Thứ Bảy

Quảng Ninh: Ngao chết hàng loạt: Người nuôi lao đao

Hàng nghìn tấn ngao sắp đến ngày thu hoạch của người dân ven biển xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) bỗng nhiên chết trắng bãi. Chưa năm nào, người dân nuôi ngao ở đây lại bị thiệt hại nặng nề đến vậy, ngao chết khiến nhiều hộ nuôi lâm cảnh nợ nần...

Người dân xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) đổ vỏ ngao chết trải đường đi tạm...
Đắng lòng nhìn ngao chết trắng bãi

Câu chuyện về ngao chết hàng loạt đang trở thành chủ đề “nóng” với người dân xã Quảng Minh từ nhiều ngày nay. Theo những người nuôi ngao lâu năm ở đây cho biết, nghề nuôi ngao ở Quảng Minh có từ những năm 2000 trở về trước. Con ngao dần trở thành thương hiệu, giúp nhiều hộ nuôi ngao ở đây ăn nên làm ra. Nhưng, giờ chết trắng bãi, khiến hàng chục tỷ đồng của người dân nơi đây đổ xuống sông xuống biển. Các hộ nuôi ngao điêu đứng vì nợ nần, nhiều diện tích bãi nuôi đứng trước nguy cơ bị bỏ không do người nuôi không còn vốn để khôi phục sản xuất.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn (thôn 3, xã Quảng Minh) là một trong những hộ nuôi bị ảnh hưởng nặng nhất. Gia đình anh đầu tư vào nuôi ngao hơn 450 triệu đồng (vay ngân hàng 250 triệu đồng). Đến thời điểm sắp được thu hoạch thì gần 3ha diện tích nuôi của gia đình anh tự dưng ngao bị chết trắng bãi, phơi mình trên đầm cát. Anh Đoàn xót xa: “Chưa năm nào chúng tôi gặp hiện tượng ngao chết hàng loạt như vậy. Từ cuối năm 2015, đã có hiện tượng ngao chết lẻ tẻ tại vài bãi nuôi, nhưng sau Tết ngao chết lan rộng ra cả vùng. Đến nay, bãi ngao nhà tôi đã chết hơn 90%, số ít còn lại cũng đang chết dần. Cứ tình hình này, vụ ngao năm nay chúng tôi thất thu quá nặng. Rồi chẳng biết  lấy tiền đâu để trả ngân hàng...”.

Đến khu vực nuôi ngao của người dân xã Quảng Minh, chúng tôi thấy rất nhiều bãi nuôi ở đây đang chịu chung số phận như gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn. Theo những hộ nuôi ngao thì tình trạng ngao chết đã xảy ra từ cuối năm 2015. Đến nay, hầu hết các bãi nuôi xuất hiện ngao chết, thấp nhất thiệt hại từ 20-30%, cao thiệt hại từ 70-90%. Cả xã có 84 hộ nuôi, tổng diện tích 176ha, sản lượng ngao năm 2015 đạt khoảng 4.000 tấn. Ông Đào Văn Phán (thôn 1) chỉ tay về phía bãi ngao nhà mình than thở: “Gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng nuôi 4ha ngao, thả nuôi từ tháng 8-2014, khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch dự kiến hơn 150 tấn, trị giá hơn 1 tỷ đồng... Vậy mà đùng một cái, ngao bị bệnh chết gần hết. Tháng trước, gia đình tôi phải thuê người nhặt vỏ ngao mang đi đổ, tiền thuê mất gần 30 triệu đồng, mong gỡ được số ngao còn sống. Nhưng, mỗi ngày ngao trong bãi lại nổi chết nhiều hơn. Giờ chẳng còn hy vọng gì nữa...”.

Cần một giải pháp bền vững cho người nuôi ngao

Năm 2015, huyện Hải Hà thả nuôi 416ha ngao, tập trung tại xã Quảng Minh (176 ha), xã Quảng Điền (40ha), xã Phú Hải (200ha); trong đó chỉ có vùng nuôi xã Quảng Minh nằm trong vùng quy hoạch nuôi nhuyễn thể của huyện. Giống thả chủ yếu được mua tại Nam Định (hầu hết không được kiểm dịch); cỡ giống 500-600 con/kg; mật độ thả nuôi trên 500 con/m2.

Cuối tháng 12-2015, ngay sau khi nhận thông tin có hiện tượng ngao nuôi chết tại huyện Hải Hà, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thuỷ sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện Hải Hà điều tra xác định nguyên nhân. Qua xác minh thực tế và kết quả thu mẫu giám sát, quan trắc môi trường, nguyên nhân ngao nuôi chết được xác định: Không phải do bệnh ký sinh trùng Perkinsus (P.marinus, P.olseni) thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch (theo Thông tư 38/2012 của Bộ NN&PTNT). Ngao chết ở Quảng Minh do tổng hợp các nguyên nhân: Mật độ thả nuôi quá dày, ngao đã đạt cỡ thương phẩm nhưng chưa thu hoạch (do giá bán quá thấp, người dân không thu); thời tiết lạnh, thiếu thức ăn, ngao gầy yếu dễ cảm nhiễm với các tác nhân gây bệnh; các bãi nuôi ngao đầu nguồn khi mới có hiện tượng chết không được xử lý kịp thời, triệt để, làm ô nhiễm môi trường nước, lây lan sang các bãi nuôi khác.

Để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại, Sở NN&PTNT đã đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân khẩn trương thu hoạch ngao thương phẩm; san thưa các bãi ngao nuôi còn nhỏ, chưa đến cỡ thu hoạch; thu gom ngao chết đến nơi quy định, thực hiện vệ sinh khử trùng bãi nuôi tránh ô nhiễm nền đáy, môi trường nước; không thả gối, thả bù giống mới vào các bãi nuôi đã và đang có hiện tượng ngao chết...
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các hộ nuôi ngao ở Quảng Minh là khôi phục sản xuất vùng nuôi ngao thời gian tới. Bởi ngao chết, không bán được nên nhiều hộ rơi vào cảnh nợ nần. Người nuôi mong muốn các ngân hàng sẽ giãn nợ một thời gian để có ít vốn phục hồi lại vùng nuôi ngao.

Phạm Tăng/Quảng Ninh