Thứ Sáu

Mẹ Việt Nam ơi! Xin một lần được viết về mẹ...

Có lẽ, không ở đâu trên thế giới này, khái niệm Mẹ Tổ quốc lại đúng như ở Việt Nam. Và có lẽ, không ở thời điểm nào mà ba tiếng “Mẹ Việt Nam” vang lên lại khiến lòng ta miên tràn những cảm xúc như bây giờ… Xin một lần được viết về mẹ, những người mẹ Việt Nam anh hùng với tất cả sự tri ân song hành cùng niềm tự hào dân tộc.

"... Trong thế giới nhân gian có hai điều thiêng liêng nhất. Đó là Tổ quốc và Mẹ. Vì Tổ quốc và vì Mẹ, chúng ta có thể quên mình xông pha nơi lửa đạn. Hình tượng người Mẹ vinh quang, thân yêu, can đảm, thao lược, nhân từ có từ thời Âu Cơ vĩ đại đã không ngừng che chở, gắn kết 54 dân tộc anh em, vượt qua muôn trùng bão tố, giữ vững mảnh đất thiêng liêng này suốt nhiều ngàn năm lịch sử, chính là biểu tượng muôn đời cao quý mà chúng ta tôn thờ, thương yêu và kính cẩn. Nhiều ngàn năm qua, hàng triệu triệu người mẹ đã cắn răng tiễn con ra trận chỉ để giữ vững mảnh đất và bầu trời này. Hàng triệu triệu chiến binh ra đi không trở về là nỗi đau xé lòng làm tan nát trái tim người mẹ. Đó là một phần lịch sử bi tráng và anh hùng của đất nước, là bản trường ca bất tử đau thương và kiêu hãnh của người mẹ Việt Nam, và là lý do trường tồn, bất diệt của dân tộc. Truyền thuyết là sự sùng kính của nhân dân dựng nên trong tình cảm ngưỡng vọng mang dấu ấn tôn giáo thành biểu tượng Quốc Mẫu trong đời sống tinh thần xã hội. Người Việt Nam khi tôn vinh một bậc anh hùng, nhất là anh hùng giải phóng dân tộc, không bao giờ quên ơn đối với bậc sinh thành.

Mẹ Việt Nam ơi! Xin một lần được viết về mẹ...
Cuộc chiến tranh thần thánh ba mươi năm chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc đã một lần nữa ghi nhận công lao chói ngời của những người Mẹ.  Cả  nước có khỏang 47.000 mẹ Việt Nam anh hùng. Đó chỉ là con số tiêu biểu, là quá ít ỏi so với số lượng khổng lồ, thật sự đáng tự hào về sự nghiệp anh hùng của hàng triệu người mẹ trên mọi miền đất nước..."

Mẹ Việt Nam ơi Hai chữ hy sinh trọn cả đời Khổ đau, lận đận mãi không thôi Xin hãy nạm vàng muôn khổ cực Đổi lấy phút giây Mẹ mỉm cười”

Chiến tranh xen lẫn hòa bình, chia ly dài hơn đoàn tụ, nghèo đói dài hơn no ấm. Và đời mẹ gắn liền với vận nước non như định mệnh tự hào và cũng đầy nghiệt ngã. Chúng ta biết rằng, để có ngày hòa bình, thống nhất như hôm nay, gần hai triệu người con ưu tú đã ngã xuống. Và cũng ngần ấy những bà mẹ khóc con, những góa phụ khóc chồng… Thế nên, đi bất cứ nơi đâu, đến bất cứ chỗ nào, từ địa đầu phía Bắc xuống mũi Cà Mau, ta cũng có thể chạm đến nỗi đau của những bà mẹ.

Những nỗi niềm nặng trĩu và âm thầm ấy đã rót đầy vào từng dòng chảy lịch sử dân tộc. Những người mẹ mảnh mai, giống như tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S, đầu đội nón lá, hai vai gánh nặng và đôi chân bám chặt vào mặt đất. Những bà mẹ tưởng chừng bé nhỏ, yếu đuối nhưng lại chứa trong lòng nỗi đau, nghị lực phi thường, sức sống vô cùng mạnh mẽ. Vinh quang và nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng làm thế giới kinh ngạc và khâm phục. Phải, có đất nước nào trên thế giới có những bà mẹ vừa chờ chồng suốt hơn 20 năm, vừa làm lụng, tần tảo nuôi con, vừa chống đỡ với những thế lực đen tối để tồn tại; vừa nuốt nước mắt tiễn con ra đi vừa khóc thầm lặng lẽ khi các con mình vĩnh viễn không trở về; vừa nén đau thương, cầm vũ khí đánh giặc, vừa đứng trước mũi súng quân thù đấu tranh… Chắc chắn, trên thế giới này, chỉ có những bà mẹ Việt Nam mà thôi! Thế nên, ở Việt Nam, tự bao giờ, hình tượng người mẹ luôn đồng nghĩa cùng Tổ Quốc. Và cũng đừng hỏi tại sao, Tổ quốc lại là mẹ.

Cuộc chiến tranh tàn khốc đã đẩy biết bao bà mẹ vào tình huống nghiệt ngã, thật đau lòng. Có những bà mẹ ngàn lần anh hùng nhưng không dám nhận mình anh hùng khi đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã, hoặc là sinh mệnh đứa con, hoặc là sự an toàn cho cả đoàn quân. Sự hy sinh của những bà mẹ ấy thật cao cả mà cũng vô cùng đau đớn. Mỗi bà mẹ đều có hoàn cảnh rất khác nhau về thành phần xuất thân, về nguồn gốc, về hoàn cảnh...

Nhưng cùng giống nhau ở nước mắt khóc con khi rơi đều trĩu nặng và lặng lẽ. Trong niềm vui ngày chiến thắng, mẹ hòa cùng dòng người hò reo giữa đường phố rợp trời cờ hoa, nhưng thẩm sâu trong lòng mẹ là những cơn đau quặn thắt, nước mắt chảy ngược vào trong khi hình bóng những đứa con không có trong đoàn quân chiến thắng. Sau chiến tranh, các mẹ lại tỏa đi muôn nơi, lặn lội rừng sâu, lên đèo cao vắng để tìm hài cốt của chồng, của con với đôi mắt đã cạn khô. Rồi có mẹ tuyệt vọng vì mãi mãi không tìm được một chút gì dù là một di ảnh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, ý thức vượt qua số phận, các mẹ Việt Nam dành phần đời còn lại của mình thay con  góp phần cùng những người đang sống xây dựng lại quê hương, đất nước. Biết bao bà mẹ lại phải thắt lưng, buộc bụng, chấp nhận cuộc sống nghèo khó, kiên định và tỉnh táo trước những ngày vô vàn gian khó, khủng hoảng. Những thế hệ lớn lên sau chiến tranh không đựơc quyền quên nỗi đau không nói thành lời của những bà mẹ ấy, không thể quên những hy sinh thầm lặng như một khúc hát ru êm đềm bên khúc hoàng ca của những chiến thắng vang danh.

Lắm lúc, ta tự hỏi vì sao và từ đâu mà những “thân cò” mảnh mai ấy lại có một nội lực bền bĩ đến vô biên như vậy? Có phải chăng từ bốn ngàn năm lịch sử, các bà mẹ Việt Nam đã nén đau thương, cắt ruột mình rải trên quê hương trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước. Truyền thống đó đã chảy trong huyết quản các bà mẹ Việt Nam qua bao thế hệ, vẫn còn nóng và chắc sẽ còn nóng mãi trước hiểm họa đe dọa quê hương, Tổ quốc bất kỳ lúc nào. Chính tấm lòng cao cả, tư duy sâu sắc, nỗi đau sâu thẳm của những bà mẹ đó đã và sẽ góp phần thêm sức thuyết phục mãnh liệt đối với bè bạn quốc tế vì qua chân dung người, thế giới phần nào hiểu thêm nguồn sức mạnh tiềm tàng của Việt Nam…

Hôm nay, mỗi nén hương chúng ta thắp lên trên mộ bia của các anh hùng liệt sĩ, cũng là tiếng lòng tri ân tha thiết đến những người mẹ- “mẹ của những anh hùng”. Có những mẹ đã về với đất, có những mẹ vẫn còn sống phần đời còn lại để từng ngày nhìn đất nước thay da đổi thịt, nhìn cháu con trưởng thành hăng say học tập, lao động xây dựng phát triển cơ đồ tổ tiên để lại. Với các mẹ, có lẽ đây mới là món quà quý giá nhất hơn cả chuông vàng khánh bạc sau những hy sinh, khổ đau một đời chìm nổi theo bão táp cùng lịch sử dân tộc. Để đêm đêm, mẹ lại run run thắp cho chồng, cho con những nén hương với một câu hát ru thẩm sâu giản dị “hãy ngủ yên con nhé, đất nước đã thanh bình”. Để cứ vào tháng Bảy, mẹ lại đứng trông về những phần mộ nghĩa trang, nơi có con mẹ, con của những người mẹ khác với đôi mắt đã khô vì nhung nhớ.

Thích Phước Ngọc