Thứ Hai

Làm thế nào để bản sắc dân tộc và hiện đại hóa được “cơm lành canh ngọt”?

Hiện đại hóa là một quá trình của đổi mới; quá trình hiện đại hoá lại luôn ở trong quan hệ co kéo (có khi rất căng) với bản sắc dân tộc.

Tính hiện đại luôn đem lại hiệu quả to lớn?

Tính hiện đại thường được đặt ra như đối lập với bản sắc dân tộc (hoặc tính dân tộc). Sở dĩ như vậy là vì tính hiện đại thường bị hiểu một cách phiến diện bị lược quy vào sự tiếp thu chủ nghĩa duy lý (của phương Tây hiện đại), bị xem là kết quả đơn thuần của quá trình hợp lý hoá. Đúng là nghệ thuật của Phương Tây có một cơ sở chủ nghĩa duy lý rất phát triển, có thể nói là hùng hậu. Trước hết đó là cơ sở lý thuyết của mỗi ngành. Ngoài ra, chủ nghĩa duy lý (dưới hình thức máy móc ngày càng tinh xảo, tổ chức phân công ngày càng hợp lý) thâm nhập sâu rộng vào các lĩnh vực sản xuất, phổ biến, phân phối các sản phẩm nghệ thuật. Chính chủ nghĩa duy lý này đã đảm bảo cho nghệ thuật phương Tây những hiệu quả to lớn.

Làm thế nào để bản sắc dân tộc và hiện đại hóa được “cơm lành canh ngọt”?
Cốt lõi của bảo vệ bản sắc dân tộc

Tuy nhiên, chủ nghĩa duy lý và hợp lý hoá chỉ là một phần của tính hiện đại. Trên cơ sở tiếp nhận quan niệm của Heghel đã từng chỉ ra hai phương diện cốt yếu của tính hiện đại: tính duy lý và tính chủ thể đồng thời nghiên cứu lịch sử của tính hiện đại trong các nền văn minh phương Tây, Alain Touraine, một học giả lỗi lạc người Pháp đã đi đến một kết luận quan trọng “hợp lý hóa và chủ thể hoá là hai mặt đối lập và bổ sung của tính hiện đại” (Xem Alain Touraine, Critique de la modernité, Fayard, 1992 tr. 412) Quá trình chủ thể hoá có liên quan đến sự phát huy chủ thể của cá nhân sáng tạo, chủ thể của những nhóm sáng tác (những trường phái) và cuối cùng là chủ thể dân tộc. Như vậy, vấn đề bản sắc dân tộc được chuyển thành vấn đề phát huy chủ thể dân tộc, vấn đề này lại được đặt trong quá trình chủ thể hoá có liên quan đến sự phát huy chủ thể của từng người và chủ thể của các nhóm. Đến đây có thể thấy rằng, đặt ra sự đối lập giữa tính hiện đại và tính dân tộc là không logic. Tính hiện đại hiểu một cách đầy đủ bao hàm quá trình chủ thể hoá và chủ thể dân tộc không ở ngoài quá trình này. Trong hoàn cảnh dân tộc bị xâm lược, nhiệm vụ bảo vệ bản sắc dân tộc thường được nhấn mạnh. Tuy nhiên hình thức tích cực bảo vệ bản sắc dân tộc là phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc. Sự phát huy bản sắc và chủ thể dân tộc lại có liên quan mật thiết đến sự phát huy bản sắc và chủ thể của những cá nhân và những nhóm sáng tác. Có thể nói rằng bản sắc của nghệ thuật dân tộc do chính những nghệ sĩ của dân tộc tạo ra. Do đó, sự bảo đảm quyền tự do sáng tác cho các nghệ sĩ và trường phái nghệ thuật là điều kiện không thể thiếu được cho sự phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc trong nghệ thuật.

Tính dân tộc nằm trong Hiện đại hóa

Nếu như tính hiện đại là kết quả của sự kết hợp hai quá trình hợp lý hoá và chủ thể hoá (bao gồm chủ thể dân tộc) thì tính dân tộc chỉ là một vấn đề cục bộ của tính hiện đại. Giải quyết những vấn đề của tính dân tộc cần quan tâm đến sự kết hợp hai quá trình tạo ra tính hiện đại. Chủ thể hoá mà ngoảnh lưng với chủ nghĩa duy lý, tách rời quá trình hợp lý hoá là sa lầy vào sự tự mê (narcissisme), sự nghiền ngẫm nhấm nháp bản sắc dân tộc. Sự đắm đuối mê hoặc với bản sắc dân tộc có khi bắt nguồn từ một trình độ duy lý thấp.

Theo cách hiểu thông thường tính hiện đại là sản phẩm của sự hiện đại hoá. Và tác động của hiện đại hoá thường bị lược quy vào quá trình hợp lý hoá, sự tăng cường chủ nghĩa duy lý - nó chỉ là một mặt của tính hiện đại. Đến đây phải thấy rằng sự hợp lý hoá phát triển một cách phiến diện, tách rời quá trình chủ thể hoá có thể có hậu quả là tước bỏ lý trí của chủ thể, từ đó lý trí và chủ thể mang lý trí bị biến thành công cụ, trường hợp xấu nhất là công cụ bị sử dụng phục vụ cho cường quyền (quân phiệt, tài phiệt và các thứ “phiệt” khác). Hậu quả này được Alain Touraine gọi là ‘chủ nghĩa duy lý công cụ”. Hợp lý hoá càng cao thì những công cụ của con người (bao gồm cả công cụ tổ chức) càng tinh xảo. Nhưng sức mạnh, sự lớn lao của con người không chỉ ở những công cụ có trong tay, nó còn ở sự chủ động xác lập những mục tiêu thích đáng cho cuộc sống của mình. Chủ nghĩa duy lý công cụ tước bỏ của con người năng lực chủ động này, biến lý trí của con người và bản thân con người thành công cụ ở phương Đông - và ở ta cũng vậy - có những nhà triết học lên tiếng cảnh báo chủ nghĩa duy lý phương Tây. Cái đáng phê phán ở chủ nghĩa duy lý phương Tây là chủ nghĩa duy lý công cụ. Nhưng chế độ toàn trị (totalitaire) nào cũng sản sinh ra chủ nghĩa duy lý công cụ, không kể là ở phương Đông hay phương Tây. Mặt khác, phê phán chủ nghĩa duy lý công cụ, cần thấy rằng ở ta chủ nghĩa duy lý không phải là thừa thãi.

Nguồn: Chungta