Thứ Sáu

Den Houter và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm Tiếng Anh

Phân tích về anh chàng Dan này thì tớ đã nói rồi, nếu thực sự muốn làm video sửa phát âm vô tư thì đã chọn học sinh của trung tâm của mình để sửa chứ không phải chọn gv của trung tâm khác.

Bây giờ nếu đem học viên của trung tâm Dan ra so với học viên trung tâm khác, e rằng phải rút ra kết luận học với Tây hay không học với Tây cũng thế mà thôi. Bởi đành rằng phát âm nghe từ người bản xứ là chính xác và cần thiết thì nó phải là một quá trình lâu dài và bắt đầu từ trước khi người đó học ngoại ngữ, đặt trong văn cảnh cụ thể.

Den Houter và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm Tiếng Anh
Còn nhớ hồi xảy ra khủng hoảng tị nạn châu Âu, Đức nhận cả triệu dân Syria và đám này cũng có đi học tiếng Đức thuộc diện hoà nhập. Giáo viên bản xứ đương nhiên, học thì không mất tiền và phần nhiều dân chúng thậm chí còn không nói được tiếng Anh nên lúc học với gv Đức là hoàn toàn như trẻ con vậy. Nhưng kết quả cho đến nay thì nhìn vào statistics là biết, trong số gần triệu dân Syria này có bao nhiêu người giỏi tiếng Đức và bao nhiêu người phát âm chuẩn như người Đức? E rằng số người phát âm chuẩn Đức chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi pronunciation hầu như không phải một kỹ năng có thể luyện tập mà thành mà phụ thuộc nhiều vào khả năng nghe, nắm bắt những âm sắc nhỏ nhất, gần như học hát hay một thứ tương tự. Người ta chỉ có thể yêu cầu người khác hát đúng nhạc chứ không thể nào yêu cầu người khác hát hay được.
Nhân trường hợp này tớ mới thấy thái độ của đa số người Việt về giáo dục tương đối mâu thuẫn và ấu trĩ. Phần lớn họ mong cho con cái mình học giỏi, điều ấy thật đáng quý nhưng cái gốc rễ thì lại thực dụng và không vị nhân sinh. Từ bé các bố mẹ người Việt thường bảo con rằng "Học đi con, học sau này làm ông nọ bà kia" hoặc "học để kiếm tiền, làm giàu". Hiếm có vị nào bảo con học hành để sau này phát minh ra cái nọ cái kia, làm cuộc sống của mình và những người khác trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn hay tạo ra những giá trị giải phóng con người. Bởi thế, họ thường chạy theo cái kết quả của việc học hành bất chấp phương thức. Với lối tư duy này nên nhà nhà mới cho con cái đi học thêm bất kể giờ giấc xa gần, miễn là cô A thầy B có tiếng giỏi, học thế nào để con mình phải cưỡi lên đầu lên cổ con người khác mới thoả lòng. Học như thế nên mới tung hô các thần đồng nhỏ tuổi mà lau láu tiếng nọ tiếng kia.

Có một dạo báo chí động một chút là chửi vung thiên địa vì "giáo viên VN dạy ngữ pháp nhiều quá" khiến con tôi ra nước ngoài chả hiểu gì. Rồi vin vào cớ ấy, anh bán gà, chị móc túi bỗng dưng xúc động tột bậc, ở họ trào ra một niềm phẫn uất về một quá khứ bị đầy đoạ và một hiện tại giả tưởng lẽ ra phải long lanh cao quý hơn cái hiện tại thực tại rất nhiều. Đại loại giá mà ngày ấy tôi không phải học chia động từ trong ngoặc hay điền giới từ thích hợp và chỗ trống mà được học tiếng Anh bồi, hẳn giờ có lẽ tôi đã ngồi tót sỗ sàng trong toà Bạch Ốc mà tư vấn thuế cho ngài Trump cũng nên.

Giờ lại được Dan Hauer thổi vào một luồng gió điều hoà giữa nắng tháng 8 ở Hà Nội, họ như được hồi sinh, được nhổ vài bãi nước bọt vào nền giáo dục nước nhà, ơn giời cuối cùng tôi cũng tìm được căn nguồn nỗi dốt ngoại ngữ của mình. Thế là họ nhao nhao lên lạy tạ anh da trắng vừa khai phá đầu óc cho họ, hoá ra bao nhiêu năm nay họ dốt không phải bởi lười nhác hay không có khả năng mà bởi giáo viên tiếng Anh phát âm không chuẩn (mức độ đánh giá này lẽ ra còn phải xem xét nhưng vì đang trong cơn say nên ta tạm cho là chuẩn xác đi).

Chẳng có con đường tắt đến thành công, nhiều người tự học hay học qua truyền hình cáp họ vẫn rất giỏi, phát âm chuẩn và không mất đi khí phách hay tự tin khi phải dùng tiếng nước ngoài để làm việc với người nước ngoài. Còn lại sự ảo tưởng về một loại thuốc tiên giáo dục chỉ với dăm chục giờ học với ông X bà Y, nếu không có lòng quyết tâm, sự khổ luyện thì ảo tưởng ấy cũng sớm tiêu tan như bất kể sự phẫn nộ hay nỗ lực suông 5' nào đó mà thôi.

Nguồn: Dũng Việt Vũ