Thứ Tư

Tân Sơn Nhất 1968 - trận đánh bi tráng làm nên 'Dáng đứng Việt Nam'

Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất (đêm 30 rạng ngày 31/1/1968) của Tiểu đoàn 16  là nguồn cảm hứng để nhà thơ – Anh hùng liệt sỹ Lê Anh Xuân sáng tác bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" bất tử.

Chiến công nối tiếp chiến công
Tiểu đoàn D16  - Phân khu 2 - Long An nguyên là D5, E24, Sư đoàn 304B thuộc Quân khu 3 được thành lập ngày 15/9/1965 (hầu hết cán bộ chiến sỹ quê Nam Định và Thanh Hóa). Từ tháng 9/1965 đến tháng 1/1967, là thời kỳ D5 huấn luyện kỹ thuật chiến đấu, sau đó là huấn luyện để Nam tiến.

Ngày 10/2/1967, D5 nhận lệnh vào Nam chiến đấu, D5 đã vượt qua muôn vàn gian khổ, ác liệt trên đường Trường Sơn với phiên hiệu là Đoàn 209A chiến trường đảm bảo tốt quân số.

Tân Sơn Nhất 1968 - trận đánh bi tráng làm nên 'Dáng đứng Việt Nam'
Tháng 7/1967 đến tháng 11/1967, đơn vị được Bộ tư lệnh Miền giao cho Quân khu 7 với phiên hiệu là D16 Tây Ninh. Tại chiến trường này, Tiểu đoàn 16 dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh đã đánh 15 trận lớn nhỏ; tiêu diệt và làm bị thương 500 tên địch; thu nhiều vũ khí, quân trang. Trong đó, có nhiều trận đánh Tiểu đoàn chỉ quân số rất ít nhưng đã giành thắng lợi lớn như: trận đánh Mỹ đổ quân ở rừng Nhum (Bến Cầu), diệt đồn Tam Hiệp ở xã Ninh Điền (Châu Thành), diệt đồn Mộc Bài…

Đặc biệt, trong trận chiến ở Mộc Bài, địch chốt giữ trên Quốc lộ 1 gồm 1 đại đội cảnh sát cùng với bọn hải quan nhằm ngăn chặn và quản lý tuyến hành lang chiến lược từ miền Đông về miền Tây, từ căn cứ cách mạng ở Campuchia xuống Sài Gòn. Nhận nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, D16 hạ quyết tâm tiêu diệt đồn địch. Đúng nửa đêm, 3 Đại đội chia làm 3 mũi tấn công đánh chiếm lô cốt, tiêu diệt 150 tên địch. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng và kết thúc chỉ trong 2 giờ, phía ta hy sinh 4 chiến sỹ. Trận chiến gây tiếng vang rất lớn tại chiến trường Tây Ninh, làm quân dịch hoang mang, lo lắng; đồng thời, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân ta.

Từ tháng 12/1967 đến tháng 3/1971, nhận lệnh của Bộ Chỉ huy và Quân ủy Miền, Tiểu đoàn 16 hành quân về Long An với phiên hiệu D16 Long An, thuộc Trung đoàn 31, Phân khu 2, chuẩn bị bước vào chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 1968.

Từ tháng 7/1967 đến cuối năm 1971, trên chiến trường Tây Ninh, Sài Gòn, Long An, D16 đã đánh hơn 250 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 3.500 tên địch (trong đó có 450 lính Mỹ), diệt gọn và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 5 đại đội địch (trong đó có 2 tiểu đoàn và 2 đại đội quân Mỹ). Bắn rơi 15 máy bay, phá hủy 55 xe quân sự (có 35 xe tăng và xe bọc thép); 22 khẩu pháo; bắn chìm 26 tàu xuồng chiến đấu, thu 360 súng các loại, 54 máy thông tin và nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ - Ngụy...

Trận đánh làm nên “Dáng đứng Việt Nam”

Thời gian chuẩn bị chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 lúc này rất khẩn trương, bí mật. D16 chỉ có thời gian khoảng 1 tháng vừa tìm hiểu thực địa chiến trường đồng bằng, vừa huấn luyện, sắp xếp lực lượng, củng cố để chuẩn bị nhận nhiệm vụ quan trọng.

Ngày 29/1/1968 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), D16 được lệnh xuống chiến trường. Sau 1 đêm hành quân đầy gian khổ vượt sông Vàm Cỏ Đông, D16 với 100% quân số đã tập kết đúng thời gian tại đình Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. 16 giờ ngày 30/1, D16 nhận lệnh tiến công địch của Bộ Chỉ huy Miền, được sắp xếp vào đội hình Trung đoàn 31 của Phân khu 2 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất từ góc Tây Nam, tiếp đó đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy rồi phát triển sâu vào nội đô và hội quân tại dinh Độc Lập.

Theo kế hoạch tác chiến, đúng giờ G, pháo binh ĐKB của Bộ Tư lệnh Miền sẽ bắn vào sân bay là tiếng súng phát lệnh tiến công cho các cánh quân đánh vào Sài Gòn. Nhưng, giờ G trôi qua, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn yên lặng.
Toàn cảnh nhà máy dệt Vinatexco sau các vụ oanh tạc. Ảnh: 377sps.org
Đợi đến 2 giờ sáng ngày 31/1/1968, D16 khai hỏa loạt cối 82mm bắn vào sân bay; đồng thời, mũi xung kích tiến đánh vào trong. Trận đánh chiếm lô cốt đầu cầu góc Tây Nam sân bay rất cam go. Những trái B40 vẫn chưa thể dặp tắt hỏa lực địch. Bộ đội ta một số bị thương vong, xung kích 1 phải điều tổ đánh bộc phá lên. Đồng chí Đồ C2 ôm bộc phá dũng cảm xông thẳng vào lỗ châu mai có khẩu đại liên đang bắn. Bộc phá nổ, đồng chí Đồ anh dũng hy sinh, lô cốt đầu cầu bị đánh sập, các chiến sĩ C1, C2 nhanh chong tiến vào trong.

C1 theo đường tuần tra bên phải tiến đánh, chiếm được 2 nhà để máy bay. Sáng 31/1/1968, địch củng cố lực lượng và bắt đầu phản kích. C1 bám sát từng xác xe tăng địch để chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt phản kích, tiêu diệt hơn 150 tên địch, bắn cháy 5 xe tăng. Nhưng đến trưa thì C1 hết đạn, hy sinh gần hết. Chính trị viên phó Nguyễn Văn Mẹo đã hy sinh trong tư thế tựa người vào xác chiếc M41, tay vẫn kẹp chặt khẩu súng AK chĩa họng súng về phía quân thù khiến địch hoảng hốt giơ tay xin hàng. (Hình tượng đó chính là nguồn cảm hứng để nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”).

C2 đánh vòng theo đường tuần tra bên trái tiến sát khu gia binh, đánh đẩy lui bọn địch vào sâu. C2 đẩy lùi hàng chục đợt phản kích của địch, diệt 170 tên, bắn hủy 4 xe tăng và xe bọc thép M113. Đến trưa, quân ta hết đạn, lại bị địch phản kích dữ dội, nên trên ra lệnh mở đường máu để thoát ra khu hãng dệt Vinatexco.

Địch huy động trực thăng bắn xối xả xuống đội hình quân ta trên đất trống làm quân ta thương vong khá nhiều. Chúng còn cho một đoàn xe tăng từ Gò Vấp chạy xuống cắt ngang lộ 1, bắn 12,7mm và pháo tự hành dọc theo lộ. Trung đội đại liên ta đánh trả quyết liệt, bắn rơi 2 trực thăng và 1 máy bay khu trục. Đại đội 3 bộ binh và các lực lượng bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất của D16 lúc này chỉ còn chưa đầy 100 quân vẫn bám trụ đánh địch suốt ngày 31/1/1968, tiêu diệt thêm 3 xe tăng M41, bắn rơi 1 trực thăng, diệt hàng trăm tên Mỹ - Ngụy.

Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất của D16 là một trận đánh với tinh thần quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, dũng cảm kiên cường, còn 1 người cũng đánh đến cùng. 380 cán bộ chiến sỹ D16 đã vĩnh viễn nằm lại, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong đó, có 1 ngôi mộ tập thể gồm 181 cán bộ chiến sỹ, sau này nhờ có người lính cứu hỏa của chế độ Sài Gòn chỉ giúp nên mới được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ TP HCM.

Với những cống hiến và hy sinh to lớn, D16 được Nhà nước tặng thưởng: 320 huy hiệu Dũng sỹ quyết thắng; 150 huy hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ... 45 Huân chương Chiến công cho tập thể và cá nhân và nhiều phần thưởng khác. Mới đây, Tiểu đoàn 16 và liệt sỹ Nguyễn Văn Sáu (nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn) vừa được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

Nguồn: Thơ Lê Anh Xuân, NXB Giáo Dục, 1981

Nguồn: Báo lao động