Thứ Tư

Lịch Sử: Không bao giờ được quên, ngây thơ là tự sát

Ngày 19/12/2012, đại tá Trần Đăng Thanh, Phó giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo ưu tú của Học viện chính trị Bộ quốc phòng giảng về Biển Đông cho các Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam, đã nói một đoạn như sau: “Chúng ta không được quên, trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, trên dưới 20 lần, các Triều đại Trung Quốc đã từng xâm lược Việt Nam. Hơi buồn cái là sinh viên thanh niên chúng ta hiện nay không biết lịch sử …”

Bài tóm tắt ngắn gọn 104 dòng sau đây nhằm giúp sinh viên thanh niên và học sinh không ngại đọc và dễ nhớ lịch sử nước ta.

Lịch Sử: Không bao giờ được quên, ngây thơ là tự sát
Trong lịch sử, suốt từ thời Hồng Bàng đến thời hiện đại, Việt Nam thường xuyên phải tiến hành kháng chiến chống Trung Quốc xâm lược. Ít nhất đã xảy ra 16 cuộc chiến tranh giữa 2 nước.

I)- THỜI HỒNG BÀNG

2 cuộc chiến tranh:

1)- Chiến tranh Ân – Văn Lang:

Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên giữa 2 nước diễn ra vào cuối thời nhà Ân của Trung Quốc và thời Hùng Vương thứ 6 của Việt Nam. Cuộc chiến này gắn với truyền thuyết Thánh Gióng, kết thúc với sự thất bại của quân đội nhà Ân.

2)- Chiến tranh Tần – Âu Lạc:

Sau khi tiêu diệt 6 nước Sơn Đông, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư mang 50 vạn quân xuống phía nam, đánh Bách Việt vào khoảng năm 218-217 trước công nguyên (TCN), kéo dài 10 năm, kết thúc vào năm 208 TCN. Các tộc người Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt đã bị quân Tần chinh phục, nhưng tộc người Âu Việt đã chiến thắng. Tướng Đồ Thư của quân Tần tử trận. Thủ lĩnh người Việt là Thục Phán đã thay thế Hùng Vương, thành lập nước Âu Lạc vào khoảng năm 207 TCN.

II)- THỜI BẮC THUỘC (kéo dài khoảng 9 thế kỷ)

4 cuộc chiến tranh:

3)- Chiến tranh Hán – Lĩnh Nam:

Năm 40 công nguyên, sau cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng là người Việt, phần đất thuộc bộ Giao Chỉ gồm 4 quận là Hợp Phố tức Quảng Đông, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, tách khỏi lãnh thổ nhà Đông Hán, trở thành vùng đất độc lập, lấy đất Mê Linh làm kinh đô, trở thành một nhà nước độc lập, tự chủ.
Tới năm 42 công nguyên, nhà Hán cho Mã Viện đem quân sang đánh, chính quyền của Hai Bà Trưng bị thất bại, người Việt tiếp tục bị Trung Quốc đô hộ.

4)- Chiến tranh Đông Ngô – Việt:

Năm Mậu Thìn (248), Bà Triệu và người anh khởi binh từ căn cứ Vùng Nưa và Yên Định chống lại quan lại Đông Ngô, đứng đầu là Tiết Kính Hàn, chiếm quận lỵ Tư Phố, hữu ngạn sông Mã. Thừa thắng, nghĩa quân đánh xuống vùng đồng bằng con sông này. Do quá chênh lệch về lực lượng nên khoảng 6 tháng sau nghĩa quân bị thua. Bà Triệu tuẫn tiết trên núi Tùng. Nước Việt tiếp tục bị nhà Đông Ngô Trung Quốc cai trị.

5)- Chiến tranh Lương – Vạn Xuân:

Năm 541, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi được thứ sử nhà Lương của Trung Quốc là Tiêu Tư, rồi tự xưng là Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân vào năm 544. Năm 545, nhà Lương cử 2 tướng là Trần Bá Tiên và Dương Phiêu sang đánh. Lý Nam Đế thua trận, giao bính quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục đánh đuổi quân Lương vào năm 550, giữ được nước Vạn Xuân, rồi tự xưng là Triệu Việt Vương.
Đến năm 602, nhà Tùy của Trung Hoa đem quân sang đánh và chiếm được Vạn Xuân.

6)- Chiến tranh Đường – Việt:

Năm Khai Nguyên thứ nhất, đời vua Đường Huyền Tông của Trung Hoa, tức năm Quý Sửu (713), Mai Thúc Loan lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, giải phóng toàn bộ đất nước, giữ được nền độc lập trong 10 năm (713-722), sau đó lại bị Trung Quốc thôn tính.

Vào khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779), Phùng Hưng đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền cai trị của Trung Quốc ở Tống Bình (Thăng Long – Hanoi ngày nay).
Cuối thế kỷ thứ 9, Khúc Thừa Dụ, khi đó là Hào trưởng ở Chu Diên, đã tiến quân đánh quân nhà Đường, chiếm phủ thành Đại La (Tống Bình cũ, thuộc Hanoi ngày nay), rồi tự phong là Tiết độ sứ.

III)- THỜI ĐỘC LẬP TỰ CHỦ CỦA VIỆT NAM (kéo dài được 502 năm: 905-1407)

5 cuộc chiến tranh:

7)- Chiến tranh Nam Hán – Việt:

Vào năm 938, trận Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo, đánh quân Nam Hán trên sông Bach Đằng là một trận đánh lớn và quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Kết quả đưa tới sự chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc.

8)- Chiến tranh Tống – Đại Cồ Việt:

Năm 981, chiến tranh giữa nước Đại Tống thời Tống Thái Tông của Trung Quốc và nước Đại Cồ Việt thời Lê Đại Hành đã kéo dài 4 tháng, từ tháng 1 đến tháng 4, trên lãnh thổ Đại Cồ Việt, dẫn đến kết quả quân dân Đại Cồ Việt đã đánh bại quân Đại Tống. Hoàng đế Đại Tống phải chấp nhận nhà Tiền Lê và ban chế phong cho Lê Đại Hành.

9)- Chiến tranh Tống – Đại Việt:

Vào cuối thế kỷ thứ 11 (1075-1077) đã xảy ra chiến tranh giữa nhà Lý nước Đại Việt và nhà Tống của Trung Quốc, diễn ra 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu (1075-1076), tướng nhà Lý là Lý Thường Kiệt đã phòng ngự chủ động, đánh sang đất Tống. Ở giai đoạn sau (1076-1077), quân của Lý Thường Kiệt rút về chống lại quân nam tiến của nhà Tống. Cuối cùng, quân của Lý Thường Kiệt đẩy được quân nhà Tống ra khỏi lãnh thổ của Đại Việt.

10)- Chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt:

Cuộc chiến này còn có tên gọi là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ, của quân dân Đại Việt, dưới thời các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, trong khoảng thời gian 1258-1288. Chiến sự ác liệt nhất có tính quyết
định diễn ra khoảng 9 tháng. Quân dân Đại Việt bảo vệ được nền độc lập nhưng phải nhận làm một xứ phụ thuộc vào đế quốc Mông Cổ. Cuộc kháng chiến này gắn liền với tên tuổi của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, được coi là một trong những trang sử hào hùng nhất của nước Đại Việt.

11)- Chiến tranh Minh – Đại Ngu:

Các nhà sử học Việt Nam thường gọi đây là cuộc chiến của nhà Hồ nước Đại Ngu chống cuộc xâm lược của nhà Minh, dưới triều Minh Thành Tổ của Trung Quốc. Cuộc chiến này thất bại và nước Việt lại một lần nữa chịu sự cai trị của Trung Quốc.

IV)- THỜI VIỆT NAM LÀ THUỘC ĐỊA CỦA NHÀ MINH (suốt 20 năm: 1407-1427)

1 cuộc chiến tranh:

12)- Chiến tranh Minh – Đại Việt:

Sau thất bại của nhà Hồ, nhiều cuộc nổi dậy của người Việt chống quân nhà Minh, điển hình là nhà Hậu Trần, đã bị nhà Minh tiêu diệt tàn khốc. 2 vua nhà Hồ, trong đó một vua nhà Hậu Trần đã bị quân nhà Minh bắt giải về Trung Quốc. Vua Trùng Khánh và các tướng đều tuẫn tiết. Tướng nhà Minh là Trương Phụ tàn sát quân khởi nghĩa và thường dân rất tàn bạo, như chặt đầu, đốt xác, cuốn ruột vào cây, để khủng bố tinh thần người Việt. Đồng thời, các tướng nhà Minh là Hoàng Phúc, Trương Phụ đã huy động được một số người Việt như Mạc Thúy, Lương Nhữ Hốt, Trần Phong giúp họ để thiết lập 1 một bộ máy cai trị ở nước Đại Việt.
Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) do Lê Lợi lãnh đạo đã giành được nền độc lập cho nước Đại Việt và thành lập nhà Hậu Lê.

V)- THỜI KỲ ĐỘC LẬP (kéo dài 430 năm: 1428-1858)

1 cuộc chiến tranh:

13)- Chiến tranh Thanh – Đại Việt:

Đầu năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung, thời Tây Sơn của nước Đại Việt đã lãnh đạo chống quân Mãn Thanh, mà trận Ngọc Hồi – Đống Đa thuộc Hanoi ngày nay (còn gọi là Chiến thắng Kỷ Dậu) đã đánh tan hàng vạn quân nhà Thanh, do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, kéo quân sang do sự cầu viện của vua Lê Chiêu Thống nhà Hậu Lê. Chiến thắng Ngoc Hồi – Đống Đa khẳng định việc nhà Tây Sơn chính thức thay nhà Hậu Lê cai quản đất Bắc Hà.

VI)- THỜI CẬN ĐẠI VÀ HIỆN ĐẠI

Cho đến nay đã có 3 cuộc chiến tranh:

14)- CHNDTH gây ra cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979:

Chiến tranh biên giới 1979 giữa 2 quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo là CHNDTH và CHXHCNVN đã nổ ra rất quyết liệt, bắt đầu từ 17/2/1979, kết thúc vào 16/3/1979. Trung Quốc tấn công vào 6 tỉnh biên giới của Việt Nam với mục đích công khai đoạn tuyệt với phe xã hội chủ nghĩa, để tìm kiếm viện trợ của Mỹ và Phương Tây cho chương trình cải cách mở cửa Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình.

15)- CHNDTH gây ra cuộc chiến 5 năm với Việt Nam ở Vị Xuyên Hà Giang (1984-1989):

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, ngày 2/4/1984 Trung Quốc lại gây ra cuộc chiến với Việt Nam nhằm đánh chiếm khoảng 50 Km2 đất thuộc lãnh thổ Việt Nam ở khu vực Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, kéo dài 5 năm, đến tháng 4 năm 1989 mới kết thúc.

16)- Trên Biển Đông: 

CHNDTH đã đánh chiếm của Việt Nam một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa và mở rộng các đảo này thành những căn cứ quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, nhằm thực hiện “ Giấc mộng Trung Hoa “ của ông Tập Cận Bình, khôi phục hình ảnh bá quyền Đại Hán, để trở thành một Trung Hoa thực dân đang trỗi dậy ở Châu Á trong thế kỷ 21.

Những cuộc chiến tranh này nói với chúng ta điều gì?

Ngày 15/5/2015, ông Lê Công Giàu, quê ở miền nam nói: “Trung Quốc là láng giềng của Việt Nam nhưng không là láng giềng tốt vì họ đã nhiều lần xâm lược, chiếm giữ lãnh thổ và đảo của Việt Nam chúng ta“. Sự thật lịch sử là như thế nên trong khi bình thường hóa quan hệ với người láng giềng Trung Quốc, chúng ta không được mất cảnh giác.

Ngày 22/6/2014, ông Lê Thanh Dũng, quê ở miền bắc, giữa thế kỷ 20 đã từng du học đại học ở thành phố Quế Lâm Trung Quốc nên ông rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Khi Trung Quốc đem giàn khoan dầu khí vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ông Dũng viết thư trao đổi suy nghĩ với bạn đã cùng học ở Trung Quốc như sau: “Chúng ta trân trọng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong thập kỷ 1960, CHNDTH đã giúp đỡ chúng ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Chúng ta biết ơn họ. Nhưng khi nhà cầm quyền Trung Quốc buộc chúng ta chỉ được chọn một trong hai, giữa tình yêu Tổ Quốc và tình hữu nghị thì đương nhiên chúng ta chỉ có thể chọn tình yêu Tổ Quốc”.

Nguồn: linkhay.com