Thứ Tư

Thông tin bẩn gây nhiễu trên mạng...bạn có nằm trong số đó?

Không khó để những người có chuyên môn nhìn ra những tấm ảnh fake khi đặt cạnh ảnh thật. Thế nhưng với người thường nhất là người có đầu óc cả tin thì rất khó. Mình cũng không hiểu nổi ai đó mất công làn những trò này với mục đích gì? Tuyên truyền hay phản tuyên truyền (cố tình làm để bị phát hiện)? Nhưng chắc chắn đây là những thông tin bẩn, gây nhiễu.

Mạng xã hội những năm gần đây đã trở thành nguồn cung cấp thông tin lớn nhất, đa dạng nhất, bên cạnh các nguồn phát tin truyền thống. Về bản chất thì nó khá giống với thông tấn xã... vỉa hè trước kia song ở mức độ rộng lớn và nhanh hơn. Có điều khó hiểu là mọi người thường khá cảnh giác với các tin đồn vỉa hè khi ngồi quán nước chè kiểu 'nghe nói ông A bị thế này thế kia, kinh chưa?! - ôi dào, hơi đâu mà nghe đồn thổi vớ vẩn ông ơi!' thì khi online họ lại trở nên cả tin một cách ngờ nghệch.

Hình ảnh cắt ghép: trên là ảnh cố đại tướng Võ Nguyên Giáp được thay bằng hình cố chủ tịch Phi Đen
Đấy chính là môi trường mà "nước mắm chứa thạch tín" gây hoang mang, khủng hoảng cho người tiêu dùng và làm điêu đứng ngành sản xuất nước mắm truyền thống. Tất nhiên nó diễn ra tinh vi, bài bản hơn mấy cái ảnh chế này với sự đóng góp của kẻ chủ mưu mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy + công ty truyền thông+ Hiệp hội hãm hại người tiêu dùng Vinastas + báo chí bất lương+ facebookers bất hảo trong một kế hoạch chi ly để tạo ra thông tin bẩn.

Còn một loại thông tin gây nhiễu cũng nguy hiểm chả kém. Thoạt trông nó là các bài viết nghe rất bùi tai, có lý, rất dễ thuyết phục. Và thực tế là chúng thuyết phục được kha khá những người được cho là tỉnh táo, vô can tin vào và tham gia phát tán cùng. Đơn cử vụ rạp Hanoi Cinematique chẳng hạn. Đã có nhiều thông tin cho rằng việc đóng cửa 1 cái rạp cũ kỹ của 1 ông Tây cũng chả ảnh hưởng gì, đầy rạp ngoài kia đang vắng tanh mà quý vị có đến đâu mà ngồi thương vay khóc mướn?

Chỗ ấy chả phải di tích cần bảo tồn, chả phải đất công cộng mà là đất dịch vụ, chủ không thuận cho thuê nữa thì thôi...v.v.. Và đám đông, dĩ nhiên dễ bị thuyết phục. Trong khi, bản chất vấn đề ở đây là dù các cơ sở văn hóa, rạp hiện nay ở Hà Nội hay các nơi khác rất lay lắt và bị khán giả lạnh nhạt dần thì cũng không nên biến chúng thành các TTTM vì chúng chính là sự đa dạng và là những không gian văn hóa cần thiết cho đô thị. Thử tưởng tượng xem 1 thành phố lớn mà không còn những cái rạp cải lương, tuồng, chèo, kịch, chiếu phim thể nghiệm, múa, giao hưởng.... mà chỉ còn các TTTM mà trong ấy có mỗi rạp chiếu các phim bom tấn, phim giải trí ăn khách hay tưởng tượng chúng đều biến thành quán xá, sàn nhảy (như thực tế đang diễn ra ngoài kia) thì sẽ như thế nào? Bản chất nữa là ai sẽ được lợi? Các nguồn phát tin kia có liên quan đến 'người thụ hưởng' không? Chỉ cần bình tĩnh mà lùi lại một bước mà nghĩ chắc hẳn sẽ có câu trả lời.

Hồi thảm họa miền Trung do Formosa gây ra cũng có đầy thông tin bẩn, gây nhiễu được tung ra. Cũng có những cái ảnh photoshop như thế này. Mình cũng chỉ rõ và đưa ra hashtag là #sharecóýthức #sharecoythuc . Hôm nay cũng muốn nhắc lại nó vì quả thực bây giờ thông tin trên mạng "thập diện mai phục" vô cùng. Nên cẩn trọng vẫn hơn.

Nguồn: Nguyễn Sơn