Thứ Sáu

Lê Trọng Tấn: Một trong năm vị tướng tài ba nhất lịch sử Việt Nam

ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN

Khi các bạn đọc bài này, các bạn hãy biết rằng bản thân các bạn đang sống cũng là lịch sử. Lịch sử đang đi qua, và thế hệ bây giờ đang ít nhiều lãng quên con người mà tôi đang viết ra những dòng này. Nhưng hãy tin tôi, đại tướng Lê Trọng Tấn là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam mọi thời đại. Một ngày nào đó, lịch sử sẽ dành cho ông những điều trang trọng nhất.

Có lẽ trong chúng ta khi nhắc về chiến thắng Điện Biên Phủ, là nói về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi nhắc về mùa xuân 1975, là bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.” Vậy có bao giờ bạn thắc mắc: ai là người đã bắt sống tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ? Và ai là vị tướng đã đánh thẳng vào dinh Độc Lập vào buổi trưa ngày 30/04/1975? Câu trả lời chỉ có 1: con người vĩ đại ở 2 khoảnh khắc vĩ đại đó là đại tướng Lê Trọng Tấn.

Lê Trọng Tấn: Một trong năm vị tướng tài ba nhất lịch sử Việt Nam
Áo bào đẫm thuốc súng bước vào thủ đô. Lịch sử Việt Nam chỉ có 2 người: Hoàng đế Quang Trung và đại tướng Lê Trọng Tấn. Vị tướng lẫy lừng mà Chủ tịch Phidel Castro khi gặp ông đã hỏi: ‘Đây có phải là tướng đánh trận giỏi nhất ở Việt Nam không?’.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự, là vị chỉ huy vạch chiến lược đường dài. Ngồi sau trướng định việc ngàn dặm. Còn áo bào ra trận, đánh đông dẹp bắc, xông thẳng vào trận tiền, gầm thét giữa súng đạn là đại tướng Lê Trọng Tấn. Từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng đến biên giới. Cứ hễ chỗ nào mà khốc liệt, là tướng Lê Trọng Tấn lại được cử tới để chỉ huy. Phải giỏi như thế nào? Phải đánh trận thế nào? Mới được vậy. Việt Bắc, Sông Thao, Biên giới, Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Mậu Thân, Đường 9 Nam Lào (Lam Sơn 719), Chiến dịch Hồ Chí Minh, biên giới Tây Nam tất cả đều in dấu ấn sâu đậm của đại tướng.

Chiến dịch hành quân Lam Sơn 719 (Đường 9 Nam Lào) – nếu thành công đây sẽ là đòn chí mạng đánh vào Hà Nội, thậm chí còn có thể phát động tấn công ra miền Bắc. Nhưng chiến dịch quan trọng này đã thất bại vì 2 người. Một người là thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Thiếu tướng Ẩn hoàn toàn dựa trên suy luận khi ông phát hiện ra sự biến mất của một số người trong quân đội và trở về với nước da đen sạm. Để rồi suy luận ra một cuộc hành quân qua Lào. Và người kia là đại tướng Lê Trọng Tấn – vị tướng dàn sẵn quân lực và pháo binh trong rừng rậm tại đường 9 Nam Lào để đón lỏng quân của VNCH.

Lê Trọng Tấn là vị tướng quán triệt quan điểm “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Nguyên tắc hành quân của ông đầu tiên là phải biết rõ về kẻ địch. Sau khi biết rõ về kẻ địch, điều thứ 2 là ông cần các thông tin tình báo. Khi thu thập được các thông tin, ông bắt đầu phân tích các tình huống để chốt nhận định. Từ nhận định, hướng đến mệnh lệnh. Lê Trọng Tấn là một vị tướng của tư duy. Một vị tướng hiện đại. Chẳng hạn như chiến dịch Lam Sơn 719, khi Việt Nam Thông tấn xã thông báo Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa phóng viên báo chí phương Tây đến Sê Pôn. Đại tướng Lê Trọng Tấn suy luận quân VNCH sắp rút. Sau đó 1 ngày, ông mở luôn đợt phản công và thắng giòn giã. Khi đánh trận, ông tự đặt ra khẩu quyết cho bộ đội dưới trướng mình, đó là “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”. Có thể nói tướng Tấn có gì đó rất giống hoàng đế Quang Trung. Hai người này đều theo trường phái hành quân thần tốc.

Tuy vậy ông là vị tướng giỏi tấn công, nhưng lại không giỏi phòng ngự. Năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị. Ông hạ được Quảng Trị nhưng lại bị trung tướng Ngô Quang Trưởng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ép ngược trở lại. Thời điểm ấy, đại tướng Lê Trọng Tấn bị áp lực đến mức đổ bệnh và phải về Hà Nội điều trị. Người thay thế là tướng Trần Quý Hai. Sau đó tướng Ngô Quang Trưởng của VNCH giành lại được thành cổ Quảng Trị. 3 năm sau, đại tướng Lê Trọng Tấn trả lại mối hận ở Quảng Trị bằng chiến thắng tướng Trưởng ở Huế và Đà Nẵng.

Năm 1986, ông mất ở tuổi 72. Thời điểm ấy Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa bình thường hóa quan hệ, vậy mà tạp chí New York Times dành hẳn một bài nói về cuộc đời ông. Vị tướng đặc biệt đã đánh bại chính họ trong ngày tháng tư cuối cùng. Ngày ông mất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khóc rất nhiều. Khóc vì mất đi cánh tay phải của mình, khóc vì người bạn chiến đấu qua bao năm lửa đạn đã ra đi, và khóc vì sự cô đơn trong vòng vây chính trị.

© Dũng Phan/x.file.of.history