Thứ Năm

Vụ cháy 13 người chết, ai chịu trách nhiệm và ai nên từ chức?

Đang là tháng 11.2016, và ngay tại Thủ đô, những cái chết từ sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý, sự tắc trách, cẩu thả và liều mạng của những người liên quan, thật đau lòng, vẫn đến - đi một cách lãng xẹt và không thể hiểu nổi.

Liên quan tới vụ cháy quán karaoke 9 tầng trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội) khiến 13 người chết, rạng sáng 2.11, cơ quan chức năng đã có những thông tin ban đầu.

Chủ tịch quận Cầu Giấy (Hà Nội) xác nhận, quán karaoke bị cháy trên đường Trần Thái Tông chưa đủ điều kiện kinh doanh, bị cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần. Ông cũng cho biết chỉ trong tháng 10.2016, các cơ quan chức năng đã 3 lần kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu chủ của cơ sở này “đóng quán”.

Những thi thể được lực lượng pháp y đưa ra xe sau đám cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông. Nguồn: Zing
Cụ thể, ngày 12.10, lực lượng liên ngành của quận này đã kiểm tra và xác định cơ sở này chưa đủ điều kiện hoạt động. Ngày 17.10, chủ cơ sở ký cam kết chỉ kinh doanh khi đủ điều kiện. Ngày 25.10, công an phường có yêu cầu cơ sở dừng hoạt động.

Theo như lời ông Chủ tịch quận thì rõ ràng cơ quan chức năng của quận đã vào cuộc, phần nào đã thể hiện một phần chức trách quản lý của mình trên địa bàn. Thế nhưng, khi nghe những thông tin này, dư luận vẫn chưa cảm thấy yên tâm. Bởi, 3 lần kiểm tra nhắc nhở, mà sao quán chưa đóng? 13 người chết, đau xót thế giờ hỏi trách nhiệm ai?

Tại thành phố, một quán trà đá bé xíu mọc lên giữa vỉa hè còn bị nhắc nhở, kiểm tra thậm chí tịch thu tới “lên bờ xuống ruộng”, đằng này là cả một quán karaoke đồ sộ 9 tầng án ngữ giữa mặt phố Thủ đô không có “phép”, cũng không đủ bất cứ điều kiện gì mà vẫn hoạt động một cách rầm rộ, ngang nhiên thì quả là quá lạ kỳ.

Bởi chính quyền quận, huyện có trong tay cả một lực lượng hùng hậu ngày đêm đi “chinh phạt” quán nước, “tóm” hàng rong, bắt nhà xây, sửa trái phép... Chưa kể chính quyền quận, phường còn có khả năng yêu cầu nhà cung cấp cắt điện, cắt nước. Trong trường hợp quán karaoke trên phố Trần Thái Tông này mà họ kiên quyết như những công trình khác thì làm sao có thể xảy ra hỏa hoạn?

Đằng này, lạ kỳ là qua mấy đợt kiểm tra, quận, phường chỉ “yêu cầu”, “cam kết” và lại “yêu cầu” chứ chẳng có động thái nào quyết liệt như cưỡng chế bắt dừng hoạt động kinh doanh chẳng hạn.

Được biết, chủ quán karaoke này còn rất trẻ, người này đã từng làm việc với các đoàn kiểm tra trước khi xảy ra vụ cháy thương tâm vào ngày 1.11. Lẽ thường, nếu là người kinh doanh đơn thuần thì luôn tìm mọi cách để tối ưu hóa lợi nhuận, tìm đủ mọi cách để thu lại đồng tiền đã đầu tư, bỏ ra một cách nhanh chóng nhất hòng thu lại đồng vốn. Do đó, chả dại gì mà “người ta mới yêu cầu mà mình đã thôi, dừng hoạt động”.

Và điều đáng buồn nữa là cơ quan chức năng đã bước đầu xác định, nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông và lan sang cả loạt nhà khác là do người thợ hàn thi công tấm biển quảng cáo của quán này một cách cẩu thả.

Một lý do không cũ cũng chẳng mới.

Bởi vì trước vụ cháy này, ngay giữa Hà Nội, một vụ cháy đình đám khác, kéo theo sự nổi tiếng bất đắc dĩ của một hotgirl khá thông minh, lanh lợi khi buộc phải tháo chiếc áo ngực thấm ướt rồi che mũi, miệng thoát cháy một cách ngoạn mục. Đó là đám cháy tại quán karaoke 85 Nguyễn Khang. Trong vụ cháy này, giống như vụ cháy tại phố Trần Thái Tông, nguyên nhân cũng được xác định là do thợ tiến hành thi công, thử nghiệm hệ thống âm thanh, biển quảng cáo một cách bất cẩn.

Rồi trước đó nữa là ngày 31.8, tại quán karaoke ZoZo ở số 157 phố Vũ Tông Phan (cũng Hà Nội) cũng xảy ra vụ cháy lớn, cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải rất vất vả mới dập được lửa. Nguyên nhân cũng là do “anh thợ hàn xì”.

Điều lạ, ngoài nguyên nhân như trên, điểm chung của những tất cả những quán karaoke bị cháy này đều là chưa có phép hoạt động và cũng chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy... Và điểm chung nữa là tất cả đều hoạt động ngang nhiên, rầm rộ như là có phép. Để rồi những hậu quả thương tâm  xảy đến.

Chúng ta luôn phải nghe về những cái chết lãng xẹt: Đang đứng chơi ở đường bị tôn cứa cổ, chạy theo xe buýt rớt xuống hố ga, ăn chơi cũng chết vì anh thợ hàn v.v...

Không nói đâu xa, ngay tại phố cổ Cửa Bắc giữa trung tâm Hà Nội, một chủ ngôi nhà đã cũ nhiều lần kiến nghị, đề nghị không thể cho nhà hàng xóm thi công vì lo sợ nhà mình sẽ đổ sập. Thế nhưng, cũng không hiểu tại sao việc thi công lại càng tăng cả quy mô lẫn mức độ, để rồi đến rạng sáng ngày 4.8, căn nhà số 43 Cửa Bắc của chủ nhà này đã đổ sập hoàn toàn kéo theo cái chết của 2 người, nhiều người bị thương.

Những vụ việc trên, trước khi sự thể xảy ra, cơ quan chức năng cũng đã có ý kiến, nhắc nhở, thế nhưng những người liên quan đều bỏ ngoài tai, cơ quan chức năng thì “hết động thái” và cuối cùng một số người dân nào đó bỗng dưng trở thành nạn nhân chỉ vì “thiếu may mắn”.

Ở đây, tôi có cảm giác như những cơ quan gần dân nhất, cấp chính quyền thấp nhất, có thể hoàn thành tốt chức trách là “công bộc của dân” thì lại đang làm cho xong chuyện, qua loa, thiếu trách nhiệm. Quan sát những vụ việc cụ thể, nổi cộm gần đây, với những chỉ đạo rất nhanh, cụ thể và quyết liệt của mình thì dường như những cơ quan Trung ương thay vì chỉ đạo qua các cấp trung gian phía dưới lại đang phải xử lý từng vụ việc một bởi khoảng trống về vai trò và trách nhiệm chưa được lấp đầy ở mắt xích trung gian.

Rõ ràng, để xảy ra những hậu quả thương tâm và chua xót này, hơn ai hết trách nhiệm đầu tiên chính là ở cấp chính quyền cơ sở: Trực tiếp là cấp phường. Thế nhưng, với chức năng quản lý, giám sát và đã được phân cấp của mình, những cá nhân, tổ chức cấp quận nơi để xảy ra vụ việc thương tâm (hoàn toàn có thể tránh được nếu có động thái quyết liệt) cũng không thể nào vô can bởi đã không giám sát, làm tròn nhiệm vụ và để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như trên. Và hơn bao giờ hết, có lẽ thời điểm này những cá nhân liên quan nên tự vấn lương tâm và trách nhiệm của mình, thậm chí hãy từ chức ngay nếu còn tự trọng bởi 13 mạng người đâu thể đùa được!

Nguồn Danviet.vn