Thứ Sáu

Bốn bài viết nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính

Giữa Năm 1949, Khi Cuộc Kháng Chiến Chống Thực Dân Pháp Đang Ở Vào Giai Đoạn Gay Go, Ác Liệt, Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Với Bút Danh Lê Quyết Thắng, Viết 4 Bài Báo Nổi Tiếng Đăng Báo Cứu Quốc: “Thế Nào Là Cần”, Đăng Ngày 30-5-1949; “Thế Nào Là Kiệm”, Đăng Ngày 31-5-1949; “Thế Nào Là Liêm”, Đăng Ngày 1-6-1949; “Thế Nào Là Chính”, Đăng Ngày 2-6-1949 (Xem Cuốn “Hồ Chí Minh – Về Vấn Đề Giáo Dục”, Nxb Giáo Dục, Hà Nội – 1990, Từ Trang 80 Đến 91). Vì Sao Bác Hồ Đề Ra Khẩu Hiệu: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”? Vì Cần, Kiệm, Liêm, Chính Là Nền Tảng Của Đời Sống Mới, Nền Tảng Của Thi Đua Ái Quốc. Tư Tưởng Của Bác Hồ Về Cần – Kiệm – Liêm – Chính Trong 4 Bài Báo Ấy, Đến Nay Vẫn Còn Nguyên Giá Trị Nhân Văn Và Tính Thời Sự Nóng Hổi, Rất Bổ Ích, Thiết Thực Đối Với Mỗi Cán Bộ – Đảng Viên Và Toàn Dân.

Trong Việc Đẩy Mạnh Học Tập Và Làm Theo Tư Tưởng, Đạo Đức, Phong Cách Hồ Chí Minh, Qua Tuần Báo Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Xin Giới Thiệu Về 4 Bài Viết Nổi Tiếng Nói Trên Của Bác.

Bài 1:

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ “cần”

Bài “Thế nào là Cần” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh Lê Quyết Thắng, đăng báo Cứu Quốc, ra ngày 30/5/1949. Đây là bài đầu tiên trong số 4 bài viết liên hoàn, nổi tiếng của Bác về Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Mở đầu bài viết này, Bác Hồ giải thích ngay về chữ “Cần”: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai”. Bác diễn giải thêm: “Người Tàu có câu: Không có việc gì khó, chỉ e ta không siêng./ Tục ngữ ta có câu: Nước chảy mãi, đá cũng mòn. Kiến tha lâu, cũng đầy tổ./ Nghĩa là Cần thì việc gì, dù khó mấy, cũng làm được”. Rồi Bác nói cụ thể hơn về chữ “Cần”, bằng những câu văn rất ngắn gọn, lời lẽ giản dị như cách nói của quần chúng, ý nghĩa rất rõ ràng: “Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm thì có lúa tốt…/ Siêng học tập thì mau tiến./ Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến./ Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khỏe./ Điều đó cũng rất dễ hiểu”. Và Bác mở rộng ý nghĩa của chữ “Cần”, với những nội dung thiết thực: “Chữ Cần chẳng những có nghĩa hẹp, như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần./ Người siêng năng thì mau tiến bộ./Cả nhà siêng năng thì chắc no ấm./ Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh./ Cả nước siêng năng thì nước giầu mạnh”.

Bốn bài viết nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính
Không phải chỉ riêng cần cù, siêng năng mà đã làm tốt được các công việc; Cần phải gắn liền với các điều khác mới đạt kết quả tốt. Để chữ Cần có nhiều kết quả hơn, Bác dạy là phải có kế hoạch cho mọi công việc, nghĩa là: “phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”. Ở đây, Bác không dùng từ “tư duy”, không dùng khái niệm “tính khoa học”, mà diễn giải hai điều ấy một cách rất cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của đại đa số cán bộ – đảng viên và nhân dân lúc bấy giờ. Bác nêu một thí dụ: “Người thợ mộc muốn đóng một cái tủ. Trước hết, anh ta mài sẵn cưa, bào, tràng, đục, vân vân, và sắp xếp có thứ tự hẳn hoi. Rồi anh ta lấy gỗ vừa đủ làm cái tủ. Khi các thứ đều sẵn sàng, anh ta bắt tay vào việc đóng tủ./ Như thế là anh thợ mộc ấy làm việc có kế hoạch. Như thế là anh ấy không hao thì giờ, tốn lực lượng (tức là sức lực – ĐNĐ), mà việc lại mau thành. Nếu anh ấy không sắp đặt sẵn sàng trước, khi cần đến cưa mới chạy đi tìm cưa, khi cần đến đục thì phải chạy đi tìm đục. Như vậy thì mất công chạy lăng xăng cả ngày, mà công việc làm được thì ít”. Từ thí dụ ấy, Bác kết lại: “Việc to, việc nhỏ, muôn việc đều như vậy./ Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau”.

Nâng thêm một bước về mối quan hệ của chữ “Cần” với các vấn đề liên quan, Bác viết: “Kế hoạch lại phải đi đôi với phân công./ Trong một gia đình, một xưởng máy, một đoàn thể, một cơ quan, vân vân… đã có kế hoạch, lại phải phân công cho khéo./ Phân công nhằm vào 2 điểm: 1- Công việc: Việc gì gấp thì làm trước. Việc gì hoãn thì làm sau./ 2- Nhân tài: Người nào có năng lực làm việc gì, thì đặt vào việc ấy./ Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”. Bác diễn giải những điều trừu tượng, khó hiểu bằng những ví dụ cụ thể, dễ hiểu, với cách nói rất dí dỏm, rất vui, nên người đọc dễ tiếp nhận.

Mặt khác, “Cần” không thể tách rời với chuyên. Bác nêu rõ: “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày Cần mà mười ngày không Cần, thì cũng vô ích”. Bác căn dặn: “Cần không phải làm xổi. (…). Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài”.

Đến đây, Bác lập luận lật ngược lại vấn đề, để bàn sâu hơn về chữ Cần: “Lười biếng là kẻ địch của chữ Cần./ Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc./ Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc hàng nghìn, hàng vạn người khác”. Từ nhận định khái quát ấy, Bác nêu ra hai thí dụ về sự cần cù, hợp lòng hợp sức của mọi người, sẽ tạo nên thành công. Đây là một trong hai dẫn chứng của Bác: “Toàn dân tộc ta đoàn kết thành một khối. Công việc của mỗi người, mỗi địa phương, mỗi ngành đều phối hợp với nhau, như một chuyến xe lửa. Tất cả mọi người, mọi địa phương, mọi ngành đều cố gắng, đều siêng năng, thì nước ta sẽ tiến bộ rất nhanh chóng. (…). Nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy, mà một bánh trật ra ngoài đường ray. Nó sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe”. Rồi Bác kết luận: “Vì vậy, lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”.

Ngày nay, đọc lại bài viết của Bác Hồ, ta thấy tư tưởng của Bác về chữ “Cần” vẫn tươi mới, hết sức quan trọng và bổ ích với tất cả chúng ta. Bác đề ra một chủ trương lớn, một vấn đề trọng đại đối với đất nước và dân tộc, là tất cả mọi công dân – bất kỳ ở cương vị nào và làm nghề nghiệp gì, đều phải cần cù, siêng năng làm tốt công việc, làm tốt nhiệm vụ của mình. Thật vậy, muốn mọi gia đình phồn vinh, đất nước phát triển bền vững, tiến tới văn minh, giầu mạnh, để đàng hoàng hội nhập tích cực với thế giới, thì trước hết, mọi người đều phải cần cù, siêng năng làm việc, làm việc suốt đời và có tính khoa học, để đạt những hiệu quả cao, đem lại những điều ích nước, lợi nhà. Đi đầu trong việc này, tất yếu phải là các cán bộ – đảng viên.

Còn tiếp...

Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ