Thứ Ba

Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh

Như nhà báo Hồ Quang Lợi từng nói nhân ngày báo chí VN...
Thời gian vẫn không ngừng trôi, khói bụi mọi cuộc biến động thời cuộc rồi cũng dần lắng xuống, nhưng những tác phẩm báo chí giàu sức thuyết phục, được kết tạo nên bằng công sức và trí tuệ, bằng mồ hôi và nước mắt của các nhà báo cách mạng Việt Nam sẽ còn sống mãi trong tâm trí bạn đọc. Trước dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc, “người thư ký của thời đại” với cái tâm trong sáng, ngòi bút sắc sảo, vẫn ngày đêm trên tuyến đầu của cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng quyết liệt vì những giá trị nhân văn cao cả, vì sự phát triển vững bền của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
...
Hơn 90 năm đồng hành cùng dân tộc. Báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong đó đặc biệt phải kể đến sự đóng góp bằng xương, bằng máu - bằng sự dấn thân của hàng trăm, hàng nghìn nhà báo trong hai cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc suốt dọc dài thế kỷ 20 rực lửa. Bằng sự hi sinh vô bờ bến của hàng trăm, hàng ngàn các phóng viên chiến trường vì công lý và sự thật. Những năm tháng đó cũng có không ít các nhà báo nước ngoài vì nghĩa cử Quốc tế cao đẹp và lương tâm nghề nghiệp đã đến và đưa những thông tin, bài viết trung thực về sự bạo tàn của Đế quốc Mỹ đến với toàn thể nhân loại tiến bộ. Những cống hiến của họ đã góp một phần không nhỏ vào tiếng nói phản chiến, và ủng hộ cuộc chiến mà nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành để tự cứu nguy cho dân tộc mình.

Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh
Xin nói lời cảm ơn và tri ân tới tất cả các bạn - những người con của năm tháng oai hùng. Tên tuổi và chiến công của các bạn sẽ còn vang mãi cùng mảnh đất này.
...
Ngày hôm nay vẫn còn đâu đó những nhà báo đang âm thầm, lặng lẽ trong cuộc chiến thầm lặng của mình vì đất nước, vì nhân dân, vì lẽ phải trên đời.
Nhưng có một thực tế không thể chối bỏ là những năm gần đây, có một bộ phận không nhỏ người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp với nhiều biểu hiện, mức độ khác nhau và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong cơn lốc xoáy của nền kinh tế thị trường, một số nhà báo đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Tình trạng thương mại hóa báo chí, thiếu thận trọng, chạy theo những thị hiếu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu khách, câu view trên báo chí… đã và đang không ngừng làm ô nhiễm môi trường xã hội.

Sự thiếu trung thực của các thông tin lá cải khiến độc giả tự đi tìm kiếm niềm tin cho mình trong biển cả thông tin xô bồ, hỗn tạp. Đó là một điều cực kỳ nguy hại về lâu về dài.
Hiện nay báo chí đang đứng trước những thử thách gay gắt. Việc giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Nhân dân đã và đang mệt mỏi vì thông tin hỗn loạn, xô bồ, thiếu kiểm soát. Và nhu cầu thông tin trí tuệ, thấu hiểu, vượt lên thông tin xô bồ, thị hiếu rẻ tiền vẫn là nhu cầu cơ bản mà mọi người mong muốn.
...
Tôi không phải nhà báo, công việc của tôi cũng chẳng liên quan gì đến viết lách (Nếu có chủ yếu là soạn thảo các văn kiện - kế hoạch và ký). Tôi cũng không có ý định phê phán về nghiệp vụ báo chí của những người vốn được đào tạo bài bản hơn tôi - họ dùng ngòi bút để kiếm tiền.
Điều tôi muốn nói ở đây là phê phán những kẻ đã vì tiền mà bẻ cong ngòi bút và lương tâm một con người. Những kẻ sống để kiếm tiền chứ không phải những người kiếm tiền để sống.

Những nhà báo thế hệ @ đều được đào tạo bài bản từ phương Tây - hoặc chí ít tiếp xúc với văn hóa và cách làm báo của phương Tây - họ coi đó là chuẩn mực và đạo đức. Có nhiều báo viện dẫn những lý do hết sức vớ vẩn để bào chữa cho sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp nhất là xuống cấp thê thảm về tư tưởng và bản lĩnh chính trị rằng : Tự do ngôn luận sẽ được áp dụng rộng dãi và là chuẩn mực mới của báo chí cách mạng Việt Nam. Xin lỗi các vị Tự do ngôn luận mà không có định hướng thì sớm muộn gì cũng rơi vào chủ quan, phiến diện - đề cao lợi ích cá nhân và hạ thấp đi giá trị của cộng đồng mà thôi.
...
Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh, bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Báo chí, nhà báo phải hoạt động vì cuộc sống, vì lợi ích của đại bộ phận người lao động trong xã hội, nên luôn phải hướng tới những gì thuộc về chân lý và sự thật. Vì vậy, trong thời đại kỹ thuật số, đạo đức nghề báo càng cần được đề cao và thực thi một cách hiệu quả hơn bao giờ hết.

Cuối cùng xin nhắn nhủ tới những người đã, đang và sẽ bước chân vào nghề báo! Các bạn hãy nhớ rằng "Định hướng dư luận là trách nhiệm của báo chí". Còn nếu không nói hay viết được gì tốt đẹp thì im lặng cũng là làm việc tốt rồi. Nếu có ý định viết về một việc gì đó mà không có chút kiến thức nào, hoặc không dịch được nguyên bản một bài báo nước ngoài nói về chủ đề ấy để mà nhai lại - thì cũng đừng có đú với đời, trường hợp mà ngu dốt trong vòng xoáy thông tin thì bẻ bút bỏ vào cặp cũng là giúp đời rồi.

Nguồn Paulus