Thứ Hai

Tản mạn về Ngô Sĩ Liên và sự ra đời của Đại Việt sử ký toàn thư

MỘT VÀI SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ NGÔ SĨ LIÊN (*)

Hà Văn Tấn (**)

Cho đến nay, tài liệu để nghiên cứu về Ngô Sĩ Liên còn lại quá ít. Trong khi đó, đã có nhiều bài viết về các mặt quan trọng liên quan đến Ngô Sĩ Liên và Đại Việt sử ký toàn thư. Vì vậy, tôi chỉ nêu ở đây một vài khía cạnh tản mạn đã cảm nhận được trong khi đọc các tài liệu về Ngô Sĩ Liên.

Trước hết hãy đặt câu hỏi: Có thể nghiên cứu Ngô Sĩ Liên dựa trên những tài liệu nào? Có thể trả lời ngay: Đó là các phần viết của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng đó là những phần nào?

1. “Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư tự” tức bài tựa sách Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư. Nhưng ở đây cũng có vấn đề. Không biết vì sao bài tựa lại có tên như thế. Vì đọc kỹ bài tựa, ta thấy đây là bài tựa của Đại Việt sử ký toàn thư chứ không chỉ là Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư. Tôi nghĩ rằng, khi chép lại tên bài tựa này, các nhà sử học thời sau đã có sự lầm lẫn.

大越史記全書 • Đại Việt sử ký toàn thư
2. “Tiến Đại Việt sử ký toàn thư biểu” là bài Biểu dâng sách Đại Việt sử ký toàn thư.

Bài tựa và bài biểu đều được Ngô Sĩ Liên viết trong một ngày, đó là ngày Đông chí năm Kỷ Hợi niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479).

3. Phần sử do Ngô Sĩ Liên biên soạn trong Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 quyển, mà theo sách hiện nay là 5 quyển Ngoại kỷ và 10 quyển Bản kỷ. Tất nhiên cần lưu ý là phần cuối của quyển X Bản kỷ không phải là của Ngô Sĩ Liên.

4. 174 lời bình luận dưới cái tên “Sử thần Ngô Sĩ Liên viết”.

Ngoài bốn tài liệu nói trên, phần Toản tu Đại Việt sử ký toàn thư phàm lệ theo tôi cũng là của Ngô Sĩ Liên. Phần Tục biên phàm lệ thì hiển nhiên là do người sau viết. Trong bản Chính Hòa thì phần Toản tu Đại Việt sử ký toàn thư phàm lệ không ghi rõ là của ai. Trong bản Đại Việt sử ký toàn thư do người Nhật Hikita Toshiaki cho khắc lại năm Minh Trị thứ 17 (1884) thì sau tên Toản tu Đại Việt sử ký toàn thư phàm lệ có lời chú: “án thị lệ hệ thái sử Ngô Sĩ Liên sở chí”, nghĩa là “Xét ra phàm lệ này là do quan thái sử Ngô Sĩ Liên ghi”. Tôi thấy lời chú đó là có căn cứ. Tôi không rõ là Trần Văn Giáp đã dựa vào cơ sở nào khi dịch bài phàm lệ này trong “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” (nxb.Văn hóa, Hà Nội, 1984, t.I, tr.80) lại ghi tác giả là Lê Hy và Nguyễn Quý Đức. Tôi nghĩ rằng phàm lệ này không thể là của hai tác giả trên. Phan Huy Lê thì cho rằng Phạm Công Trứ đã “bổ sung thêm phàm lệ Đại Việt sử ký tục biên và chú giải phàm lệ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên”. Tôi thật không hiểu ý của Phan Huy Lê khi dùngmấy từ “chú giải phàm lệ”. “Chú giải phàm lệ” là gì ? Là chú thích chăng? Theo tôi, bài phàm lệ có một chú thích quan trọng, được biểu thị bằng cách in hai dòng chữ nhỏ vào giữa dòng chữ lớn, đó là câu: “Kim y Vũ Quỳnh sở thuật giả Bản kỷ toàn thư thủy tự Đinh Tiên Hoàng dĩ minh kỳ đại nhất thống dã”, nghĩa là “Nay theo Vũ Quỳnh thuật lại Bản kỷ toàn thư bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng là để làm sáng tỏ sự đại nhất thông vậy”. Câu chú thích này thì rõ ràng là của người thời sau, có thể là của Phạm Công Trứ nhưng không thể khẳng định, mặc dầu ta biết việc Vũ Quỳnh chép Bản kỷ bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng là qua bài tựa Đại Việt sử ký tục biên của Phạm Công Trứ. Còn những phần viết chữ lớn bài phàm lệ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 24 điều có thể nghĩ là do Ngô Sĩ Liên viết. Chữ “toản tu” chỉ có nghĩa là “biên soạn”, chứ không có nghĩa là “sửa sang làm lại” như Trần Văn Giáp nghĩ. Chúng ta thấy rằng tinh thần của phàm lệ cũng rất phù hợp với tinh thần bài tựa của Ngô Sĩ Liên.Nếu ta chứng minh được rằng phần phàm lệ này là do Ngô Sĩ Liên viết thì ta sẽ biết được nhiều điểm về phương pháp viết sử của ông.

Từ việc nghiên cứu các tài liệu nói trên, chúng ta có thể rút ra nhiều vấn đề về Ngô Sĩ Liên. Nhưng cũng có nhiều điểm đáng suy nghĩ. Tôi tự hỏi là Ngô Sĩ Liên đã bắt đầu viết Đại Việt sử ký toàn thư vào thời kỳ nào ? Ta thử so sánh bài tựa và bài biểu của ông. Bài tựa có đoạn viết: “Khoảng năm Quang Thuận (1460-1469) xuống chiếu tìm kiếm dã sử và các truyện ký xưa nay, do các tư nhân cất giữ, đều ra lệnh dâng cả lên để sẵn tham khảo. Lại sai các nho thần thảo luận biển sắp, thần lúc trước ở Sử viện đã được dự vào việc ấy. Đến khi thần lại vào Sửviện thì sách ấy đã dâng lên, chứa ở Đông các, không được trông thấy nữa.

Trộm nghĩ rằng:
May gặp thời trong sáng, thẹn không chút báo đền, bèn không tự lượng sức mình, lấy hai bộ sách của tiên hiền ra hiệu chính, biên soạn lại, thêm vào một quyển Ngoại kỷ, tất cả gồm mấy quyển, lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư” (2). Chú ý ở đây có mấy chữ “thần tiền tại Sử viện” (thần lúc trước ở Sử viện), rồi lại viết “cập tái nhập” (kịp vào lại). Rõ ràng là Ngô Sĩ Liên đã hai lần vào Quốc sử viện. Có thể nghĩ là lần trước ở niên hiệu Quang Thuận và lần sau ở niên hiệu Hồng Đức.

Trong lời biểu, có đoạn “Nay buổi đời rạng đẹp, nghĩ kiếm sách xưa, ban chiếu dụ để tìm mua, nhặt sách rời mà gom góp. Đã sai triều sĩ kiểm duyệt luận bàn, lại khiến nho thần chủ trì nhuận sắc. Cốt thiết thực gọn gàng, bỏ rườm rà hoa mỹ. Thần khi mới sung vào Sử quán, được dự hàng nhúng mực bút lông. Bỗng gặp lúc họa nhà (nguyên văn: gia họa), chưa thấy sách trọn bộ. Tự nghĩ chí xưa chưa thỏa, bèn tìm thêm các thuyết sửa thêm (3)”. Theo lời biểu, ta có thể biết thêm một lý do để Ngô Sĩ Liên rời khỏi Sử viện thời Quang Thuận là vì “gia họa”. Gia họa là tang cha mẹ. Có thể Ngô Sĩ Liên đã về nhà chịu tang ba năm. Nhưng sau đó ông có trở lại Sử viện ngay hay không thì ta không thể biết. Có điều, ta thấy rằng trong thời Quang Thuận, Lê Thánh tông đã cho soạn một bộ sử mà Ngô Sĩ Liên có tham gia biên soạn. Trong khi ông về nhà chịu tang thì bộ sách hoànthành và đã dâng lên vua, chứa ở Đông các. Theo Ngô Sĩ Liên thì bộ sử đó cũng đã được thảo luận, kiểm duyệt, tổng tài, nhuận sắc. Nhưng Ngô Sĩ Liên cũng đã nói rõ trong lời tựa là sách ấy “không được trông thấy nữa” (nguyên văn: mạc đắc chi kiến).

Tôi cứ băn khoăn mãi là một bộ sử được tổ chức biên soạn đàng hoàng như thế mà sao chẳng thấy ai nhắc đến. Chả lẽ một bộ sử như thế mà sau khi hoàn thành lại cất giấu biệt, chẳng ai được thấy. Phải chăng có thể đặt giả thiết là bộ sử này vua đã giao cho Ngô Sĩ Liên làm tổng tài biên soạn trong đời Quang Thuận. Tất nhiên là có sự tham gia của một tập thể. Nhưng xem ra, lúc bấy giờ chẳng có ai có khả năng biên soạn sử bằng Ngô Sĩ Liên. Nhưng vì khiêm tốn, ông chỉ ghi là “có được dự vào” (như lời tựa) hay “được dự hàng nhúng bút” (như lời biểu). Và vì ông phải rời bỏ công việc để về nhà chịu tang nên “mạc đổ thành thư”, không thấy được sách hoàn thành, hay nói một cách khác, sách chưa hoàn thành. Khi ông đi rồi, có lẽ những nho thần khác đã bổ sung qua quýt cho đúng kỳ hạn rồi sao chép lại và dâng lên. Chẳng là sách dâng lên vua thì bao giờ cũng phải chép sạch sẽ, rõ ràng. Nhưng thực chất thì chỉ là bản nháp của nhóm Ngô Sĩ Liên. Đến khi Ngô Sĩ Liên trở lại Sử viện thì ông nghĩ đến nhiệm vụ hoàn thành bộ sử. Tất nhiên là ông có thể tham khảo bộ sử đã cất vào Đông các bằng cách tâu xin mượn ra. Việc ấy theo tôi nghĩ là khá dễ dàng và cũng bình thường đối với Quốc sử viện. Nhưng vì đấy là bản sao sạch sẽ, mà Ngô Sĩ Liên tất nhiên là còn giữ bản nháp, cho nên việc mượn lại là không cần thiết. Tôi cứ đọc đi đọc lại nguyên văn cái câu ở bài biểu: “Thần đương trực quán chi sơ, đắc dự nhu hào chi liệt, thúc tào gia họa, mạc đổ thành thư, niệm túc chí vị phụ, thái quần ngôn nhi tăng hiệu…”. Câu này nói liền một mạch và dường như mấy chữ “tăng hiệu” đã lộ ra rằng ông đang làm tiếp cái việc đã làm. Vì “tăng hiệu” là sửa chữa bể sung thêm. Thế thì sửa chữa bổ sung thêm cho cái gì? Phải chăng đó là sửa chữa bổ sung cho bản nháp mà ông đã có trong tay. Vì thế, có thể nghĩ bộ sử trong thời Quang Thuận cũng chỉ là bộ của Ngô Sĩ Liên và nó được bổ sung và hoàn thành vào thời Hồng Đức. Làm một bộ sử lớn như thế, phải suy nghĩ và viết lách ít ra trong khoảng 10 năm. Có giả thiết như vậy thì ta mới cắt nghĩa được vì sao chẳng ai nhắc đến bộ sử thời Quang Thuận nữa. Nhưng dù sao, đấy cũng chỉ là giả thuyết. Chúng ta thử thảo luận xem.

Như chúng ta đều biết, Ngô Sĩ Liên đã soạn Đại Việt sử ký toàn thư dựa trên hai bộ sử của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Bộ sử của Lê Văn Hưu chép từ Triệu Đà đến Lý Chiêu Hoàng và bộ sử của Phan Phu Tiên chép từ Trần Thái tông cho đến khi quân Minh rút khỏi nước ta. Theo Ngô Sĩ Liên thì cả hai bộ sử này đều có tên là Đại Việt sử ký. Bây giờ Ngô Sĩ Liên đã chép gộp cả hai bộ sử lại, thì lấy tên Đại Việt sử ký toàn thư là hợp lý. Tôi nghĩ rằng Ngô Sĩ Liên không có ý định nêu lên một lối viết “toàn thư” nào cả. Vì thực ra, hình thức chép sử của Ngô Sĩ Liên vẫn là theo lối của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, nghĩa là chép theo thể biên niên thuần túy như kiểu kinh Xuân Thu, hay như Tư trị thông giám của Tư Mã Quang, chứ không dùng lối chép của Sử ký Tư Mã Thiên hay các bộ sử triều đại ở Trung Quốc, nghĩa là chia thành kỷ, truyện, chí. Lối chép kỷ truyện như vậy thì phải đợi đến Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn.

Cách soạn Đại Việt sử ký toàn thư thì Ngô Sĩ Liên đã nói rõ trong lời tựa: “lấy hai bộ sách của tiên hiền rahiệu chính, biên soạn lại, thêm vào một quyển Ngoại kỷ, tất cả gồm mấy quyển, lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư. Có việc nào quên sót thì bổ sung thêm, lệ nào chưa thoả đáng thì cải chính lại; văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi đi, thỉnh thoảng gặp những việc thiện ác có thể khuyên răn được thì góp thêm ý kiến quê mùa ở sau”.

Nhưng qua đoạn tựa này, ta lại thắc mắc là 15 quyển trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có bao nhiêu quyển Ngoại kỷ và bao nhiêu quyển Bản kỷ. Chẳng có nơi nào Ngô Sĩ Liên viết rõ điều này. Ta chỉ biết Ngô Sĩ Liên thêm vào một quyển Ngoại kỷ là bắt đầu từ Vũ Quỳnh. Lê Tùng và Phạm Công Trứ đều xác nhận điều đó. Theo lời biểu của Ngô Sĩ Liên thì một quyển Ngoại kỷ mà Ngô Sĩ Liên soạn bao gồm giai đoạn Hồng Bàng và An Dương vương. Như vậy, phải chăng Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chỉ có một quyển Ngoại kỷ, còn lại 14 quyển đều thuộc Bản kỷ. Ta có thể nghĩ rằng bộ sử của Phan Phu Tiên trước đó thì không có vấn đề chia Ngoại kỷ và Bản kỷ, còn bộ sử của Lê Văn Hưu, theo tôi cũng chưa chia ra Ngoại kỷ và Bản kỷ. Lê Văn Hưu đã chép từ Triệu Đà, coi như vị vua của triều đại chính thống nước ta. Mà Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên là đồng quan điểm trong việc đánh giá Triệu Đà, khi ta xem xét các lời bình của hai ông về nhân vật này.

Do đó, việc viết thêm một quyển Ngoại kỷ chép thời kỳ trước Triệu Đà là sáng kiến của Ngô Sĩ Liên. Tôi không nghĩ là trong bộ sử của Ngô Sĩ Liên có những quyển Ngoại kỷ khác. Theo tôi từ Ngoại kỷ là Ngô Sĩ Liên mượn từ bộ sử Thông giám ngoại kỷ (còn gọi là Tư trị thông giám ngoại kỷ) của Lưu Thứ đời Tống. Trong một lời bình ở quyển I (2b) Ngoại kỷ, Ngô Sĩ Liên đã nhắc đến sách Thông giám ngoại kỷ. Ta biết Lưu Thứviết quyển sách này coi như là để bổ sung cho Tư trị thông giám của Tư Mã Quang. Thông giám ngoại kỷ chuyên viết về những huyền sử của Trung Quốc. Chắc rằng Ngô Sĩ Liên đã chịu ảnh hưởng của Lưu Thứ.

Còn việc cắt 5 quyển, từ họ Hồng Bàng đến 12 sứ quân cho vào Ngoại kỷ là bắt đầu từ Vũ Quỳnh. Sách của Phạm Công Trứ cũng làm như vậy và cho là “theo đúng các sử thần trước là Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh đã trước thuật”. Tôi cho rằng điều đó chỉ đúng với Vũ Quỳnh mà không đúng với Ngô Sĩ Liên. Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng trong sách của Ngô Sĩ Liên, từ nhà Ngô trở đi là thuộc Bản kỷ, trước nhà Ngô là thuộc Ngoại kỷ, sau này Phạm Công Trứ theo Vũ Quỳnh mới tính từ triều nhà Đinh là thuộc Bản kỷ. Có thể nhận xét này là dựa vào điều thứ nhất của bài Phàm lệ. Nhưng tôi thấy điều thứ nhất cũng là khá mơ hồ, chỉ nói là “chép bắt đầu từ Ngô vương” mà không nói rõ là Bản kỷ bắt đầu từ Ngô vương.

Như vậy cái mới nhất của Ngô Sĩ Liên đóng góp vào việc soạn quốc sử là viết thêm thời Kinh Dương vương – Hùng vương – An Dương vương. Chúng ta thấy khuynh hướng đi tìm cội nguồn dân tộc đã bắt đầu phát triển trong thời Lý-Trần. Bấy giờ đã có các tập ghi chép truyền thuyết thần thoại về thời kỳ mở nước như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh. Nhưng đưa giai đoạn này vào quốc sử thì mới chỉ có Việt sử lược viết một vài dòng về Hùng vương. Ngay Lê Văn Hưu, với tinh thần duy lý của Nho giáo, cũng đã không chép giai đoạn này. Chỉ có Ngô Sĩ Liên, đã chắt lọc từ truyền thuyết những điều mà ông cho là có thể tin cậy, dể dựng lại một thời kỳ xa lắc nhưng vô cùng quan trọng: thời kỳ dựng nước Tất nhiên là tinh thần duy lý Nho giáo vẫn còn trong ông. Ông đã thấy ở đây những chuyện “quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”. Nhưng tinh thần dân tộc mạnh mẽ ở ông đã vượt qua cái duy lý Nho giáo. Với lại, thuyết “thiên mệnh” của Nho giáo ảnh hưởng rất lớn đến Ngô Sĩ Liên. Ông đã viết trong một lời bình ở phần chép về Lạc Long Quân: “Thánh hiền sinh ra tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, dẫm vết chân người khổng lồ mà dấy lên nhà Chu, đều là sự thực”. Và như vậy là Ngô Sĩ Liên đã tin có các “sự thực khác thường”. Sự tin tưởng ấy đã khuyến khích ông đưa vào chính sử của Đại Việt những “sự thực khác thường”, chẳng kém gì Trung Quốc.

Về ảnh hưởng của thuyết “thiên mệnh” của Nho giáo đến Ngô Sĩ Liên, tôi đã có dịp nói tới trong một bài viết về Lê Văn Hưu (4), ở đây không nhấc lại nữa. Tôi nghĩ rằng có thể nghiên cứu các quan điểm triết học lịch sử của Ngô Sĩ Liên qua các lời bình sử của ông. Trong nhiều lời bình, ta còn thấy rõ cái bản thể luận Lý-Khí mà ông tiếp thu từ Tống Nho.

Nhưng dù sao, chúng ta cũng phải phân tích cái ý thức dân tộc ở Ngô Sĩ Liên. Có thể ý thức này đã được truyền lại từ các sử gia đi trước, đặc biệt là từ Lê Văn Hưu. Nhưng phải thấy là Ngô Sĩ Liên đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Minh hào hùng. Có thể nhận thấy trong Đại Việt sử ký toàn thư những câu còn hơi hướng Đại Cáo Bình Ngô. Chẳng hạn trong bài tựa, Ngô Sĩ Liên viết: “Thủy tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông,thế là Trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”. Hay như đoạn ông viết trong bài biểu: “Kể từ khi kế nối mở cõi nước Nam, thật đối ngang triều Bắc. Dòng dõi mối ức vạn năm, với trời không cùng; vua giỏi sáu bảy vị, so xưa có sáng. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, mà hào kiệt đời nào cũng có”. Ở đây, gần như Ngô Sĩ Liên đã lặp lại lời Nguyễn Trãi. Có thể nói là Ngô Sĩ Liên đã dưa cái hùng khí Bình Ngô vào Đại Việt sử ký toàn thư.

Tuy rất kính trọng và khâm phục Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, nhưng Ngô Sĩ Liên luôn luôn có quan điểm riêng của mình. Qua các lời bình, ta có thể thấy trong nhiều trường hợp, ông đã bác ý kiến của Lê Văn Hưu. Nhưng đó là sự khác nhau về quan điểm. Còn trong cách chép sử ông đã tiếp thu rất nhiều ở những “đại thủ bút” đi trước ông. Ta biết là thời đó chưa có luật bản quyền tác giả, việc chép lại nguyên văn nhiều đoạn trong các tác phẩm có trước là việc bình thường. Ta có thể thấy điều này ở các bộ sử Trung Quốc. Các bộ sử Việt Nam cũng như vậy. Chính vì vậy, dù có những hiệu đính về nội dung và văn phong, ta chắc là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên còn lưu giữ được khá lớn bộ mặt hai bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Đó là điều mà ngày nay chúng ta phải biết ơn Ngô Sĩ Liên. Chẳng hạn khi chép lại một lời bình của Lê Văn Hưu ở Bản kỷ quyển III (tờ 33b), Ngô Sĩ Liên đã giữ nguyên xi những tên mà Lê Văn Hưu nói đến là Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc, tuy ông biết rằng những người này đều là họ Lý, do kiêng húy mà Lê Văn Hưu đổi thành họ Nguyễn. Việc sao y nguyên bản những lời của Lê Văn Hưu không chỉ là tôn trọng Lê Văn Hưu mà còn chứng tỏ cách làm việc nghiêm túc của Ngô Sĩ Liên.

Không những làm việc nghiêm túc, Ngô Sĩ Liên còn tỏ ra là một học giả rất uyên bác. Ông đã tham khảo rất nhiều tài liệu. Trong lời tựa, ông nói rằng bộ Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc đã không còn sau cơn binh lửa. Cơn binh lửa này hẳn chỉ là cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh, nhưng ông đã đọc quyển sách đó và có những lời đánh giá cao về Hồ Tông Thốc, “ghi chép sự việc thận trọng mà không rườm rà”. Rõ ràng ông đã đọc sách này trước chiến tranh. Như vậy, có thể thấy từ rất lâu, trước khi làm ở Quốc sử viện, thậm chí trước khi đỗ tiến sĩ, ông đã chuyên chú đọc các tài liệu lịch sử.

Một điều thật bất ngờ đối với tôi, mà có lẽ cũng bất ngờ với các bạn, là Ngô Sĩ Liên đã đọc cả An Nam chí lược của Lê Trắc. Ta biết được điều đó nhờ một đoạn chú thích trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Trong Dư địa chí có một chú thích ghi là của Chúc Lý Ngô thị. Chúc Lý Ngô thị thì rõ ràng là Ngô Sĩ Liên, ở đây, Ngô Sĩ Liên đã dẫn một câu rất dài của sách An Nam chí lược. Tôi đã so sánh câu đó với câu của An Nam chí lược thì thấy rất giống nhau. Thậm chí giống cả những câu mà sách An Nam chí lược trích dẫn như Luận hành của Vương Sung. Vì vậy, có thể chắc chắn rằng sách An Nam chí lược mà Ngô Sĩ Liên đã dẫn ít sai lầm hơn bản An Nam chí lược mà ta biết hiện nay. Tôi cứ băn khoăn là làm sao Ngô Sĩ Liên đọc được An Nam chí lược. Chắc là qua sự liênhệ với các học giả Minh mà Ngô Sĩ Liên có được sách này. Điều này thật không dễ trong thời đại ông. Hay là Ngô Sĩ Liên có đi sứ Trung Quốc?

Tôi muốn nói là còn quá nhiều bí ẩn về Ngô Sĩ Liên. Hy vọng một cuộc tìm kiếm sâu rộng hơn về các tài liệu liên quan đến Ngô Sĩ Liên trong tương lai sẽ cho ta biếtrõ hơn về nhà sử học đáng kính này. Nhưng hiện nay, với những tài liệu đã biết, chúng ta có thể nói về Ngô Sĩ Liên như một đỉnh cao của sử học Việt Nam.

Chú thích:

(*) Đã in trong Ngô sĩ Liên và Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1998.

(**) Trích từ cuốn Đến với Lịch sử văn hoá Việt Nam, của Hà Văn Tấn, NXB Hội Nhà Văn, năm 2005.

(2) Sđđ, t.I, tr.100.

(3) Sđđ, t.I, tr.101.

(4) Xem bài trước, cũng in trong sách này.

Nguồn: Chép Sử