Thứ Tư

Từ cái vọng gác ngân hàng thấy gì?

Sau nhiều ngày ra quân với quyết tâm bằng mọi giá lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, ông Đoàn Ngọc Hải đã trở thành một biểu tượng của tinh thần “thượng tôn pháp luật” “quân pháp bất vị thân”, không nhân nhượng bất cứ ai dù cá nhân đến cơ quan nhà nước… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ông Hải đang đi quá đà, lạm dụng quyền lực, tước đoạt quyền sở hữu tài sản.

Biểu hiện tiêu biểu cho các ý kiến phản đối này là bài viết “Chiến dịch giành vỉa hè đang đi hơi quá” của tác giả Hà Hương đăng trên báo Zing.vn. Theo nội dung bài viết này, thì luật sư Trần Hải Đức (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc làm của ông Hải là không thực hiện theo đúng quy trình xử phạt hành chính.

Từ cái vọng gác ngân hàng thấy gì?
Có lẽ cụm từ “đúng quy trình” được sử dụng nhiều nhất trong việc áp dụng luật của nước ta hiện nay, từ chuyện bổ nhiệm người thân tại các cơ quan nhà nước đến việc đền bù giải tỏa bị người dân khiếu nại; từ tranh cãi về vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cho đến phạm vi trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước mỗi khi xảy ra sự vụ… “Đúng quy trình” là một lập luận “đắt”; nó biện minh cho các hành vi đã diễn ra, nó khoác lên các hành vi này tấm áo pháp lý. Thế nhưng, nếu cái quy trình đó gây tác hại, tạo ra những rào cản, vẫn không giải quyết được bài toán do xã hội đặt ra thì tại sao chúng ta phải tuân theo?

Thử hỏi trong vấn đề đòi lại vỉa hè này, đã có bao nhiêu chủ trương, bao nhiêu nghị quyết được thông báo, được tuyên truyền, được triển khai, một ngày có bao nhiêu cán bộ phường, đô thị vẫn mang cái nghĩa đi dọn dẹp lề đường và rồi bao nhiêu biên bản xử phạt được lập ra, bao nhiêu lời hứa sẽ không tái phạm đúng như giải pháp mà luật sư Hải Đức đưa ra… nhưng cuối cùng thì bao nhiêu trường hợp được xử lý triệt để, hay vẫn lâm vào tình trạng chuyện đâu vẫn còn đó, phạt thì cứ phạt, vi phạm thì cứ vi phạm…

Đến khi đích thân một vị phó chủ tịch quận phải ra quân thì lại đòi hỏi phải lập lại tất cả những việc đó theo “đúng quy trình trì trệ” như bấy lâu nay. Thật khó hiểu. Không làm cũng bị nói, mà làm rồi lại cho rằng không đúng! Vậy cuối cùng phải làm sao?

Khi lợi ích chung đối lập với lợi ích cá nhân thì sự đối kháng là không tránh khỏi. Khi một người dám vượt qua cái cũ, cái cố chấp thì việc phản đối, thậm chí là soi mói là điều đương nhiên. Chính vì vậy, không quá khó hiểu khi có một số ý kiến đồng thuận với luật sự Hải Đức cho rằng, vị phó chủ tịch quận này làm quá, nhất là chuyện bứng chốt bảo vệ tại Ngân hàng Nhà nước.

Căn cứ vào Nghị định 37/2009/NĐ-CP và Thông tư 20/2010/TT-BCA có quy định trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nằm trong Danh mục được đặt vọng gác bảo vệ tuy nhiên nó phải phù hợp với cảnh quan và thuận tiện cho việc quan sát. Thế nào là phù hợp cảnh quan? Là việc lấn chiếm vỉa hè để dựng chốt ư?

Vì đặc thù nên Ngân hàng nhà nước có chế độ được bảo vệ bởi Tổng cục Cảnh sát, thế nhưng không vì thế mà được quyền xây vọng gác vô tội vạ. Tất cả đều phải có trình tự, được thiết kế trong quá trình thi công xây dựng và được pháp luật xác nhận bằng văn bản.

Thế nhưng, khi yêu cầu ngân hàng này xuất trình giấy tờ thì không được đáp ứng, thậm chí khi yêu cầu người đàn ông lạ tự xưng là người của ngân hàng xưng danh tính thì cũng bị bác đi, thử hỏi với cương vị là người quản lý chúng ta sẽ làm thế nào? Dù có là ngân hàng nhà nước, được bảo vệ vì đặc thù đi chăng nữa cũng không được vượt qua quy định của pháp luật rằng vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ được quy định tại Luật giao thông đường bộ. Các nghị định, thông tư kia ra đời cũng chỉ sau Luật.

Sau khi làm việc với Phó vụ trưởng phụ trách Văn phòng đại diện chi nhánh NHNN, ông Hải đã cho lắp lại 06 vọng gác. Việc làm này không phải vì sợ hay nể nang, thậm chí là “sai luật” như một số ý kiến mà nó thể hiện sự mềm dẻo trong việc áp dụng luật. Nhưng mềm dẻo không có nghĩa là không có chế tài, chính ông Hải đã khẳng định trước thông tin đại chúng rằng cho NHNN 1 tháng để hoàn thành các thủ tục, giấy phép đúng pháp luật. Lời hứa này sẽ được giám sát bởi báo chí, nó sẽ là một bằng chứng thể hiện sự công bằng cũng như việc thực hiện đúng tinh thần “thượng tôn pháp luật” của cả ông Hải và NHNN.

Cũng theo bài viết này cho biết, một luật sư giấu tên khẳng định việc làm của ông Hải là đang tước bỏ quyền sở hữu đối với tài sản của cá nhân, tổ chức. Không biết vị luật sư giấu tên kia là ai hay cũng chỉ là một nhân vật “bánh vẽ” do báo Zing đặt ra nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành, không có một điều luật nào quy định những hình thức xây dựng do lấn chiếm vỉa hè, nơi công cộng là tài sản sở hữu của một cá nhân nào đó.

Càng không có chuyện tước bỏ quyền sở hữu ở đây, bởi những vật dụng, tài sản của cá nhân doanh nghiệp vi phạm đều được chở về nơi xử phạt. Tất nhiên, sau đó các đối tượng vi phạm tới nộp phạt theo quy định của nhà nước thì đều được mang tài sản về. Ở đây nói tước bỏ là không đúng, mà nó chỉ là tịch thu để xử lý.

Thiết nghĩ, sự việc cái vọng gác của ngân hàng nhà nước không phải là để góp ý mà nó là cái cớ để người ta “bới móc, hạ thấp” một người dám vì lợi ích chung mà đối kháng với lợi ích cá nhân như ông Hải. Cũng không phải tự nhiên mà lại xuất hiện những bài báo kèm theo lời nhận xét của các vị luật sư như trên Zing.vn, bởi nhóm lợi ích luôn luôn tồn tại và ngòi bút cong hay thẳng thì phụ thuộc vào tâm của người viết!

Bạn đọc Hạ Băng