Thứ Bảy

Buồn thay cho cái đám trai quê!

Giảng đường đại học nuôi ý chí của những chàng trai quê; nhưng cũng giảng đường đại học đó nuôi luôn sự tự ti mặc cảm. Tự ti với đám trai thành phố uống sữa ngoại, ăn xúc xích nên cao lớn, đẹp đẽ phi thường. Đám trai thành phố nói tiếng Anh như gió, nói chuyện cứ lớt phớt vậy thôi mà gái cứ theo cả bầy.

Hai thằng trai quê ở cùng trọ trong một căn phòng xập xệ ở làng đại học Thủ Đức, hôm ấy vét nhẵn túi chỉ còn đủ tiền mua một hộp cơm. Một thằng ra quán, nhớ đến thằng bạn đang ôm bụng đói nằm ở nhà, nó mới thỏ thẻ bảo cô chủ quán: “Cô bán cháu hộp cơm, cho thêm nhiều cơm thêm, ở phòng trọ cháu đang nuôi con chó”.

Quán sinh viên mà, cơm thêm miễn phí, một phần cơm hai thằng ăn. Đã biết bao lần một phần “cơm cho chó” như thế nuôi ước mơ hai thằng sinh viên quê nghèo dặt dẹo cho đến lúc ra trường.

Buồn thay cho cái đám trai quê!
Câu chuyện tôi vừa kể là của những thằng bạn tôi, hoàn toàn có thật.

Cái nghèo đẩy đưa những thanh niên trẻ trâu (theo đúng nghĩa đen) như chúng nó vào đại học. Đám dân quê gieo vào đầu chúng nó quan niệm rằng, chỉ đại học mới đưa chúng thoát được cái dải đất miền Trung tháng Sáu nóng như vạc dầu sôi. Đại học mới cho chúng nó cơ hội sắm manh lụa mới thay cho thứ che thân được gọi là quần áo 10 năm sờn rách mà bà mẹ vẫn mang. Đại học mới cho chúng nó cơ hội sắm đôi giày da mới đeo vào đôi chân nứt nẻ chẳng bao giờ rửa lúc lên giường của ông bố.

Giảng đường đại học nuôi ý chí của chúng nó; nhưng cũng giảng đường đại học đó nuôi luôn sự tự ti mặc cảm. Tự ti với đám trai thành phố uống sữa ngoại, ăn xúc xích nên cao lớn, đẹp đẽ phi thường. Đám trai thành phố nói tiếng Anh như gió, nói chuyện cứ lớt phớt vậy thôi mà gái cứ theo cả bầy. Chúng nó nhìn lại đôi tay mới 18 tuổi mà sần sùi vì cuốc đất, bàn chân Giao Chỉ ngón nào ngón nấy to như quả chuối ngự mà đôi lúc nhen lên đố kị và ghen ghét.

Và tất nhiên, trong mọi cuộc cạnh tranh về kiến thức, về sành điệu, về ái tình, chúng nó chỉ đứng chầu rìa.

Từ mặc cảm, một số đứa trong số chúng nó nảy sinh đòi hỏi. Chúng đòi hỏi xã hội phải vận động trên nguyên tắc tình thương chứ không phải sự công bằng. Chúng yếu đuối và tự cho mình cái quyền được trách cả thế thế giới khi bị trường đình chỉ học vì mẹ chúng chưa kịp thu xếp xong tiền học phí gửi lên. Đại học chứ đâu phải trại mồ côi để mà mang cái nghèo ra mặc cả?

Di họa của tư tưởng bần nông, thủ cựu khiến một số đứa trong chúng nó khinh cả cái sự giàu có, coi thường sự xa hoa lạ lẫm. Chúng cong mông, toát hết cả mồ hôi trán để đạp xe chở cô người yêu cùng quê đằng sau xe đạp leo lên con dốc cao gần ngã tư Thủ Đức, rồi dè bỉu đám nhà giàu ngồi trong xe Mercedes rằng đám ấy chỉ biết thải carbonic phá hoại tầng ozon. Tư duy bần nông đậm đặc khiến chúng cho mình cái quyền được lên Facebook chửi bới ông bộ trưởng này, ông chủ tịch nọ chỉ lo bắn pháo hoa mà không nghĩ đến sự đói kém của trẻ em ở châu Phi.

Với chúng, cái ngon chỉ là đĩa lòng lợn quê với chai rượu cồn 45 độ mà cha chúng vẫn uống sáng sáng. Cái sang chỉ là ống điếu cày cáu bẩn ngàn năm không rửa của bác thợ cày nhà bên. Cái đẹp chỉ là gốc tre đầu làng mà mỗi buổi trưa chúng cột trâu vào đó rồi ngồi hóng mát.

Trong khi đó, biết bao trai trẻ thành thị đáng mến vẫn dậy sớm lúc 5 giờ sáng, bắt 3 chuyến xe bus, đứng rã hai cẳng chân mới lên được đến giảng đường Thủ Đức cho đúng giờ. Chẳng cần quan tâm đến những kỳ thị đáng thương của đám bạn trai cùng lớp, cứ cuối học kỳ chúng lại nhận học bổng theo thói quen. Mỗi cuối tuần đám trai thành phố ấy lại cất cặp sách để đi phụ bàn, đi dạy thêm kiếm tiền; khỏi phải phụ thuộc vào cái két sắt ken chặt giấy bạc và vàng SJC của cha mẹ. Chúng năng động và đẹp đẽ và hầu như chẳng bao giờ than thở.

Đám trai quê khác hẳn với sự năng động ấy, đám trai quê tuổi 20 mau mệt lắm. Ngày đầu đi phụ bàn, tối về vừa xuýt xoa mệt mỏi, vừa chửi lão chủ quán ăn hách dịch. Có đôi khi bị lão chủ chửi quá, đám trai quê lại về phòng trọ rưng rưng nước mắt, nuôi ấm ức trong lòng: “Rồi mai tao thắng số đề, có tiền rồi tao sẽ quay lại quán của mày, báo thù một cách thật là hoành tráng”.

Đám trai quê ấy quên mất rằng chẳng ai chọn chỗ để mà sinh ra. Bằng một cách nào đó vô trách nhiệm nhất, chúng đã không tự rèn cho mình kỹ năng chấp nhận số phận; mà ở đời, chỉ có chấp nhận xuất phát điểm thì mới có thể đặt ra được mục tiêu chính xác, vừa tầm. Đám trai quê ngược đãi người thành phố, chúng cho rằng mọi thứ họ đạt được đều dễ dàng vì họ có xuất phát điểm tốt hơn.

Đám trai quê ấy quên mất rằng chẳng ai chọn chỗ để mà sinh ra. Bằng một cách nào đó vô trách nhiệm nhất, chúng đã không tự rèn cho mình kỹ năng chấp nhận số phận; mà ở đời, chỉ có chấp nhận xuất phát điểm thì mới có thể đặt ra được mục tiêu chính xác, vừa tầm. Đám trai quê ngược đãi người thành phố, chúng cho rằng mọi thứ họ đạt được đều dễ dàng vì họ có xuất phát điểm tốt hơn.

Thật may đó không phải là tất cả. Vẫn có những thằng trai quê đạp xe trên xa lộ, nhìn lên những căn hộ chung cư cao cấp ở quận 2 để nhủ lòng rằng mình còn phải cố gắng nhiều. Thật may những suất cơm nhiều cơm thêm của cô chủ quán ở làng đại học vẫn nuôi lớn ý chí của những người đàn ông chứ không chỉ nuôi cái bụng đói của những thằng trẻ trâu lớn tuổi.

Thật may vẫn có những trai quê biết rằng nghèo không phải là sự nhục, để cho mình nghèo mới là cái nhục thôi.

Nguồn: Chuẩn Men