Thứ Ba

Cảnh Báo: Nặn mụn, thói quen nguy hiểm chết người

Nặn mụn là một thói quen xấu nhưng vấn đề là nguy hiểm tính mạng khi nặn mụn còn "non" hoặc không sát trùng mà hậu quả có thể làm mất mạng.

"Bị thương" nặng và chết do nặn mụn

Ngày 11-12-2016, một phụ nữ 32 tuổi ở Bình Dương nhập Khoa Mũi xoang, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP. HCM  trong tình trạng toàn bộ vùng mặt bị viêm tấy đỏ, phù nề nặng đến mức không mở mắt được do nhiễm trùng.

Trước đó, ngày 7-12 chị tự nặn một mụn ở chóp mũi, những ngày sau, từ vùng chóp, cánh mũi viêm tấy lan rộng và nhanh lên 2 mắt rồi toàn bộ vùng mặt, đau nhức dữ dội, mắt không mở được... Sau khám lâm sàng, nội soi, chụp cắt lớp, xét nghiệm máu được chẩn đoán: Nhiễm trùng chóp mũi gây viêm tấy lan tỏa vùng mặt, theo dõi nhiễm trùng huyết, viêm tắc xoang hang. Từ kết quả cấy máu, BV đã sử dụng nhiều kháng sinh phối hợp, dùng cả đường truyền tĩnh mạch...

Một bệnh nhân khi vào viện, Hậu quả biến chứng viêm tắc xoang hang.
May mắn, người bệnh đáp ứng tốt với phác đồ kháng sinh, đã qua được tình trạng nguy kịch và có thể được xuất viện sau 10 ngày tới. ThS.BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi xoang cho biết nếu bệnh nhân đến trễ một ngày hoặc điều trị ban đầu không đáp ứng thuốc thì tình trạng khó lường trước được...

Mới đây, Viện Da liễu TW, Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H., 25 tuổi ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, nhịp thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp tụt, chân tay lạnh, tím các đầu chi, nước tiểu ít... được chẩn đoán sốc nhiễm trùng. Gia đình cho biết, trước đó 5 ngày, anh H. nặn mụn trứng cá..., sau đó xuất hiện một vùng sưng to và đau ở mũi, sốt cao... Bệnh nhân tự mua kháng sinh về uống nhưng không đỡ và ngày càng nặng... Tại Viện, dù được thở oxy, lọc máu nhưng do tình trạng sốc quá nặng, bệnh nhân đã tử vong...

Ông P.V.N., 47 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, phải nhập viện vì nặn mụn. Thấy môi trên có mụn đỏ, ông nặn, hôm sau môi trên sưng vều, đỏ, rồi giữa vùng đỏ có mủ trắng. BV chẩn đoán "đinh râu"!

Một nam thanh niên ở Bến Tre sau một tuần nặn mụn bị sưng vù mặt, sốt cao mê man, phải chuyển đến BV Chợ Rẫy, TP HCM. Khi nhập viện, vùng miệng sưng to, mưng mủ, tình trạng sốc nhiễm trùng nghiêm trọng, các hạch sưng to; phải ăn qua xông; dùng phối hợp kháng sinh mạnh, liều cao... May mắn là thần chết không gõ cửa nhà nhưng cơ thể suy kiệt. Anh nói nặn mụn ở gần môi và vài ngày sau vùng nặn mỗi lúc một sưng to, đau nhức vô cùng. Không chỉ có mụn ở vùng mặt mà mụn ở bất kỳ vùng nào cũng nguy hiểm.

BS Nguyễn Trung Cấp, BV Nhiệt đới TW cho biết: Ông Nguyễn Văn N, có mụn ở mông đã tự tay nặn, vùng nặn ngày càng sưng to và loét... Đến khi sốt cao, suy hô hấp do nhiễm khuẩn máu gia đình mới đưa vào viện. Sau nhiều ngày cấp cứu tích cực nhưng tiên lượng rất xấu, bệnh nhân được gia đình xin về... Anh Bùi Văn Thao, ở tỉnh Hòa Bình, thấy ở vùng mu có mụn. Vì là vùng kín nên anh tự nặn. Không thấy ngòi (nọc) nhưng đau nhiều, không mặc được quần, anh lại tự trích bằng dao lam...

Vết trích sưng to, sốt cao, gia đình vội đưa vào BV Nhiệt đới TW. Do đến viện sớm nên chỉ ở giai đoạn nhiễm trùng vết chích, chưa nhiễm trùng huyết nên tiêm kháng sinh và uống thuốc tiêu độc, vết thương khô dần. Nếu đi chữa muộn thì chưa biết chừng là nhiễm khuẩn máu. Có trường hợp, con gái nặn mụn ở môi trên cho mẹ, làm mẹ sưng vều mặt, phải nằm viện cả tháng trời...

Nặn mụn, đơn giản thế sao lại chết người?

Trên mặt con người có một "tam giác cân" mà đỉnh ở trên một chút xíu điểm giữa hai đầu trong cung lông mày và điểm nhọn hai góc đáy chính là hai mép, có người hài hước gọi là "tam giác chết" vì nặn mụn ở vùng này là nguy hiểm nhất.

Tuy nhiên, vùng mặt con người với cấu tạo ít cơ, trừ da thì phần mềm hầu hết là loại mô mà y học gọi là mô liên kết, có cấu trúc lỏng lẻo (không săn chắc như cơ), rất dễ phù nề và đặc biệt là dễ bị vi khuẩn xâm nhập, nhưng vùng dễ bị nhiễm khuẩn nhất là vùng "tam giác chết", thêm vùng dưới môi dưới và cằm. Tất cả những mụn nhọt ở vùng mặt đều có nguy cơ nhiễm khuẩn và phù nề lan rộng cao và đặc biệt là nhiễm khuẩn máu.

Mụn nhọt thực chất là những ổ áp-xe (Abces) nang lông. Vi khuẩn trên da người rất nhiều, hầu hết đều cư trú trong các nang lông và nhọt chính là do vi khuẩn gây viêm nhiễm nang lông, hình thành một bọc mủ - chính là vi khuẩn lẫn xác của chúng và xác bạch cầu trong trận chiến xâm nhập - bảo vệ cơ thể, mà khi mụn nhọt "chín" ta nặn ra bọc mủ này, dân gian gọi là ngòi hay nọc mụn.

Nếu nặn mụn nhọt đã "chín" thì không sợ gì vì xung quanh bọc mủ này đã hình thành một "vỏ bao" cấu tạo bằng các tế bào sơ dai, chắc, không bị phá vỡ khi nặn và vì thế vi khuẩn không có đường xâm nhập từ ổ mủ này vào mô lành xung quanh hay vào máu. Nặn mụn nhọt khi chưa hình thành bao sơ này chính là phá vỡ "tuyến phòng thủ" đang hình thành của cơ thể, mở cửa cho vi khuẩn xâm nhập.

Những mụn đang đỏ, sưng tấy, đau nhiều, rắn là chưa có hoặc bao sơ chưa hình thành chắc chắn, nặn sẽ rất nguy hiểm. Những mụn nhọt hết đỏ, ít sưng tấy, ít đau, nhìn thấy rõ mủ màu trắng và sờ thấy mềm là đã hình thành bao sơ chắc chắn, có thể nặn được...

Mụn nhọt có thể phát sinh ở một nang lông có "trứng cá" (hiện vẫn chưa có giải thích thỏa đáng về nguyên nhân) hoặc một nang lông bình thường và hầu hết là do Tụ cầu khuẩn gây ra, trong đó có những chủng kháng kháng sinh rất mạnh như Tụ cầu vàng (Staphylococus areus).

Biến chứng của nặn mụn "non" là viêm tấy, phù nề tại chỗ, nếu là vùng mặt thì mặt biến dạng, sưng húp, đỏ, đau, nhìn thì sợ nhưng không nguy hiểm. Nguy hiểm nhất là vi khuẩn vào máu dưới hai thể bệnh: Nhiễm khuẩn máu cấp (gặp nhiều hơn), gây sốc do nhiễm độc độc tố của vi khuẩn, bởi môi trường máu là "thiên đường" để vi khuẩn sinh sôi theo cấp số nhân; và nhiễm khuẩn máu mạn tính (gặp ít hơn), tức là hình thành nhiều ổ mủ nhỏ ở các tạng, từ các ổ này vi khuẩn vào máu (số lượng ít) gây sốt kéo dài hay từng đợt... và nguy cơ một đợt nhiễm khuẩn máu cấp treo lơ lửng.

Biến chứng ít mắc hơn là viêm tắc xoang hang (một đoạn tĩnh mạch phình rộng ở trong sọ, ở phía sau nhãn cầu, không có van một chiều), làm xoang hang trở thành một "khối u" chèn ép các dây thần kinh mắt, làm tăng áp lực trong mắt (nhãn áp).

Triệu chứng đầu tiên là đau đầu nhẹ, sau đó đau buốt, mắt lác, hoặc nhãn cầu bị sưng, lồi ra khỏi hốc mắt; làm mù lòa do tổn thương dây thần kinh thị giác hoặc viêm não... PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thuỷ, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP. HCM, cho biết, trước đây, biến chứng này tử vong 100%, nay nhờ có kháng sinh mạnh, tử vong khoảng 30% nhưng di chứng thường rất trầm trọng, bệnh nhân có thể mù hoặc nhiễm độc hệ thống thần kinh trung ương...

Không nên tự nặn mụn

Tuyệt đối không tự nặn mụn "đinh râu" ở quanh miệng và cằm vì rất nguy hiểm. Những người tiểu đường tuyệt đối không được nặn mụn vì đường máu cao nên nguy cơ nhiễm trùng huyết cao gấp nhiều lần người bình thường. Cũng tại Viện các bệnh nhiệt đới TW, một bệnh nhân nữ ở Phú Xuyên, Hà Nội, có tiền sử tiểu đường, trước khi nhập viện một tuần đã tự chích, nặn mụn ở mông.

Do nhọt chưa có mủ nên sưng tấy lan rộng, bệnh nhân sốt cao liên tục 3 ngày rồi nhanh chóng hôn mê, được đưa đến BV Việt - Đức. Chụp CT.Scanner phát hiện nhiều ổ tổn thương ở gan, lách, não nên chuyển BV Nhiệt đới TW. Dù được chữa chạy tích cực nhưng tình trạng rất xấu nên gia đình xin về...

Ngoài những biến chứng trầm trọng hoặc chết người thì nặn mụn không đúng, không vô trùng, một số người càng nặn càng mọc nhiều mụn hoặc tạo ra sẹo lồi, lõm, sẹo rỗ, những vết thâm da không mất. Nên đến các cơ sở y tế tin cậy để trị mụn đúng phương pháp  và vô trùng.

Cũng xin nói thêm là loại thuốc trị mụn Isotretinoin (còn có tên là Curacné hoặc Procuta) hiện chưa rõ tác dụng trị mụn nhưng gây quái thai thì đã rõ và nghi ngờ gây rối loạn tâm thần (như ở Pháp).

Bs. Trần Kiên/ cand.com.vn