Suốt chục năm qua, hơn 1000 hộ dân tại thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai phải sống chung với khói, bụi, tiếng ồn và nước thải xả trực tiếp ra môi trường từ Khu công nghiệp Tằng Loỏng, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Quá bức xúc, người dân “vùng ô nhiễm” đã kiến nghị nhiều lần nhưng xem ra việc “đòi” lại môi trường sống sạch của họ như trước đây khó được thỏa nguyện.
Ô nhiễm triền miên, dân lãnh đủ
Khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng là khu công nghiệp tuyển khoáng, luyện kim, hóa chất duy nhất ở nước ta được triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước. KCN này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân.
Những cột khói cao ngút trời |
Chỉ đi một vòng quanh KCN Tằng Loỏng là cả một màu xám bởi khói bụi mịt mù được xả ra từ các ống khói nhà máy luyện đồng, phốt pho... Đó là chưa kể đến hệ thống đường giao thông và kênh thoát nước như bị vô hiệu hóa. Càng đi sâu vào trong, mặt đường càng lênh láng lầy lội.
Người dân xung quang KCN cho biết, tất cả các loại nước thải dù đã xử lý hay chưa đều xả thẳng ra thôn Khe Chom (thị trấn Tằng Loỏng) và các khu vực dân cư lân cận. Toàn bộ nước ở những con suối quanh đó đều mang một màu xanh biếc do lượng nước thải của nhà máy luyện đồng và phốt pho chưa xử lý hết, nước bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Người lâm bệnh, trâu bò chết thảm, nông dân mất đất trồng lúa, cây khô chết, cây còn sống thì cũng không thể đơm hoa kết trái… đang là thực trạng đáng báo động tại KCN Tằng Loỏng. Về lâu dài, nếu không được cải thiện môi trường tự nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng nghìn hộ dân khu vực thị trấn Tằng Loỏng cũng như các xã phụ cận, do khói bụi thải ra đều từ các nhà máy sản xuất hóa chất và luyện đồng cực kỳ độc hại.
Xử lý ô nhiễm như “đá ném ao bèo”
Cả KCN Tằng Loỏng có 15 nhà máy thì có đến 5 nhà máy sản xuất hóa chất phốt pho. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lào Cai, trong khí thải cũng như nước thải của nhiều nhà máy ở đây chứa axit và một số loại hóa chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Ô nhiễm môi trường nặng |
Song, việc xử lý vi phạm trên chỉ như “đá ném ao bèo”. Theo Sở TN&MT Lào Cai, hiện nay KCN Tằng Loỏng vẫn là một điểm nóng về môi trường. Nguyên nhân của những tồn tại trên được Sở TN&MT xác định: Những năm đầu của thế kỷ 21, cùng với chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Lào Cai đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh nhà.
Theo đó, hàng loạt dự án được đầu tư xây dựng tại KCN Tằng Loỏng với thiết bị, công nghệ của Trung Quốc (thiết bị, công nghệ sản xuất cũng như thiết bị, công nghệ xử lý môi trường tương đối lạc hậu).
Sở này cho biết, theo quy hoạch được duyệt, tất cả các KCN phải có khu vực phân loại và trung chuyển chất thải rắn. Tuy nhiên, KCN Tằng Loỏng chưa triển khai hạng mục này. Điều này đã khiến cho công tác quản lý chất thải rắn ở các cơ sở gặp không ít khó khăn.
Nước thải từ các cơ sở sản xuất không được xử lý triệt để gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. KCN Tằng Loỏng chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường chung của KCN.
Mặt khác, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến mục đích kinh doanh mà chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của một số cơ sở sản xuất còn nhiều hạn chế và yếu kém.
Nhiều hành vi vi phạm hành chính đã được các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện và xử lý như: Thực hiện không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đổ thải không đúng quy định về môi trường, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, không thu gom xử lý nước thải, khí thải bụi…
Do vậy, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân cư thì việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường sống có lẽ là vấn đề chưa bao giờ cũ.
Được biết, trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường đối với KCN này nhưng hiện nay vẫn đang nằm trên giấy và chưa biết bao giờ được thực hiện. Còn hàng nghìn người dân nơi đây thì vẫn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường và nơm nớp nỗi lo bệnh tật.
Theo Pháp Luật Online