Giờ đây con gái của ba đã trưởng thành, con đã vượt qua bao khó khăn để có ngày hôm nay. Ba biết không? Cứ mỗi lần con vấp ngã, khi con gặp khó khăn trong đời. Bản năng khiến con nhớ đến vòng tay dịu dàng chở che đầy yêu thương của mẹ. Nhưng sau ý nghĩ “cầu cứu” đó con lại thấy ánh mắt nghiêm nghị của ba cùng lời ba vang vọng trong trái tim con: “- Con hãy tự đứng lên!”. Ba ơi, chính lời nói đó và ánh mắt nghiêm nghị đó của ba đã giúp con vượt qua tất cả.
Công ơn sinh thành, dưỡng dục của ba đối với chúng con bút mực nào tả xiết. Với hai bàn tay trắng và vài sào đất rẫy, ba gồng mình lên để gánh cái gánh nặng gia đình gồm sáu miệng ăn. Nhà mình đã nghèo, chị em con lại còn đau ốm liên miên. Tiền vào tay phải đã ra liền tay trái, cái nghèo đeo đẳng gia đình mình mãi. Con nhớ trận lũ lịch sử quê mình đã không buông tha căn nhà vốn đã chẳng thể tồi tàn hơn của gia đình mình. Dòng nước đục ngầu gầm thét cuốn phăng tất cả mọi thứ cùng mùa màng về với biển. Mẹ ôm chúng con nghẹn ngào khóc, oán trời sao chẳng thương chúng con. Mắt ba vẫn bình thản: “- Thôi, còn người còn của, ta làm lại từ đầu!”
Con gái của Ba nếu vấp ngã "Con hãy tự đứng lên!" |
Từng đoàn xe cứu trợ từ mọi miền tổ quốc đổ về, giúp quê hương mình vượt qua cơn hoạn nạn. Ai chẳng muốn mình được giúp đỡ phần nhiều, nhưng ba bảo mình phải tự thân cái đã, điều gì cần thiết lắm hãy nhờ họ giúp. Còn rất nhiều người cùng quẫn hơn mình, họ còn mất cả người thân. Rồi ba nói dòng nước ấy đã khiến rất nhiều người mất đi người thân yêu của mình. Họ cần được chia sẻ nhiều hơn. Ba đi đào sắn về nấu chung với gạo được cứu trợ để tiết kiệm. Đến bữa, dùng đũa bới lấy phần sắn về mình, để dành cơm cho các con. Vậy mà con chẳng hiểu đòi phần ba vì thấy món lạ, nhưng chỉ nuốt được một miếng, đã bỏ đấy nhìn về bát cơm của mình.
Cơn bão này chưa qua, cơn bão khác đã ập đến. Em út vừa hơn một tuổi bị ho gà, những cơn ho dai dẳng khiến em ngất đi. Mẹ run cầm cập vì sợ điều chẳng lành. Sau khi đưa em lên trạm, ba lại phải ngược xuôi vay dạm để có tiền đưa em đi cấp cứu. Ba chị em còn lại gửi hàng xóm trông nom. Vừa nhập viện được hai ngày, em thứ hai ở nhà bị sốt xuất huyết, em tiểu ra cả máu nữa. Cậu đưa em đi viện, con đòi đi theo vì con sợ, con lo cho em. Vậy là út vừa ra khỏi phòng cấp cứu thì em thứ hai được cấp tốc đưa vào, mẹ đã ngất vì hai đứa con phải vào phòng cấp cứu chỉ trong hai ngày. Ba phải truyền máu cho em. Lo lắng, mất ngủ, mất máu, người ba xanh xao hẳn. Đứng ở một góc khuất của cầu thang bệnh viện, hai bàn tay nắm chặt lai, nước mắt ba rơi. Con sợ hãi vì lần đầu tiên thấy ba khóc. Vậy mà ôm con vào lòng ba bảo: “Bụi nhiều quá con à… Nhà mình cố lên nhé, mọi chuyện sẽ qua thôi”.
Năm ấy, nhà mình khó khăn hơn bao giờ hết, nợ nần khắp xóm, ba mẹ bận rộn hơn. Để có tiền cho chị em con dưỡng bệnh và ăn học, ba mẹ đi làm mướn đủ việc từ trồng mía, chặt mía, cuốc cỏ, trồng mì… việc gì cũng làm. Tranh thủ kiếm tiền rồi mới làm nương của nhà mình. Mẹ tiều tụy hẳn. Ba cũng thế, vừa cho máu để cứu em, giờ lại làm việc nặng nhọc khi không có gì bồi dưỡng. Người ba đen sạm lại vì nắng, vì gầy đi nhiều lắm, bàn tay nổi chai sần thô ráp. Chị em con thường hay sờ đôi bàn tay ấy và nói tay ba xấu quá. Ba bảo, đấy là những tấm huy chương mà ông trời ban tặng vì ba là người ba thương con nhất. Ba cười, chúng con cũng cười trong vòng tay thô ráp nhưng ấp áp tình cha ấy.
Xóm mình có chú Ba, gia đình có thân nhân là Việt kiều, nên nhà khá giả nhất xóm. Không có con. Chú, thím đã qua nhà mình xin em thứ ba, hay đứa nào cũng được về làm con nuôi và hứa sẽ cho em con ăn học đầy đủ, sung sướng. Hàng xóm bảo nên cho vì nhà mình nghèo thế, chị em con sẽ thiếu thốn, thất học. Chi bằng… Chỉ nghe có thế, bốn chị em con đã ôm chặt lấy nhau… sợ phải chia lìa. Rối rít xin ba đừng cho đứa nào hết. Ba cười: “Các con là báu vật của ba, ba sẽ không bỏ đứa nào hết. Nhưng đổi lại các con phải ngoan, phải chịu khó chăm chỉ học hành. Ba mẹ không cho con được cuộc sống no đủ như mọi người, nhưng ba tin chắc ba và mẹ là người yêu các con nhất trên thế gian này.” Bốn chị em dạ vang, ba là số một, ba ơi.
Con còn nhớ lúc em út mới chập chững biết đi, những lúc em vấp ngã, khóc mếu máo, mẹ thường suýt soa chạy ngay lại đỡ em dậy, ôm em vào lòng vỗ về yêu thương. Nhưng ba thì ngược lại, dường như ba không bận tâm đến những cú ngã bình thường ấy. Ba thường lờ đi coi như không thấy, để em tự mình đứng dậy. Có lần em vấp đá, ngã nhào khóc ré lên gọi ba ơi. Nhưng ba quay mặt đi chỗ khác. Mẹ và con toan chạy lại thì ba đã gạt phắt đi: “Hãy để nó tự đứng dậy, nó có thể làm được điều đó!”. Quả nhiên, em mếu máo nhìn xung quanh, chẳng thấy ai ngó đến mình, em tự mình đứng dậy, có khó nhọc nhưng em cũng đứng được và sà vào lòng mẹ. Ba coi như không có chuyện gì, nhưng sau khi em ngủ ba lại lặng lẽ ngồi dậy xem thử chân em có trầy xước nhiều không, rồi lại lặng lẽ bôi thuốc cho em. Nhẹ hôn lên trán em. Mẹ thấy bảo: “-Gớm, ban chiều cứ như là con người khác ấy, anh có thèm nhìn đâu, sao giờ trông thương thế?”. Ba đã nói: “- Ai chẳng thương con, mình đến nâng nó dậy là yêu thương nó, nó sẽ học được tình yêu thương từ mình. Nhưng cứ thế thì con sẽ ỷ lại. Anh muốn con biết tự lập, nó phải biết tự đứng dậy khi không có mình em à.” Ngày ấy, con chưa hiểu lắm lời nói của ba. Nhưng con biết đằng sau vẻ mặt nghiêm nghị có phần khó tính kia là tấm lòng yêu thương vô bờ bến.
Hôm bà ngoại thứ mất, chị em con muốn nghỉ học ở nhà, đòi ba viết giấy xin phép cho. Ba bảo mấy đứa lớn rồi, thầy cô nói cũng có thể tự viết, chỉ cần ba kí xác nhận là được. Hai chị em đã giận và so bì với những người hàng xóm, đôi khi nhờ ba viết hộ một cái đơn xin xác nhận hay viết thư gì đó ba đều vui vẻ giúp dù chẳng thân thích gì. Vậy mà với các con, ba không làm. Mày mò mãi cũng xong và đưa ba kí trong sự ấm ức, con thấy ba nở một nụ cười kín đáo.
Ngày Chủ nhật sau đấy không lâu, ba gọi hai chị em ra vườn phụ ba trồng cây. “- Hôm nay chúng ta sẽ trồng mướp ở trong vườn và vài cây bạch đàn ở ngoài bìa vườn kia. Con gái thì trồng mướp, con trai thì trồng bạch đàn. Còn ba thì làm giàn cho cây mướp này”. Ba nói và tay thoăn thoắt chẻ tre để làm giàn cho cây mướp xanh mơn mởn, những tua mướp rung rinh trước gió như đang tìm kiếm vào một nơi nào đó để bấu víu, để vươn lên. Con xới đất, đào hố, gieo vào đất ba hạt mướp, trong lòng đầy phấn khởi khi tưởng tượng ra từ chỗ đất này không lâu sau đó sẽ có những mầm xanh mọc lên rồi cũng đáng yêu như cây mướp ba đang làm giàn cho nó. Con lấy những thanh tre của ba vừa chẻ, chặt thành từng khúc, cẩn thận rào lại cái hố con vừa gieo hạt. Khi phủi những hạt đất cuối cùng còn vương trên tay thì cũng là lúc em con quay trở lại nói đã trồng xong. Ba gọi hai chị em lại ngồi nghỉ ngơi, ba gợi chuyện:
– Sau khi trồng, các con rào lại chứ?
– Dạ có. Chúng con đồng thanh.
– Mướp và bạch đàn, con thích cây gì hơn? Ba hỏi vẻ bí ẩn.
Hai chị em con tranh nhau bày tỏ ý kiến của mình cùng với mớ lý sự rất đỗi ngây ngô của tuổi nhỏ, con thích mướp vì có hoa đẹp, con thích cây bạch đàn vì có thể để làm nhà. Cuối cùng ba húng hắng giọng và nói: “- Cả hai con đều đúng. Nhưng con có nhận thấy cả mướp và bạch đàn khi còn nhỏ đều cần có rào chắn bảo vệ không? Và cây mướp thì không chỉ có rào chắn mà lớn lên chút nữa ba còn phải làm giàn cho nó như thế này. Vừa nói ba vừa hướng mắt về cái giàn mướp ba làm còn dở dang – nếu không có giàn nó chẳng thể đơm hoa kết trái nhiều và tốt được. Và chẳng may giàn đổ, nó cũng sẽ bị đổ theo. Nó suốt đời phụ thuộc vào giàn. Cuộc sống thì muôn vàn khó khăn, đôi khi có những điều không được như ta mong muốn. Ba muốn các con của ba là những cây bạch đàn kia, vẫn lớn lên ngay thẳng và vững chãi dù ở nơi cằn cỗi nhất – ba chỉ về phía một cây bạch đàn lớn của nhà hàng xóm – Lúc đầu ở trong vòng tay ba mẹ nhưng các con sẽ dần trưởng thành, có thể đứng vững bằng đôi chân của mình và sẽ không cần “rào bảo vệ” hay “giàn” nữa vì ba mẹ không thể đi theo mà che chở, bảo vệ con mãi. Cuộc sống chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cố gắng không vấp ngã là tốt. Nhưng nếu có vấp ngã, các con phải biết tự mình đứng lên. Đứng lên bằng đôi chân của mình. Các con hiểu không?”
Lúc ấy con mới hiểu ba muốn dạy cho chị em con bài học tự lập, con cũng mới ngộ ra rằng ba không bao giờ ra mặt giúp chị em con điều gì khi chưa thật sự cần thiết vì ba muốn khi không có ba mẹ bên cạnh các con vẫn có thể tự lo cho mình.
Khi viết những dòng này, con đã khóc vì nhớ ba, vì thương ba một đời lam lũ để tổ ấm gia đình mình luôn tràn ngập yêu thương.
Con cảm ơn ba đã sinh chúng con ra, cho chúng con một mái ấm tràn đầy hạnh phúc. Tuổi thơ bên ba mẹ là những kỉ niệm ngọt ngào nhất.
Con cảm ơn ba vì ba là tấm gương về người cha hết lòng yêu thương, luôn hy sinh tất cả vì các con.
Cảm ơn ba đã dạy cho chị em con biết đứng lên đi bằng đôi chân của mình, bài học ấy mãi là hành trang cho chị em con trong suốt cuộc đời này.
Con đi học rồi đi làm, đã có những lần vấp ngã, tưởng chẳng thể đứng lên, nhưng con đã làm được. Và con biết, trên đường đường còn nhiều lắm những khó khăn và thử thách, và có thể con lại sẽ vấp ngã nhưng con tin con sẽ đứng lên được, sẽ đứng vững và tiếp tục tiến bước. Vì con biết đằng sau con có ánh mắt của ba đang lặng lẽ dõi theo. Con hứa, chúng con sẽ mãi là những cây bạch đàn vững chãi trước bao phong ba bão táp của cuộc đời. Và mỗi lần vấp ngã, mỗi lần gặp khó khăn chúng con sẽ lại nhớ rằng, có ba đang dõi theo chúng con và nói: Con hãy tự đứng lên!
Mộc Miên/blogcamxuc.net