Một người đàn ông ở phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), bị bại liệt 47 năm và sống trên những sợi dây treo trên giường trong 27 năm.
Cuộc sống của con, nước mắt của mẹ
Trong căn nhà số 22, ngõ 162, đường Đặng Châu Tuệ, bà Lê Thị Hòe, 86 tuổi, chân lập cập, tay run run cầm chiếc khăn mặt đã xơ xác lau hết mồ hôi bê bết trên khuôn mặt người con trai. Anh Quát nằm ngửa cổ, chân, tay được bọc kín trong những tấm vải và nilon, toàn thân chốc chốc lại co giật như một chú rối.
Những thanh âm run run phát ra từ cổ họng khàn đặc của anh Quát biểu lộ sự vui mừng khi có khách đến chơi. Điều đặc biệt là, dù bị bại liệt từ khi lọt lòng đến nay, song trí não anh Quát vẫn phát triển bình thường, anh hiểu những điều chúng tôi nói và đáp lại được, dù nhiều từ nghe không rõ.
“Anh có thích xem bóng đá không?”, chúng tôi hỏi anh Quát. “Có chứ”. “Thế anh thích đội nào với cầu thủ nào nhất?”. “Thích U.19 với lại Công Phượng”, chúng tôi cười, anh Quát cười, bà Lê Thị Hòe nghe con nói thì rưng rưng.
Bà Lê Thị Hòe đã 86 tuổi ngày ngày vẫn chăm sóc, bón cho con ăn, lo vệ sinh cho con - Ảnh: Lê Nam |
Người đàn ông nằm treo ngược trên dây vẫn ngày ngày ngoái cổ, xem ti vi và đếm thời gian trôi. Mươi, mười năm năm trước, những cháu bé hàng xóm hay sang thăm anh Quát và dạy anh đọc chữ, đọc số, xem đồng hồ. “Anh còn nhớ những cháu hàng xóm đó không?”. “Có, nhớ hết. Con Quyên này đi lấy chồng rồi. Cái Thảo giờ chắc con lớn tướng”, người nhà dịch lại lời anh Quát.
Bà Hòe sinh được 4 con gái, đến anh Quát là cậu con trai duy nhất. Khi 8 tháng tuổi, sau một lần co giật tím tái người, anh mãi mãi trở thành người bại liệt. Chồng bà Hòe bỏ bê nhà cửa, trong khi bà đi tìm vợ hai cho chính chồng mình, rồi một mình chăm mẹ chồng bị thần kinh, chăm con bệnh nặng.
Bà bế con đi khắp các bệnh viện trong cả nước, nhưng mọi nơi đều bó tay sau khi kết luận con bà bị viêm não biến chứng, không thể hồi phục.
Nằm một chỗ, anh Quát vẫn có trí nhớ minh mẫn, anh biết đọc chữ, xem số - Ảnh: Lê Nam |
Anh Cao Bá Quát 47 năm qua chống chọi với bệnh tật nhờ tình yêu thương của người mẹ - Ảnh: Lê Nam |
Nhà bà Hòe có 4 cô con gái đều làm công nhân, nhà ai cũng nghèo xác xơ. Chị Cao Thị Thu Hương, 50 tuổi, chị gái của anh Quát ở với em trai, chăm em từ năm mình 3 tuổi rồi lấy chồng, sống gần nhà, đến nay, 47 năm trôi qua, chị vẫn ngày ngày phụ mẹ tháo dây, gỡ vải, lau người cho em.
“Hai năm trước, người cậu Quát lở loét hết cả, thịt thối rữa từng mảng. Nhà hồi đó lụp xụp, rắn rết, chuột bọ bò cả vào nhà, chuột cắn cả chân cậu. Thương lắm. Vợ tôi tìm thuốc nam, ngày nào cũng rửa cho em, ơn trời là giờ các vết thương đều lành lại”, anh Nguyễn Văn Vinh, chồng chị Hương kể.
Giờ thì các phần chân, tay của anh Cao Bá Quát đều teo quắt lại. Phần xương ngực anh nhô ra, toàn thân vẫn đau đớn khiến cả đêm anh không ngủ.
Người đàn bà 86 tuổi, tóc bạc, lưng còng, gần đi qua cả một kiếp đời nặng nhọc nhiều đau khổ vẫn canh cánh một nỗi niềm sợ mình chết trước con trai. “Tôi vẫn khóc mà bảo với hắn rằng, con chết trước mẹ thì con sướng, mẹ chết trước con thì con khổ lắm, con ơi”.
"Tôi còn nợ thế gian nhiều quá"
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó chủ tịch UBND phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh cho hay trường hợp của anh Cao Bá Quát thuộc diện khó khăn đặc biệt, hàng tháng được nhà nước hỗ trợ, song, cũng trông chờ các tấm lòng hảo tâm của bà con gần xa, vì gia cảnh mẹ già yếu, các chị gái đều rất nghèo.
Ngôi nhà 1 gian ở tổ 2 khu 7B, phường Quang Hanh mà bà Hòe và anh Cao Bá Quát đang ở mới được xây dựng lại năm 2013, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước với người có công với cách mạng (bà Hòe trước đây là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ) và 100 triệu đồng của một người tình cờ quen biết với gia đình cho vay, không hẹn ngày phải trả.
“Hôm trước có một cô nào đó đến thăm, mang biếu tôi 2 triệu rưỡi bảo để mua thuốc, nhưng 2 mẹ con ăn gì chẳng được, tôi góp vào, để trả tiền xây nhà. Tôi còn nợ thế gian này nhiều quá”, bà Hòe khóc.