Thứ Hai

Chênh vênh tuổi 23 vì đời quá 'phũ'

Rời ghế nhà trường, bước ra đời thực, nhiều bạn trẻ gặp phải những khó khăn, khúc mắc, thậm chí bế tắc trước công việc và sự quan tâm thái quá từ bạn bè, người thân.
Sau bộ ảnh kỷ yếu đẹp lung linh, những giờ phút bồi hồi, xúc động của ngày tốt nghiệp, tấm bằng cử nhân đầy tự hào là một tương lai mờ mịt, bất định đang chờ đón tuổi 23.

Tuổi 23 là bước ngoặt với hầu hết bạn trẻ khi bắt đầu rời ghế nhà trường và bước vào cuộc đời thực. Tôi coi trường học là cuộc sống ảo, vào đời mới là sống thật.

Một số ít có công việc phù hợp hoặc được đi du học ngay khi ra trường. Nhưng 99% còn lại không may mắn như thế.

Tuổi 23 và những tâm tình khó kể

Phỏng vấn nhiều bạn trẻ ứng tuyển đi làm, tôi thấy tuổi 23 sao mà chênh vênh thế?
Một số em vì quá giỏi, việc gì cũng làm được, kỹ năng nào cũng có, đi đâu cũng được chào đón… Nhưng bên trong lại là sự mông lung, mơ hồ, các em chẳng biết mình thật sự hợp với công việc nào. Bởi việc gì các em cũng có thể làm tốt nhưng lại chẳng gắn bó được với nơi nào quá 6 tháng.
Tuổi 23, nhiều bạn trẻ rơi vào khủng hoảng tâm lý, không biết bám víu vào đâu. Ảnh minh họa.
Một số em vì quá kém, đi phỏng vấn hàng chục nơi đều bị từ chối. Các em luôn nói nhà tuyển dụng không cho cơ hội thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Tôi muốn tạo cơ hội lắm nhưng cũng không thể đặt cược cả doanh nghiệp của mình vào tay các em được.

Tôi thấy rằng, hầu hết bị sốc, vì đời không như các em nghĩ. Những gì các em từng tin tưởng đều không đúng.

Bằng đại học không là gì cả, nhà tuyển dụng chẳng ai để ý. Chuyên ngành các em mất 4-5 năm theo đuổi, hoá ra chẳng giúp ích gì cho công việc và cuộc đời phía trước. Công việc các em mơ ước, hoá ra chẳng phải cái em đam mê.

Các em rơi vào khủng hoảng giá trị sống và niềm tin, không biết bám víu vào đâu. Các em mắc kẹt giữa thực tại và mơ ước, giữa trách nhiệm và sự hồn nhiên. Nhìn bạn bè công việc ổn thoả mà hoang mang lo lắng, vừa vui cho bạn, vừa ghen tỵ, hờn tủi, tự trách mình.

Bao mơ ước chỉ còn lại ước gì có việc làm. Bao hoài bão thay bằng những công việc lặp lại, nhàm chán, bức bối. Can đảm thế nào đây khi đầy rủi ro, sảy chân lỡ bước là sai. Đời làm gì có thi lại với học lại?

Khi áp lực cuộc sống bắt đầu gõ cửa tâm hồn trong trẻo, khi các em cảm thấy mình có trách nhiệm phải tự nuôi sống bản thân, gia đình...

Khi những kỳ vọng của gia đình vào đứa con tốt nghiệp đại học lớn đến nỗi các em chẳng bao giờ dám khoe mình đang làm ở đâu, chỉ sợ họ hàng chê cười "Tưởng học hành giỏi giang thế nào mà ra trường lại làm cái việc đấy?"...

Khi cuộc sống trở nên khó khăn nhất lại là lúc các em cảm thấy mình cô đơn và lạc lõng hơn cả.

Về nhà không dám kêu vì sợ bố mẹ lo lắng. Bạn bè cũng lao vào đời và quay cuồng như mình, chẳng có thời gian cho nhau và cũng không muốn cứ thấy nhau là than phiền, kể lể.

Mỗi ngày lại thấy mình thêm lạc lõng giữa dòng đời tấp nập. Khi những người bạn thân thiết lâu năm bỗng dưng trở nên xa lạ, các cuộc nói chuyện trở nên tẻ nhạt, gượng ép, xã giao. Khi những người xa lạ bỗng nhiên trở thành tri kỷ...

"Công việc ổn định thế còn gì?". "Vừa ra trường bố mẹ đã xin việc luôn cho", "Tớ ghen với cậu đấy"... - những lời tán dương bố mẹ và bạn bè hay nói với các em, lại là câu thần chú giết hết mọi ước mơ đang nhen nhóm.

Có lẽ nào cuộc đời lại chỉ có ý nghĩa tầm thường như vậy thôi sao? Có lẽ nào các em chẳng thể bao giờ được là chính mình... mà cứ phải sống cuộc đời "đúng chuẩn" như bao người khác?

Còn rất nhiều tâm tư và nỗi niềm khác tôi có thể cảm nhận được từ các em qua từng cuộc phỏng vấn, từng câu trò chuyện.

Chưa bao giờ là quá muộn

Tuổi 23 có phải đã quá muộn để làm lại, để thay đổi, để bắt đầu một điều gì đó? Phải làm gì đây để thoát ra khỏi mớ bòng bong rối bời này? Là người đi trước, tôi có vài điều chia sẻ với các em.

Nếu em mất phương hướng và không biết đâu là con đường tốt nhất cho mình. Thật ra, mọi con sông đều sẽ đổ ra biển, quan trọng là em đủ bền bỉ và kiên định theo đuổi một việc gì đó cho đến cùng.

Tôi có những người học trò rất giỏi, nhưng một trong số họ không thể thành công bởi chẳng bao giờ làm được việc gì quá 3 tháng. Nếu em liên tục thay đổi công việc, liên tục thay đổi định hướng, rồi một ngày em sẽ nhận ra mình đang đi vòng tròn và quay lại vạch xuất phát.

Em cần phải tạo cho mình một thói quen: Nếu đã quyết theo đuổi điều gì đó, ít nhất phải làm nó trong một năm. Dù có sống chết cũng không được bỏ.

Công việc nào cũng sẽ có lúc thăng, trầm, không có việc gì luôn suôn sẻ, thuận lợi. Nếu cứ gặp khó khăn hay suy sụp tinh thần lại thay đổi công việc thì các em hình thành nên một tính cách rất tệ.

Hãy nhớ, kiên định và bền bỉ là một lựa chọn, quan điểm sống. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay tính cách, tất cả do em tự lựa chọn và quyết định.

Nếu em thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và bị mọi nhà tuyển dụng từ chối, có một câu thần chú này: "Em sẵn sàng làm việc không lương để học hỏi, mong các anh chị tạo điều kiện".

Đừng nghĩ rằng, làm việc không lương là bị bóc lột hay ngược đãi. Hãy nghĩ các em đang được đi học mà không mất học phí. Hãy nhớ các em đã mất tới 4 năm cùng với rất nhiều tiền để có một tấm bằng đại học và nó chẳng có mấy giá trị.

Hãy chọn một công ty nhỏ, ít người, một sếp giỏi để các em có thể theo học hỏi. Nếu có cơ hội nào đó được làm việc, dù bất cứ việc gì thì hãy sẵn sàng tiếp nhận.

Cuộc đời là chuỗi những cánh cửa nối tiếp nhau, em buộc phải đi qua được cánh cửa đầu tiên để có thể tiến tới các cánh cửa khác. Nếu người ta từ chối, hãy ứng tuyển lại ít nhất 5 lần.

Sự quyết tâm và bền bỉ luôn được đánh giá cao. Nếu không có kỹ năng hay kinh nghiệm, đây là lợi thế duy nhất em có so với những ứng viên khác.

Nếu em thiếu ước mơ, hoài bão hay niềm khao khát. Với tôi, không có điều gì tệ hơn việc sống mà không có những thứ này. Hãy luôn xây dựng một kế hoạch, khao khát cháy bỏng, nỗ lực hết mình vì những gì mình muốn có.

Nếu em đang suy sụp tinh thần, mất niềm tin. Hãy tìm cho mình một người thầy, người sẽ hướng dẫn các em vượt qua những lúc khó khăn. Không cần thiết đó phải là người phi thường hay xuất sắc, chỉ cần người đó giỏi hơn các em dù chỉ một chút, có thể họ ít tuổi hơn các em...

Hãy sẵn sàng đi theo để học hỏi. Mỗi người thầy sẽ giúp các em vượt qua một chặng đường, chỉ cần người đó mở lòng với các em, đừng bỏ lỡ cơ hội quý giá đó.

Trên đây là bài viết của anh Quách Đức Anh - CEO Trung tâm tiếng Nhật Akira Education - gửi tới Zing.vn

Nguồn Trí Thức Trẻ