Thứ Hai

Queen Bee Hà Nội hoài niệm một thời 'Đỉnh Cao' điểm đến của các tay chơi thứ thiệt

Hơn hai chục năm trước, từ khi “chứng khoán” còn chả mấy ai biết là cái gì, thì với dân chơi Hà thành từ “lên sàn” có một ý nghĩa khác hẳn bây giờ, đó là tới vũ trường chơi, mà chính xác hơn thì phải hiểu là “lên Queen Bee”-địa chỉ ăn chơi số một thủ đô thời 9X.

Qua thời bao cấp, Mỹ bỏ cấm vận, đời sống có vẻ khởi sắc hơn nhưng chỗ “chơi”, chỗ “đốt tiền” còn ít lắm. Lúc đó khách sạn 5 sao mới có một, hai cái, đến các bar rượu mà Hà Nội thời đó mới đêm trên đầu ngón tay, “đỉnh cao” của ăn chơi thời đó mới là quán bar&bi-a VIP ở hồ Thuyền Quang hay một “sàn” nhỏ tại khách sạn Bàn Cờ (Nguyễn Thái Học), còn thì đó là thời cực thịnh của “bia ôm” và “gội đầu thanh nữ”-anh em hồi đó “ăn tại karaoke, họp tại karaoke...” ngày đôi ba bận là thường, mặt mũi cứ bợt ra bởi sểnh ra là rủ nhau “gội đầu”. Trong việc ăn chơi thì Sài Gòn bao giờ chả “đi trước, về sau” nên việc Queen Bee Sài Gòn thành công tất yếu sẽ kéo theo việc thủ đô cũng phải có một Queen Bee của mình...

Queen Bee Hà Nội hoài niệm một thời 'Đỉnh Cao' điểm đến của các tay chơi thứ thiệt
Sau một ngày “lao động quần quật” và đôi trận quần vợt ở sân Khúc Hạo, chủ yếu là để chờ qua thời điểm “đề về con gì” thì các tay chơi Hà thành phải vội vàng đi ăn tối, tắm rửa cho mau mà còn “lên sàn” vì thực ra cũng chả còn mấy chỗ mà đi nữa. Ngay cái thời đó cái sự ăn cũng khác bây giờ khá nhiều, thời đó thịt chó đang lên ngôi, đê Yên Phụ ngày đêm tấp nập, rồi đến cơm niêu...chỉ có bia hơi thì cũng không khác ngày nay là mấy. Lúc đó xe ô tô tư nhân chưa nhiều, các “tay chơi” cũng chả ngượng ngùng gì mà không đi xe máy “lên sàn”, nhưng đa số dùng taxi. Cả chuyện đi taxi hãng nào cũng là việc thể hiện “đẳng cấp” đấy, “oai” nhất là Taxi Hà Nội (chả hiểu bây giờ cái hãng ấy còn tồn tại không nữa). Và thế là cứ từ tầm 19h30 hàng ngày thì QB bắt đầu sáng đèn...

QB là tòa nhà 2 tầng, mặt tiền rộng rãi ở phố Láng Hạ (thời đó người thủ đô còn chưa dùng từ “đường” như bây giờ, trừ “đường Thanh Niên”). Nó ngay cạnh Seaprodex, đối diện trụ sở FPT, gần đài truyền hình Hà Nội...nói chung vị trí khá đắc địa, mỗi tội Láng Hạ thời đó cũng vẫn là rìa Hà Nội thôi, Hà Nội cứ coi như kết thúc ở sông Tô Lịch chứ làm gì đã có Mỹ Đình! Tầng một là quán ăn Tàu, “Phúc Quần Các” thì phải, có đầu bếp Hồng Kông, làm việc cả trưa và tối, nấu ăn rất khá, một trong số ít quán Tàu đúng nghĩa lúc đó (cùng với khách sạn Hà Nội, First Tràng Thi, Lake Side Ngọc Khánh) nhưng vắng lắm. Có lần anh em chúng tôi rượu say háo nước quá chạy xuống tầng một đặt vội mỗi đứa 2 chén xúp con con, húp soạt phát hết, sau xem bill mới biết mỗi chén 50$, từ đấy cạch...Nói đến QB mặc định đó là tầng hai, sàn nhảy chỉ hoạt động về đêm. Khi các công sở xung quanh đã tắt đèn thì QB nổi bật giữa phố với dàn đèn sáng rực, thu hút các nam thanh, nữ tú đổ về. Vài cái ô tô hiếm hoi của khách được bố trí chỗ đỗ ngay đằng trước, xe máy của khách cũng được dàn bảo vệ chỉ dẫn sắp xếp sang bên cạnh, còn taxi thì nối đuôi nhau thả khách ngay ngoài đường. Hà Nội đồn đại không phải vô căn cứ, là QB có nhiều “lực lượng” tham gia lắm, có nhiều cổ đông VIP lắm (thời đó thậm chí còn chưa dùng đến từ “đại gia”) nên mới hoành tráng, quy mô như thế được chứ!

Qua một cầu thang ngắn, lên tầng hai, mua vé (khách VIP thì có bị hỏi cũng phải nói “mặt anh đây là vé rồi thằng em ạ!”) và thế là bạn đã bước vào thế giới ầm ầm tiếng nhạc và tối đen một cách đầy quyến rũ của QB. Giám đốc D.”Hội” lo việc ngoại giao là chính, còn phó là T “phều” năng nổ chạy ngược chạy xuôi cùng đàn em sắp xếp bàn cho khách. An ninh trật tự đã có B.”bíp” và hội đàn em C.”cáo” bao sân từ đầu ngã tư cho đến trên sàn, cũng đâu ra đấy...

Ngay sau cửa vào là một dãy 8 phòng karaoke cách biệt hẳn với sàn nhảy bên ngoài. Khách hàng VIP ai cũng biết nhưng ít người biết mặt nhất là “Cậu H”, thường chỉ ngồi trong phòng 1, cứ hôm nào thấy cái xe đầu dài loại “viên đạn” đỗ ở cữa là chị em lại kháo nhau “cậu đến rồi”. Hay đi với “cậu” là hội Ng.”râu”. Hà Nội lúc đó còn bé lắm, vắng lắm, ai cũng biết nhau hoặc đều có những người quen chung, ít chỗ chơi nên lên QB gặp nhau hết cả lượt. Khách VIP thường xuyên phải kể đến hội 3C, quá tiện vì có cả khu tập thể của 3C ngay đằng sau-đằng nào chả phải nghe nhạc ầm ĩ, thì thôi lên sàn uống rượu luôn cho rồi. BHH, Quang A-toàn các anh tài uống rượu như hũ chìm, mà thời đó uống càng nhiều càng giỏi, nhưng uống phải không được say lắm, mà phải “rượu vào, lời ra”-đấu hót thật hay cơ (chứ thời đó chưa gọi là “chém gió”), uống chán thì hò hát tưng bừng. Trò vào phòng karaoke uống say, hát hò át cả tiếng nhạc sàn ngoài 3C và anh em VP Bank Nga về như N.”hói”, L.”le”, D.T. còn phải kể đến hội rất to mồm là V.”tròn”, V.”vuông”, V.”cận”, cũng như đội hình FPT bên kia đường kéo sang toàn những anh tài như TGB, T.”lột”, Tr Hà...Phòng này hát ồm ồm “Đêm trong màn nằm nhớ rượu...” thì phòng bên hò “Không cho chúng nó thoát...”. Thời đó cũng là lúc khá nhiều Cty tin học đình đám bắt đầu xuất hiện, và các “ngôi sao đang lên”ấy cũng hay lấy QB làm bến đáp cuối ngày. Cánh ngân hàng thì thường xuyên chọn đây là nơi “đi khách”, đó là T.”chợ”, V.”đen”, Ph.”Exim”, B.”Hàng hải”...K.”bạc” chỉ tì tì Coca nhưng cũng hay lên đây đối ngoại, toàn bị mấy thằng bạn cũ mở XO uống rồi bắt trả tiền...

Hội quân đội cũng là một “lực lượng” đến thường xuyên liên tục, TC thì coi đây như chỗ “cơ quan” rồi. Từ các anh lớn “G7” thường hay bị đàn em “rê dắt” lên đây cho đến các sếp vùng khác qua Hà Nội họp hành cũng phải thay thường phục, đến một lần cho biết, cho đến con em bộ đội, “quân khu” Lý Nam Đế, 38 Trần Phú, 28 Điện Biên, 1 A Hoàng Văn Thụ...nếu có điều kiện cũng đều ủng hộ “đội nhà”. QB cũng là một Hà Nội thu nhỏ, với đủ mọi thành phần của nó. Kh.”trắng”, ”, L.”vàng” , H.”Bảo Đại”...thời đầu là những khách hàng “hoành tráng” của QB, đi đâu cũng đàn em tiền hô hậu ủng. Nhưng có lẽ khách hàng nổi tiếng nhất của QB lại là nhân vật khác, G.”say”-một lãng tử của Hà thành mà chả mấy cuộc rượu không có mặt, đi đến đâu cũng thực hành khẩu hiệu “quý rượu hơn tính mạng”, hôm nào cũng "đi khách" ơ QB nên các anh em “hắc đạo, bạch đạo” nào cũng quý! Ngoài ra thì anh tài nào lên QB đến lần thứ hai, là mấy em cave biết hết, đã kháo nhau anh nào có salon ô tô, anh nào đại diện hàng không, anh nào con “sếp sòng”...Gần trăm em gái nhảy do hai “má mì” chân dài điều hành, đa số là trẻ và dưới ánh đèn sản nhảy trông đều sạch nước cản trở lên chính là hấp lực mạnh nhất của QB. Chỉ “lành mạnh” vậy thôi, nhưng nhờ có các em mà mỗi tối không biết bao nhiêu chai Hennesy, JW được mở, rượu bia tuôn như suối. Thời đó Remy mới bắt đầu xuất hiện, vodka thì mới có Absolut trông như chai truyền nước trong bệnh viện, thế nên Hennesy là “ông vua không ngai” của thị trường rượu, cũng còn chưa đến nỗi rởm nhiều như bây giờ! Quản lý phần kinh doanh này là D.”Tiên”, về sau này còn nặng nghiệp với mô hình “Mái lá”...

Ngoài sàn có một sân khấu cho ban nhạc trình diễn, một pítxê để nhảy, một loạt xa lông với bàn rượu, một số ghế và bàn cao để uống rượu, nói chung là standard. Mấy năm đầu còn chả mấy ai biết từ thời thượng “DJ” như bây giờ, cứ gọi nôm na là đặt nhạc. Lúc đầu đặt nhạc là T.”Hưng”, sau đến hội trẻ hơn lo phần này, nhạc nghe “bốc” ra phết và chất lượng âm thanh cũng khá, mặc dù bây giờ nghe lại sẽ thấy khá “sến” với “Happy Nation” của Ace of Base “I swear” của All 4 One, hay Air Supply...Thời “vô tư” đó thậm chí chưa có cả mấy em múa phụ họa ở trên sân khấu cho lôi cuốn, bởi không khí rượu bia-gái đẹp-nhạc nhẽo này đã đủ phấn khích lắm rồi! Phần biểu diễn nhạc sống của QB thời đó là đỉnh cao của Hà Nội nói chung, và là đất diễn, kiếm tiền tốt cho những ca sỹ trẻ sau này thành công vang dội. Hầu như đêm nào cũng có nhạc sống, với những ban như Tây Hồ, Phương Đông, Quả Dưa Hấu, Ba Con Mèo...và khách QB nhớ nhất những giọng hát Thanh Lam (Quốc Trung thỉnh thoảng cũng hát), Thu Phương& Huy MC, Thanh Hằng, Phương Uyên...Mỹ Linh, Trần Thu Hà đã khá nổi tiếng, cũng có lúc lên hát chơi cùng với “các chị”. Nhớ nhất là lần đầu Elvis Phương ra Hà Nội, và nơi anh hát đầu tiên chính là QB, ngay các “diva” cũng thập thò nghe đầy thán phục giọng hát trầm ấm mà cũng rất mạnh mẽ của anh, qua những bài như “Stand By Me” hay “Love Me Tender”. Thời đó đang mốt nhất là chàng việt kiều Jimmy Nguyễn, nhưng đáng tiếc anh không hát trên sàn thì phải...

QB hầu như lúc nào cũng kín bàn, và thành công của nó tất nhiên sẽ làm xuất hiện những đối thủ cạnh tranh mới. Các sàn nhảy lần lượt xuất hiện: “Đêm màu hồng”, “Q Club” Daewoo, khách sạn Hà Nội, “Royal” Hàng Tre, “Basement” Fortuna, “Mái lá”, “Mê Linh Club”, “Likeside” Ngọc Khánh, Đại Đồng Centropel, "Smiling"...cuối cùng cũng đều không đạt được kỳ vọng như QB, bởi ở thời kỳ cuối 9X ấy khó ở đâu các “dân chơi” thấy được một không khí ăn hút vui vẻ, hào sảng và cũng đầy tình người như ở QB. Hết giờ, hàng đàn chị em lại tỏa đi trên những chiếc xe máy, hồi đó mốt cô nào cũng đeo một cái ba lô xinh xinh sau lưng. Khách QB cũng tỏa đi trên những chiếc taxi, điểm đến là những phố ăn đêm như đê La Thành, Cấm Chỉ, Nguyễn Du, ngõ Hàng Chỉ...và cuộc vui vẫn còn tiếp diễn (mãi sau mới có lệnh hàng quán phải đóng cửa 12h đêm). Lên QB trở thành như một nhu cầu thường ngày, chả có việc gì cũng lên, ngày nào cũng lên. Nhiều tay chơi các tỉnh đánh xe chở cả bầu đoàn thê tử về thủ đô, chỉ để hàng tối ngồi trong QB, rồi về bắt chước thiết lập mô hình QB tỉnh lẻ, có thể kể đến Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Nhưng cũng như mọi sự ở đời, cái gì tốt quá thì cũng đều không kéo dài được lâu (chứ chưa nói là vĩnh cửu), QB cũng nhanh chóng qua thời đỉnh điểm của mình. Có thể kể đến vụ các chị em cave đồng loạt bãi công, rồi vụ quân nhà H.”Sự” gây rối...nhưng nguyên nhân thì còn nhiều lắm. Sau QB tiếp nối là thời kỳ của “New” lại là một câu chuyện khác. Chỉ biết ngày nay QB trở nên một trung tâm tiệc cưới cũng như nhiều trung tâm khác, xinh xắn và lành lành...Lớp trẻ ngày nay khó mà tưởng tượng có thời cha anh chúng nó lên sàn mà không biết “bay”, “lắc” là gì! Còn những “cao bồi già” như chúng tôi, mỗi lúc có việc buổi tối mà đi qua Láng Hạ, lại thấy như QB thuở xưa vẫn sáng đèn, như vẫn có tiếng nhạc, và văng vẳng nghe câu hát của Thanh Lam - khi xưa cô bao giờ cũng bắt đầu buổi biểu diễn như thế: “Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ...”. Ừ, hai mươi năm rồi đấy nhỉ!

Nguồn: Nam Nguyen