Thứ Ba

Quảng Trị hòa bình rồi người dân vẫn đào bom đổi gạo cơm

Bom đạn đổi gạo cơm

Đó là điều đau đớn nhất mà người dân Quảng Trị vẫn đang gánh chịu. Sau những tiếng nổ đinh tai được dự báo trước ấy là tang tóc đau thương. Vậy nhưng, vì miếng cơm manh áo và sự liều lĩnh không đáng có, nhiều người vẫn bám lấy cái nghề rà tìm phế liệu, cưa tháo bom mìn.

Bom đạn dùng để chiến tranh, giết người, là máu, tang thương, ai cũng biết điều đó. Nhưng, người Quảng Trị buộc phải bỏ qua điều sợ hãi ấy để tìm lấy “tử thần” đổi gạo cơm cho gia đình.

Nhớ lại lần suýt chết vì sập hầm bom, ông Nguyễn Văn Trung (trú xã Trung Sơn, Gio Linh, Quảng Trị) đôi lúc lại giật bắn mình. Ông Trung cho biết, cách đây khoảng 10 năm về trước, khi ấy bom đạn nằm la liệt như cây cỏ trong rừng. Thời đó chưa có máy móc, chỉ bằng mắt thường nhưng có ngày ông Trung đào được 3 quả bom lớn.

Vỏ bom, đạn xếp dày đặc bên trong một cơ sở thu mua phế liệu chiến tranh ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Là dân chuyên nghiệp, ông Trung có nhiều kinh nghiệm để soi tìm bom nằm sâu trong lòng đất. “Bằng mắt thường tôi có thể biết được quả bom ấy nằm ở độ sâu bao nhiêu, còn nguyên vẹn hay đã nổ…”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, nếu trên một vùng đất bằng phẳng có một chổ lõm xuống, đất mềm hơn những nơi khác, màu đất đen hoặc xám xịt thì đích thị là có bom ở dưới. Cứ đào lần theo chổ đất mềm, đen ấy sâu xuống lòng đất sẽ bắt gặp bom. Để biết được độ sâu quả bom thì phải xác định được địa hình, độ cao và hướng bay nơi quả bom đáp xuống…

Nhiều kinh nghiệm, đào nhiều bom đổi gạo nuôi con nhưng ông Trung vẫn bỏ nghề bởi một lần suýt chết. Đó là lần ông Trung cùng vợ vào rừng sâu đào quả bom to hơn 5 tạ. Đào sâu xuống khoảng 3 mét thì ông Trung bắt gặp quả bom. Nhưng, khi đang loay hoay đào, hầm bom nhão đất bị sập đè bẹp ông Trung. Giữa rừng núi hoang vu không người, vợ ông Trung nước mắt giàn dụa, dốc hết sức lực đào bới suốt 3 giờ đồng hồ mới cứu thoát ông trước lưỡi hái tử thần. “Khi bị đè bẹp, mắt tôi gần như sắp nổ vì sức nén quá mạnh, lần ấy tôi suýt chết nên khiếp một đời, không bao giờ đụng đến bom đạn nữa”, ông Trung nhớ lại.

Cái sự thật đào bom đạn đổi cơm ấy đến nay đã giảm nhưng vẫn diễn ra. Ở Quảng Trị, người dân đi rà tìm phế liệu chiến tranh nhiều nhất từ khoảng tháng 2 đến tháng 7 hàng năm. Trong những đoàn người đi tìm tử thần ấy có cả phụ nữ chân yếu tay mềm, trẻ em và học sinh. Với một chiếc máy rà tìm phế liệu cùng những nhát cuộc bổ xuống đất, họ kiếm được trên dưới 100.000 đồng/ngày.

Trắng khăn tang sau tiếng nổ

Tôi (người viết) cũng sinh ra từ gia đình nông dân nghèo khó vùng quê này. Lúc còn là học sinh lớp 8 (năm 2008) đã bắt đầu đi rà tìm phế liệu chiến tranh. Thời cao điểm, mỗi kg sắt vụn bán với giá 4.000 đồng, đổi được nhiều kem, sách vở, xe đạp để đến trường. Nhưng, cũng nhiều lần vã mồ hôi hột khi nhát cuốc đụng phải bom bi, bom M79... Khi ai đó trong đoàn đào trúng bom lớn thì cả nhóm tụ tập phụ giúp đào bới, khiêng vác đem bom về nhà.
Một vụ nổ ở Quảng Trị
Không ít lần tôi cùng bạn bè đứng cả buổi xem người lớn cưa, đục bom tấn. Nguyên tắc bất di bất dịch với những người cưa bom là khi cưa không được để vết cưa bị nóng. Bởi nếu vết cắt bị nóng, thuốc bom sẽ cháy, khiến bom phát nổ và người cưa bom sẽ trở về với cát bụi. Cho nên, khi cưa họ dùng nước rưới liên tục vào vết cắt. Biết nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn cưa và thầm cầu nguyện nó không nổ. Nhưng… bom vẫn nổ.

Cách đây chưa lâu, người dân huyện Hướng Hóa, Quảng Trị ngậm ngùi nước mắt trước cái chết thê thảm của hai anh em ruột dân tộc Vân Kiều Hồ Li Va (21 tuổi) và Hồ Văn Na (18 tuổi, trú thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa).

Ngày 28.7.2013, hai thanh niên này sang bản May, huyện Sepone, tỉnh Savannakhet (Lào) tìm thấy một quả bom. Hôm sau, họ cùng hai người Lào ở bản May, bắt tay tháo bom để lấy kim loại. Khi cả bốn người đang hì hục cưa, đục thì quả bom phát nổ, hai anh em chết ngay tại chỗ, hai người Lào bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Gia đình nhận con em mình chỉ còn là những mảnh ghép thịt xương sau vụ nổ.

Ngày 23.6.2015, dân làng Kinh Tế Mới, xã Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) đang vui vẻ bên mâm cơm gia đình thì phải đặt bát sau tiếng nổ lớn. Họ vội vàng chạy đến khoảnh rừng tràm thì mặt đất đã xuất hiện một hố sâu, đặc quánh mùi thuốc nổ khiến nhiều người ho sặc sụa, và những mảnh xương thịt vương vãi của một người vừa bị đạn pháo nổ khiến nhiều người xỉu tại chổ. Nạn nhân được xác định là anh Lê Hữu Hà (43 tuổi, trú thôn Bình Tiến, xã Gio Bình, Gio Linh). Nước mắt, sự hãi hùng là điều hiển hiện trên gương mặt của mỗi người, nhất là người thân của nạn nhân.

Suốt từ 18 giờ hôm đó đến tận gần sáng hôm sau, người nhà nạn nhân và bà con chòm xóm phải soi đèn pin lần tìm những mảnh thi thể còn sót lại của anh Hà… Ngày có mặt tại đám đang, nhiều người không kìm nỗi lòng mình khi biết anh Hà ra đi để lại người vợ và 3 đứa con từ 1,5-6 tuổi nheo nhóc, cô quạnh trong nghèo khó.

Hai mẩu chuyện thương tâm ấy chỉ là con số lẻ bởi đã có hàng ngàn vụ nổ xảy ra làm hàng ngàn người chết, bị thương. Nhưng, bên trong các điểm thu mua phế liệu ở Quảng Trị vẫn chất chứa hàng trăm ngàn vỏ bom đạn còn nguyên mùi đất mới đào.

Theo Danviet