Thứ Tư

Cách dạy con làm việc nhà các mẹ nên đọc

Tôi đã gặp nhiều học sinh, sinh viên không phân biệt được đâu là rau muống, đâu là rau mồng tơi, đâu là trái bí, đâu là bầu. Có bạn nhìn trái bí hỏi: “Đây là trái gì?” “Em chưa ăn bí bao giờ sao?” “Có em ăn thường xuyên à, nhưng là mẹ em đã cắt ra từng miếng và nấu lên trong tô canh rồi!”. Khi tôi dặn đi rửa thịt thì có bạn cho ngay nứơc rửa chén vào rửa cho sạch!

Vài năm nay SG và HN có khá nhiều trung tâm, nhiều khoá học mở ra để dạy trẻ con những kỹ năng sống như dựng lều, nhóm lửa, nấu cơm, giặt quần áo bằng tay, chiên trứng, luộc xào rau củ...

Vậy tại sao lại không sớm dạy kỹ năng sống cho con ngay tại nhà mình bằng cách dạy con làm việc nhà?

Dạy con làm việc nhà
Nhiều hôm tôi đi họp về trễ, Xu Sim tan trường tự đi xe đạp về, tự mở cửa vào nhà và nấu những đồ mẹ đã để sẵn trong tủ lạnh. Xu, Sim khi 7 tuổi đã biết xài bếp điện, bếp từ, bếp ga, lò vi sóng…Tới giờ 9, 10 tuổi thì cả hai đều rất thạo những món đơn giản như chiên trứng (với trứng hai nàng ấy làm được tới 4,5 cách!) xào thịt bằm, luộc rau, nấu cà chua và trứng thành một tô canh mây. Nhiều bữa, con còn sáng tạo thêm những công thức đồ ăn mới (có khi ăn rất ngon, và có những khi không nuốt nổi!). Hôm qua, tôi học xong, lết về nhà lúc 20h30, thấy 2 nàng đã ăn uống dọn dẹp đàng hoàng và đang ngồi học bài!

Thử nghĩ xem nào, chúng ta có thể kiên nhẫn hàng năm trời dạy con tập viết, tập đọc, tại sao con mới làm bể chén đĩa vài lần mà đã đầu hàng? Tuổi nhỏ còn ưa khám phá, thừa năng lượng, còn quẩn chân bố mẹ, thì làm việc nhà còn giống như chơi, tụi nó còn thích, chứ đợi lớn lớn lên, tuổi 12,13 chỉ thích bạn bè, suốt ngày đi như gắn mô tơ vào đít, lúc đó mới bắt đầu sai việc thì ngại lắm!
Cũng đừng cầu kỳ quá, đợi có điều kiện đúng chuẩn mới làm. Bàn bếp cao thì kê ghế lên. Tạp dề nếu có cái dễ thương thì tốt, không thì cho xài cái của người lớn cũng chẳng sao. Dao sứ chuyên dụng chưa có thì để con dùng chung dao người lớn cũng được, không cần đợi đâu. Chén, đĩa cứ cho xài bình thường, bể hỏng thì mua cái mới.

Tôi để ý thấy khi làm việc Xu Sim không bị đứt tay lần nào, chỉ khi nghịch mới bị đứt tay thôi. Mà đời người ai chả đứt tay vài lần, (tôi còn đứt vài chục lần ấy chứ)! Đứt tay do thái rau củ thì không phải là tai nạn quá nguy hiểm đến tính mạng. Đứt tay sớm thì lành sớm, tụi trẻ con da nhanh lành lắm ạ!

Chấp nhận vài lần đứt tay, bỏng da, chấp nhận con làm bể vài cái chén đĩa, chấp nhận những món con nấu bị hỏng, chấp nhận những lần sàn nhà ướt sũng, quần áo ướt sũng!

Một người bạn tôi nói: Dạy tư duy nhanh nhất là tư duy qua đôi tay. Chính trong khi làm việc nhà, não của con cũng được vận động.

Để con yêu thích việc nhà, tôi không bao giờ biến làm việc nhà thành hình phạt. Với nhà tôi, việc nhà còn là phần thưởng nữa. Hôm nào ngoan mới được làm việc, không ngoan thì ngồi đó, không được làm gì hết!

Trẻ con chưa biết định giá được mọi thứ trong cuộc sống, việc nào bạn nhấn mạnh, bạn tung hô nhiều thì con sẽ thấy việc đó là quan trọng hơn. Thế nên, khi gặp gỡ bạn bè, hay người quen, thậm chí cả với người lạ, tôi toàn công khai khoe về việc con làm việc nhà tốt, không bao giờ khoe điểm học tập!

Và hãy cho con được sai lầm. Nhiều hôm tới giờ ăn mới thấy nồi cơm chưa bật, thì ta đi luộc bún ăn, có lần canh quá nhạt, thì cho thêm nước mắm, có món nấu hỏng, thì lần sau nấu kiểu khác. Tôi chấp nhận dọn bãi chiến trường mệt mỏi, chấp nhận món sống, món khê, không trầm trọng hóa sai lầm của con!

Tôi vẫn nói, một tuần học Kỹ năng sống ở Trung tâm, dù thầy dạy có giỏi cỡ nào mà về nhà ba mẹ không luyệt tập cho con thì cũng sẽ quên ngay. Làm việc nhà thực chất là một kênh để rèn tính cách. Do đó, hãy rèn mỗi ngày.Ví dụ, nhiều hôm con mệt, con lười dọn mâm, tôi thương lượng: “Mẹ bế con, còn con vẫn dọn chén!”. Và Sim cầm chén đĩa, còn tôi bế Sim từ bàn ăn tới bồn rửa. Con vui mà mẹ cũng đạt mục đích!

Tôi biết, người giúp việc và ông bà rất không muốn để trẻ con làm việc. "Nhìn nó làm tôi ngứa mắt quá, nó làm 1 mà bày ra 10, dọn lại còn mệt hơn, thôi để tôi làm lấy cho nó nhanh". Tôi tới nhiều nhà thấy bố mẹ nói sợ nó làm bể chén, làm hỏng đồ, nên không cho con làm. Nhưng con của mình mà, đâu phải con cuả ai!

Một thầy ở Trung tâm tư vấn du học kể có bé học giỏi, kiếm được học bổng du học mà phải khóc ròng, xách va li về nước vì không thể tự lập.

Theo một thống kê của Israel, tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ không biết làm việc nhà gấp 15 lần những đứa trẻ biết làm việc nhà. Còn những đứa trẻ biết làm việc nhà thu nhập bình quân gấp 20 lần những đứa trẻ không biết làm việc nhà.

Vậy bạn có tiếc cái chén bị bể hơn tiếc con không? Đừng!

(Lược trích từ cuốn "Con nghĩ đi, mẹ không biết!" sẽ trình làng dự kiến vào 20/3/2016 ạ. Trên FB tôi xin phép cắt bớt vì đã có nhiều bạn kêu dài quá ngại đọc!)

Nguồn: Thu Hà