Thứ Sáu

Chuyện về những người lính dẫn phạm nhân đi trả án

Dẫn những đối tượng phạm tội đi trả án; truy bắt các đối tượng về thi hành án; bảo vệ những phiên tòa … là công việc thầm lặng của những người lính tại đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng thuộc phòng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp và thi hành án hình sự (PC 81 – CA Hà Tĩnh).
Giữ bình yên cho những phiên tòa

Công việc bảo vệ phiên tòa nghe kể tưởng chừng đơn giản nhưng những chiến sĩ của đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý vật chứng luôn chịu áp lực rất lớn, bởi công việc này liên quan đến tính mạng của những người tham gia tố tụng cũng như bảo đảm an toàn cho quá trình truy tố, xét xử của cơ quan pháp luật.

Mỗi khi có lịch xét xử, hay yêu cầu đề nghị từ TAND, đội lại lên kế hoạch, xây dựng phương án, dự báo các tình huống xấu nhất có thể xảy đến và đề ra phương án giải quyết, phối hợp với các lực lượng khác như tòa án, trại tạm giam… nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng những người tham gia phiên tòa, nhất là những phiên tòa được xác định phức tạp.

Một trong những nhiệm vụ chính của đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý vật chứng là bảo vệ bình yên cho những phiên tòa
Điển hình như trong vụ án xét xử N.V.L (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) cùng đồng bọn phạm tội “giết người” và “hủy hoại tài sản”. Phiên tòa sơ thẩm đầu tiên được bắt đầu vào năm 2013 và trải qua nhiều phiên xét xử phiên tòa chỉ vừa mới kết thúc vào cuối tháng 2/2017.

Tại các phiên xét xử, giữa gia đình bị cáo và người nhà nhạn nhân có mâu thuẫn sâu sắc. Tại phần nghị án, gia đình bị hại đã dùng di ảnh đòi tấn công bị cáo. Sự quá khích của người nhà bị hại khiến lực lượng hỗ trợ tư pháp hết sức vất vả. Tại phiên tòa, lực lượng an ninh đã phải huy động hơn 60 người để làm công tác bảo vệ.

Hay vụ án “tham ô tài sản” tại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc mà bị cáo là 3 cán bộ xã. Vụ án cũng khiến lực lượng bảo vệ tại tòa phải căng mình trong nhiều phiên tòa do số người tham gia theo dõi tại phiên tòa lên đến hơn 600 người, diễn ra trong nhiều ngày.

Đặc biệt vụ trọng án N.V.D (trú tại thành phố Vĩnh, Nghệ An) cùng đồng bọn phạm tội Giết người tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đây là 2 đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, có nhân thân vô cùng phức tạp. Tại phiên tòa xét xử, số người tham dự rất đông đa số trong đó đều là dân anh chị cộm cán nhằm mục đích gây sức ép đối với HĐXX.

Ngay trước khi phiên tòa diễn ra, lực lượng hỗ trợ tư pháp đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát các đối tượng tham dự. Đặc biệt, không để các các đối tượng đưa vũ khí vào hội trường xét xử.

Tại phần xét hỏi, do mâu thuẫn trong câu trả lời, cả 2 bị cáo đã xông vào đánh nhau. Ngay lập tức, các chiến sĩ được bố trí gần đó đã nhanh chóng tách 2 đối tượng kịp thời để tránh gây thương tích; đồng thời, thắt chặt an ninh dưới hội trường tránh hỗn loạn.

Đảm nhiệm công tác an toàn cho các phiên tòa nhưng đôi khi chính những người lính hỗ trợ tư pháp lại phải đối diện với những phản ứng có phần tiêu cực của người dân tham dự phiên tòa.

Không những liên tục bị người nhà nạn nhân xúc phạm, chửi bới mà ngay cả khi phiên tòa kết thúc. Khi xe chở quân trên đường về đơn vị, một số đối tượng quá khích còn nằm chắn ngang bánh xe không cho di chuyển. Đối với những trường hợp như thế các chiến sĩ vừa phải kết hợp cùng với sự cứng rắn là thuyết phục, giảng giải.

“Hiện nay, thời đại mạng xã hội bùng nổ nếu mình không xử lý khéo thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự và dư luận xã hội. Bên cạnh sự cứng rắn thì việc sử dụng các biện pháp mềm như khuyên giải động viên, tránh va chạm là rất cần thiết”, Thiếu tá Trần Mạnh Hùng, đội trưởng đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng, chia sẻ.

Đấu trí trên những cung đường áp giải tội phạm

Những bữa cơm vội vã, những đêm dài thức trắng trên chuyến xe áp giải tội phạm, đã trở nên quen thuộc với các chiến sĩ của đội.

Trung bình mỗi tháng, đội tham gia từ 4- 5 chuyến trích xuất, áp giải các đối tượng về quy án. Trong đó, chủ yếu là những đối tượng trốn nã khắp các tỉnh thành toàn quốc. Trên những chuyến hành trình áp giải là cuộc đấu trí giữa các chiến sĩ và tội phạm.
Đối với những đối tượng mang trọng án, tại phiên tòa lực lượng bảo về vừa cứng rắn nhưng kết hợp với sự động viên, khuyên giải tránh xảy ra các tình huống tiêu cực
Nhiều chiến sĩ tại đội vẫn không thể quên được chuyến áp giải “siêu trộm” Lê Văn Hoàn cùng đồng bọn từ trại giam B34 (Tp Hồ Chí Minh) về Hà Tĩnh. Đây là đối tượng rất tinh vi, có biệt tài mở còng số 8 rất nhanh. Biết được đặc điểm của đối tượng, trong suốt hành trình, trên xe luôn phải mở sẵn camera giám sát. Ngoài ra, các chiến sĩ áp giải phải sử dụng thêm các loại khóa đặc biệt đề phòng Hoàn có thể trốn thoát. Mặc dù, trên hành trình hơn 1.000km, siêu trộm nhiều lần sử dụng các mánh khóe để hòng mở khóa bỏ trốn nhưng y không thể nào phá được “ổ khóa cảnh giác” và tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ tại đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng.

Nhưng những chuyến áp giải các đối tượng đồng thời cũng là nhân chứng các vụ án trọng điểm như ma túy, mới thực sự là đòn cân não đối với những người làm nhiệm vụ.

Thượng úy Nguyễn Minh Thành – một người gắn bó lâu năm tại đội kể lại: Giữa năm 2015, chúng tôi nhận nhiệm vụ áp giải đối tượng L.V. L từ trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) về phục vụ xét xử tại TAND Hà Tĩnh.

L là một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy. Tại thời điểm này, L đã khai một số manh mối liên quan trong đường dây của mình nên đây được coi là một nhân chứng quan trọng tại phiên tòa.

Suốt 120km từ trại giam về Hà Tĩnh, đội phải liên tục thay đổi cung đường, lịch trình để tránh bại lộ. Thậm chí, phải chọn cũng đường ngoằn nghèo, xa nội thị tránh tai mắt đồng bọn của L. Chỉ đến khi vụ án được đưa ra trước ánh sáng, đối tượng được bảo vệ an toàn trong quá trình di lý các chiến sĩ của đội mới thở phào nhẹ nhõm.

Không chỉ riêng việc áp giải bị cáo, việc dẫn giải nhân chứng cũng gặp nhiều khó khăn. “Nhiều vụ án, nhân chứng không hợp tác. Dù cơ quan chức năng nhiều lần gửi giấy mời nhưng họ vẫn không chịu tham gia tố tụng. Nhiệm vụ dẫn giải nhân chứng vẫn phải hoàn thành, với những tình huống này Phòng PC 81 luôn đề ra tôn chỉ làm việc của lực lượng hỗ trợ tư pháp là lấy đạo lý để thuyết phục nhân chứng, giải thích quyền lợi, nghĩa vụ để nhân chứng có mặt tại phiên tòa”, Thượng tá Nguyễn Văn Chương – trưởng phòng PC 81 (CA Hà Tĩnh) nhấn mạnh.

Luôn chủ động, lên kế hoạch sát sao trước mỗi nhiệm vụ, trong gần 10 năm thành lập, đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng (PC81 – CA Hà Tĩnh) chưa hề để xảy ra một vụ việc thương tích nào tại các phiên tòa. Trên những cung đường đấu trí, dù giở nhiều mánh khóe nhưng những đối tượng phạm tội phải bó tay chờ ngày “trả án”.

Phượng Vũ/ Dân Trí