếu thu nhập của bạn bị hoàn toàn phụ thuộc vào tiền lương, hãy chắc chắn bạn có một khoản tiết kiệm rủng rỉnh trước khi nghỉ việc.

Xét về cơ hội, chính xác là bạn đang dự định làm gì sắp tới? Bạn đã có ý tưởng rõ ràng chưa? Bạn có công việc mới chưa? Giả sử công việc này không như mong muốn thì bạn sẽ làm gì? Bạn có nhận được mức lương cao hơn ở vị trí mới? Công việc mới của bạn thú vị và hoàn hảo hơn chứ? Bạn đã có kế hoạch phát triển sự nghiệp trong dài hạn chưa? Bạn có lên kế hoạch học thêm kỹ năng mới để có thêm nhiều cơ hội?

Đừng bị cuốn vào sự phấn khích khi có công việc mới mà bị che lấp đi cơ hội hiện có và những rủi ro tiềm tàng.

2. Giải quyết công việc chưa hoàn tất

Nhiều người thậm chí còn có xu hướng “nghỉ ngơi” trước cả thời gian thông báo nghỉ của mình.

Dù khá khó nhưng hãy cố gắng tạo động lực để tiếp tục công việc của mình. Đồng thời bạn nên lập danh sách mọi thứ cần hoàn thành trước khi rời đi.

Các dự án cũng như nhiệm vụ của bạn có thể đã được giao cho đồng nghiệp trước khi bạn chính thức nghỉ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn không cần chịu trách nhiệm cho những gì mình đã đồng ý và bắt đầu làm. Nếu có cơ hội, hãy chia ra thành những nhiệm vụ nhỏ hơn để bạn có thể tập trung vào những ưu tiên hàng đầu và theo dõi chúng hoàn thành.

Giữ mối liên hệ cởi mở với quản lý cũng như đồng nghiệp. Hãy liên lạc với khách hàng nếu thực sự cần. Chia sẻ lại thông tin với quản lý và đồng nghiệp, những người tiếp nhận công việc.

Điều này sẽ giúp công việc thuận lợi hơn trước khi bạn đi. Sếp cũ của bạn cũng sẽ đánh giá cao nếu bạn bàn giao lại những nhiệm vụ dễ dàng tiếp nhận chứ không phải một mớ bòng bong rắc rối chưa giải quyết.

Thật tốt nếu rời đi mà mọi người vẫn còn có ấn tượng tốt. Những điều bạn làm có khả năng hình thành mối quan hệ tích cực lâu dài với công ty cũ. Rất có thể bạn cũng cần chúng cho một sự tiến cử sau này.

3. Dọn dẹp, làm sạch và sắp xếp lại

Hãy cố gắng để lại văn phòng, bàn hay không gian làm việc trong tình trạng tốt nhất trước khi rời đi.

Bắt đầu bằng việc dọn những vật dụng cá nhân- ảnh gia đình, văn phòng phẩm, thiết bị điện tử- vào những chiếc hộp. Đừng quên những tệp tin cá nhân trên máy tính. Sao lưu tất cả những thông tin bạn cần: tài liệu, nhạc, hình ảnh,..., lưu chúng vào ổ đĩa hay ổ cứng ngoài. Đừng động đến dữ liệu nhạy cảm của công ty hay lưu chúng cho mục đích cá nhân. Bạn cũng chỉ nên giữ liên lạc với những người bạn cần xây dựng mối quan hệ cá nhân.

Loại bỏ những tập tin cũ hay bản ghi nhớ không cần thiết. Lưu trữ lại những thông tin quan trọng của công ty. Chuyển giao những tài liệu liên quan cho đồng nghiệp nếu họ cần.

Vứt bỏ các loại rác và lau sạch bụi bẩn, bỏ đi những vật dụng không còn cần thiết.

Đôi khi, bạn chẳng có nhiều thời gian để dọn dẹp, làm sạch và sắp xếp lại. Một vài trường hợp, khi nghỉ việc (đặc biệt là vị trí bán hàng), họ thường rời văn phòng trong khoảng thời gian ngắn. Nếu bạn không có nhiều thời gian, hãy ưu tiên những thứ quan trọng nhất bạn vẫn cần cho công việc của mình.

Có thể có vài bước khác bạn cần để rời đi một cách suôn sẻ. Đó tùy thuộc vào công việc của bạn hay mối quan hệ của bạn với sếp và đồng nghiệp.

Đừng quên: Tốt nhất bạn đừng làm mất đi cơ hội của chính mình. Bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc một cách hoàn toàn vui vẻ. Bạn hoàn toàn có thể đưa ra những thông tin có giá trị để cải thiện hoạt động của công ty, miễn là chúng cụ thể và mang tính xây dựng. Dù sao thì bạn cũng chưa biết liệu có khi nào mình muốn quay lại công ty nữa không.

Theo Tri Thức Trẻ