Chủ Nhật

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiên tài của Việt Nam

Sáng lật giở tờ lịch, mới sực nhớ hôm nay là tròn 4 năm ngày mất cụ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lại ngồi search linh tinh, tình cờ tìm được một tài liệu quý. Đó là bài phỏng vấn cụ từ năm 1982 của 1 học giả nước ngoài, mà sau đó được trích lại trong nhiều tác phẩm danh tiếng (1). Xin chia sẻ cùng mọi người!

CHIẾN THẮNG BẰNG MỌI GIÁ:

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, THIÊN TÀI CỦA VIỆT NAM (2)

Hỏi: Thưa Đại tướng, liệu rằng Điện Biên Phủ là 1 chiến thắng thông thường hay chiến thắng của cả cuộc chiến ở Việt Nam?

VNG:

Chiến thắng ở Điện Biên Phủ là chiến thắng dành cho nhân dân. Tuy hình thái của cuộc chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích không hoàn toàn tách biệt, nhưng dù sao, chúng vẫn có sự khác nhau. Trong trường hợp này, đó là chiến thắng của chiến tranh nhân dân. Và chiến tranh du kích chỉ là một khía cạnh của nó. Mọi thứ khá phức tạp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiên tài của Việt Nam
Vậy chiến tranh nhân dân là gì? Nói ngắn gọn trong vài từ, thì đó là cuộc chiến vì nhân dân và bởi nhân dân, mà trong đó, chiến thuật du kích chỉ đơn giản là một phương thức để tiến hành. Khái niệm chiến tranh nhân dân mang tính toàn cầu hơn. Đó là một khái niệm được tổng hợp; một cuộc chiến được tổng hòa bởi quân sự, kinh tế và chính trị. Và đó là những gì mà người Pháp đã gọi là "Tổng Hợp". Có chiến tranh du kích và cũng có cả những trận chiến quy mô lớn bởi các quân đoàn.

Hỏi: Có gì mới về ý tưởng của 1 cuộc “Chiến tranh nhân dân” không, thưa Ngài?

VNG: Như tôi đã nói, đó là 1 cuộc chiến vì nhân dân và bởi nhân dân. Ta nói “vì nhân dân” là bởi mục đích của cuộc chiến cũng chính là mục đích của dân tộc, ví dụ như độc lập, một đất nước thống nhất hay người dân được hạnh phúc. Và được tiến hành “bởi nhân dân” nghĩa là do tất cả mọi người cùng tham gia, không phải chỉ quân đội mà thôi.
Hỏi: Ngài nghĩ sao về tầm quan trọng của Điện Biên Phủ với thế giới?

VNG:

Lịch sử của người Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm và chúng tôi đã đẩy lùi hàng ngàn kẻ xâm lược. Mà trong đó, các quốc gia cố gắng xâm chiếm chúng tôi đều chỉ ngang hàng với Việt Nam nếu xét về góc độ kinh tế. Họ, cũng giống như chúng tôi, đều là xã hội phong kiến. Đó là trường hợp khi chúng tôi chiến đấu với người Trung Quốc vào thế kỷ 13.

Nhưng Điện Biên Phủ là một chiến thắng trong thời đại khác. Ý tôi là trong nửa sau của thế kỷ 19, khi chủ nghĩa đế quốc phương Tây phân chia thế giới thành các thuộc địa, khi ấy một vấn đề mới xuất hiện.

Làm thế nào mà những con người yếu đuối, tụt hậu về kinh tế có thể hy vọng dành lại được tự do của mình? Làm sao họ có thể hy vọng đối đầu với một đội quân phương Tây hiện đại, được hỗ trợ bởi các nguồn lực của nhà nước tư bản? Và đó là lý do tại sao chúng tôi phải mất đến 100 năm để chống lại người Pháp và chủ nghĩa thực dân. Điện Biên Phủ là chiến thắng quyết định lớn đầu tiên sau 100 năm chống đế quốc Pháp với sự can thiệp của Hoa Kỳ. Chiến thắng đó đã chấm dứt chiến tranh và chấm dứt sự xâm lược của người Pháp. Theo quan điểm quốc tế, đó là chiến thắng vĩ đại đầu tiên cho những người dân thuộc địa yếu kém đang đấu tranh chống lại sức mạnh toàn diện của người Tây Dương. Nó làm rung chuyển nền tảng của chủ nghĩa thực dân và kêu gọi mọi người chiến đấu vì tự do của họ - đó là sự khởi đầu của nền văn minh quốc tế.

Hỏi: Liệu Điện Biên Phủ có phải là 1 chiến thắng dễ dàng do người Pháp đã phạm quá nhiều sai lầm?

VNG:

Không đơn giản như thế. Chúng tôi tin rằng trong quân đội Pháp, các sĩ quan và tướng lĩnh Pháp đã hiểu rất rõ. Họ đã cân nhắc kỹ những ưu & nhược điểm, và theo phán đoán của họ, Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm. Cần phải nói rằng vào đầu mùa thu năm 53, khi Bộ chính trị lên kế hoạch cho chiến dịch Thu - Đông của chúng tôi, hoàn toàn không đề cập đến Điện Biên Phủ. Tại sao? Bởi kế hoạch của Navarre cũng không đề cập đến nó. Họ đã có một loạt các kế hoạch khác để nghi binh.

Đối với chúng tôi, vấn đề là Navarre muốn giữ lại thế chủ động trong khi chúng tôi muốn nắm lấy nó. Có một mâu thuẫn tồn tại trong một cuộc chiến tranh xâm lược, nơi mà bạn phải phân tán lực lượng để chiếm đóng lãnh thổ đồng thời phải tập hợp lực lượng để cơ động tấn công. Chúng tôi tận dụng sự mâu thuẫn này và buộc Navarre phải phân tán lực lượng của mình. Đó là cách tất cả bắt đầu. Chúng tôi lệnh cho quân của mình tấn lên theo nhiều hướng, đặc biệt là những hướng quan trọng với kẻ thù, dù sự hiện diện của họ là không đáng kể. Vì vậy, kẻ thù không còn cách nào khác ngoài việc phải phân tán lực lượng. Chúng tôi chia thành các phương: Bắc, Tây Bắc, Trung Tâm, hướng sang Lào; và nhiều hướng khác. Vì vậy, để bảo vệ Lào và phía Tây Bắc, Navarre phải nhảy dù vào Điện Biên Phủ, và đó là những gì đã xảy ra ở lòng chảo Điện Biên. Trước đó, chưa ai từng nghe đến Điện Biên Phủ. Phần sau đó là lịch sử, phải không?

Ban đầu, Tổng Tham mưu Pháp chỉ có kế hoạch nhảy dù với quân số đủ để ngăn chặn chúng tôi tiến lên phía Tây Bắc và Lào. Từng bước một, họ đã biến Điện Biên Phủ thành một doanh trại khổng lồ, một pháo đài kiên cố nhất ở Đông Dương. Họ đã lên kế hoạch để thu hút lực lượng Việt Minh, để rồi đánh tan và nghiền nát chúng tôi, nhưng mọi thứ diễn ra ngược lại. Họ muốn một trận chiến quyết định và đó chính xác là những gì họ có ở Điện Biên Phủ - ngoại trừ 1 điều, đó là trận quyết định đối với người Việt Nam chứ không phải người Pháp.

Hỏi: Trước Điện Biên Phủ, Ngài có nghĩ rằng người Pháp có thể tưởng tượng họ sẽ bị đánh bại?

VNG:

À, mọi người ở Điện Biên Phủ, từ các tướng Pháp và đại diện của chính phủ Pháp cho đến các tướng Mỹ và chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, tất cả đều đồng ý rằng Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm, là không thể bị đánh bại. Người Pháp và sau đó là người Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của chúng tôi. Họ có vũ khí tốt hơn, tiềm năng kinh tế và quân sự to lớn hơn. Họ không bao giờ nghi ngờ vào chiến thắng của mình. Tuy nhiên, ngay khi người Pháp tin rằng mình đang ở trên ranh giới của chiến thắng, thì mọi thứ sụp đổ xung quanh họ. Điều này cũng xảy ra với người Mỹ vào mùa xuân năm 65 khi Washington tuyên bố chiến thắng ở miền Nam, thì người Mỹ lại thấy kỳ vọng của họ tan nát. Tại sao? Bởi vì họ không phải chiến đấu với chỉ một đội quân, mà họ phải chống lại cả một dân tộc.

Vì thế bài học chỉ ra rằng, dù cho tiềm năng quân sự và kinh tế của kẻ thù có lớn đến đâu, thì nó vẫn sẽ không bao giờ đủ để đánh bại một dân tộc đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì các quyền cơ bản của họ. Đó là những gì chúng ta đã học được từ tất cả những điều này.

Hỏi: Tại sao Mặt trận Giải phóng Dân tộc đã thành công trong việc mở rộng lãnh thổ mà họ kiểm soát từ năm 1960 đến năm 1965

VNG:

Trong suốt lịch sử lâu đời của chúng tôi, bất cứ khi nào cảm thấy mình bị đe dọa bởi kẻ thù, thì nhân dân chúng tôi lại đứng vào hàng ngũ. Mặt trận Giải phóng Dân tộc đã giành chiến thắng vì nó đã thống nhất được hầu hết mọi người.

Hỏi: Ngài có thay đổi chiến thuật khi quân đội Mỹ bắt đầu hiện diện sau năm 1965?

VNG:

Dĩ nhiên, nhưng thậm chí có như vậy, thì đó vẫn là chiến tranh nhân dân. Và chiến tranh nhân dân thì luôn được đặc trưng bởi chiến lược nhiều hơn chỉ đơn giản là quân sự. Luôn có một khía cạnh tổng hòa cho chiến lược. Chiến lược của chúng tôi là sự hợp nhất của quân sự, chính trị, kinh tế, và ngoại giao, mặc dù yếu tố quân sự có thể đóng vai trò quan trọng nhất.

Trong thời chiến, bạn phải chiếm thượng phong từ kẻ thù. Bạn phải hiểu rõ chúng. Khi kẻ thù thay đổi chiến lược hoặc chiến thuật, thì bạn cũng phải như vậy. Trong mọi cuộc chiến, một chiến lược luôn được tạo thành từ vô số chiến thuật được coi là có tầm quan trọng chiến lược, vì vậy bạn phải cố gắng để đương đầu với những chiến thuật đó. Ví dụ, nếu chúng ta phải đương đầu với kỵ binh, thì chúng ta sẽ phải tìm cách đập tan chiến thuật kỵ binh. Cũng giống như vậy khi đối phương sử dụng vũ khí... Ví dụ khi người Mỹ cố gắng áp dụng chiến thuật "tìm & diệt", chúng tôi đã phản ứng bằng chiến thuật riêng của mình để làm cho họ không thể hoàn thành mục tiêu và phá hủy chúng. Chúng ta phải buộc kẻ thù chiến đấu theo cách của ta, phải buộc địch thủ chiến đấu trên một chiến trường không quen thuộc.

Hỏi: Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã thất bại?

VNG:

Về vấn đề chúng tôi quan tâm, không có thứ gọi là chiến lược quân sự thuần túy. Vì vậy, sẽ là sai lầm khi nói về Tết trong các thuật ngữ quân sự. Cuộc tấn công là tổng hòa của 3 yếu tố cùng lúc: quân sự, chính trị, và ngoại giao. Mục tiêu của chiến dịch là ngăn chặn sự leo thang của chiến tranh. Như vậy, sẽ không thể tách biệt chiến lược chính trị của chúng tôi ra khỏi chiến lược quân sự. Sự thật là chúng ta đã nhìn thấy mọi thứ một cách trọn vẹn và biết rằng cuối cùng, chúng tôi phải ngăn chặn sự leo thang của chiến tranh bằng cuộc tấn công 1968.

Hỏi: Và việc ngăn chặn leo thang ấy đã thành công?

VNG:

Mục tiêu của bạn trong chiến tranh có thể là quét sạch kẻ thù hoặc phá hủy ý chí chiến đấu của địch dù có thể lực lượng họ vẫn còn nguyên vẹn. Đó là sách lược mà Hoa Kỳ đã thử để leo thang chiến tranh. Mục tiêu của chúng tôi trong cuộc tấn công năm 68 là buộc họ phải ngừng leo thang, phá vỡ ý chí của Mỹ trong việc duy trì cuộc chiến.

Chúng tôi đã làm điều này bằng cách đối đầu với họ bằng quân sự, cũng như chiến thắng trên mặt trận chính trị và ngoại giao. Bằng cách đưa chiến tranh vào tất cả các thị trấn bị chiếm đóng, chúng tôi đã cho người Mỹ và nước Mỹ thấy rằng, họ sẽ không thể tiếp tục cuộc chiến. Về cơ bản, đó là cách chúng tôi đã làm.

Hỏi: Có lẽ Ngài đã quá quen thuộc với những bức ảnh vào tháng 4 / 1975, khi trực thăng Mỹ rời khỏi ĐSQ Hoa Kỳ. Những hình ảnh này có ý nghĩa gì đối với Ngài?

VNG:

Đó là điều chúng tôi mong đợi. Nó đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của thời kỳ thuộc địa kiểu mới ở Việt Nam. Và nó đã chứng minh rằng khi mọi người đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì tự do của họ, họ sẽ luôn luôn chiến thắng.

Khi còn nhỏ, tôi đã có một ước mơ rằng một ngày nào đó tôi sẽ thấy đất nước tôi tự do và thống nhất. Ngày đó, giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Nó giống như việc lật sang một chương mới của lịch sử. Các đường phố ở Hà Nội đầy người. Hình ảnh của những chiếc trực thăng này, theo một cách nào đó, có thể đại diện cụ thể cho chiến thắng của cuộc Chiến tranh Nhân dân chống lại sự xâm lược của Đế quốc.

Thực tế của lịch sử đã dạy chúng ta rằng thậm chí khi sức mạnh kinh tế và quân sự mạnh mẽ nhất cũng không thể vượt qua được cuộc kháng chiến của một dân tộc thống nhất trong cuộc đấu tranh cho các quyền quốc tế. Quyền lực thì luôn bị giới hạn. Tôi nghĩ rằng người Mỹ và giới cầm quyền của họ sẽ làm tốt hơn để nhớ một sự thật rằng: quyền lực có thể vĩ đại, nhưng chắc chắn là sẽ có hạn chế... Ngay từ điểm khởi nguyên của thời gian, cho dù là ở một nước Xã Hội hay TBCN, thì những điều bạn làm vì lợi ích của nhân dân sẽ làm họ đứng trong hàng ngũ với bạn. Còn những người đi ngược lại lợi ích của nhân dân, cuối cùng sẽ bị họ quay lưng. Lịch sử đã chứng minh điều tôi nói.

Chúng tôi là những người chiến thắng trong chiến tranh và người Mỹ kẻ bị đánh bại, nhưng chúng ta hãy chính xác về điều này. Điều gì cấu thành thắng lợi? Người dân Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh; họ muốn hòa bình. Người Mỹ có muốn chiến tranh không? Không, họ cũng muốn hòa bình. Vì vậy, chiến thắng dành riêng cho những người Việt Nam và Mỹ muốn hòa bình. Vậy ai là người đã bị đánh bại? Đó là những kẻ đi xâm lược với bất kỳ giá nào. Và đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn là bạn với người dân Pháp, tại sao chúng tôi không bao giờ cảm thấy thù hận với người dân Mỹ.

Hỏi: Ai đã phát minh ra ý tưởng về chiến tranh nhân dân? Đó là ý tưởng của ai?

VNG:

Ban đầu, đó là sản phẩm của tinh thần sáng tạo dân gian. Hãy để tôi kể cho bạn nghe truyền thuyết về Phù Đổng... điều mà mọi người dân VN đều biết rõ. Đó là một huyền thoại được đặt ra trong thời tiền sử. Kẻ thù đã định xâm lăng, và có một cậu bé ba tuổi tên là Gióng, người đã lớn lên rõ rệt chỉ trong một phút. Anh ta leo lên một con ngựa sắt, vung thanh tre làng làm vũ khí, kêu gọi dân chúng. Nông dân, ngư dân, mọi người đã trả lời anh, và họ đã chiến thắng trong chiến tranh. Nó chỉ là truyền thuyết. Và giống như văn học dân gian, tuy nội dung là huyền thoại, nhưng nó vẫn phản ánh bản chất trong suy nghĩ của nhân dân. Vì vậy, chiến tranh đại chúng đã tồn tại ngay cả trong các truyền thuyết, và nó vẫn đi cùng chúng tôi qua nhiều thế kỷ.

Hỏi: Tại sao Ngài nghĩ rằng Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã đánh bại người Mỹ? Tại sao chỉ có Việt Nam?

VNG:

Nếu nói như một sử gia, tôi sẽ nói rằng Việt Nam nằm trong số ít. Là một quốc gia, Việt Nam được hình thành từ rất sớm. Người ta nói rằng về mặt lý thuyết, một quốc gia chỉ có thể được hình thành sau sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản - theo lý thuyết của Stalin về sự hình thành các quốc gia. Nhưng, quốc gia chúng ta đã được hình thành rất sớm, trước thời đại Cơ đốc giáo. Tại sao? Bởi vì nguy cơ xâm lược từ các lực lượng bên ngoài đã dẫn tất cả các bộ lạc khác nhau cùng hợp lại với nhau. Và rồi các cuộc chiến liên tục để chống lại các yếu tố, chống lại những điều kiện khắc nghiệt của mùa màng. Trong các truyền thuyết của chúng tôi, cuộc đấu tranh chống lại các yếu tố này được xem như là một yếu tố thống nhất, một lực lượng cho sự gắn kết quốc gia. Điều này, kết hợp với nguy cơ bị xâm lấn liên tục, tạo ra sự gắn kết lớn hơn và tạo ra một truyền thống - một truyền thống đã cho chúng tôi sức mạnh.

Người Việt Nam nói chung có khuynh hướng lạc quan. Tại sao? Bởi vì họ đã phải đối mặt với thăng trầm trong hàng ngàn năm, và hàng ngàn năm họ đều đã vượt qua.

© Bản dịch của son.le

Saigon / 2O17

© Ảnh: chân dung Đại tướng được trên bìa tạp chí Times số tháng 5 / 1972. Đây là giai đoạn mà phong trào phản chiến tại Mỹ đã lên tới đỉnh điểm, cho thấy sự chán nản của dư luận Mỹ đối với cuộc chiến.

(1) — Bài phỏng vấn được thực hiện năm 1982, không rõ của ai, và cho tạp chí nào nhưng được đài PBS (đài truyền hình Mỹ vừa làm bộ phim tài liệu "The Vietnam War") sử dụng trong bộ phim tài liệu khác "Vietnam: A Television History"

(2) — Tiêu đề tôi đặt cho bài viết cũng chính là tiêu đề 1 quyển sách của học giả Cecil B. Currey viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có sử dụng tư liệu từ bài phỏng vấn này. Quyển sách có tựa:

"Victory at Any Cost: The Genius of Viet Nam's Gen. Vo Nguyen Giap"

Nguồn: The file of history