Thứ Bảy

Wework là gì?

Coworking space là mô hình đang ở giai đoạn khá mới trên thế giới và hoàn toàn mới tại Việt Nam. WeWork là một thương hiệu thành công với mô hình này khi năm 2014 được định giá 5 tỷ USD chỉ sau 4 năm khởi nghiệp. Cụm từ "coworking space" được du nhập về và bắt đầu xuất hiện đâu đó trên một số mạng xã hội. Một số người bạn của tôi là những nhà đầu tư độc lập rất thích thú, nhiều người đã từng có ý định đầu tư vào mô hình này. Nhưng để bắt tay vào thực hiện thì không có mấy ai làm. Vì thực sự, coworking space, không phải là một mô hình dễ thực hiện.

Coworking space - Không gian làm việc chung, được hình thành bởi hai thành phần chính: Tiện ích và Cộng đồng.

Coworking space, không phải là một mô hình dễ thực hiện.
Tiện ích tại một coworking space, đương nhiên phải đáp ứng, ít nhất là đủ, để người tham gia có thể làm việc. Thông thường, các dịch vụ mà coworking space cung cấp là chỗ ngồi cố định, chỗ ngồi tự do cho thành viên hoặc khách "tạt qua"; đi kèm với các tiện ích như bếp ăn, máy in, dịch vụ lễ tân văn phòng, phòng họp. Các dịch vụ đi kèm có thể đa dạng hơn do tuỳ thuộc vào mặt bằng và chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc cung cấp những dịch nêu trên, dù có cao cấp đến mấy thì đó vẫn chưa được gọi là một Không gian làm việc chung. Cộng đồng chính là phần sống còn của một coworking space. Nhiều người nghe mô tả về dịch vụ của coworking space vẫn hình dung nó như một mô hình kinh doanh bất động sản: chia nhỏ diện tích bất động sản mà mình có để cho thuê lại (thực ra cũng không sai). Nhưng tại một không gian làm việc chung chuyên nghiệp, bộ máy vận hành phải có khả năng chọn lọc những thành viên tham gia, thúc đẩy sự tương tác và từ đó khuyến khích nảy sinh những cơ hội hợp tác.

Việc thúc đẩy sự tương tác giữa các thành viên cũng là phần phức tạp nhất đối với những người kiến tạo coworking space. Để chuyên trách cho việc này, một chức danh còn nghe khá lạ tai đã xuất hiện: Community Manager (tạm dịch là Quản lý Cộng đồng). Công việc của người này là nắm rõ thông tin về các thành viên, cập nhật, chia sẻ và kết nối các thành viên với nhau khi nhận thấy khả năng hợp tác. Người quản lý cộng đồng này phải hiểu giá trị, nhu cầu và tính cách của những thành viên trong cộng đồng mới có thể có kết nối phù hợp.

Tại Hà Nội và TP.HCM, đang có khá nhiều mô hình kinh doanh sử dụng cái định danh coworking space. Nhưng thực chất thì không phải. Nên nhiều người biết đến từ coworking space tại Việt Nam đang có hình dung không chính xác về mô hình này.

Bài viết tiếp theo sẽ phân biệt các mô hình đang tự định danh hoặc bị nhầm tưởng là coworking space.