Chủ Nhật

Họ đã quên rằng Phật tại Tâm

Không ít người thường đến cúng bái nơi cửa Phật, hoặc thờ Phật trong nhà mình, lại làm những điều trái với triết lý đạo Phật.

Đạo Phật xuất hiện ở nước ta gần hai nghìn năm trước. Người Việt Nam ta phần đông theo đạo Phật, thường hay đến chốn chùa chiền cúng lễ và thờ Phật ngay trong nhà mình. Ở các chùa nổi tiếng, những ngày Mồng một, ngày rằm, ngày Tết, ngày lễ, phật tử đến lễ rất đông, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Người người đến chốn chùa chiền, có hai mục đích chính: Cầu mong được an khang, hạnh phúc, hoặc là cầu tài, cầu lộc, cầu danh; du ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh trí tươi đẹp với sự thanh tịnh nơi cửa Phật.

Họ đã quên rằng Phật tại Tâm
Tuy vậy, nhiều người đi chùa bây giờ theo “tâm lý”, nghĩa là thấy người ta đi mình cũng đi, trong khi mình làm nhiều việc ác. Theo đạo Phật, nhưng mấy ai đã hiểu được và làm theo triết lý đạo Phật?

Người sáng lập ra đạo Phật là Thái tử Tất-đạt-đa (Sidharta) ở Ấn Độ, sinh năm 624 trước Công nguyên. Bất bình với đạo Bà-la-môn phân chia đẳng cấp trong xã hội và kỳ thị màu da, gây ra bao nỗi đau khổ cho muôn dân, nên Tất-đạt-đa đã sáng lập ra một tôn giáo mới. Từ đó, người ta gọi Ngài là Thích Ca Mầu Ni (Sakia Muni), tức là Phật Tổ.

Tư tưởng của đạo Phật rất rộng, rất sâu. Dù có nhiều môn phái nhưng tựu trung tư tưởng là tinh thần “từ bi” (lòng yêu thương con người lương thiện). Cốt lõi của đạo Phật là học thuyết về nỗi khổ và sự giải thoát nỗi khổ; nói theo ngôn ngữ Phật giáo, là “Khổ” và “Khổ diệt”. Sở dĩ có nỗi khổ, là do những dục vọng (ham muốn) và sự kém sáng suốt của con người. Làm mọi điều xấu, điều ác, để đạt được những ham muốn thấp hèn, thì con người phải chịu hậu quả, gọi là nghiệp báo. Cho nên, muốn giải thoát nỗi khổ, thì con người phải từ bỏ những ham muốn xấu xa và phải sáng suốt, tỉnh táo, biết tự kiềm chế trước mọi cám dỗ.

Như vậy, triết lý đạo Phật là con người chớ có những ham muốn thấp hèn, đừng làm điều xấu, điều ác, nghĩa là phải từ bi bác ái với nhau. Có như thế, mới thoát khổ, không bị nghiệp báo. Nói cách khác, triết lý đạo Phật là quan niệm sống nhân đạo, hiền hòa, tương thân tương ái giữa người với người, giữa người với môi trường xung quanh. Bởi vậy, đến chốn chùa chiền, hay thờ Phật tại gia, là đến với sự trong sạch, thanh thản, tu dưỡng, tĩnh tâm để trở thành người lương thiện.

Có nhiều đệ tử nhà Phật, nhiều du khách đã đến với chùa chiền với ý nguyện trong sáng, đẹp đẽ như thế. Trong đời sống hằng ngày, nhiều người đã tâm niệm và thực hành một điều dạy trong Kinh điển Phật giáo: “Nếu bạn kiếm được nhiều tiền, nên làm nhiều việc thiện khi bạn còn sống, đó là một cách trả báo tốt nhất cho bạn”.

Thế nhưng, đáng tiếc là không ít người thường đến cúng bái nơi cửa Phật, hoặc thờ Phật trong nhà mình, lại làm những điều trái với triết lý đạo Phật. Sắm lễ cho to, lầm rầm khấn vái, xuýt xoa liên hồi, xem ra có vẻ thành kính lắm, nhưng sống bon chen, cầu cạnh, ham muốn chức quyền, danh vị, lợi lộc, thậm chí mưu mô, thủ đoạn, trù dập, hãm hại người khác. Lóa mắt vì tiền bạc và của cải bất chính, ham muốn ăn chơi, đua đòi, quậy phá nên nhiều kẻ phạm tội cướp của giết người, buôn gian bán lận, tăng giá vô tội vạ bóp chẹt người tiêu dùng, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lừa đảo, cờ bạc, rượu chè, ma túy, v.v.. Vì thế mà sinh ra mâu thuẫn, ganh tị, chia rẽ, đồi bại. Lối sống ích kỷ còn phá hoại cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, làm suy thoái giống nòi… Chao ôi, những cái xấu, cái ác như vậy thật là muôn hình vạn trạng, đang diễn ra trong đời sống hằng ngày...

Lại có nhiều người, phần đông là lớp trẻ, nhác trông thì tưởng “nam thanh, nữ tú”. Ấy thế mà mỗi bước leo núi, lên chùa, lại văng ra một câu chửi thề, một lời tục tĩu, rồi hô hố cười đùa trơ trẽn, lố lăng, vứt chất thải bừa bãi. Ra khỏi cửa Phật, thì những “nam thanh nữ tú” này lại đèo nhau ba, bốn người một xe máy, đầu trần, rú ga, lạng lách đánh võng, hoặc bốc đầu xe, ra vẻ “sành điệu", gây tai nạn cho người khác, bất chấp luật lệ giao thông, hoặc vào khách sạn, nhà nghỉ để “đập đá”, du hý! Như thế, sao gọi là đến với nhà Phật để cầu mong những điều lành, điều tốt cho mình?

Ngày xưa, vì buồn chán cảnh đời nhiều khi xấu xa, độc ác, mà Đức Phật Tổ, cùng chư Phật và các đấng Bồ Tát, La Hán phải tìm tới chốn sơn cùng thủy tận để tu hành, cầu nguyện cho chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ, cầu nguyện cho con người yêu thương nhau, đối xử với nhau tử tế, không tranh giành, không hám lợi. Vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử đi tu, cũng làm theo điều này. Vậy nên, đến chốn chùa chiền, hay thờ Phật tại gia, trước hết và chủ yếu nhất - là ta học lấy và làm theo triết lý đạo Phật, để trở thành người lương thiện.

Triết lý đạo Phật dạy mọi người sống có đức, có nhân và hợp lòng, hợp sức với nhau làm cho xã hội trở nên tốt đẹp. “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”- Phật tại tâm - là triết lý có ý nghĩa rất cao đẹp và sâu xa. Phật chính ở cái tâm, ở lòng lương thiện của mỗi người, từ ngay trong gia đình của mình đến các mối quan hệ xã hội.

ĐÀO NGỌC ĐỆ (QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN)