Thứ Sáu

Bia Hà Nội “kém cỏi” hơn so với bà bán bún chả?

"Với việc được ê kip truyền thông chuyên nghiệp của Tổng thống sắp xếp và tính toán (dù công chúng ít nhìn thấy điều đó), bún chả Hương Liên được hưởng lợi chính thức và mạnh hơn, còn bia Hà Nội chỉ là thương hiệu ngẫu nhiên hưởng lợi."

Khi Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam, ăn bún chả tại quán Hương Liên rồi uống bia Hà Nội, cả 2 cái tên này đều được quảng bá rầm rộ đến công chúng. Bia Hà Nội thậm chí còn xuất hiện trong bài diễn văn của Obama vào buổi sáng hôm sau. Thế nhưng, trong khi bún chả Hương Liên tạo nên một cơn sốt xếp hàng vào ăn và phủ khắp các phương tiện truyền thông thì bia Hà Nội có vẻ khá chìm.

Bia Hà Nội “kém cỏi” hơn so với bà bán bún chả?
Nhiều ý kiến cho rằng cách làm thương hiệu của đội marketing bia Hà Nội quá đáng buồn khi một sự kiện như vậy mà động thái của hãng này chỉ là đưa 9 bài post lên fanpage của công ty với nội dung vô cùng đơn giản là Obama đã uống bia Hà Nội.

Một chuyên gia nổi tiếng là ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch sáng lập học viện Plato cũng đã chia sẻ trên Facebook cá nhân về cách làm thương hiệu của bia Hà Nội nhân sự kiện này: “Họ có lịch sử lâu đời, có sự yêu mến của dân Hà Thành và người uống bia ở các tỉnh miền Bắc. Nhưng hãy cẩn thận, thương hiệu nếu không có sự vận động liên tục và tự làm mới mình, sự đi xuống sẽ đến rất nhanh”.

Tuy nhiên, trong buổi giao lưu trực tuyến trên fanpage Cafef với ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch công ty truyền thông Le Group, chuyên gia này đã có sự phân tích rõ nét hơn về sự khác biệt giữa bún chả Hương Liên và bia Hà Nội dưới góc độ marketing.

Theo ông Lê Quốc Vinh, thương hiệu bún chả nổi trội vì đó là một địa chỉ được xác đinh, dễ thu hút sự quan tâm của mọi người hơn. Thực tế, quán bún chả cũng không chủ động làm thương hiệu nhưng đã được vị đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain lựa chọn và đưa vào chương trình truyền hình thực tế.

Với việc được ê kip truyền thông chuyên nghiệp của Tổng thống sắp xếp và tính toán (dù công chúng ít nhìn thấy điều đó), bún chả Hương Liên được hưởng lợi chính thức và mạnh hơn, còn bia Hà Nội chỉ là thương hiệu ngẫu nhiên hưởng lợi. Do đó, hiệu ứng không mạnh bằng là đương nhiên.

Ông Vinh cho rằng, trong những trường hợp không nằm trong kịch bản như thế này, thương hiệu hưởng lợi ngẫu nhiên muốn được chú ý nhiều hơn phải có hành động ứng phó nhanh chóng và không chỉ nhanh, người làm thương hiệu cho bia Hà Nội phải có phản ứng bài bản ngay sau đó, nếu không hiệu ứng sẽ không nhiều.

“Ở đây, họ cũng bị động giống như bún chả Hương Liên, chỉ biết khi bức ảnh liên quan đến mình xuất hiện trên mạng xã hội, báo chí. Họ có thể tận dụng cơ hội nhưng không nhanh chóng nên hiệu ứng chưa cao.” – ông Vinh đánh giá.

Tuy nhiên, một hạn chế trong hoạt động truyền thông của bia Hà Nội sau lần được quảng cáo “ngẫu nhiên” này là việc sử dụng hình ảnh của Tổng thống Obama cũng không đơn giản vì không thể quảng cáo được (hành động vi phạm pháp luật về quảng cáo), chỉ có thể nhắc đến sự kiện đó trong truyền thông.

Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, bia Hà Nội nên sử dụng marketing du kích và làm bài bản thì sẽ có được hiệu ứng tốt.

Theo trí thức trẻ