Thứ Năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc phỏng vấn với phóng viên Pháp 6/1964

Một đoạn Video dài 9 phút đầy chân thưc về chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn 1 phóng viên người Pháp vừa được đưa lên Internet đã tạo một làn sóng xúc động mạnh mẽ và lòng tự hào dân tộc trong cư dân mạng Việt Nam khi lần đầu tiên được xem và nghe những lời nói giản dị mà đanh thép của Bác. Clip cũng tái hiện lại cảnh Hà Nội yên bình ngày xưa với phố xá rộn ràng xe đạp, góc phố xôn xao của một thời chiến tranh nhưng vẫn lịch lãm và đầy quyến rũ…

Phóng viên: Hiện có một vài tư tưởng cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và trên quan điểm chính trị, khó có thể tránh khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc (thành vệ tinh của Trung Quốc). Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này ra sao?

Bác Hồ: JAMAIS! (không bao giờ)

Lời dẫn: Hà Nội, tại ngã tư đường Paul Bert và đường Petit Lac (Hồ Nhỏ) cũ, vào giờ tan tầm: không một chiếc ô tô, nhưng rất nhiều xe đạp di chuyển chậm rãi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc phỏng vấn với phóng viên Pháp 6/1964
Cảm giác bất bình thường ở đất nước này không khiến chúng tôi đi khỏi miền Bắc Việt Nam. Bất bình thường đầu tiên ở chỗ mọi lối sống cá nhân đều biến mất, để cùng xây dựng cho một cố gắng tập thể tuyệt vời, được điều hành bởi một bộ máy thống nhất, quy củ (nguyên văn: dirigé d’une main de fer a la dispositif de sécurité draconienne)

Không bình thường nữa là ở đất nước bị chia làm 2 mười năm về trước, rất nhiều gia đình phải sống trong bi kịch đất nước khó khăn, vẫn có thể chu cấp cho chiến trường miền Nam.

– Thưa Ngài chủ tịch, Ngài có thể cho biết liệu có một giải pháp quân sự nào cho chiến sự tại miền Nam Việt Nam?

– Không. Bởi vì như cô biết đấy, “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một”. Người Mỹ đã vô cớ gây chiến tranh. Cô cũng biết rằng, như trên các mặt báo đã đưa, nếu chiến tranh càng kéo dài, người Mỹ sẽ càng sa lầy và sẽ càng chuốc lấy thất bại. Chiến tranh không thể kéo dài mãi mãi được, tôi cũng vui mừng là các nhà chính trị Pháp cũng đã biết rõ điều này

– Liệu Ngài có nghĩ rằng tướng De Gaule có thể sẽ có biện pháp nào đó phân định (arbitrer) sự xung đột này?

– Không biết cô hiểu thế nào về từ phân định (arbitrer), chúng tôi đâu có phải là một đội bóng đâu (cười)

– Nhưng nếu tôi không nhầm thì ngoài Hiệp định Genève, tướng De Gaule có nói về một ý tưởng về sự thống nhất tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á, Ngài nghĩ sao về điều này?

– Như tôi đã nói một lần rồi, đây là một ý tưởng khá hấp dẫn. Nhưng nó còn phụ thuộc vào sự ủng hộ của từng nước, phụ thuộc vào cách chúng ta thực hiện nó nữa, đó là một câu hỏi lớn. Tôi không nói là tôi phản đối hay tán thành ý kiến này. Lấy ví dụ về HOA, có rất nhiều loại hoa: hoa trắng, hoa đỏ, hoa vàng … có loài hoa đẹp nhưng cũng có loài không đẹp, nhưng chúng ta vẫn gọi chung là HOA .

– Thưa Ngài Chủ tịch, trong chuyến đi miền Bắc Việt Nam này chúng tôi nhận thấy rằng sự ảnh hưởng của Pháp dường như không còn tồn tại ở đây nữa, độ tuổi dưới 25 giờ đã không còn biết đến tiếng Pháp. Tôi tự hỏi là, với suy nghĩ của Ngài, liệu rằng chúng ta có thể gây dựng lại mối quan hệ này, rằng nước Pháp sẽ giữ vai trò nào đó trong mối quan hệ … văn hóa giữ hai nước?

– Với nước Pháp nói riêng và các nước khác nói chung, chúng tôi luôn muốn có một mối quan hệ hợp tác hữu nghị về văn hóa, kinh tế … Nhưng tôi không nghĩ rằng cô muốn nói tới sự ảnh hưởng của Pháp như họ đã từng gây sự ảnh hưởng với Việt Nam trước đây, đó là một chuyện hoàn toàn khác.

– Oui, thời kì đó đã qua rồi.

– Một mối quan hệ hữu hảo về văn hoá, kinh tế … hay như thể thao chẳng hạn. Chúng tôi hoàn toàn hưởng ứng.

– Nếu như chiến tranh tiếp tục leo thang tại miền Nam Việt Nam trong một vài năm tới, liệu ngài có nghĩ rằng kinh tế của miền Bắc Việt Nam có thể duy trì được như bây giờ?

– Tôi chắc chắn rằng nó không những chỉ duy trì mà còn phát triển. Cô cũng thấy rằng là ở đây, chúng tôi lao động rất hăng say, cần cù, với sự hy sinh và lòng nhiệt huyết, và chủ yếu đều xuất phát từ nội lực của chúng tôi. Bên cạnh đó chúng tôi còn có sự giúp đỡ anh em từ các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Tất cả đều thể hiện qua những tiến bộ hàng ngày, và chắc chắn là cả trong tương lai nữa.

– Ngài có nhắc tới các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, vậy thì sự giúp đỡ này có bắt nguồn sau những xung đột về ý thức hệ (conflit idiologique) giữa Nga và Trung Quốc?

– Không, …….. (không nghe rõ ) …….. Nhưng những sự giúp đỡ giữa các nước anh em thì vẫn tiếp diễn. và chúng rất quý giá với chúng tôi.

– Hiện có một vài tư tưởng cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và trên quan điểm chính trị, khó có thể tránh khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc (thành vệ tinh của Trung Quốc). Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này ra sao?

– JAMAIS (không bao giờ)

Hết đoạn phỏng vấn Bác (Có thể dịch còn sai sót).

Bình luận của nhà văn Phạm Viết Đào về cuộc phỏng vấn này:
(KienThanh có sửa chữa từ ngữ cho phù hợp)

Cuộc phỏng vấn này diễn ra vào tháng 6/1964 nghĩa là trước cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc 2 tháng: 5/8/1964; thời điểm Mỹ chính thức ném bom miền bắc và phát động cuộc chiến tranh cục bộ, đưa lính Mỹ vào chiến trường miền nam tham chiến…

Chắc chắn cuộc phỏng vấn này không là một cuộc phóng vấn tình cờ mà là một cuộc thăm dò, nắn gân có chủ đích của phương Tây đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và đối với dân tộc Việt Nam nói chung. Nếu quan sát bối cảnh lịch sử lúc đó thấy, qua cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thể hiện được những gì là tiêu biểu nhất cốt cách, ý chí, thái độ chính trị của cả dân tộc…Chăm chú theo dõi cuộc phỏng vấn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chính khách kỳ cựu, lọc lõi trong các miếng đòn ngoại giao, ứng xử…

Khi được hỏi: Liệu có giải pháp nào khác ngoài quân sự trong việc giải quyết vấn đề thống nhất Việt Nam không ? Ông khẳng định không có giải pháp nào khác. Bởi nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Mỹ vô cớ đem quân vào xâm lược Việt Nam, Mỹ chủ động phát động cuộc chiến tranh xâm lược thì Việt Nam phái phát động chiến tranh đánh trả…Đó là một chân lý rõ ràng, không thể phủ nhận, không có cách ứng xử nào khác đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào…

Ở đây, nữ nhà báo Pháp cài một ý đồ ngoại giao về vai trò “Arbitre “ tiếng Pháp gọi là trọng tài của nước Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh “phủ quyết” ngay: Việt Nam không phải là một đội bóng ? Một câu trả lời thông minh, dí dỏm, không thô… với người đối thoại mà vẫn thể hiện được thần thái cốt cách của cá nhân ông, đại diện cho ý chí của cả một dân tộc…Trả lời câu này không khéo dễ quê vì thô lậu, hoặc lên gân quá làm mất cảm tình với người đối thoại. Câu trả lời: Việt Nam không phải là một đội bóng để nước Pháp đứng ra làm “ trọng tài” là một câu trả lời cực hay, cực tài …

Thêm một cái bẫy phỏng vấn nữa mà nữ nhà báo Pháp giăng ra nhưng đã bị Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng phát hiện phá tan, đó là câu hỏi: Liệu Việt Nam có ủng hộ cho một liên minh nào đó giữa các nước Đông Dương trong tương lai…

Để câu giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: Đây là một câu hỏi quan trọng, và để có thời gian suy nghĩ giải mã cái bẫy đằng sau câu hỏi này, ông đã đưa hình ảnh vô thưởng vô phạt nhưng lại nịnh được đầm, đó là đưa hình ảnh của hoa ra để nói: Hoa có hoa trắng, hoa vàng, hoa đỏ, hoa đep, hoa xấu…nhưng dù như thế nào thì hoa vẫn là hoa…Vì phụ nữ nhất là phụ nữ phương Tây ai mà không yêu hoa…Và đây mới là câu trả lời tài giỏi, sắc xảo của Chủ tịch  Hồ Chí Minh: Việc có thống nhất các nước Đông Dương hay không thì đó là ý nguyện của mỗi nước; giống như hoa, mỗi loài mỗi sắc màu, còn cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông cho biết: ông không nói là ông ủng hộ hay phản đối ý tưởng hợp nhất này…Chủ tịch chỉ nói nó là quan trong ? Có thánh mới bắt bẻ được câu trả lời của ông…

Về ý thứ 3 trong đó là câu hỏi về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô; phải nói rằng đây là một vấn đề phải có đủ bãn lĩnh mới trả lời được, giải quyết được mối quan hệ phức tạp này. Điều này đã bộc lộ rõ trong thực tế lịch sử?

Khi được hỏi: Liệu vì phát động cuộc chiến tranh này mà trong tương lại Việt Nam sẽ bị lệ thuộc, sẽ trở thành “vệ tinh “ của Trung Quốc không ? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tra lời bằng một tông giọng cương quyết, cứng rắn: JAMAIS-KHÔNG BAO GIỜ ?!

Nên nhớ câu trả lời này được tuyên bố trên các phương tiện thông tin của phương Tây vào tháng 6/1964, khi mà chiến tranh chưa nổ ra, khi mà thắng bại của cuộc chiến chưa ai cầm chắc.

Nếu biết chắc thua thì Mỹ cũng chẳng dại mà ném vào bao tiền của và sinh mạng của con em nước Mỹ. Còn Việt Nam thì lúc này rất cần sự giúp đỡ của Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự giúp đỡ của Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác là rất quý báu. Thế nhưng ngay từ tháng 6/1964 ông đã ngửa bài: có cần sự giúp đỡ, chi viện nhưng để trở thành vệ tinh, phụ thuộc thì KHÔNG BAO GIỜ-JAMAIS !

Tuyên bố trắng phớ như vậy, ngửa bài ra như vậy với Trung Quốc từ tháng 6/1964, thế mà Trung Quốc vẫn phải chở lương thực, thực phẩm, súng đạn sang giúp Việt Nam; hàng triệu người Trung Quốc vẫn xuống đường đòi đế quốc Mỹ cút đi!



Chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới làm được như vậy.

Nguồn: Đại học công nghệ HCM