Thứ Năm

Lạng Sơn: Những địa điểm nên đến khi đi du lịch ở Lạng Sơn

Nhắc đến Lạng Sơn, người ta không chỉ nhớ đến những món ăn ngon mà tại nơi đây còn có những địa danh bạn không thể bỏ lỡ.

Những địa điểm nên đến khi đi du lịch ở Lạng Sơn

Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Liên
1. Chùa Tiên – Giếng Tiên

Hang động chùa Tiên và Giếng Tiên: Cách cầu Kỳ cùng khoảng nửa cây số, trên đường đi Mai Pha, có núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng. Đó là núi đại tượng, nơi đây có động Chùa Tiên. hùa Tiên phối thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần, có bố cục kiểu “tiền Phật hậu Thánh” gồm cung tam bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ Mẫu, Đức Thánh Trần ở phía trong.

Giếng Tiên
Động Chùa Tiên Nằm ngang chừng núi, lối lên có 64 bậc, cửa phụ quay về hướng đông, có cửa thông hiên, có đường xuống hồ thu thuỷ. Đằng sau núi Voi – Chùa tiên ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng đó là Giếng tiên, miệng giếng rộng 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm.

2. Thành nhà Mạc

Thành Nhà Mạc nằm trong khu vực phường Tam Thanh, Thành phố Lạng Sơn, là di tích kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Thành nhà Mạc
Đoạn đường từ chân đồi lên cổng thành giờ là nhiều bậc cấp thẳng tắp, ngước trông cổng thành như xa hun hút, nhỏ bé lại. Lên đến nơi thấy khung cảnh thật thoáng đãng. Đứng bên trong nhìn ra càng nhận rõ thế đắc địa của cuộc đất, trước mặt là thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm sầm uất, tiếp đến là núi, quần sơn nối tiếp trùng trùng điệp điệp.

3. Động Tam Thanh – Chùa Tam Thanh

Chùa Tam Thanh nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật của di tích. Hiện nay trong chùa còn có một hệ thống bia Ma Nhai khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại.
Chùa Tam Thanh
Đi sâu vào trong Động, ở khu trung tâm có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, hồ tuy nhỏ nhưng nước chảy suốt ngày đêm, trên các trần hang có nhiều nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa với những hình tượng sinh động kỳ bí: cây Ngô Đồng, Tiên Ông, Sư Tử, Voi… Đi vào bên trong ta bắt gặp một sân khấu nhỏ, xung quanh có những nhũ đá nhiều hình thù khác nhau do thiên nhiên tạo nên, có hai cửa thông thiên, ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá đẹp lạ thường.

4. Hồ Pác Mỏ

Không chỉ là một hồ thủy lợi đơn thuần cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hồ Pác Mỏ có cảnh quan đẹp tự nhiên, nguồn nước trong xanh không bao giờ vơi cạn, mặt hồ yên bình soi bóng những mái nhà sàn thấp thoáng bên tán cây cổ thụ dưới chân núi.
Hồ Pác Mỏ
Ngay bên hồ là giếng Bó Loóng, truyền thuyết kể rằng ngày xưa vùng này vốn khô cạn, vào một ngày mưa to gió lớn có con trâu thần trắng đã húc vào vách đá bên hồ, chui vào lòng núi mà tạo ra khe giếng này. Từ đó đến nay khe giếng Bó Loóng nước chảy suốt quanh năm cung cấp nước cho vùng hồ mênh mông. Điều kỳ lạ là trước mỗi ngày mưa to nước chảy ra từ giếng sẽ đổi màu trắng đục như nước vo gạo, nguồn nước khe đặc biệt lạnh không biết xuất xứ chảy từ đâu, lạnh đến nỗi giữa trưa hè một người khỏe mạnh cũng không thể ngâm mình trong nước đến 5 phút.

5. Núi mặt quỷ

Núi có hình mặt quỷ nằm ở thôn Quán Thanh (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn). Chính vì vậy mà trước đây nơi này có tên gọi là Quỷ Môn Quan, tức là cửa mặt quỷ. Ngọn núi này có điểm đặc biệt là ở giữa khoảng xanh của cây cỏ, lộ lên một hình thù rất giống mặt của một con quái vật khổng lồ. Nhìn từ xa, khuôn mặt này có đầy đủ cả mắt, mũi.
Núi mặt quỷ
Một điều thú vị là, dù được coi là mặt quỷ, nhưng người dân nơi đây không coi đấy là biểu tượng của cái ác, mà ngược lại, người dân cho rằng “mặt quỷ sẽ bảo vệ cuộc sống bình an cho dân làng”.

6. Hang gió

Hang Gió còn có các tên gọi: Động Thông Gió hay Mai Sao Phong động. Khu di tích Hang Gió thuộc Lũng Khòm (thôn Sao Thượng B), xã Mai Sao, huyện Chi  Lăng. Khu di tích danh thắng Hang Gió bao gồm một vùng rộng lớn, với nhiều núi dá, hang đá tự nhiên thuộc dãy núi Bó Nhàn từ thôn Sao Thượng tới trung tâm xã Mai Sao.
Hang Gió
Sàn hang tương đối bằng phẳng, vòm hang cao rộng, thoáng mát mang dáng dấp vòm nhà thờ. Vách hang có nhiều nhũ đá mang hình thù kỳ dị.

7. Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Liên

Là điểm nối giữa hai thị trấn huyện Hữu Lũng – Bắc Sơn với tuyến giao thông liên huyện khá hoàn chỉnh, ngoài sự đa dạng về sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, đến với xã Hữu Liên các bạn sẽ được khám phá loại hình du lịch sinh thái và du lịch khám phá cảnh quan tự nhiên.
Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Liên
Không chỉ đa dạng về sinh cảnh với  khu rừng đặc dụng quí hiếm, những hang động núi đá và thác nước hùng vĩ, Hữu Liên còn là điểm du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn với nhiều giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội và các trò chơi dân gian. Dạo quanh xã Hữu Liên, nổi bật giữa những thung lũng lúa nước bằng phẳng là những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát nằm lưng chừng mây núi của rừng già tựa như một bức họa thủy mặc làm say đắm lòng người.

8. Khu du lịch Mẫu Sơn

Đỉnh Mẫu Sơn cao 1,541 mét, được bao bọc xung quanh bởi bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn – nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt Trung). Diện tích khu Mẫu Sơn khoảng 550km², nằm cách trung tâm thị xã Lạng Sơn 30km về phía đông bắc,cách thành phố Lạng Sơn 30 km
Mẫu Sơn
Về mùa đông có những năm nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm và có thể có tuyết rơi, băng đá. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5°C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ. Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn…

Minh Trường/ Xã Luận