Thứ Bảy

Cuộc đời Nguyễn Công Trứ: Trời đất vô cùng một cuộc chơi

Để dễ so sánh sự khác biệt của Nguyễn Công Trứ giữa xã hội phong kiến, hôm nay tôi “dùng mây để gẩy trăng” vậy.

Trong chúng ta, hẳn ai cũng biết về tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Một tác phẩm phê phán xã hội phong kiến, bóp nghẹt lên tự do của con người. Và Tố Như, với thiên tài của bản thân, đã thấu tất cả lẽ đời, rồi sinh ra những câu thơđược ví như những viên ngọc trong làng văn học Việt Nam. Ở đây, ông cùng với Nguyễn Trãi là hai danh nhân văn hóa được UNESCO công nhận.

Nhưng khi đứng vấn đề lịch sử nhìn về, bạn sẽ nhận ra cái tài hoa của Nguyễn Du thật sự không hữu dụng trong vấn đề thay đổi thời cuộc.

Khác với Nguyễn Du, chứng kiến rõ bộ mặt phong kiến, và chán chường với tất cả, thì Nguyễn Công Trứ lại yêu đời hơn rất nhiều. Nguyễn Du vẽ nên một Kiều đau khổ, và ông u uất theo đó. Nguyễn Du “Độc Tiểu Thanh ký” và tự khóc với mình, với đời. Nguyễn Công Trứ không bận tâm đến những sắc đẹp như tranh ấy, ông sống lạc quan, đời vui vẻ. Bảy mươi ba tuổi mà ông còn đi cưới vợ, khi cô dâu hỏi ông bao tuổi, ông cười trả lời:

Cuộc đời Nguyễn Công Trứ: Trời đất vô cùng một cuộc chơi
“Năm mươi năm trước, anh hai ba”
Rồi sau đó, như chưa đủ độ tê. Cụ Trứ “quất” thêm câu khá “hấp dẫn”.

“Xưa nay mấy kẻ đa tình,
Lão Trần là một, với mình là hai.
Càng già, càng dẻo, càng dai!”

Vâng, và cô dâu của cụ Trứ mới có 17 tuổi. Đương nhiên là đổ cái rầm !

Cô và cụ Trứ thường ngao du, đàn hát. Cụ chẳng thèm cưỡi ngựa, cứ cưỡi bò cho nó…lạ, cho nó ngầu với thiên hạ. Một lần quan Bố chính Hà Tĩnh khi chứng kiến cảnh này đã tặng cụ hai câu thơ:

“Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu,
Phong lưu đáo lão thế gian vô!”

Nghĩa là, những kẻ làm nên sự ngiệp khiến người đời nể thì trong thiên hạ vẫn còn, chứ còn người già mà phong lưu tuế nguyệt thế này thì thế gian … tuyệt chủng rồi.Những chính “chú rể 73 tuổi” ấy, 7 năm sau khi nghe tin Pháp xâm lược nước ta, đã lên xin vua cho cầm quân dẹp giặc.

Có nghĩa rằng, nếu dùng chính lăng kính hiện đại mà nhìn nhận, ở Nguyễn Công Trứ có đầy đủ sự quyến rũ mà những người phụ nữ thích nhất ở một người đàn ông. Trong tình yêu thì đa tình, phóng khoáng. Trong cuộc sống, thì luôn luôn lạc quan, yêu đời, cho dẫu bao thăng trầm vẫn cứ đổ dồn về. Đối diện với xã hội còn nhiều bất công, ngang trái và xuống cấp, ông không lấy đó làm bất mãn, mà mỉm cười khoái hoạt, rồi cố thay đổi lấy nó trong khả năng của mình. Đối với dân tộc, ông yêu nước, ông bảo vệ kỷ cương, đứng ra cầm quân dẹp giặc như một hoài bão của kẻ bậc trượng phu tướng quân giữa đời.

Một điều nữa, Nguyễn Du cũng áy náy với thời cuộc, nhưng ông không bắt tay vào làm, dẫu được Gia Long vô cùng sủng ái và coi trọng, thì Nguyễn Du vẫn thu mình lại, và gửi lòng đau qua những câu thơ kinh điển, cùng lời than “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/Thiên hạ ai khóc Tố Như chăng?”. Ngược lại Nguyễn Công Trứ lại tự mình đứng ra làm tất cả, làm quan ông tự tay cai quản dân, chăm lo cho dân, khai phá vùng đất.

Nhiều bạn hỏi tôi, tại sao không viết về Trần Khánh Dư trước. Có lý do hết. Gần đây, có thông tin về việc 150ha rừng ngập mặn sú vẹt ven biển thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được đề nghị phá bỏ để tạo mặt bằng làm khu công nghiệp. Tôi chợt nhớ ra, trên vùng đất Thái Bình ấy, có huyệnTiền Hải chính do Nguyễn Công Trứ khai phá nên. Bằng việc chiêu mộ dân nghèo, đứng ra chỉ đạo đắp đê lấn biển, lập ấp, ông đã khai sinh ra huyện trên. Tiền nhân xây dựng, hậu nhân giữ gìn và phát triển, câu chuyện chặt rừng ở trên thật khó để nhìn rộng hết các vấn đề, bài viết này cũng không lạm bàn. Tôi chỉ muốn nói rằng, giá trị của lịch sử, của câu chuyện lịch sử chính là giúp đời sau hiểu được trong bất kỳ tình huống nào, khi đã biết lịch sử thì đừng để lợi ích cá nhân phủ nhận công lao cha ông khai phá.

Ở Nguyễn Du có một cái cảm nhận thiên tài về mọi thứ xung quanh, thấy rõ được cái tàn tệ của Nho gia, phong kiến, nhưng ông đứng nhìn trong nhục nhã. Ngược lại Nguyễn Công Trứ ngạo thế với đời, xông pha vào trong đời, và đối đầu với cuộc đời.

Không có ai khổ sở như ông về cái đời làm quan thăng trầm. Bạn có biết Nguyễn Công Trứ từng lên tới vị trí thượng thư, tổng đốc, đã từng làm phủ doãn Thừa Thiên. Nhưng cũng ông, phải xuống làm lính lệ. Thế mà sóng gió cuộc đời và chốn quan trường không thổi bay đi ý chí của ông.

“Năm Thiệu Trị thứ tư 1844, đang làm Tuần vũ An Giang, Nguyễn Công Trứ bị Nguyễn Công Nhàn vu cáo chở thuyền gian, buôn hàng lậu nên bị nhà vua cách hết chức tước, bắt làm lính trơn sung vào đội quân tuần thú ở Quảng Ngãi. Đến Quảng Ngãi, Nguyễn Công Trứ, lúc đó chỉ là một tay lính trơn, thản nhiên vào trình diện quan Tổng đốc sở tại. Vốn vì trước kia đã có lần chịu ơn Nguyễn Công Trứ nên viên quan đầu tỉnh tiếp đãi ông lính già rất tử tế, thấy tình cảnh một người từng là Thượng thư nay thất thế đến mức như vậy thì tỏ ra rất áy náy, bất yên, muốn cho phép Cụ cởi đồ lính ra, nhưng Nguyễn Công Trứ nói:

- Xin ngài cứ để vậy. Lúc làm Đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vì nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được.

Lúc ấy Nguyễn Công Trứ vừa 65 tuổi. Cái tư cách của con người khi làm Ðại tướng chẳng cậy làm vinh mà khi làm lính không lấy làm nhục càng khiến viên quan đầu tỉnh kính phục. Ông tâu vua, xin xét lại vụ án buôn lậu ở An Giang. Quan Án sát Trần Ngọc Ðao được lệnh điều tra đầy đủ chi tiết, khi trở về kinh tâu trình lại với vua rằng Nguyễn Công Nhàn đã phạm tội vu cáo; Nhàn bị trị tội nặng và Nguyễn Công Trứ lại được bổ nhiệm chức Chủ Sự ở Bộ Hình rồi lại Án Sát Quảng Ngãi, kế đến Thự Phủ Thừa Thiên.”

(Trích từ “36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ” – Huyền Ly/2008)

Cuộc sống quanh bạn sẽ luôn chứng kiến cảnh nhân tình thế thái, cuộc đời thăng trầm đôi khi đẩy những con người đang trên đỉnh cao chót vót về lại vực sâu thăm thẳm. Nhưng đối mặt với chuyện đó, được mấy ai vẫn ngang tàng đâu chứ?

Nguyễn Công Trứ cách đây 2 thế kỷ, lại từng có những câu thơ rất đáng để chúng ta ghi nhớ: “Thế thái nhân tình gớm chết thay/Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy”, Hoặc: “Hẹn với lợi danh ba chén rượu, Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ.” Rồi thì khi thăng giáng, ông viết “Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào/Đã sa xuống thấp lại lên cao.”

Nguyễn Công Trứ chẳng sợ một cái gì cả. Chuyện mình mình làm, đường mình mình đi, giống như một bài ca ngất ngưởng

Xã hội phong kiến và triết lý “tam cương ngũ thường” như một chiếc vợt bủa vây lấy con người, và bóp nghẹt lấy tự do cá nhân. Sống trong xã hội nơi vấn đề tự do cá nhân chỉ là thứ yếu, thì Nguyễn Công Trứ đã xuất hiện, như một ánh chớp giữa trời quang, cười ngạo với thiên hạ. Bài thơ ngất ngưởng mà ông sáng tác, khi đọc lên, dùng chính lăng kính hiện đại nhìn về thì chúng ta mới phải cúp rạp đầu. Đó là những câu thơ của tự do hiện đại, mà như tôi nói ở trong phần giới thiệu tối qua, ông là người vượt trên tầm một thế hệ về chủ nghĩa cá nhân. Nhưng cái vượt tầm này không phải là kiểu vượt tầm chính trị dạng Hồ Quý Ly của thế kỷ 15. Cái hơn của Nguyễn Công Trứ, đó là ông biết xem trọng tự do cá nhân hơn “tam cương ngũ thường”.

“Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”

Phải, vướng bận gì? Tiên phật gì? Ai đã ép cả xã hội này vào trong khuôn khổ Nho Gia ấy? Nguyễn Du yêu thương mà ngơ ngác đứng nhìn, còn Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng trên lưng bò, và hét lên với tất cả hậu nhân:

“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!”

Nguyễn Công Trứ không giỏi bằng Nguyễn Du, nhưng có tính cách hướng ngoại hơn Nguyễn Du. Nguyễn Công Trứ từng lập cả thương xã ở nông thôn để lưu thông hàng hóa. Có thể nói, nếu Nguyễn Du thấy được vấn đề của phong kiến, thì Nguyễn Công Trứ ngạo nghễ với thói đời phong kiến. Chính vì vậy, Nguyễn Công Trứ lấy được về cho mình sự tôn trọng của hậu thế. Người ta nhắc về Nguyễn Du chỉ nhắc đến Truyện Kiều, nhưng nhắc về Nguyễn Công Trứ, là nhắc về hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải được ông khai phá, là nhắc đến sự tích tuổi 80 còn xin vua đem quân đi đánh giặc Pháp, là nhắc đến vị quan văn mà đánh giặc cũng tài.

Chuyện Nguyễn Công Trứ đã làm cho dân. Giai thoại dưới đây là một ví dụ:

“Trên đường từ An Giang đi Quảng Ngãi, không có ngựa xe, ông lính Trứ đi bộ, mình mặc cái áo cộc màu chàm, đầu đội chiếc nón dấu, vai quàng ruột tượng, con dao tu vỏ bằng gỗ cài bên hông. Một hôm, đi đến huyện Tuy Phước thì trời đã tối, liên hỏi thăm tìm chỗ trú nhờ qua dêm đâu. Nghe giọng nói biết ông lính này là người xứ Nghệ, lại thấy ông già cả thương tình nên một người dân sở tại ân cần chỉ cho ông nhà quan Huấn đạo huyện mình và bảo: “Quan là người đồng hương với ông đấy, tình ngài hiền và trọng người lắm, ông nên vào chào ngài rồi xin ngủ nhờ luôn cho đỡ vất vả”. Nguyễn Công Trứ nghe lời người dân tốt bụng.

Chủ nhà đúng là vị quan tử tế, nhận ra giọng đồng hương của người lính già lỡ độ đường, quan Huấn bảo người nhà dọn cơm nước mời ăn tươm tất rồi cùng ngồi nói chuyện tự nhiên. Khi được biết người lính vừa từ An Giang ra, quan hỏi:

- Ông ở trong đó chắc có biết quan Tuần vũ Nguyễn Công Trứ?
- Thưa, tôi có biết. Thì ra quan Huấn cũng có quen biết với quan Tuần vũ?

- Không, chúng tôi không có cái vinh dự đó, nhưng đã được nghe tiếng cụ rất nhiều, vì cụ cũng là đồng hương với chúng tôi mà! Nào cầm quân đánh giặc, nào khẩn điền, nào thi ca, việc gì cụ cũng giỏi, cũng lừng danh khắp nước! Chúng tôi chỉ coi mình như bậc học trò của cụ, ai ai cũng ao ước được gặp cụ một lần!

Thấy viên quan Huấn đạo này chân tình, lại có lòng quý mến mình như vậy mà mình không nói thực ra thì thật không tiện nên người lính già liền nói:

- Thưa… tôi chính là Nguyễn Công Trứ đây ạ!”

Tôi tin rằng, hạnh phúc nhất của một người quan phụ mẫu, là được người dân nhắc về sau lưng với tình cảm trìu mến như thế.

Giai thoại về ông rất nhiều, có lẽ một trong những giai thoại nổi tiếng nhất là liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm Minh Mạng thứ 14, Nguyễn Công Trứ khi ấy là Doanh Điền sứ - chức quan quản lý về khẩn hoang đất đai và đê điều, kéo quân và dân phu về vùng Vĩnh Bảo quê hương của Trạng Trình xưa. Theo dự tính, để trị thủy và thau chua rửa mặn thì phải đào một con sông cắt ngang khu đền Trạng, và như vậy buộc phải phá đền. Mr Trứ chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, xắn tay vào làm thì “bùm”. Lộ ra một tấm bia đá nhỏ phía sau có tạc bài thơ: “Minh Mạng thập tứ/Thằng Trứ phá đền/Phá đền thì phải làm đền/ Nào ai đụng đến Doanh điền nhà bay!”. Lời tiên tri sau gần 300 năm, đủ cả thời gian, sự việc, cả tên và chức vụ Doanh điền sứ của Mr Trứ. Ông vội dừng mọi việc, tấu trình ngay về kinh và vua Minh Mạng đã chuẩn tấu mở con sông đi hướng khác, đồng thời cấp tiền bạc để trùng tu lại đền Trạng khang trang hơn.

Nguyễn Công Trứ ngông, nhưng không phải là không biết lý lẽ. Sự nghiệp làm quan dẫu lên voi xuống chó nhiều, nhưng Uy Viễn Tướng công có đủ tài để khiến vua không thể không dùng.

Nhắc đến thói “bỡn cợt” chốn nhân gian, chúng ta đều nói về “Trạng Quỳnh”. Phần nào đó là Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Ba con người ấy đại diện cho sự trào phúng cười nhũng nhiễu nhân gian của dân tộc này. Và Nguyễn Công Trứ cũng vậy. Thơ ông không hay bằng Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Nhưng vị trí của một cựu thượng thư giúp ông chỉ tận tay, day tận mặt tất cả những kẻ xấu xa trong xã hội cũ.

Và đời thăng trầm trong chốn quan trường của Nguyễn Công Trứ từ đó mà ra. Luôn bị dèm pha, luôn bị tố cáo.

Lời kết:

Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, hai con người sinh ra ở huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh này đại diện cho hai trường phái lớn nhất của cả dân tộc chứ không phải mỗi thời đại. Họ cùng nhìn thấu được cái xã hội, nhưng có hai cách làm khác nhau. Nguyễn Du đại diện cho cái tài hoa nhưng u tối, biết rõ mà bất lực, u uất, và đau khổ. Nguyễn Công Trứ đại diện cho cái tài hoa mà bay bổng, ngông nghênh mà không sợ hãi, lấy cái yêu nước thương dân làm gốc để đi theo và thực hiện.

Thời nào cũng như thời nào, luôn có những bậc tài hoa khí tiết bất mãn với thời cuộc, và chọn thu mình lại trong vỏ ốc khép kín, hoặc làm quan mà chỉ như chiếc bóng mờ. Ngược lại, luôn có những người dùng cái tài hoa của mình, để đương đầu, sống lạc quan với thiên hạ, giúp đời tất cả trong chính khả năng của bản thân. Bởi vì:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”

© Dũng Phan

(SaiGon, 26/5/2017)

với dân Kim Sơn, Ninh Bình: Công lao của Nguyễn Công Trứ với nhân dân huyện Kim Sơn là rất lớn, nhân dân huyện Kim Sơn đã làm đền thờ ông ở xã Quang Thiện đó là đền thờ sống gọi là Sinh Từ. Cho tới năm 1858, sau khi Nguyễn Công Trứ mất, nhân dân huyện Kim Sơn xây dựng thêm Tiền đường, Sinh Từ trở thành Chính cung và từ đó Sinh Từ cũng được đổi tên là Truy Tư Từ.

Tại đây những người không theo tôn giáo nào, những người theo Phật giáo hay Công giáo đều đến tế lễ tỏ lòng tri ân tới cụ khi đã khai khẩn ra Kim Sơn Ninh Bình.

Source: The x file of history