Thứ Ba

Học đại học làm gì nếu sau này làm công nhân?

Ở một xóm trọ nằm cạnh khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tôi gặp hai nữ công nhân trong căn phòng trọ nhỏ. Một người đã tốt nghiệp cao đẳng, còn một người, tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội. Họ làm công nhân cho một nhà máy lắp ráp đồ điện tử của Nhật ở gần đó.

Cô cử nhân trường nhân văn trắng trẻo, xinh xắn, nhẹ nhõm, và thoạt nhìn hợp với dáng vẻ của một nữ giáo viên. Cô đúng là được đào tạo để đi giảng dạy. Nhưng suốt một năm qua, công việc của cô là lắp ráp loa điện thoại để xuất khẩu, và nhận mức lương bằng với những đồng nghiệp chỉ vừa tốt nghiệp cấp 2 của mình. Ở khu công nghiệp đó, rất nhiều công nhân có tấm bằng đại học như cô.
Chúng tôi ngồi nói chuyện rất lâu. Chỉ những chuyện tào lao như thời sinh viên sang phòng trọ của nhau ăn cóc ổi. Những cô gái trẻ có học thức, có một niềm kiêu hãnh riêng, không phù hợp để chia sẻ với một tay đàn ông về cuộc sống công nhân của mình – không tiện để nói về mức thu nhập hay khoảng hụt hẫng của những ước mơ. Tôi cũng không cố hỏi. Tôi chỉ nhớ đến cuối, cô gái có bằng cao đẳng tặc lưỡi, nếu mà biết bây giờ nhận lương bằng mấy ông học hết cấp 2, thì cũng chẳng đi học làm gì cho phí tiền bạc và thời gian.

Học đại học làm gì nếu sau này làm công nhân?
Đại học không hẳn là một lựa chọn. Nó là một ước mơ, một thứ đầy tính biểu tượng, thậm chí có phần thiêng liêng. Mùa thi sắp đến và ở khắp nơi, chúng ta sẽ lại được nghe nhiều câu chuyện cổ tích: những người cha sống trong ống cống để con được đi thi, đi học đại học; những cậu bé lên Hà Nội với vài đồng bạc nhàu trong túi và đầy quyết tâm trong tim; những gia đình bán trâu, bán ruộng, lên thành phố làm thuê chạy xe ôm, để con được đi học...

Mùa thi sắp đến, rất nhiều sĩ tử sẽ nhồi mình vào trong những lò luyện thi nóng như nung ở các thành phố lớn, cố gắng thu nạp và hệ thống một lượng kiến thức khổng lồ, cập rập, như một cuộc đua marathon khắc nghiệt nhất.

Mùa thi sắp đến và hình ảnh những đám đông phụ huynh đứng đội nắng trước cổng trường, trong cái nóng kỷ lục của miền Bắc, thậm chí đã trở thành quá đỗi bình thường.

Tôi hoàn toàn đồng cảm với điều ấy. Gia đình tôi cũng đã từng sống những ngày tháng ấy, mang tinh thần ấy. Nhiều người cũng sẽ hiểu. Nhưng càng hiểu điều ấy, tôi lại càng thấy có điều gì không ổn. Có một sự bất công nào đó. Hình ảnh cô cử nhân xinh xắn kia, ngồi trong căn phòng trọ 10 mét vuông nhếch nhác cạnh khu công nghiệp, cố tế nhị che tay giấu đi cơn ngáp dài mệt mỏi vào lúc 8 rưỡi tối, sau một ngày làm việc trong nhà máy, là một hình ảnh bất hợp lý.

Tôi không nói rằng làm công nhân là sai. Thu nhập của họ không quá tệ, và đó là những lao động đáng tôn trọng. Nhưng nguồn lực của gia đình, xã hội và nỗ lực của họ trong suốt 4 năm trên giảng đường, không để phục vụ cho điều đó.

Chúng ta dường như đã đầu tư rất nhiều nguồn lực hòng tạo ra một xã hội tri thức, với cả triệu cử nhân đại học, cao đẳng. Chúng ta dường như đang chuẩn bị sẵn sàng cho một nền kinh tế tri thức. Nhưng rồi ta vẫn “đóng đinh” trong vai trò của một công xưởng mới của thế giới, và rất nhiều những người được đào tạo kia, trở thành lao động phổ thông.

Tuần trước, có một bạn sinh viên ngành ngoại ngữ nhắn tin cho tôi rằng bạn tuyệt vọng với giảng đường, và sẽ bỏ học đi làm công nhân. Đã rất nhiều lần tôi nhận những tin nhắn như thế, và chứng kiến những thanh niên như thế lao ra thị trường lao động chân tay. Tôi thú thực rằng mình không biết phải trả lời những tin nhắn đó như thế nào, chỉ biết động viên dăm câu ba điều sáo rỗng.

Bởi vì tôi không biết sai lầm nằm ở đâu: chất lượng của hệ thống đào tạo đại học – điều đã được đay nghiến nhiều lần; hay là quy hoạch đại học, đào tạo ra những con người thuộc ngành nghề mà xã hội không cần; hay là lỗi tại quy hoạch kinh tế vĩ mô, không tạo ra đủ việc làm mang tính tri thức. Có thể là tất cả chăng? Hay là như luận điểm tôi đọc ở nhiều nơi: Là do tự thanh niên lười biếng, không hề cố gắng?

Mùa thi sắp đến, bình thường, người ta sẽ chúc các sĩ tử may mắn. Tôi thì muốn chúc những người sắp đỗ đại học may mắn.

Theo ĐỨC HOÀNG /VNEXPRESS