Thứ Năm

Cách giặt là quần áo đúng cách với đồ Âu cao cấp

Đồ âu chơi vốn đã khá cầu kỳ, bảo quản chúng cũng cần phải cẩn thận. Nhất là trong việc giặt là, bởi cho dù bạn mặc cẩn thận như thế nào thì cũng đều sẽ có lúc phải giặt. Những chiếc áo được làm dải dựng full canvas có độ bền cả chục năm lại càng đòi hỏi sự cẩn thận trong việc giặt giũ, hay một chiếc áo fused đơn giản có thể bền hơn nếu được đưa tới đúng nơi giặt. Bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn câu chuyện chăm sóc cho đồ âu như nào, phân loại theo loại đồ, chất liệu với cách thức bảo quản và chất liệu phù hợp.

Để tiện cho việc phân chia thông tin, tôi sẽ chia ra gồm các ý như: kiểu giặt, chất liệu, thời gian nên giặt, cách thức giữ vệ sinh thông thường, cách phân loại phương thức giặt và một số mẹo đặt nhà giặt là. Đặc biệt ở Việt Nam khá đau đầu trong chuyện tìm một nhà giặt là có công nghệ và kiến thức tốt.

Cách giặt là quần áo đúng cách với đồ Âu cao cấp
Về kiểu giặt, chắc hẳn các bạn ở đây đều đã biết với hai loại hình chính: giặt ướt và giặt khô. Việc giặt ướt vốn là thứ bạn làm hàng ngày, có lẽ ở đây thì ai cũng biết rồi. Có cái cần biết thêm là nên giặt ra sao và chọn hoá chất gì. Một thứ khác là giặt là công nghiệp, hay còn gọi là giặt khô – Từ “khô” có nghĩa là không dùng nước, nhưng đồ của bạn vẫn được giặt trong máy giặt và thay vì dùng nước, người ta dùng hoàn toàn hoá chất. Việc giặc này giúp tránh gây ra hiện tượng co rút đối với các loại vải nhạy cảm với nước như: wool, silk, đồ có canvas. Nhưng bởi vì giặt trong hoá chất, nó cũng thường dùng cho những đồ có chu kỳ giặt lâu như quần tây và áo khoác, áo overcoat.

Đầu tiên thứ cần làm bạn cần phân loại chất liệu của đồ và xem nhãn hướng dẫn về quy cách bảo quản. Cái nhãn này khá quan trọng, nếu nó đã ghi dry clean thì ok cứ thế mang đi giặt khô và tốt nhất nếu là đồ giặt khô thì đừng cắt nó đi, bạn sẽ cần giữ lại cho nhà giặt là xem.

Phân loại theo chất liệu vải thì có:

  • Giặt ướt: cotton, linen, vải tổng hợp.
  • Giặt khô: wool, silk, cashmere, mohair… (cứ thấy chất liệu gì là lông động vật, tơ tằm thì luôn giặt khô).

Nói tới câu chuyện đồ wool có thể giặt được (có mác washable) thì đây là các loại wool được xử lý hoá chất đặc biệt. Theo như câu chuyện của tôi cùng ông chủ một nhà may lâu đời nhất nước ta, các loại hoá chất này rất độc hại mà ở Ý hay châu Âu luật về môi trường rất nghiêm ngặt. Vì vậy nhất là vải Ý, nếu có cái nhãn washable thì đích thị là vải dỏm (ở Ý mà nhà nào phát hiện dùng loại hoá chất kia, sẽ được đóng cửa). Các loại washable thường là vải Hàn Quốc nếu bạn hỏi các nhà may uy tín. Nói chung nếu bạn đã mặc đồ wool, thì đồng nghĩa với việc chăm giặt khô.

Bây giờ bắt đầu đi kỹ hơn:

Áo sơ-mi nên được giặt ướt và có thể giặt bằng máy giặt. Chu kỳ giặt của nó chỉ là sau một lần giặt. Việc giặt khô sẽ khá tốn và làm vải áo xuống tuổi rất nhanh. Mặt khác, chất liệu cotton hay linen của sơ-mi không gặp quá nhiều vấn đề với nước. Có chăng tôi khuyên các bạn nên chia riêng đồ sáng màu và đồ tối màu qua một mẻ, đồng thời chỉ giặt đồ cotton cũng như dùng nước giặt tối và sáng màu riêng.

Một trong những nguyên lý khác để mặc bền là nên có nhiều áo sơ mi một chút, việc mặc xoay vòng sẽ giúp chiếc áo của bạn bền lâu. Ngoài ra áo sơ mi thường gặp vấn đề bị vàng cổ, các bạn có thể sắm cho mình 1 bình tẩy cổ – tôi khuyên các bạn chọn loại có 2 tiêu chuẩn sau: không photphate và không benzen. Loại bình tẩy cổ có đủ hai yếu tố này sẽ ít gây ảnh hưởng tới vải và màu của cổ áo.

Quần chất liệu cotton/linen cũng giặt nước được, nhưng tôi khuyên bạn nên giặt tay. Quan trọng nhất là tay của bạn không đập nó nát bươm như máy giặt, bởi vậy quần giặt xong thì vải vẫn giữ được dáng. Bởi vì vải cotton hay linen may quần thường cứng cáp hơn sơ mi, quá trình giặt máy thì quần sẽ bị giã cho mềm oặt và tôi chắc chắn nó cũng mất đi vài phần đẹp. Mặt khác giặt máy phá màu khá nhanh. Tôi cũng phải chia sẻ với bạn là ngoài sơ mi, tốt nhất các đồ khác bạn nên lâu lâu gom lại một mẻ để giặt tay. Ví dụ như tôi có gần chục cái quần cotton và linen để giặt tay, lười quá tôi thì thuê giặt.

(Chắc nhiều bạn nghe tới các loại đồ vải được wash cho mềm như denim, nguyên lý làm mềm này cũng như mang mấy thứ này giặt máy giặt vài lần)

Bây giờ nói qua đồ giặt khô, đồ này thường khoảng cả năm hay đôi,ba tháng giặt một lần. Như áo khoác các loại và quần tây, các đồ có cấu trúc canh, khăn. Đồ này thường sử dụng các loại vải từ lông động vật tôi đã nêu trên.

Chất liệu wool ngoài chuyện phẳng phiu lên dáng tốt, lại khá khó bẩn. Đặc tính tuyệt vời này là nhờ lông động vật, cũng giống như những con cừu hay mấy con thú nhảy nhót trong rừng hay ngoài đồng cỏ. Bạn có thể thấy chúng chạy nhảy ngoài kia bao nhiêu năm nhưng lông vẫn luôn trắng sạch. Thế nên, vải wool luôn có đặc tính nhả và ít bám bụi.

Áo khoác, áo coat, áo suit… thì khoảng một năm hoặc một mùa lạnh/nóng giặt một lần. Nếu gặp tình huống bẩn hơn hay dây gì vào thì đương nhiên phải giặt. Bởi vì loại áo này thường ít tiếp xúc với da, nó không bị dính dầu hay mồ hôi nhiều. Còn lại trong thời gian sử dụng, bạn chỉ cần sắm cho mình 1 chiếc bàn chải lông ngựa loại mịn và một cây lăn bụi để giữ áo sạch. Bàn chải lông ngựa ở Việt Nam có bán, bạn có thể mua bàn chải đánh giày loại cao cấp rồi về lấy dầu gội “giặt” cho nó an tâm.

Về chuyện giặt áo khoác thì thứ này thì tôi khuyên bạn nên mang đi giặt khô, đặc biệc là các loại áo dải dựng (full canvas). Loại áo này khá nhạy cảm và sẽ hỏng ngay nếu bạn giặt nước. Lý do là bởi lớp canh dựng bên trong làm bằng lông bên trong khi giặt nước sẽ bị co rút lại, chỉ cần chọn nhầm kiểu giặt hay rơi vào tay nhà giặt nào chất lượng kém. Cái áo sẽ méo mó ngay lập tức. Vì vậy dù chiếc áo bằng wool hay cotton thì nếu đã là hàng dải dựng hay cấu trúc fused hết hợp chest canvas (nhiều nhà hay gọi nó là “quarter canvas”, cái này không phải full canvas và cũng không được đặc tính của full canvas) thì đều phải giặt khô.

Mặc khác, vải wool cũng không hợp để giặt nước, tất cả các loại áo dùng vải chỉ cần có chữ wool, silk, cashmere cũng giặt khô hết.

Không bao giờ là bẹp cái ve áo – Ve áo cong mềm mại là điểm đặc trưng của một chiếc áo làm dải dựng, hay thứ ưa thích của hầu hết sartorialist. Vì vậy các bạn hãy nhắc thật kỹ, bắt nhà giặt là lật ve áo ra chụp ảnh lại.

Luôn hỏi trước nhà may – dù gì thì nhà may cũng sẽ là nơi rất chăm giặt. Vì vậy bạn nên hỏi họ trước, hoặc nói trước với thợ may để họ cứu nếu trường hợp áo gặp vấn đề.

Hãy chọn nhà giặt là có máy ảnh để chụp. Những nhà giặt là chất lượng thường rất cẩn thận và đảm bảo cho cả uy tín của mình, họ sẽ luôn chụp ảnh áo và các chi tiết đặc biệt lại.

3 Roll 2 (Áo có khuyết 3/2) – Bạn nhớ dặt kỹ kẻo nhà giặt là nhầm, tuy nhiên đây cũng ít khi bị nhầm. Thông thường thì cũng phải bắt họ chụp lại.

Tay áo là tròn – Bây giờ các nhà may đều là tay áo khoác cho nó tròn đều chứ không là thành một đường ly cứng đét nữa. Vì vậy các bạn cũng nhớ nhắc cho an tâm.

Luôn chụp ảnh áo trước khi giặt, yếu tố này giúp bạn tránh phiền toái khi áo bạn gặp rủi ro. Tôi giăt áo ở một nhà giặt cao cấp thì bị họ là bẹp ve áo và một chiếc áo linen xuất hiện vết mốc (Tất nhiên vì là blogger, tôi có cả tá ảnh để cho họ chiêm ngưỡng lại)

Quần tây bằng vải wool tuy cũng sạch nhưng nhanh bẩn hơn. Quan điểm của tôi là cũng không nên giặt quá nhiều nếu muốn chúng bền. Thông thường thì khoảng 1 tới 2 tháng, càng nhiều quần thì càng giặt ít. Tôi mặc khoảng gần 10 chiếc và mặc xoay vòng thì 3,4 tháng mới giặt. Tất nhiên gặp vài sự cố thì bẩn cái vẫn phải giặt luôn, vải wool sợ nhất là dầu mỡ và cẩn thận nhất khi đi ăn phở, bún (một giọt nước mỡ màng thơm ngọt là đủ để chiếc quần bạn có thể phải treo đi giặt). Mặt khác tôi thích đi giặt khô vì họ là quần khá là đẹp và đứng ly.

Các loại phụ kiện như pocketsquare, khăn, caravat thì luôn mang ra giặt khô ở mấy thương hiệu giặt cao cấp. Tôi tin giặt ở mấy công ty của Nhật Bản, phân loại cẩn thận, có chụp ảnh, thẩy quảng bá giặt bằng dung môi xịn. Tôi giặt thì áo full canvas xong vẫn phẳng phiu, tuy họ cũng lỡ tay là bẹp cái ve áo nhưng họ cũng chịu mang về đền.

Nguồn: thetruespoke.com