Chủ Nhật

Hành trình các Chúa Nguyễn khai khẩn vùng Nam Bộ

Sự sầm uất, trù phú của Nam Bộ là công lao khai phá của các nhóm cư dân chủ yếu là người Việt từ thế kỷ XVII. Chúa Nguyễn là người bảo hộ cho quá trình khai phá này và việc khẳng định quyền quản lý lãnh thổ là một hệ quả tự nhiên.


Tạp chí Khám phá trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài “Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ” của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, hiện đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Những nghiên cứu của GS-TS Vũ Minh Giang trong nhiều năm qua được tập hợp những nét cơ bản trong loạt bài này, đưa tới cho độc giả cái nhìn toàn diện và sâu sắc về những vấn đề để khẳng định chủ quyền vững chắc của Việt Nam với vùng đất Nam Bộ.
Phủ Gia Định xưa
Sau cái chết của Chey Chetta II vào năm 1628, nội bộ giới cầm quyền Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc. Nhiều cuộc chiến giữa các phe phái đã diễn ra với sự trợ giúp quân sự của một bên là quân Xiêm, một bên là quân Nguyễn.

Những cuộc chiến ấy chẳng những không ảnh hưởng đến việc người Việt tiến hành khai phá những vùng đất hoang hóa ở đồng bằng sông Cửu Long, mà trái lại, còn tạo điều kiện thuận lợi cho chúa Nguyễn thiết lập quyền kiểm soát chính thức của mình trên những vùng đất cư dân Việt đã dựng nghiệp.

Trong thời kỳ này sự thần phục của các nhóm di thần nhà Minh đã góp phần đẩy nhanh quá trình xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn trên lãnh thổ Nam Bộ. Từ năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần đã tạo điều kiện để nhóm Dương Ngạn Địch cùng nha môn, quân sĩ vùng Quảng Tây tổ chức việc khai phá và phát triển kinh tế vùng lưu vực sông Tiền Giang (Mỹ Tho), cho nhóm Trần Thượng Xuyên và những đồng hương Quảng Đông của ông chiêu dân tiếp tục mở mang vùng Biên Hòa – Đồng Nai.
Trong vòng gần 20 năm, một vùng đất trải dài từ Bà Rịa đến sông Tiền Giang, vốn đã được cư dân Việt đến sinh cư lập nghiệp từ trước, nhanh chóng trở thành những trung tâm kinh tế quan trọng với nhiều làng mạc trù phú, phố phường sầm uất, hải cảng nhộn nhịp có thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Dương, Bồ Bà (Java) tới buôn bán.

Trên cơ sở những đơn vị tụ cư trù mật, những trung tâm kinh tế đã phát triển. Năm 1698, chúa Nguyễn đã cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất này và cho lập ra ở đây một đơn vị hành chính lớn là phủ Gia Định. Như vậy, vào cuối thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã xác lập được quyền lực của mình tại vùng trung tâm của Nam Bộ, khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất mà trên thực tế, chính quyền Chân Lạp chưa khi nào thực thi một cách đầy đủ chủ quyền của mình.

Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là vào năm 1708, Mạc Cửu ở Hà Tiên xin quy phục chúa Nguyễn. Là một thương nhân Hoa kiều ở Lôi Châu, thường xuyên tới buôn bán ở vùng biển Đông Nam Á, Mạc Cửu đã sớm nhận ra vị trí địa lý thuận lợi của vùng đất Mang Khảm (sau đổi là Hà Tiên) nên đã lưu ngụ lại, chiêu mộ dân sửa sang bến thuyền, mở mang chợ búa, khai phá đất đai, biến một vùng đất còn hoang vu thành một nơi buôn bán sầm uất.

Lúc đầu (vào khoảng năm 1680), Mạc Cửu đã từng xây dựng quan hệ thần phục với vua Chân Lạp, nhưng sau này thế lực Chân Lạp suy giảm, không đủ sức bảo vệ cho công việc làm ăn của cư dân vùng đất này khỏi sự tiến công cướp bóc của người Xiêm nên đã tìm đến chúa Nguyễn xin nội thuộc vào năm 1708.
Chợ quê Nam Bộ xưa
Năm 1757 khi đất Tầm Phong Long (tương đương với vùng tứ giác Long Xuyên) được vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng cho chúa Nguyễn để đền ơn cứu giúp trong lúc hoạn nạn và giành lại ngôi vua, quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ của người Việt trên đất Nam Bộ về cơ bản đã hoàn thành.

Từ quá trình lịch sử trên đây, không thể quan niệm một cách đơn giản rằng chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ là do chiếm của Chân Lạp. Chứng cứ lịch sử cho thấy quốc gia đầu tiên trên đất này là Phù Nam mà cư dân chủ yếu là người Protomalais, đến đầu thế kỷ thứ VII mới bị Chân Lạp tiến công tiêu diệt. Tuy nhiên, Chân Lạp đã không có điều kiện để quản lý và khai thác vùng đất này.

Sự sầm uất, trù phú của Nam Bộ là công lao khai phá của các nhóm cư dân chủ yếu là người Việt từ thế kỷ XVII. Chúa Nguyễn là người bảo hộ cho quá trình khai phá này và việc khẳng định quyền quản lý lãnh thổ là một hệ quả tự nhiên.

Quá trình thụ đắc vùng đất Nam Bộ của chúa Nguyễn chủ yếu thông qua khai phá hoà bình kết hợp với đàm phán ngoại giao để khẳng định chủ quyền. Đó là phương thức được thừa nhận là phù hợp với thông lệ lịch sử và các văn bản quốc tế hiện hành.

Cùng với quá trình khai thác những vùng đất còn hoang vu ở Nam Bộ của cộng đồng cư dân, các chính quyền của người Việt đã liên tục thực hiện các chính sách quản lý lãnh thổ với tư cách là chủ nhân vùng đất này.

Từ thế kỷ XVII, để thực thi chủ quyền, các chúa Nguyễn đã tổ chức nhiều đơn vị hành chính, sắp đặt quan cai trị, lập sổ sách quản lý dân đinh, ruộng đất và định ra các loại thuế. Phủ Gia Định thành lập năm 1698 gồm hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định) quản lý hơn 4 vạn hộ. Sau năm 1774 vùng đất từ nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau được chia làm 12 dinh, trong đó vùng đất Nam Bộ chia thành 4 dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và Hà Tiên).

Trừ Hà Tiên lúc đầu còn là một dinh phụ thuộc, mỗi dinh quản hạt một phủ, dưới phủ có huyện, tổng hay xã. Từ đó, về cơ bản tổ chức hành chính trên vùng đất Nam Bộ đã được kiện toàn.

Theo PV (Khám Phá)