Thứ Sáu

Trần Quốc Tuấn: Một trong năm vị tướng tài ba nhất lịch sử Việt Nam

Quốc Công Tiết Chế / Hưng Đạo Đại Vương
TRẦN QUỐC TUẤN

“26 tháng chạp năm Giáp-thân (1284) giặc Nguyên đánh tan quân ta ở Nội-Bàng. Hưng Đạo đại vương dự định di chuyển bằng đường núi, nhưng gia thần của ông là Dã Tượng nói rằng nếu Yết Kêu chưa gặp Vương thì nhất định không đưa thuyền rời bến. Hưng Đạo Vương nghe lời, đến bến đò Bãi, quả thấy chỉ còn độc nhất chiếc thuyền của Yết Kêu đang ở đó để chờ Vương tới cùng đi.”

Suốt bao nhiêu câu chuyện về tướng quân Trần Hưng Đạo, thì đó là câu chuyện tôi yêu thích nhất. Hình ảnh Hưng Đạo đại vương bỏ đường núi an toàn để đi đường thủy vì tin rằng Yết Kiêu sẽ chờ mình. Hình ảnh Yết Kiêu một mình một thuyền cô đơn giữa cái sống-cái chết, vẫn đứng đợi người chủ của mình. Đó là một chi tiết thật đẹp. Sử ta có bao nhiêu tấm gương trung liệt đến như thế. Sao ta cứ hay lãng quên?

Trần Quốc Tuấn: Một trong năm vị tướng tài ba nhất lịch sử Việt Nam
Nhưng cái lớn lao hơn mà tôi muốn gửi gắm qua câu chuyện đó không phải ở tấm gương trung liệt, mà chính là tư tưởng an dân của Trần Quốc Tuấn. Một tư tưởng mà tôi nói thật, nếu những người lãnh đạo ai cũng học hỏi được ở ông thì người dân sống rất hạnh phúc. Câu chuyện ở trên, khi thấy Yết Kiêu đứng đợi, ông nói “Chim hồng chim hộc sở dĩ bay cao bay xa là nhờ vào 6 trụ xương cánh. Nếu không có 6 trụ xương cánh thì chim hồng chim hộc cũng chỉ là chim thường thôi”. Câu nói ấy cho thấy ông nhận ra giá trị của những người dưới trướng mình, và ông coi trọng họ thế nào. Ông không xa cách với người dưới trướng, ông yêu dân như con. Ngày ông ốm nặng, Vua tới thăm và hỏi nếu quân phương Bắc tràn xuống thì sao. Ông trả lời “Khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Tôi nghĩ rằng trong lịch sử dân tộc, hiếm có ai văn võ song toàn như Trần Quốc Tuấn. Cũng hiếm ai được tấm lòng nhân hậu như Trần Quốc Tuấn. Và cũng chẳng mấy ai cả về chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, tấm lòng vì dân vì nước đều đạt đến mức tột đỉnh như ông. Nhân tài dạng như vậy mấy trăm năm mới xuất hiện một lần. May cho nhà Trần, may cho Đại Việt, là ông sinh ra vào đúng giai đoạn này. Phải người như vậy mới có thể “cân” được vó ngựa quân Mông Cổ.

Ta được dạy quá nhiều về 3 lần chống quân Nguyên Mông. Bài viết này sẽ quá thừa thãi nếu tiếp tục nói lại các vấn đề đó. Các bạn đã được dạy quá sai về cách học lịch sử. Chẳng hạn là thu được bao nhiêu chiến lợi phẩm, hạ được mấy tên địch. Lịch sử không phải là dạy thống kê, mà phải dạy về cái đẹp của lịch sử.

Bây giờ tôi hỏi một câu? Các bạn chắc biết rõ về chiến lược của quân ta đánh Mông Cổ lần 1 rồi chứ. Đó là kế “vườn không nhà trống”, thậm chí là để trống cả thành Thăng Long. Tại sao lại để trống Thăng Long vậy? Bởi vì lính Mông Cổ sống trên lưng ngựa, đánh thắng trên lưng ngựa. Họ tới rất nhanh, và chạy cũng rất mau. Nhưng ngựa của họ cần ăn, cần uống. Tại sao lại chém giết, chém giết còn là để lấy thức ăn. Việc để “vườn không nhà trống” khiến quân thiết kỵ Mông Cổ chưng hửng. Cướp phá chẳng được gì, lương thực thì cạn kiệt. Đến một thời điểm nhất định. Quân ta dùng đại quân đã được ém kỹ, lấy sức nhàn đánh quân mệt mỏi, đập một phát sấm sét. Done ! Thắng ! Đấy là trận Đông Bộ Đầu đấy.

Chiến thắng lần 1, công lớn nhất ngoài chiến trận là của Lê Phụ Trần, còn vạch chiến lược tổng thể là Trần Thủ Độ. Nhưng lần 2 và lần 3 hoàn toàn là chuyện của Trần Hưng Đạo.

Lần thứ hai: Thoát Hoan chỉ huy 60 vạn quân từ hướng Bắc tràn sang nước ta. Thế giặc như gió cuốn. Trần Hưng Đạo soạn thảo bộ “Binh thư yếu lược” để huấn luyện quân sĩ. Viết “Hịch tướng sĩ” để khích lệ quân sĩ. Và vận dụng binh pháp “Kiên thủ chờ suy” rút quân chủ lực vào Thiên Trường, Tam Điệp, Thanh Hóa, đồng thời tăng cường quân địa phưong chặn đánh nhỏ phía trước, triệt hậu cần phía sau. Giữ giặc ở lâu trong đất lạ. Tránh chuyện giáp lá cà. Đến tháng 5/1285, Trần Hưng Đạo cho quân tổng phản công từ hai hướng Chương Dương và Giang Khẩu. Một mình chỉ huy đánh thắng trận đầu ở A Lỗ. Hào khí Đông A dâng cao thắng Hàm Tử, Chương Dương và Vạn Kiếp. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng qua Ải Chi Lăng để quân lính khiêng tháo chạy về nước.

Lần thứ ba? Trần Nhân Tông hỏi ông: "Năm nay đánh giặc thế nào?". Trần Hưng Đạo đáp: "Năm nay đánh giặc nhàn". Cái tuyệt luân của Hưng Đạo đại vương là ở chỗ đấy. Khi nào cần rút lui, khi nào cần phản công, khi nào thấy sự đáng sợ của giặc để phải dùng Hịch tướng sĩ, khi nào ung dung tự tin phá giặc. Chú ý lần thứ 3 quân nhà Trần không xài “vườn không nhà trống”. Lần này quân dân nhà Trần giữ thành Thăng Long. Đồng thời cho Trần Khánh Dư tập kích quân lương ở Vân Đồn. Và lấy cái mạnh của mình đánh cái yếu của địch, đó là Thủy chiến. Trần Hưng Đạo ra tay, bắt sống Ô Mã Nhi ở trận thủy quân trên sông Bạch Đằng với công phu mà Ngô Quyền để lại: cắm cọc nhọn !

3 lần đánh Nguyên Mông, 3 lần cho thấy cái tài của Trần Hưng Đạo.

Cái giỏi và cái vĩ đại của ông trên bình diện quân sự còn là việc đưa nghệ thuật quân sự của Việt Nam lên một tầm cao mới. Với bộ “Binh thư yếu lược”, ông đã khai phá nên nền khoa học quân sự Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ ngày lập nước, Việt Nam sinh ra một người tài soạn luôn cả một bộ sách quân sự dùng riêng cho dân tộc. Và câu nói nổi tiếng “binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (quân không cần nhiều chỉ cần tinh nhuệ) của ông trở thành kinh điển. Ông không chỉ soạn được khoa học, ông còn soạn được văn học. Đó là Hịch tướng sĩ.

Sử gia Nguyễn Khắc Thuần khi bàn về Trần Hưng Đạo đã đúc kết thế này về Nghệ thuật quân sự của Trần Hưng Đạo, tựu chung lại có ba điểm chính sau đây:

1/. Lấy đoản binh thắng trường trận, lấy ít thắng nhiều, đánh phục kích bất ngờ.

2/. Nêu cao tinh thần đoàn kết, đoàn kết trên thượng tầng lãnh đạo, đoàn kết trong quân, đoàn kết trong dân, gạt bỏ tình riêng để cùng chiến đấu vì lợi ích chung của cả quốc gia dân tộc;

3/. Thứ ba cũng là điểm quan trọng nhất đó là: “lấy dân làm gốc”, dựa vào dân để chiến đấu, để chiến thắng, để bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, để làm nền tảng tồn tại của chế độ.

KẾT:

Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là một thiên tài quân sự, một tấm gương chiếu soi cả sử xanh, một con người bất diệt với non sông dân tộc. Ông bất tử trong lòng người dân, không chỉ bởi sự vĩ đại của một con người kiệt xuất văn võ song toàn, mà còn cả một tấm lòng yêu dân vô cùng. Ông là Đức Thánh Trần của dân tộc Việt Nam.

© Dũng Phan/x.file.of.history